Sidebar

Thứ Ba
23.04.2024

Chuẩn bị đúng cách để đón nhận sự chữa lành thiêng liêng

mateuscamposfelipektnuss256lqunsplash660x3501
"Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả
." (Mc 7,37)

Đây là lời của những người đã chứng kiến ​​việc chữa lành kỳ diệu của Chúa Giêsu cho người câm điếc trong Mc 7,31-37. Họ nói lên điều này bởi vì họ nhận ra hai điều về việc chữa lành thiêng liêng từ sự kiện trên.

Thứ nhất, Chúa Giêsu muốn mang đến một sự chữa lành hoàn toàn và triệt để cho mọi người, kể cả những người xa lạ. Người không đơn giản đặt tay trên anh ta như người ta đã yêu cầu Người làm. Người đi vào một trình tự tỉ mỉ để cho thấy rằng Người đang theo đuổi việc phục hồi anh ấy theo hướng toàn vẹn.

Thứ hai, mọi điều về Chúa Giêsu Kitô là chữa lành và dẫn đến sự chữa lành. Con người, sự tiếp xúc, cái nhìn, nước miếng, lời nói, tiếng rên rỉ, sự hiện diện của Người,... tất cả đều phát huy sức mạnh chữa lành, “Người kéo riêng anh ta raNgười đặt ngón tay vào lỗ tai anh… Người chạm vào lưỡi anh… Người ngước mắt lên trời … Người rên rỉNgười nói.”

Nếu Đức Kitô mong muốn chữa lành tất cả chúng ta hoàn toàn và triệt để, và nếu mọi thứ về Người đều có quyền năng chữa lành, thì tại sao chúng ta không trải nghiệm về sự chữa lành của Người trong cuộc sống của chúng ta hôm nay? Tại sao chúng ta vẫn gặp phải những bệnh tật về thể chất, tình cảm, tinh thần ngay cả khi là môn đ của Chúa Giêsu Kitô?

Một lý do có thể khiến chúng ta không cảm nghiệm được quyền năng chữa lành này của Đức Kitô trong cuộc sống của mình là chúng ta không được chuẩn bị đúng cách để đón nhận sự chữa lành của Người. Chúng ta không đặt mình vào một vị trí để trải nghiệmđáp lại sự chữa lành này. Đây là một lý do khiêm tốn và trung thực cho việc chúng ta thiếu đi sự chữa lành thiêng liêng.

Chúng ta thiếu sự chuẩn bị đúng đắn để đón nhận và đáp lại sự chữa lành của Thiên Chúa theo năm cách cụ thể.

Thứ nhất, chúng ta thiếu sự cầu nguyện thích hợp. Chúng ta được cho biết rằng đám đông “ đã cầu xin Chúa Giêsu đặt tay trên anh.” Chúng ta nghiệm ra được sự chữa lành từ việc cầu nguyện liên tục và kiên trì của mình. Chúng ta nên tiếp tục cầu nguyện để được chữa lành ngay cả khi chúng ta không nghiệm thấy điều đó, bởi vì sự cầu nguyện kiên trì như vậy đặt chúng ta vào vị trí đón nhận sự chữa lành mà Thiên Chúa muốn ban khi Người muốn. Thật đáng buồn làm sao khi chúng ta chỉ cầu nguyện lúc mình và người thân yêu lâm bệnh, và rồi lại bỏ việc cầu nguyện khi người bệnh đã bình phục hay khi cái chết lấy đi người thân yêu của chúng ta. Việc chữa lành xảy đến khi chúng ta thể hiện bằng sự cầu nguyện liên lỉ của mình không có sự thay thế nào khác ngoài Chúa Giêsu để được chữa lành.

Thứ hai, chúng ta thiếu tư cách của một môn đ trung tín. Chúng ta được cho biết rằng đám đông “ đã đem anh ta đến với Đức Giêsu.” Điều này có nghĩa là họ biết chính xác Chúa Giêsu đang ở đâu vào thời điểm đó. Chúng ta có thực sự biết Chúa Giêsu đang ở đâu trong cuộc đời của chúng ta bây giờ hay không? Chúng ta có nhận ra rằng Người ở với chúng ta và bên trong chúng ta hay không? Chúng ta cũng chứng tỏ rằng mình biết Chúa Giêsu đang ở đâu bằng những gương lành trong cuộc sống của chúng ta. Chúng ta mang các linh hồn đến với Chúa Giêsu để được chữa lành không chỉ bằng lời cầu nguyện của chúng ta mà còn bằng những gương sống của chúng ta. Không có gì làm giảm khả năng chữa lành của Chúa Giêsu và khiến các linh hồn xa rời sự tiếp xúc mang tính chữa lành của Người cho bằng hành vi tai tiếng của chúng ta. Chúng ta cũng phải làm chứng cho người khác về quyền năng chữa lành của Chúa Giêsu bằng những gương lành của mình.

