Sidebar

Thứ Bảy
20.04.2024

Chung một tấm lòng phần 2

Cách đây 10 ngày tôi có viết một bài" Chung một tấm lòng" về việc bác ái của một nhóm bạn không phân biệt tôn giáo: Đạo Chúa, Đạo Phật, thờ cúng ông bà, cùng chung tay trợ giúp những hoàn cảnh ốm đau bệnh tật tiền thuốc, thức ăn, quà vui xuân... Nay tôi xin được kể tiếp về việc làm thiện nguyện của nhóm bạn trong đó có: người lớn tuổi, tuổi trung niên và tuổi thiếu niên cùng nhau nấu cơm phân phát cho các bệnh nhân nghèo ở các bệnh viện mỗi tháng một ngày, còn ngày rằm thì đến Chùa nấu cơm phát cho các cô chú bán vé số, chạy xe ôm, mua bán ve chai, thợ hồ, bốc vác...
- Tháng một người bên Phật giáo hay có tục lệ: gieo duyên công đức, làm phúc bố thí cho người nghèo để cầu mong một năm an lành may mắn mọi sự tốt đẹp đến với gia đình và người thân, trong tháng một có rằm lớn gọi là rằm tháng giêng, các Phật tử nấu cơm phân phát cho tất cả ai có nhu cầu ăn chay không phân biệt giàu nghèo. Còn các hộ nghèo thì được cho thêm gạo và nhu yếu phẩm nhà bếp. Tôi cũng thường tham gia các nhóm thiện nguyện này, các cô chú anh chị rất hòa đồng thân thiện, thường đa số là cô chú lớn tuổi về hưu có thời gian rảnh rỗi đi hoạt động thiện nguyện, còn các em học sinh cấp 3 ngày nghỉ cuối tuần thay vì nghỉ ngơi vì cả tuần bài học nhiều áp lực, các em lại đi phụ nấu cơm thiện nguyện, thật là dễ thương, còn nhỏ mà đã biết hướng thiện, gia đình các em khéo dạy con về đạo đức, tôi ngưỡng mộ. Tôi thấy việc làm hay và ý nghĩa nên tham gia, góp chút công chút của giúp người để thấy đời thêm tươi đẹp và ý nghĩa.
- Thời gian đầu các cô, dì lớn tuổi biết tôi là người đạo Công Giáo nên ai cũng thắc mắc: ủa con là người đạo Chúa mà cũng đến Chùa làm công quả à? Cô (dì) thấy thường đạo Công giáo không ai bước chân vô Chùa? Không cho đốt nhang thờ cúng ông bà phải không con? Và không làm đám giỗ?
- Tôi cười và đáp nhỏ nhẹ: dạ dì ơi (cô ơi) khi con làm việc bác ái thì không phân biệt tôn giáo nào, khi con giúp người nghèo thì các bạn của con đạo Phật, Chúa gì cũng chung tay ủng hộ, hỗ trợ người nghèo, giờ bạn làm việc công quả ở Chùa thì con đến phụ bạn đâu có sao đâu dì (cô), đến Chùa chấp tay xá Phật để tỏ lòng tôn kính Đức Phật cũng đâu có sao. Và khi có hoàn cảnh cơ nhỡ khó khăn đến nhà thờ gặp dì phước hay linh mục xin trợ giúp, các tu sĩ cũng không phân biệt đạo Chúa hay đạo Phật, giúp gì được là giúp à các cô, dì ơi. Và đạo nào cũng hướng đến: Chân, Thiện, Mỹ, tu tâm sửa tánh. Mọi việc làm tốt đẹp thì không phân biệt tôn giáo nào ạ. Và con xin trả lời  thắc mắc thứ 2 ạ: đạo Chúa của con cũng được đốt nhang tưởng nhớ tổ tiên, ông bà, cha mẹ người đã mất, mỗi tối chúng con có đọc kinh cầu nguyện cho linh hồn đã thác, bên đạo Công giáo của con có tháng 11 cầu nguyện cho các đẳng linh hồn, có mùng 2 tết cầu cho tổ tiên ông bà, còn bên đạo Phật của cô (dì) có tháng 7 ngưu lang đó. Ngày giỗ đạo Công giáo của con không cúng, không làm tiệc nhưng có đến nhà thờ xin dâng Thánh lễ cầu nguyện cho linh hồn đã mất (bên Phật gọi là cầu siêu )Và hàng ngày nếu gia đình nào có đọc kinh hàng đêm trước khi đi ngủ thì cũng có kinh cầu nguyện cho linh hồn đã thác. Các cô và các dì nghe tôi giải thích và cùng ồ lên: đạo Chúa hay quá hé, vậy mà từ nào giờ toàn nghe đồn đạo Chúa chết không được đốt nhang không được thờ hình, và không được làm giỗ. 
- Tôi cười cười và nói  đạo Công giáo của con chỉ không cho: tin dị đoan bùa ngãi, bói toán, thờ tà thần dì ơi… hihi. Ai cũng đồng thanh nói: thôi bùa ngãi gì tào lao ai tin, tụi tui cũng không tin cô ơi. Một vài lần đầu tôi đến Chùa phụ làm công quả nấu cơm còn bị thắc mắc hỏi thăm, sau dần quen và ai cũng hòa đồng thân thiện, chắc tôi và một vài người lạ nên được quan tâm hỏi thăm vì đa số là Phật tử quen mặt của Chùa. Và tôi đã giúp giải tỏa một số thắc mắc về lời "đồn thổi" đạo Công giáo không hòa đồng khó thân thiện, không ăn đồ cúng (đám giỗ đồ cúng trên mâm dọn xuống mời không ăn). Còn những buổi nấu cơm phục vụ bệnh nhân ở các bệnh viện thì cùng góp của, góp công sức chung tay làm nên những buổi cơm ngon đầy đủ dinh dưỡng phục vụ bệnh nhân không ai thắc mắc việc chi, vì việc đó ai cũng tham gia được. Tới ngày là nhắc nhở nhau cùng đi cùng làm việc ý nghĩa và vui vẻ làm. Năm mới kính chúc cô dì chú bác và các em ở các nhóm thiện nguyện luôn dồi dào sức khỏe, mạnh khỏe bình an để làm được những việc tốt  đẹp ý nghĩa "Chung một tấm lòng" hướng thiện hòa đồng tôn giáo.
Tác giả: Maria Sơn Hà Cẩm Tú

542    16-02-2022