Sidebar

Thứ Ba
21.05.2024

Chúa là Chúa của kẻ sống

Thứ Tư trong tuần thứ Chín Mùa Quanh Năm

2 Tm 1:1-3,6-12; Tv 123:1-2,2; Mc 12:18-27

CHÚA LÀ CHÚA CỦA KẺ SỐNG

Trang Tin Mừng hôm nay trích đoạn trong chương 12, từ câu 18-27 của Thánh sử Maccô. Đây là một cuộc tranh luận quan trọng giữa Chúa Giêsu và phái Xađốc, một giáo phái phủ nhận đời sống mai hậu, đời sống vĩnh cửu. Phái Xađốc, về mặt chính trị, họ theo bọn xâm lược, còn về mặt tôn giáo họ rất bảo thủ. Lề luật của họ chỉ theo 5 cuốn sách mà chúng ta gọi là Ngũ thư. Họ phủ nhận mọi giáo thuyết của các nhà hiền triết và các ngôn sứ giảng dạy. Điển hình là việc kẻ chết sẽ sống lại trong ngày sau hết.

Và rồi ta bắt gặp một nhóm người rất khó đón nhận niềm tin phục sinh, đó là nhóm Xađốc. Có lẽ, không phải họ không tin nhưng chưa dám tin vào niềm xác tín ấy của Đức Giêsu. Bởi lẽ, những người nhóm này đa phần thuộc giới tư tế, nên họ rất rành rẻ về phụng tự và giáo lý của Thiên Chúa. Cũng như những người Do thái khác, họ tin rằng các tổ phụ như Ábaham, Isaác, Giacob không chết nhưng đang sống bên cạnh Thiên Chúa. Tuy nhiên, họ nhận thấy lòng tin vào sự sống lại tạo nên những hoàn cảnh phức tạp khó gỡ ở bên kia thế giới, và do đó, đối với họ sự sống lại trở nên là một điều phi lý, khó chấp nhận.

Ở câu 18, thánh sử giới thiệu về các nhân vật. Đó là nhóm Xađốc và Chúa Giêsu. Thánh sử cũng nói về quan điểm và niềm tin của nhóm này: không tin có sự sống lại. Chúng ta cũng theo dõi cuộc tranh luận gay go này trong câu tiếp theo. Phái Xađốc mở đầu bằng một vấn nạn mà trong luật Môsê cho phép : khi người chồng chết, nếu vợ của anh ta vẫn chưa có con trai, thì người anh hoặc em trai của người chết đó phải cưới bà này để nối dõi tông đường (Dnl 25, 5-10).

Luật này khá phổ biến trong thời bấy giờ nhằm đáp ứng nhu cầu duy trì nòi giống và đảm bảo việc thụ hưởng tài sản kế thừa: “Nếu anh hay em của người nào chết đi, để lại vợ mà không để lại con, thì người ấy phải lấy nàng, để sinh con nối dòng cho anh hay em mình” (c.19). Kế đó, họ giả thử một trường hợp nhà có 7 anh em trai, lần lượt cưới người vợ của người đi trước, rồi tất cả đều chết mà không có mụn con nào và sau đó người phụ nữ ấy cũng chết, thì ở đời sau, bà ta sẽ là vợ của người nào, vì cả 7 anh em đều lấy nàng làm vợ” (c.20-23). Một vấn nạn hy hữu được đặt ra từ cửa miệng của các Xađốc với mục đích bôi nhọ và nhạo báng niềm tin vào cuộc sông mai sau của nhóm biệt phái và của Chúa Giêsu.

Trước tình huống này chúng ta thấy giáo thuyết về sự sống lại như lâm vào ngõ cụt. Chúng ta hãy xem Chúa Giêsu giải thích vấn nạn này thế nào:

“Chúa Giêsu nói: Chẳng phải vì không biết Kinh Thánh và quyền năng Thiên Chúa mà các ông lầm sao?” (c.24). Chúa Giêsu cho họ thấy niềm tin của họ vào Kinh Thánh và quyền năng Thiên Chúa chỉ là hình thức, ngoài môi miệng. Vì nếu họ đọc Kinh Thánh, hẳn họ đã thấy các tổ phụ, cha ông họ tin vào sự sống lại. Ở đây, chính họ xem nhẹ quyền năng Thiên Chúa. Thiên Chúa có quyền năng tạo dựng muôn vật, muôn loài từ hư không, bằng chính Lời của Ngài. Vậy bây giờ, Ngài lại không đủ quyền phép để cho con người có cuộc sống vĩnh cửu hay sao? Đến câu 25, chúng ta thấy Chúa Giêsu khẳng định con người từ cõi chết sống lại sẽ bước vào một đời sống mới, đời sống tinh thần chứ không dựng vợ gả chồng như họ đã sống trong cuộc sống trần gian tạm bợ này. Sự liên kết theo xác thịt không có ở nơi cuộc sống mai sau nữa. Cách thế tồn tại của con người đã được biến thể.