Thứ ba, chúng ta thiếu sự tin tưởng và phó thác tuyệt đối vào Chúa Giêsu trong mọi sự. Hãy suy ngẫm về sự tin tưởng mà người câm điếc có được khi để Chúa Giêsu dẫn anh ta ra khỏi những kẻ đồng hành và đưa anh ta đến một nơi để chữa lành. Hãy tưởng tượng sự phó thác tuyệt đối mà anh ta có được khi để Chúa Giêsu đặt ngón tay vào tai mình, nhổ nước miếng và chạm vào lưỡi mình. Chúa Giêsu dường như không quan tâm nhiều đến các quy trình chăm sóc sức khỏe! Anh ta đáp lại bằng cách hoàn toàn cởi mở và tin tưởng để đón nhận bất kỳ sự chữa lành nào mà Chúa Giêsu sẽ ban cho anh ta và bất cứ phương tiện nào mà Ngài sẽ sử dụng để làm điều đó. Chúng ta cũng nên cởi mở và tin tưởng nếu muốn trải nghiệm được sự chữa lành thiêng liêng.

Chúng ta có sẵn sàng để cho Đức Kitô dẫn chúng ta ra khỏi khu vực quen thuộc thoải mái của mình để đến nơi của sự chữa lành thiêng liêng không? Chúng ta có sẵn sàng cho phép Người chạm vào bất kỳ khía cạnh nào trong cuộc sống của chúng ta nhằm mang lại sự chữa lành toàn diện và triệt để không? Phải chăng chúng ta lại cố ý tìm kiếm sự chữa lành về thể chất và tình cảm hơn trong khi bỏ qua sự chữa lành tinh thần? Chúng ta có tin cậy hoàn toàn vào Thiên Chúa để giao phó cho Người những tội lỗi và sự ích kỷ của mình qua Bí tích Hòa giải Người đã thiết lập mà lại không mạo muội đòi hỏi rằng mình có trực tiếp xưng thú được với Thiên Chúa hay không chăng? Có phải chúng ta thường đến gần Người với sự ngờ vực vào tình yêu Người dành cho chúng ta vì những tội lỗi trong quá khứ và những kinh nghiệm đau thương trong cuộc sống hay không? Làm sao Người có thể chữa lành chúng ta khi chúng ta không hoàn toàn tin cậy vào tình yêu, quyền năng và sự khôn ngoan của Người? Chúng ta không thể nào trải nghiệm được sự chữa lành nếu không có sự tin tưởng vô bờ bến vào Chúa Giêsu và sự cởi mở đối với những phương tiện nhiệm mầu mà Người dùng để chữa lành chúng ta.

Thứ tư, chúng ta thiếu sự sẵn sàng để dâng lên Thiên Chúa nhiều lời ngợi khen hơn nữa. Những người chứng kiến ​​phép lạ này đã không giữ im lặng như Chúa Giêsu yêu cầu mà còn công bố nhiều hơn nữa, “Nhưng Người càng truyền bảo họ, họ lại càng đồn ra.” Sự chữa lành của Thiên Chúa sẽ khiến chúng ta trở thành môn đtrung thành hơn của Người. Khi cầu xin sự chữa lành, chúng ta cũng phải tự hỏi mình, "Nếu Thiên Chúa chữa lành cho tôi hoặc cho (những) người thân yêu của tôi, thì làm thế nào để tôi có thể ngợi khen Người nhiều hơn nữa và làm cho Người được mọi người biết đến và yêu mến nhiều hơn nữa?" Tốt hơn chúng ta nên chuẩn bị cho sự chữa lành thiêng liêng bằng việc sẵn sàng tận hiến nhiều hơn cho Người, ngay cả khi đối mặt với bệnh tật.

