Sidebar

Thứ Sáu
04.10.2024

Chúa và bạo lực

 

Chúa là phi bạo lực. Chúa không kê đơn bạo lực để giải quyết vấn đề. Không bao giờ được hợp lý hóa bạo lực nhân danh Chúa. Điều này rõ ràng trong mạc khải Ki-tô.

Nhưng ngay lập tức câu hỏi dấy lên: Vậy bạo lực trong Thánh kinh gán cho Chúa hay lệnh trực tiếp của Chúa?

Trong cơn tức giận, không phải Chúa đã xóa sạch toàn bộ loài người, chỉ cứu sống Nô-ê và gia đình ông hay sao? Chẳng phải Chúa đã yêu cầu Ap-ram giết I-sa-ac trên bàn hiến tế hay sao? Chẳng phải các nhà thông thái đã phải thuyết phục Chúa đừng phá hủy It-ra-en vì Chúa đang giận dữ hay sao? Chẳng phải Chúa đã ra lệnh It-ra-en giết người và vật (nam, nữ, trẻ con, và kể cả súc vật) trước khi cho họ đến Miền Đất Hứa hay sao? Chẳng phải là Luật Mosaic, được cho là của Chúa, quy định ném đá phụ nữ ngoại tình cho đến chết hay sao? Chẳng phải Giê-su đã đá tung mấy cái bàn của những người đổi tiền vì tức giận hay sao? Còn những cuộc chiến tranh và xử tử đã được thực hiện nhân danh Chúa suốt hàng thế kỷ qua thì sao? Những người Hồi giáo cực đoan ngày nay, giết hại hàng ngàn người nhân danh Chúa thì sao? Dường như Chúa đã kê đơn và chấp thuận cho nhiều bạo lực và giết chóc từ thời cổ xưa cho tới ngày nay. Làm thế nào chúng ta giải thích được tất cả chuyện bạo lực gán cho Chúa này?

Cần phải ghi nhớ hai điều sau đây:

Thứ nhất: Khi Thánh kinh nói về việc Chúa bị xúc phạm, nổi giận, muốn trả thù các kẻ thù của mình, hoặc yêu cầu chúng ta giết ai đó nhân danh Chúa, là Thánh kinh đang nói theo ngôn ngữ nhân cách hóa, nghĩa là, đang dùng chính suy nghĩ, cảm xúc và cách phản ứng của chúng ta và phóng chiếu chúng vào Chúa. Chúng ta nổi giận, còn Chúa thì không. Tim chúng ta mong muốn trả thù, trái tim Chúa thì không. Chúng ta đòi những kẻ giết người phải bị xử tử, Chúa thì không. Thánh kinh chứa rất nhiều các dạng nhân cách hóa như vậy, vốn sẽ tạo thành một thuyết thần học tệ hại và nguy hiểm nếu đọc và hiểu một cách máy móc dựa vào ngôn từ. Nếu đọc Thánh kinh một cách máy móc dựa vào ngôn từ thì chúng ta biến Chúa thành vị thần của bộ lạc, tranh chấp với các vị thần khác.

Khi Thánh kinh nói chúng ta trực nghiệm sự phẫn nộ của Chúa khi phạm tội, thì Thánh kinh không muốn chúng ta tin rằng Chúa thật sự nổi giận và trừng phạt chúng ta. Không cần phải vậy. Hình phạt thật ra đã phôi thai và cố hữu ngay trong bản thân tội lỗi. Khi chúng ta phạm tội, thì chính những hành động của chúng ta đã trừng phạt chúng ta (cũng giống như lạm dụng rượu sẽ làm não bộ mất nước và việc mất nước đó gây ra cơn đau đầu). Có thể chúng ta cảm thấy như thể hình phạt đó đang đến từ Chúa, từ cơn giận của Chúa, từ sự phẫn nộ của Chúa, nhưng chính là chúng ta đang trực nhận cơn phẫn nộ của tự nhiên và của chính chúng ta. Chúa không hề cần phải trừng phạt tội lỗi một cách từ bên ngoài vào như vậy bởi vì tội lỗi đã trừng phạt chính nó. Tự nhiên được kiến tạo như vậy. Có luật nghiệp quả. Tội lỗi chính là hình phạt của chính nó.

