Sidebar

Thứ Sáu
10.05.2024

Chúng ta có giáo hoàng, “Habemus Papam Franciscum”

 

Quảng trường Thánh Phêrô đang là quảng trường mênh mông của những chiếc dù căng rộng. Mặc cho trời mưa lạnh, hàng ngàn người chờ làn khói trắng bốc lên từ ống khói đồng của nhà nguyện Sixtine. 16 giờ 30 ngày hôm trước, phái đoàn hồng y một trăm mười lăm vị trang trọng đi từ nhà nguyện Pauline qua nhà nguyện Sixtine để vào họp mật nghị bầu người kế vị Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI. Sau khi tuyên thệ và suy niệm do hồng y Prosper Grech hướng dẫn, các hồng y bắt đầu bầu chọn. Dù chắc chắn sẽ không có kết quả ngay lần bầu đầu tiên nhưng tín hữu đã có mặt rất đông ở quảng trường, họ chờ, đầu hướng về trời. Làn khói đen dày đặc bay lên xác nhận cuộc bầu cử đã bắt đầu và như dự đoán, chưa có hồng y nào đủ 77 phiếu, tức là hai phần ba túc số tham dự.

Thứ tư 13-3, hai lần bầu buổi sáng và một lần buổi trưa khói đen cũng bay lên. Thêm một lần nữa, cũng chưa có kết quả. Trong thế kỷ vừa qua, tháng 3 năm 1939, chỉ có giáo hoàng Eugenio Pacelli được bầu ngay vòng thứ ba. Lúc đó chiến tranh đang đe dọa, và các hồng y đã nhanh chóng chọn thư ký trung thành của Giáo hoàng Piô XI lên kế vị. Bên ngoài, mọi người – giới truyền thông, tín hữu, người hiếu kỳ – tự hỏi chuyện gì đang xảy ra dưới vòm nhà nguyện, trước bức tranh bi thảm và sửng sờ Phán xét cuối cùng của danh họa Michel-Ange. Hoặc chuyện gì xảy ra giữa các hồng y trong giờ điểm tâm ở nhà trọ Thánh Matta, nơi họ tạm trú. Vào xế trưa, dù có những dự đoán cuộc bầu chọn sẽ kéo dài và khó, nhưng đã có một khả thể sẽ bầu xong. Tháng 4 năm 2005, Joseph Ratzinger được bầu ở đợt thứ tư.

Nhưng hôm nay, chưa có khói trắng giữa 17 và 18 giờ, như thế có nghĩa đang bầu ở vòng thứ tư trong ngày và cũng là vòng thứ năm kể từ hôm qua. Dù sao, khói trắng hay đen cũng phải chờ đến 19 giờ. Trước đó ít lâu, một con chim mòng biển đến đậu trên ống khói, nó ở đó, bất động cả hơn nửa giờ, rõ hình rõ nét trên bốn màn hình khổng lồ được đặt trước Vương cung thánh đường Vatican.

Một linh mục nói: “Đây không phải là một dấu hiệu tốt, chim bồ câu mới là con chim tượng trưng cho Đức Chúa Thánh Thần, không phải con mòng biển. Như thế là các hồng y chưa chọn xong.”

Dù vậy, có một cái gì đang xảy ra. Một mong chờ lớn lao mà không ai giải thích được.

Đến 19 giờ 05, làn khói trắng bay lên, trước hết là trong suốt, sau càng lúc càng đậm và không tì vết thoát ra từ ống khói; đám đông vui mừng vỗ tay. Chúng ta đã có một giáo hoàng dù chưa ai biết mặt, biết tên. Trong lúc đó, mưa ngừng rơi. Mong chờ gần như bất tận. Và rồi các cánh cửa lớn của ban công chính tòa nhà Thánh Phêrô mở rộng. Hồng y niên trưởng phó tế Jean-Louis Tauran loan báo tân giáo hoàng được chọn: “Chúng ta đã có Giáo hoàng! Đó là Đức Hồng y Jorge Mario Bergoglio, của tổng giáo phận Buenos Aires, Argentina. Ngài đã chính thức trở thành vị Giáo hoàng tiếp theo – vị Giáo hoàng thứ 266 – của Giáo hội Công giáo, lấy tên là Phanxicô.”

