Sidebar

Thứ Tư
17.04.2024

Chủng Sinh là người “ở lại với Chúa”

Chủng Sinh là người “ở lại với Chúa”

Cũng vậy, đời sống chủng sinh là nền tảng cho đời sống linh mục mai sau. Người ta thường nói “chủng sinh thế nào thì linh mục thế đó”. Bước đầu ơn gọi, người chủng sinh còn ôm ấp những dự định mang tính trần thế, còn phụng phịu về tính cách. Vì thế, sự đòi hỏi nơi người chủng sinh là việc thanh luyện bản thân.

Chủng Viện là vườn ươm, thì chủng sinh là cây ươm trong vườn. Cây ươm sẽ trở thành thứ cây mạnh khỏe, đơm hoa kết trái, tỏa ngát hương và che rợp bóng mát. Như thế, Chủng viện là môi trường để người chủng sinh trau dồi các nhân đức và lãnh hội những kiến thức quý báu cho sứ vụ mai sau. Đó là thời gian mà người chủng sinh gọt đẻo những gì sần sùi, mang tính trần thế nơi con người của mình để ngày một trưởng thành và hoàn thiện hơn. Trong tiến trình đó, không gì hơn là người chủng sinh biết ở với Chúa, để được Ngài huấn luyện.

“Ở lại với Chúa”(Mc 3,14) là một cụm từ ý nghĩa và thân thương, nói đến mối tương quan của người chủng sinh với Chúa. Một mối tương quan mật thiết và sâu sắc không gì có thể chia tách được, như lời của thánh Phaolô: “không gì có thể tách được chúng ta ra khỏi tình thương của Thiên Chúa”(Rm 8, 39). Chủng sinh ở với Chúa để được Chúa huấn luyện và dạy dỗ như các Tông đồ ngày xưa. Chính Chúa đã gọi và chọn các Tông đồ của Chúa. Các Tông đồ như là “những chủng sinh khóa đầu tiên” được Chúa đào tạo. Chính Chúa đã trực tiếp huấn luyện các Tông đồ và các ngài đã trở nên người môn đệ, người bạn thân cận của Chúa Giêsu. Để đến nỗi, họ đã dám xả thân vì Ngài. Ở với Chúa, các Tông đồ biến đổi con người của mình một cách toàn diện. Từ những con người “dốt nát” trở nên những người thông thái; từ những con người nhút nhát trở nên những người can đảm; từ những con người với dự tính và đam mê sự trần thế, các ngài đã trở nên những người sống theo thần thiêng. Để rồi “khóa chủng sinh đầu tiên” được Chúa huấn luyện đó đã tiến lên chức linh mục trong ngày thứ năm Tuần Thánh. Người chủng sinh cũng vậy, thời gian học tại Chủng viện là thời gian ở với Chúa, sống với Chúa để Chúa đào tạo. Chính Chúa đã chọn và đào tạo chủng sinh để được Ngài sai đi. Trong thời gian huấn luyện, để có thể biến đổi và hiểu được Chúa, người chủng sinh cần thiết lập mối tương quan mật thiết với Chúa. Chúng ta ở với Chúa, qua những giờ cầu nguyện, gặp gỡ Chúa Giêsu Thánh Thể và cả những giờ lao động và vui chơi. Ngày xưa, Môise đã được biến đổi nhờ việc tiếp xúc với Chúa. Ông đã dành nhiều giờ để cầu nguyện với Chúa. Những lần ông lên núi gặp gỡ Chúa, mặt ông đã sáng lên. Những tri thức về Chúa và vũ trụ đã được Chúa giáo huấn cho ông. Chúa Giêsu cũng vậy, tri thức và sự hiểu biết của Ngài là nhờ sự gặp gỡ giữa Chúa Cha và Ngài trong những giờ cầu nguyện (x. Bênêđictô XVI, Đức tin Kitô giáo hôm qua và hôm nay)

“Ở với Chúa trong những giờ kinh nguyện. Khi cầu nguyện người chủng sinh mở rộng cõi lòng, tập trung tâm trí lòng lên cùng Chúa. Qua đó, chúng ta cảm nghiệm sự hiện diện đích thực của Chúa trước mặt chúng ta. Giờ cầu nguyện như là cuộc đối thoại thân mật với Chúa, như lời bài hát: “lên núi ia lên đồi, riêng con với Chúa ta ngồi mà nhìn nhau”(Hát trên đỉnh đồi của Lm Ân Đức). Để có thể nối kết tình thân mật với Chúa, người chủng sinh cần yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể. Vì Bí tích Thánh Thể là nguồn mạch, của ăn tăng thêm tình thân mật với Chúa. Khi học tập, chủng sinh ý thức mình như đang được Chúa huấn luyện, đang được Chúa giảng dạy, để trí óc đón nhận những tri thức, chân lý của Chúa. Khi chủng sinh đang lao động cũng có nghĩa là chủng sinh đang làm việc với Chúa và cả khi chơi cũng vậy. Người chủng sinh luôn để Chúa ở lại với chúng ta. Họ không ngừng ý thức Chúa đang hiện diện với mình. Từ đó, Chúa lớn lên và chiếm đoạt cả con tim khối óc của chúng ta “Chúa đã chiếm đoạt con rồi, con nay con thuộc về Chúa”. Chúa và Lời Ngài thâm nhập vào tâm hồn của chúng ta để chúng ta hành động.

Ở với Chúa là một đòi hỏi đối với người chủng sinh. Sách hướng dẫn về đạo tạo linh mục của Hội đồng Giám mục Việt nam số 256 cho rằng: “thời gian chủng viện là thời gian ở với Chúa”. Người chủng là người đang hướng đến chức linh mục trong tương lai. Một chức vụ cao cả đòi hỏi một sự thánh thiện toàn vẹn. Vì người linh mục là Chúa Kitô hiện diện (alter Christus). Cũng vậy, đời sống chủng sinh là nền tảng cho đời sống linh mục mai sau. Người ta thường nói “chủng sinh thế nào thì linh mục thế đó”. Bước đầu ơn gọi, người chủng sinh còn ôm ấp những dự định mang tính trần thế, còn phụng phịu về tính cách. Vì thế, sự đòi hỏi nơi người chủng sinh là việc thanh luyện bản thân. Sự thanh luyện này cần được Chúa thánh hóa và đồng hành. Thời gian huấn luyện đòi hỏi người chủng sinh trưởng thành một cách toàn vẹn về các phương diện: tu đức, nhận bản, tâm lý tình cảm, kỷ năng dẫn dắt các linh hồn và để được như vậy chủng sinh cần phải ở với Chúa để được Chúa đào tạo.

 

 

8327    25-01-2017 20:56:04