Nhưng ở cấp độ cảm xúc, điều này được coi như thể Chúa đang trừng phạt chúng ta. Tuy vậy, như Chúa Giê-su thể hiện trong việc tha thứ chính những người giết mình và tha thứ cho tất cả những ai đã phản bội người, Chúa tha thứ tội lỗi. Chúa không hề cần phải trả thù hay cần phải thực hiện kiểu công lý xẻo một ký thịt để trả giá cho một ký tội lỗi. Tự nhiên đã làm điều đó. Thực sự, xét cách hiểu đúng đắn về bản chất của Chúa và sự siêu việt, sẽ quá kiêu ngạo về phần chúng ta nếu nghĩ rằng chúng ta có thể “xúc phạm” Chúa.

Thứ hai, điều còn quan trọng hơn là các lời kinh nào gán bạo lực cho Chúa cũng mang khuôn mẫu phổ biến, chúng là lời văn dạy cho chúng ta những điều về các giai điệu sâu thẳm của trái tim con người chứ không nhằm để hiểu một cách máy móc dựa vào từ ngữ. Nếu chỉ dựa vào từ ngữ, thì những lời văn này thường chính là phản đề của sự mặc khải của Chúa.

Thế nhưng chúng ta làm gì đây với những lời văn trong Knh thánh nói rằng Chúa kê đơn bạo lực? Chẳng hạn, làm thế nào chúng ta có thể diễn giải việc Chúa ra lệnh cho It-ra-en giết tất cả người Ca-na-an khi bước vào Miền Đất Hứa?

Trong các câu chuyện khuôn mẫu, việc giết chóc mang tính ẩn dụ chứ không theo nghĩa đen. Đó là về cái chết trong tim. Lệnh của Chúa phải giết tất cả cư dân vùng Ca-na-an đơn giản chỉ là một phép ẩn dụ mạnh cho điều mà Chúa Giê-su đề cập tới khi Người nói rằng anh phải cho thứ rượu mới vào túi da mới để chất rượu mới này không làm nổ tung thứ da cũ.

Bất cứ ai từng trải qua chương trình cai nghiện 12 bước đều hiểu ý nghĩa của việc phải giết tất cả người Ca-na-an. Để đi vào vùng đất hứa của tỉnh táo và trụ được trong đó, một điều gì đó khó khăn và mạnh bạo cần phải xảy ra, một điều không thể xảy ra qua những biện pháp nửa vời: Để đi vào vùng đất hứa của tỉnh táo, anh phải trừ khử hết (“giết”) toàn bộ tủ rượu của anh, tất thảy “những người Ca-na-an”: tất cả bia, rượu uyt-ki Scốt-len, rượu ngô, rượu rum, vốt-ca, rượu nho, cô-nhắc, rượu bran-đi, phải đổ hết cho tới giọt rượu cuối cùng. Nếu anh cho phép bản thân uống dù chỉ một lần thì rốt cuộc anh sẽ mất đi tỉnh táo.

Hầu như mọi lời văn nào trong Kinh thánh gán bạo lực cho Chúa hay đặt vào miệng Chúa lệnh thực hành bạo lực đều phải được đọc theo cùng một cách: Bạo lực và giết chóc đó mang tính ẩn dụ, thậm chí cả khi lời văn đó đang yêu cầu trái tim làm một điều gì đó không thể nào là biện pháp nửa vời.

Walter Brueggemann từng nhận xét rằng “Chúa đang hồi phục từ tất cả các bạo lực đã gán cho Người và được thực hiện nhân danh Người.” Đã đến lúc Giáo hội bắt đầu một quy trình hồi phục như vậy.

J.B. Thái Hòa dịch

698    04-12-2017