Chúa Giêsu còn dẫn chứng Kinh Thánh qua Sách Xuất hành là cuốn sách mà họ công nhận. Trong chương 3 có nói về bụi gai bốc cháy, nơi Thiên Chúa gặp gỡ Môsê. … để khẳng định niềm tin sai lệch của họ. Thiên Chúa phán với Môsê: “Ta là Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaác, Thiên Chúa của Giacob”. Theo truyền thống xa xưa, các tổ phụ là những người đối thoại với Thiên Chúa trong khoảnh khắc, khi đó họ bước vào đời sống thân mật với Thiên Chúa. Chúa Giêsu khẳng định: Người là Thiên Chủa của kẻ sống, chứ không của kẻ chết (c.27) và Ngài đúc kết bằng một lời cứng cõi, đanh thép: Các ông lầm to!

Với Chúa Giêsu thì không gì là không thể. Ngài đã cho họ thấy sự sống đời sau không giống như sự sống đời này, mà là tình trạng hạnh phúc tuyệt đối vì được ở bên Chúa. Mà Thiên Chúa hằng hữu đời đời. Vì vậy đối với Thiên Chúa không có cái chết, chỉ có sự biến đổi từ trạng thái này qua trạng thái khác. Nếu chúng ta sống tốt lành ở cuộc đời này thì sau sự biến đổi của cái chết, chúng ta cũng sẽ tiếp tục hạnh phúc ở đời sau. Vì thế chúng ta không được trốn tránh sự sống đời này.

Chúa Giêsu đã dùng thêm một ví dụ khác trong Cựu ước, có liên quan mật thiết đến niềm tin của họ. Đó là, hình ảnh về Môsê khi diện đối diện với Thiên Chúa, qua bụi gai đang cháy. Ngài đã nói cho Môsê biết Ngài là Thiên Chúa, là Thiên Chúa hằng hữu, Thiên Chúa của các tổ phụ Abraham, Isaác, Giacob, Thiên Chúa của cha ông họ. Theo niềm tin của người Do thái, các tổ phụ của họ không hề chết, các ngài đang sống bên Thiên Chúa. Chính lẽ đó, họ luôn tin Thiên Chúa luôn đồng hành với họ, Thiên Chúa của kẻ sống chứ không phải thiên chúa của kẻ chết là vậy. Đến đây, thì họ đã rõ, sự sống lại là hoàn toàn có thể tin được, vì sự sống với Thiên Chúa của cha ông họ, của chính bản thân họ, họ cảm nhận cách rất rõ ràng và sống động.

Văn hóa Việt Nam, vẫn luôn tin Trời bằng chứng là đa số các gia đình lương dân có “bàn thờ Thiên” đặt trước nhà; họ tin có ông Trời, tin có Thiên Chúa ấy chứ. Cũng vậy, hầu hết mọi gia đình Việt đều có bàn thờ gia tiên, nơi tỏ lòng hiếu thảo với tổ tiên, ông bà, cha mẹ mình. Họ vẫn cúng quải, đốt nhang để nói chuyện thì thầm với tổ tiên họ, nhờ tổ tiên hộ phù cho gia tộc, cho gia đình. Như vậy, rõ ràng đối với họ, chết đâu phải là hết, còn một thế giới bên kia của sự chết nữa, nhưng họ chưa biết gọi đó là thế giới gì.

Thật vậy, với niềm tin của người Công Giáo xác tín cách mạnh mẽ vào thế giới của Thiên Chúa, nơi mà khi con người chết đi được trở về với Đấng mà nhờ đó họ được tạo thành. Sau cái chết thể lý, không phải là dấu chấm hết, nhưng là một gạch nối để bước đến, chạm vào, thông phần vào sự vĩnh hằng của Thiên Chúa, nơi mà con người không còn bạn tâm về cơm – áo – gạo – tiền, không còn bận tâm về sự thù hận và đau khổ.

Qua sự kiện này Chúa Giêsu cho ta thấy  thể thức của sự sống lại, thì các định luật cũ của sự sống thể xác không còn giá trị nữa, nhưng giống như Thiên thần. Điểm đến Ngài trưng dẫn trong Sách Xuất Hành; Thiên Chúa đã cho Môsê biết: “Ta là Thiên Chúa của cha ngươi, Thiên Chúa của Ábraham, Thiên Chúa của Isaác, Thiên Chúa của Giacóp.” (Xh 3,6) Nếu Chúa là Thiên Chúa của các Tổ phụ ấy, điều ấy có nghĩa là các vị ấy vẫn sống, vì Thiên Chúa là Đấng Hằng sống. Thiên Chúa của kẻ sống.

Thiên Chúa không phải của kẻ chết, nhưng là của kẻ sống: Chúa Giêsu nói họ không hiểu Kinh Thánh đúng đắn, vì Kinh Thánh đã nói về sự sống lại rồi. Khi Thiên Chúa hứa với Abraham sẽ ban cho ông một dòng dõi và đất làm gia sản. Ngài hứa cho Abraham, chứ không phải chỉ cho dòng dõi của ông. Abraham phải sống để nhìn thấy dòng dõi và hưởng đất làm gia sản; nếu không, ông làm sao biết lời hứa của Thiên Chúa được thực hiện. Lý luận tương tự như thế cho những lời Thiên Chúa hứa với Isaac, Jacob, và vua David.

Là Kitô hữu, ta phải tin có sự sống lại của mình; để biết sống thế nào cho xứng đáng trước mặt Thiên Chúa và tha nhân. Trong niềm tin, ta không có sự tan biến vào hư không, nhưng sẽ nhận lãnh những gì đã sống; để sống và đặc biệt sẽ sống lại trong ngày sau hết để hưởng Nhan Thánh Chúa.

 

 

 

 

611    02-06-2018