“Georgium Mariu” chỉ cần nghe mấy chữ đầu là biết đó là hồng y Bergoglio, tổng giám mục dòng Tên, sinh ở thành phố này bảy mươi sáu năm  trước, trong một gia đình di dân người Ý ở tỉnh Piémont.

Tên Bergoglio chưa quen thuộc, mới đầu dân chúng có vẻ như bối rối một chút. Giống như chiều ngày 16 tháng 10 năm 1978, khi hồng y Pericle Felicio loan báo tân giáo hoàng là Karol Wojtyla. Vậy là cha Bergoglio. Mọi người mong chờ một giáo hoàng trẻ và các hồng y thì thích một người mới… khá lớn tuổi. Rất nhiều người dự đoán một “giáo hoàng người Ý” và vị tân giám mục thành phố Roma là người ở bán cầu phía Nam, rất xa, ngài đi ngược lại chuyến đi của gia đình ngài năm 1929, hồi đó họ đi từ hải cảng Gênes ở Ý.

Ai biết cha Bergoglio, biết nhân cách của ngài đều nhận ra ngay lập tức tầm quan trọng của sự kiện. Việc chọn tên hiệu Phanxicô càng làm rõ hét hơn. Khi đám đông nghe tên Phanxicô, họ vỗ tay như ong vỡ. Một giáo hoàng dòng Tên lại mang tên Phanxicô Đaxi, vị thánh sáng lập dòng Phan Sinh. Một dấu hiệu của thay đổi, một bước ngoặc. Một quay về tận căn với Phúc Âm, một Giáo hội nghèo, cùng bước đi, xây dựng và tuyên xưng Chúa Kitô bị đóng đinh, “Đấng Cứu Chuộc duy nhất cho tất cả mọi người.”

Một vài phút trôi qua, và đây, tân giáo hoàng xuất hiện. Lúc đó là 20 giờ 10 phút. Và đó là lần đầu tiên trong lịch sử, trước khi tân giáo hoàng trình diện, Trung tâm Truyền hình Vatican đưa ra hình ảnh thoáng qua tân giáo hoàng Phanxicô mặc áo trắng. Tân giáo hoàng không khoác gì trên vai: không áo choàng ngắn đỏ thêu da lông chồn đã được chuẩn bị sẵn cho ngài, cũng không mang giây choàng trắng. Sau này người ta biết cha không muốn mặc áo hoàng gia. Da lông chồn hermine không phù hợp với giáo hoàng mang tên Phanxicô. Thánh giá trên ngực cũng không thay đổi, vẫn là cây thánh giá cũ của hồng y  Jorge Mario Bergoglio. Thánh giá không bằng vàng, cũng không khắc đá quý.

Tân giáo hoàng xuất hiện với các vị phụ trách nghi lễ và vài hồng y, ngài muốn bên cạnh ngài là giám mục phó Roma, Agostino Vallini. Vừa đi ra, ngài đưa tay mặt lên chào đám đông trước khi đứng sững, bất động và im lặng, trong khi đám đông hét lên: “Hoan hô giáo hoàng!” Và cuối cùng cha nói: “Xin chào anh chị em.” Một lời chào đơn giản làm mọi người nhớ lại những lời cuối cùng của đức giáo hoàng Bênêđictô XVI trước khi ngài vào biệt thự Castel Gandolfo ở ẩn.

