PHÚC ÂM Mc 8, 27 - 35
Khi ấy, Đức Giê-su và các môn đệ rời Bết-xai-đa để đi tới các làng xã vùng Xê-da-rê Phi-líp-phê. Dọc đường, Người hỏi các môn đệ: “Người ta nói Thầy là ai?” Các ông đáp: “Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó.” Người lại hỏi các ông: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Phê-rô trả lời: “Thầy là Đấng Ki-tô.” Đức Giê-su liền cấm ngặt các ông không được nói với ai về Người.
Rồi Người bắt đầu dạy cho các ông biết: Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sẽ sống lại. Người nói rõ điều đó, không úp mở. Ông Phê-rô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người. Nhưng khi Đức Giê-su quay lại, nhìn thấy các môn đệ, Người trách ông Phê-rô: “Xa-tan! lui lại đàng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.”
Rồi Đức Giê-su gọi đám đông cùng với các môn đệ lại. Người nói với họ rằng: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.”
SUY NIỆM
TỪ MỘT GÓC ĐỘ THẦN THÁNH
“Satan, lui lại đàng sau Thầy!”.
“Khi nói, ‘Ai muốn theo tôi, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo tôi’; khác nào Chúa Giêsu nói, ‘Hãy đến, mang theo chiếc ghế điện của con! Lên phòng hơi ngạt nhé!’. Ngài không nghĩ đến một thánh giá bằng vàng trên cổ duyên dáng của một bé gái hay một thánh giá ngạo nghễ trên đỉnh nhà thờ, nhưng Ngài nghĩ đến một nơi hành hình! Tuy nhiên, Ngài nhìn nó từ một góc độ thần thánh!” - Billy Graham.
Kính thưa Anh Chị em,
Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay kể lại cuộc vật lộn của Phêrô trước cuộc tử nạn của Thầy, điều ông vừa được tiết lộ. Ông “can trách” Ngài, Ngài “quở trách” ông, “Satan, lui lại đàng sau Thầy!”. Vì không như Thầy, Phêrô không nhìn thập giá ‘từ một góc độ thần thánh!’.
Yêu mến Chúa Giêsu, Phêrô vừa sợ hãi, vừa lo lắng cho Thầy; ông hoang mang và cố nói lên một điều gì đó ‘cho có ý nghĩa’. Nỗ lực của Phêrô có chủ đích tốt nhưng hoàn toàn trệch hướng! Hậu quả là ông nhận lấy một lời khiển trách khá tệ; Chúa Giêsu đi xa đến mức gọi ông là “Satan!”. Đúng, kế hoạch của Phêrô là kế hoạch của Satan, kẻ đã đề nghị Ngài đi con đường riêng của nó; con đường không khổ đau, không sỉ nhục. Để hiểu được điều này, chúng ta phải tin chắc, ‘lời mắng’ của Chúa Giêsu là những lời xót thương; nơi Ngài, không có một khả năng nào khác ngoài khả năng yêu thương! Nhưng đâu là ‘yêu thương’, đâu là ‘thánh khiết’ trong những lời ‘sửa dạy’ mạnh mẽ này?
Chìa khoá nằm ở vế thứ hai, “Tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người!”. Nói lên điều ấy, Chúa Giêsu tiết lộ cho các môn đệ một bí ẩn sâu xa về sứ mạng của Ngài - chu toàn ý Chúa Cha - một sứ mạng chấp nhận bắt bớ, tủi nhục và chết đi. Ngài có ý mặc khải ‘một điều lành lớn hơn’ đến sau và sẽ không để những khổ đau ‘đông giá’ này xảy ra nếu sau đó không tiềm ẩn một ‘xuân rỡ ràng’ đang rình chờ. Ngài thách đố họ để họ có thể nhìn những tình huống bi thương này ‘từ một góc độ thần thánh’. Nói khác đi, họ phải nhìn những khổ đau này từ quan điểm của Chúa Cha, đừng nhìn nó dưới cái nhìn của nhân loại. Rõ ràng, Phêrô chưa vượt được cái nhìn thế tục của mình. Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu phải trực tiếp thách thức ông!
Anh Chị em,
“Lui lại đàng sau Thầy!”. Chúa Giêsu quở Phêrô vì ông không hiểu rằng, sứ mệnh của Ngài không được hoàn thành trên những quan lộ thênh thang dẫn đến thành công, mà trên con đường khổ nạn của Người Tôi Tớ Đau Khổ - bài đọc một. Điều này cũng có thể xảy ra với chúng ta khiến chúng ta phản đối và nổi loạn. Có thể chúng ta không theo phe Thiên Chúa, mà theo phe Satan, phe loài người. Tuyên xưng đức tin vào Chúa Kitô không thể dừng lại ở lời nói, nhưng đòi hỏi phải được xác thực bằng những lựa chọn và cử chỉ thực tế, bằng một cuộc sống được đặc trưng bởi tình yêu của Chúa Cha; nó đòi hỏi một cuộc sống vĩ đại, tràn đầy tình yêu đối với tha nhân - bài đọc hai. Để theo Chúa Kitô, trở nên môn đệ của Ngài, chúng ta phải từ bỏ chính mình, từ bỏ những đòi hỏi của lòng kiêu hãnh, ích kỷ; vác lấy thập giá mình và nhìn nó từ một góc độ cứu rỗi.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, cho con thấy Chúa hoạt động trong mọi sự, cả giữa những đau khổ của con. Xin biến nỗi đau của con thành nỗi đau của Chúa, để nó cũng có thể cứu độ!”, Amen.
Tác giả: Lm. Minh Anh, Tgp. Huế
44 15-09-2024