Thứ năm, chúng ta thiếu sự tự nguyện mang đến sự chữa lành cho tất cả mọi người. Vì Chúa Giêsu ban sự chữa lành cho tất cả mọi người, nên sự chữa lành của chúng ta cũng phụ thuộc vào sự sẵn sàng của mình để trở nên những máng chuyển thông sự chữa lành thiêng liêng cho tất cả mọi người. Để thực sự mong đợi sự chữa lành thiêng liêng, chúng ta không được “đối xử thiên tư khi đã gắn bó với đức tin vào Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, là Chúa vinh quang.” Vì vậy, chúng ta không thể phân biệt đối xử “bằng những ý định xấu xa,” (Gc 2,1.4) rồi lại mong được bất kỳ sự chữa lành thiêng liêng nào. Ví dụ, làm thế nào chúng ta có thể mong đợi sự chữa lành thiêng liêng khi chúng ta không cảm thấy động lòng trước cảnh tàn sát khủng khiếp đối những người anh em chưa chào đời của chúng ta trong lòng của mẹ chúng? Giống như Chúa Giêsu Kitô, mọi thứ về chúng ta - suy nghĩ, lời nói, hành động - phải là nguồn chữa lành cho tất cả mọi người, không có miễn trừ hoặc điều kiện.

Anh chị em thân mến của tôi trong Đức Kitô, hiện nay chúng ta đang sống với nỗi sợ hãi lớn lao về cái chết do đại dịch Covid này. Chúng ta thương tiếc cái chết của những người thân yêu và đôi khi chúng ta cảm thấy lo sợ về tương lai. Chúng ta không bao giờ được khuất phục trước nỗi sợ hãi do bệnh tật của chúng ta và của những người thân yêu của chúng ta bởi vì Thiên Chúa luôn mong muốn chữa lành chúng ta và thông qua chúng ta, chữa lành các vùng đất, các xứ sở và các quốc gia của chúng ta. Đây là thông điệp của Thiên Chúa dành cho những kẻ bị lưu đày của Người, “Can đảm lên, đừng sợ!… Mắt người mù sẽ mở ra, tai người điếc sẽ nghe được… Nước vọt lên trong sa mạc, khe suối sẽ tuôn ra giữa vùng đất hoang vu.” (Is 35,4-6) Câu hỏi duy nhất là: Chúng ta có được chuẩn bị đúng cách để đón nhận sự chữa lành này hay không?

Cuối cùng, chúng ta phải nhớ rằng chữa lành là công việc của Thiên Chúa. Thiên Chúa chữa lành những ai mà Người muốn, theo cách mà Người muốn, và vào thời điểm mà Người muốn. Cũng như chúng ta không có quyền để được tạo thành và được sống hôm nay, thì chúng ta cũng không có quyền đối với sự chữa lành thiêng liêng. Sự chữa lành và ơn sủng của Người nâng đỡ chúng ta cho đến khi chúng ta được chữa lành, tất cả đều là quà tặng của Ngươi dành cho chúng ta. Chúng ta chỉ có thể tự mình chuẩn bị để đón nhận và đáp lại sự chữa lành và ân sủng của Người.

Bí tích Thánh Thể của chúng ta là một cuộc gặp gỡ sống động với Thiên Chúa, Đấng muốn chữa lành chúng ta. Bí tích Thánh Thể mang đến cho chúng ta hôm nay tất cả những gì Chúa Kitô có để chữa lành cho chúng ta - thần tính, lời nói, quyền năng, tiếng rên rỉ, thân xác, máu, linh hồn của Người,... Người ban cho chúng ta cả sự chữa lành và ơn nâng đỡ trong Bí tích diễm phúc này. Tất cả những gì Người yêu cầu ở chúng ta là trở nên sẵn sàng đúng cách và ở lại trong sự sẵn sàng đúng cách đó cho dù chúng ta hoặc những người thân yêu của chúng ta có được chữa lành hay không. Đây là cách mà chúng ta nhận được sự chữa lành hoàn toàn và triệt để của Người và biết chắc chắn rằng “thực sự Người làm việc gì cũng tốt đẹp cả.”

Tác giả: Lm. Nnamdi Moneme, OMV - Nguồn: catholicexchange.com (07/9/2021)
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên

393    13-09-2021