Tân giáo hoàng Phanxicô nói tiếp: “Anh chị em biết rằng nhiệm vụ của Mật nghị Hồng y là tìm cho Rôma một giám mục. Có vẻ như anh em hồng y của tôi đã đi tìm người đó ở tận cùng thế giới… mà chúng ta lại ở đây… Tôi cảm ơn anh chị em về sự đón tiếp này! Cộng đoàn giáo phận Roma đã có giám mục. Xin cảm ơn! Trước hết, tôi muốn cầu nguyện cho vị giám mục danh dự Bênêđictô của chúng ta. Chúng ta cùng cầu nguyện cho ngài, xin Chúa chúc lành cho ngài và xin Đức Mẹ gìn giữ ngài.”

Cha không tự cho mình là giáo hoàng nhưng trước hết như giám mục Roma, như đức giáo hoàng Gioan-Phaolô II sau khi được bầu, cũng đã nói khi xuất hiện lần đầu tiên. Giáo hoàng là giáo hoàng vì là giám mục thành phố Roma chứ không phải ngược lại như đôi khi có những người ngưỡng mộ sự huy hoàng của tòa thánh đã quên điều này. Giáo hoàng Bergoglio nhấn mạnh mối liên hệ đặc biệt, với Giáo hội của Thành phố vĩnh cửu này. Đó là một giám mục nói với tín hữu giáo phận mình trước khi nói với thế giới bên ngoài.

Vì thế, ngay lập tức sau đó, giáo hoàng Phanxicô mời mọi người cầu nguyện cho vị tiền nhiệm và cùng đọc kinh với tín hữu, kinh Lạy Cha, Kính Mừng và Sáng Danh. Cha xin mọi người cầu nguyện và đọc những kinh quen thuộc của đức tin kitô.

Sau khi đọc xong ba kinh, cha tiếp tục: “Và bây giờ, chúng ta bắt đầu hành trình: giữa giám mục và giáo dân. Hành trình này của Giáo Hội Roma là hành trình dẫn dắt tất cả các Giáo Hội trong đức ái, một hành trình của tình huynh đệ, của tình yêu và tin cậy giữa chúng ta. Chúng ta cùng cầu nguyện cho nhau, cùng cầu nguyện cho tất cả thế giới vì một tình huynh đệ lớn lao. Tôi chúc mừng anh chị em để hành trình này của Giáo Hội, mà hôm nay chúng ta bắt đầu và hồng y giám quản hiện diện ở đây sẽ giúp tôi, sẽ mang lại nhiều hoa trái cho việc loan báo Tin Mừng của thành phố rất đẹp này…”

Sau đó là giây phút ban phép lành, phép lành tông tòa đầu tiên:  tân giáo hoàng xin giáo dân ban phép lành cho ngài. Ngài xin giáo dân cầu bàu cùng Chúa cho tân giám mục, cho giáo dân, cho dân Chúa, cầu nguyện cho vị chủ chăn mới. Một lời cầu xin chưa từng có.

“Và bây giờ, tôi sẽ ban phép lành, nhưng trước hết, tôi xin anh chị em một đặc ân. Trước khi giám mục ban phép lành cho giáo dân, tôi xin anh chị em cầu xin Thiên Chúa để ngài ban phép lành cho tôi: lời cầu nguyện của giáo dân nài xin phép lành cho giám mục của mình. Chúng ta cùng thinh lặng cầu nguyện…” Đức Thánh Cha cúi đầu cầu nguyện, rồi ngài nói tiếp: “Tôi ban phép lành cho anh chị em và cho tất cả mọi người thiện tâm trên thế giới.” Sau đó cha mang khăn choàng trắng khoác trên áo trắng và ban phép lành bằng tiếng latinh Urbi et Orbi, (cho thành phố Roma và cho thế giới.) Sau đó cha đưa tay chào, cha cầm lại máy vi âm và nói: “Xin cảm ơn anh chị em thật nhiều về sự đón tiếp. Xin cầu nguyện cho tôi, và hẹn sớm gặp lại. Ngày mai tôi đi cầu nguyện với Đức Mẹ để xin Đức Mẹ gìn giữ thành phố Roma. Xin chúc ngủ ngon và nghỉ ngơi an lành.”

