Sidebar

Thứ Sáu
15.11.2024

Chúa Nhật Lễ Thánh Gia Thất - B: Gặp gỡ của các thế hệ











PHÚC ÂM Lc 2, 22 – 40
holy-family12

PHÚC ÂM Lc 2, 22 – 40

Khi đã đủ thời gian, đến ngày các ngài phải được thanh tẩy theo luật Mô-sê, bà Ma-ri-a và ông Giu-se đem con lên Giê-ru-sa-lem, để tiến dâng cho Chúa, như đã chép trong Luật Chúa rằng: “Mọi con trai đầu lòng phải được thánh hiến, dành riêng cho Chúa”. Ông bà cũng lên để dâng của lễ theo Luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non. Hồi ấy ở Giê-ru-sa-lem, có một người tên là Si-mê-ôn. Ông là người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Ít-ra-en, và Thánh Thần hằng ngự trên ông. Ông đã được Thánh Thần linh báo là ông sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Đấng Ki-tô của Đức Chúa. Được Thần Khí thúc đẩy, ông lên Đền Thờ. Vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giê-su đem con tới để làm điều người ta quen làm theo luật dạy, thì ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa rằng:

“Muôn lạy Chúa, giờ đây
theo lời Ngài đã hứa,
xin để tôi tớ này được an bình ra đi.
Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ

Chúa đã dành sẵn cho muôn dân :
Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại,
là vinh quang của Ít-ra-en Dân Ngài.”

 Cha và mẹ Hài Nhi ngạc nhiên vì những điều người ta nói về Người. Ông Si-mê-ôn chúc phúc cho hai ông bà, và nói với bà Ma-ri-a, mẹ của Hài Nhi: “Cháu bé này được đặt làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu bị người đời chống báng. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà. Như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra.”

Lại cũng có một nữ ngôn sứ là bà An-na, con ông Pơ-nu-ên, thuộc chi tộc A-se. Bà đã nhiều tuổi lắm. Từ khi xuất giá, bà đã sống với chồng được bảy năm, rồi ở goá, đến nay đã tám mươi tư tuổi. Bà không rời bỏ Đền Thờ, những ăn chay cầu nguyện, đêm ngày thờ phượng Thiên Chúa. Cũng vào lúc ấy, bà tiến lại gần, cảm tạ Thiên Chúa, và nói về Hài Nhi cho hết thảy những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giê-ru-sa-lem.

Khi hai ông bà đã hoàn tất mọi việc như Luật Chúa truyền, thì trở về thành của mình là Na-da-rét, miền Ga-li-lê. Còn Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa.

SUY NIỆM

GẶP GỠ CỦA CÁC THẾ HỆ

“Chim hải âu dạy chúng ta bay tự do, bay một mình; và cuối cùng, sẽ chết vì sự ghen ghét của đồng loại. Ngỗng trời dạy chúng ta bay theo gia đình!” - Richard Bach.

Kính thưa Anh Chị em,

Ý tưởng của Richard Bach được gặp lại qua Tin Mừng Chúa Nhật lễ Thánh Gia hôm nay; ở đó, một cuộc ‘gặp gỡ của các thế hệ’ xảy ra. Giuse - Maria cùng đứa con của họ và Simêon và Anna. Ba thế hệ tác động và hỗ tương nhau.

Trong gia đình, kể cả gia đình Hội Thánh, gia đình thế giới, liên hệ của các thế hệ đều vô cùng quan trọng. Chúng ta có nhiều thứ để nhận và cho nhau; đặc biệt, khi nói đến đời sống đức tin. Giuse - Maria đã học được từ Simêon - Anna rằng, con của họ là ánh sáng của Thiên Chúa chiếu soi mọi người.

Tất cả chúng ta đều được soi sáng bởi Hài Nhi Giêsu, và được kêu gọi mang ánh sáng tình yêu và hoà bình của Ngài cho nhau, cho gia đình, cho cộng đồng mình ở bất cứ nơi nào chúng ta hiện diện, dù trẻ hay già, nam hay nữ. Gia đình được mô tả là Hội Thánh tại gia; vì thế, trên hết, chính trong từng gia đình, Thiên Chúa muốn gặp gỡ mỗi người, chạm vào cuộc sống mỗi người. Dẫu không có gia đình nào của chúng ta là thánh thiện hoặc hoàn toàn yêu thương; tuy nhiên, Chúa luôn hiện diện ở đó, hỗ trợ chúng ta trong cuộc đấu tranh hàng ngày để sống một cuộc sống tốt đẹp và yêu thương.

Cuộc sống gia đình là nơi cho phép sự ‘gặp gỡ của các thế hệ’, các thế hệ gắn kết với nhau theo những cách thức mang lại lợi ích sâu sắc cho mọi người. Với những người già, Đức Phanxicô nói, “Các thế hệ mới mong đợi nơi chúng ta một lời ngôn sứ, mở ra những cánh cửa cho những ‘quan điểm mới’ của thế giới từ bên ngoài; một thế giới vô tâm của tham nhũng, của những thứ đồi bại. Ý nghĩa là thế này: người già trở nên một ngôn sứ về sự thối nát, nói với những người trẻ rằng, ‘Dừng lại, tôi đã đi theo con đường này và nó không dẫn đến đâu! Tôi sẽ kể cho bạn nghe kinh nghiệm đau đớn của tôi!’”.

Ngài nói, “Cầu nối giữa người trẻ và người già sẽ là sự chuyển giao bao khôn ngoan nhân loại. Chúng ta bị cám dỗ xua đuổi tuổi già bằng cách che giấu các nếp nhăn và giả bộ luôn trẻ trung. Dường như chúng ta không thể làm gì hơn ngoài việc sống trong tình trạng vỡ mộng, cam chịu vì không còn ‘trổ sinh hoa trái!’”. Tuy nhiên, “Tuổi già là thời điểm hoàn hảo để làm chứng cho đức tin, nhất là cho các thế hệ trẻ”. “Tuổi già làm chứng cho con cháu rằng, chúng là phúc lành, bao gồm cả tốt đẹp lẫn khó khăn trong mầu nhiệm về đích đến của cuộc đời mà chẳng gì có thể tiêu diệt được, kể cả cái chết”.

Anh Chị em,

Đức Phanxicô kết luận, “Hiện nay, một nền văn hoá vụ lợi khăng khăng coi người già như một gánh nặng. Nền văn hoá này nghĩ rằng, người già không những không sản xuất mà còn là một “phiền toái!”. Kết quả của lối suy nghĩ đó là gì? Người già bị loại bỏ. Thật tồi tệ khi chứng kiến cảnh người già bị bỏ rơi, đó là một điều xấu xa, một tội lỗi! Không ai dám nói công khai nhưng người ta đã làm điều đó. Thói quen của văn hoá vứt bỏ thật thấp hèn. Chúng ta quen với việc loại bỏ con người, chúng ta muốn xoá bỏ nỗi sợ hãi ngày càng tăng về sự yếu đuối và dễ bị tổn thương; nhưng khi hành động như vậy, chúng ta làm tăng thêm nơi người già nỗi lo lắng vì bị đối xử tệ bạc và bị bỏ rơi”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con bay một mình; dạy con biết chấp cánh cùng ‘gia đình’ và trong ‘gia đình’. Ở đó, cuộc ‘gặp gỡ của các thế hệ’ sẽ nâng đỡ con!”, Amen.

Tác giả: Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

238    31-12-2023