Sau khi rời Biệt thự tông tòa để về nhà trọ Thánh Matta, cha đứng trước chiếc xe hơi lớn mang biển số “SCV 1.” Nhưng cha không lên xe: “Tôi đi chung xe buýt với các hồng y…” Xế trưa hôm sau cha cũng đi xe buýt chung với các hồng y để đến nhà nguyện Sixtine đồng tế với các hồng y.

Buổi ăn tối hôm đó mang bầu khí lễ hội, thoải mái. Cuối cùng Giáo hội có một tân giáo hoàng. Một trăm mười bốn vị hồng y “bị giam” tạm thời ở mật viện đã chọn một vị “bị giam” vĩnh viễn, vị sẽ ở lại Vatican. Sau bữa ăn, lúc chào các bạn hồng y, cha đã nhìn họ và nói: “Xin Chúa tha cho quý vị về những gì quý vị đã làm.”

Cũng chiều hôm đó, tân giáo hoàng điện thoại cho đức giáo hoàng danh dự Bênêđictô XVI. Cha cũng gọi cho một vài người bạn ở Roma. Ngay lập tức, cha cũng gởi tin nhắn cho giáo sĩ đáng kính Do Thái, Riccardo di Segni: “Vào ngày tôi được bầu chọn làm giám mục thành phố Roma và chủ chăn hoàn vũ của Giáo hội Công giáo, tôi xin gởi đến ngài lời chào thân ái và xin báo cho ngài biết, ngày chính thức nhiệm chức của tôi là ngày 19 tháng 3. Tin tưởng vào sự che chở của Đấng Tối Cao, tôi rất mong được hợp tác vào sự tiến bộ mà các mối tương giao giữa người Do Thái và người Công giáo đã được biết đến từ Công Đồng Vatican II, trong một tinh thần cộng tác được làm mới lại để phục vụ thế giới, để càng ngày càng hài hòa với ý chí của Đấng Tạo Dựng.”

Ngày đầu tiên tông tòa của ngài bắt đầu như thường lệ, ngày dậy sớm, cầu nguyện trước nhà tạm. Rồi như đã loan báo hôm trước, ngài đến cầu nguyện với Đức Mẹ, xin Đức Mẹ gìn giữ giáo phận Roma; trong một cuộc viếng thăm riêng, khoảng trước 8 giờ sáng, ngài đến thánh đường Đức Mẹ. Tượng Salus Populi Romani ở gian bên trái trong ngôi nhà nguyện to lớn nằm trong nhà thờ cổ xưa nhất tôn kính Đức Mẹ. Cầm bó hoa trên tay, tân giáo hoàng vào nhà thờ cầu nguyện trước ảnh Đức Mẹ. Sau đó, ngài lên bàn thờ, nơi còn giữ thánh tích máng cỏ Giáng Sinh. Tiếp đó ngài đến nhà nguyện, nhà nguyện cũng có tên Sixtine, có bàn thờ mà nơi đây thánh I-Nhã Loyola đã có lần dâng thánh lễ trong dịp lễ Giáng Sinh: một nơi rất biểu tượng đối với các tu sĩ dòng Tên. Sau đó, giáo hoàng Phanxicô đến cầu nguyện ở mồ thánh Piô V, vị thánh của cuộc chiến Lépante và của thánh lễ theo nghi thức cũ, người đã khôi phục truyền thống mặc áo trắng cho các áo của giáo hoàng vì ngài muốn giữ y phục dòng Đa Minh.

Sau khi cầu nguyện, giáo hoàng Phanxicô gặp các nhân viên, các hồng y hiện diện, các cha giải tội dòng Đa Minh. “Thương xót, thương xót, thương xót…”: đó là lời ngài xin họ cầu bàu khi chào từng người một. “Các cha là cha giải tội, và vì thế xin cha có lòng thương xót các linh hồn. Họ cần lòng thương xót,” cha nói thêm.

Tân giáo hoàng đi chiếc xe của Hiến binh Vatican chứ không đi xe dành riêng cho giáo hoàng, với đoàn hộ tống giảm tối thiểu. Buổi chiều ngày bầu chọn, cha muốn nói chuyện với giám đốc nhà Domus Sacerdotalis Paulus VI, căn nhà số 70 Scrofa ở Rome, nơi cha trú trong thời gian họp trước mật nghị. Cha muốn báo trước là cha sẽ đến lấy hành lý, các vật dụng cá nhân và trả tiền phòng. Và ngài đã làm như vậy. Giáo hoàng Phanxicô đến căn nhà cũ, gần quảng trường Navona, có giám mục giám quản Georg Gänswein đi theo, và trước các khuôn mặt ngạc nhiên sững sờ như muốn nói: “Kính Đức Thánh Cha, Đức Thánh Cha đùa sao, Đức Thánh Cha muốn trả tiền thật à?”, cha làm cho họ hiểu: “Chính vì bây giờ cha là giáo hoàng thì cha phải làm gương.”

Rồi cha lên phòng để lấy vật dụng cá nhân, cha dọn hành lý một mình như cha vẫn quen làm mỗi lần đi công việc. Vì giám mục  Jorge Mario Bergoglio không bao giờ có thư ký. Giáo hoàng từ chối dùng xe lớn và có hộ tống, cha thích đi chung với “các hồng y bạn,” không muốn bị buộc phải mặt áo choàng đỏ có lông chồn hermine, không chịu để người khác cung kính để không được làm hành lý một mình, để không được trả tiền phòng như mọi người: những cử chỉ nhỏ nói lên một nhân cách lớn! Thế giới ngày nay muốn Giáo hội là chứng nhân cho đức tin bằng hành động chứ không bằng lời. Và sẽ bình thường nếu kitô hữu biết ứng xử tiết độ và đơn giản. Một vài kiểu phô trương của một Giáo hội chiến thắng có thể có một ý nghĩa trong quá khứ nhưng bây giờ, chắc chắn nó không còn hợp thời, hợp với suy nghĩ chung của nhiều người. Và trong một vài trường hợp, nó còn có phản ứng ngược. Thay vì làm cho gần thì lại làm cho xa, trong khi giáo hoàng Phanxicô trung thực với bản thân mình thì lại có sức lôi cuốn: các phản ứng lạ thường trên khắp thế giới, bao nhiêu người được đánh động vì phong cách bình thường, đơn giản của ngài, và đó là bằng chứng.

“Chắc chắn, vị giáo hoàng này sẽ đặt cho an ninh Vatican một vài vấn đề chưa từng có,” Linh mục Dòng Tên Federico Lombardi nhận xét, cha là giám đốc văn phòng báo chí Vatican, tuy nhiên cha nói thêm: “Nhưng các vị có trách nhiệm an ninh phục vụ cho Đức Thánh Cha sẽ thích nghi với phong cách mục vụ của ngài.”

Không phải giáo hoàng sẽ phải thích nghi với một vài biểu lộ mà nhân danh an ninh đã suýt nữa giam hãm Đức giáo hoàng danh dự Bênêđictô XVI trong những năm cuối nhiệm chức của ngài. Chính những người chung quanh giáo hoàng sẽ thích nghi với phong cách của ngài. Một giáo hoàng là giám mục của Roma, muốn thiết lập một quan hệ đặc biệt với thành phố của mình và giáo phận của mình.

 

Phanxicô, Giáo hoàng của người nghèo, chương 1, Andrea Tornielli, Nguyễn Tùng Lâm dịch

625    05-03-2018