Tín hữu Campuchia |
Năm 1997, khi còn là thiếu niên, chứng kiến cả gia đình bị Khmer Đỏ tàn sát, ông Sokreaksa Himm nuôi tư tưởng báo thù trong một thời gian dài. Nhưng sau khi cải đạo sang Kitô giáo, ông đã quyết tâm tha thứ cho những kẻ đã gây ra cuộc thảm sát kinh hoàng.
Giáo huấn “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi” (Mt 5, 44) của Chúa Giêsu dành cho các môn đệ, khi đi vào thực tế rất khó thực hiện. Đối với ông Sokreaksa cũng vậy, ông đã cố gắng tha thứ cho những người mà theo ông là không thể. Ở tuổi 59, người Capuchia này đã làm chứng trên trang web “Dự án Tha thứ” – nơi thu thập các lời chứng của các nạn nhân của tội ác nhưng đã tha thứ cho những người đã thực hiện nó – về cách tha thứ của ông dành cho những kẻ đã sát hại người thân của ông cách đây 40 năm.
Vào năm Sokreaksa Himm được 12 tuổi. Khmer Đỏ, sau khi đánh bại quân đội chính phủ, đã nắm quyền kiểm soát thủ đô Phnom Penh, bắt đầu một cuộc thanh trừng rộng lớn. Vài tuần sau, thị trấn Siem Reap, đông bắc Campuchia, nơi gia đình Sokreaksa sinh sống cũng bị Khmer Đỏ chiếm. Cậu thiếu niên cùng với gia đình phải chạy trốn về miền quê, tại đây nhờ nỗ lực lao động vất của người cha, gia đình sống sót được hai năm.
Năm 1997, cha của Sokreaksa bị Khmer Đỏ bắt. Những kẻ máu lạnh này đã giết ông và theo sau là cả gia đình cũng bị sát hại bằng dao rựa. Mười ba thi thể bị chúng ném vào một ngôi mộ tập thể. Một cách kỳ diệu Sokreaksa thoát được vụ thảm sát và thề rằng sẽ tìm mọi cách trả thù cho gia đình mình. Trong gia đoạn này, ước tính Khmer Đỏ đã sát hại khoảng từ 1,5 triệu đến 2 triệu người Campuchia.
Sau đó, ông Sokreasa tìm cách trốn sang Thái Lan. Tại đây, trong 5 năm ở trại tị nạn ông hình dung ra một số kế hoạch trả thù để giết những người chịu trách nhiệm về vụ thảm sát gia đình ông. Ông còn nghĩ ra những cách để xử tử họ.
Sau đó, ông đến Canda. Và chính tại đây mọi sự đã thay đổi, ông đã trở thành một Kitô hữu và bắt đầu hành trình tha thứ. Ông chia sẻ: “Trong những năm qua, tôi đã khám phá ra rằng lời thề đổ máu và sự căm hận đang mâu thuẫn với chính con người mà tôi mong muốn trở thành. Tôi đã nhận ra rằng tôi sẽ không bao giờ có sự bình an thực sự cho đến khi tôi đi đến sự tha thứ. Tôi phải tìm cách tha thứ cho kẻ thù, trước khi sự cay đắng bên trong phá huỷ tôi. Khi các bạn bị tổn thương sâu sắc, cảm thấy không dễ dàng tha thứ, các bạn có thể học bài học này từ Chúa Giêsu, Đấng đã tha thứ cho những kẻ đóng đinh Người”.
Ông Sokreasa cho biết, từ đó ông đã bắt đầu thực hiện một sứ vụ mới. Công việc này cũng giống như trước đây là tìm những người chịu trách nhiệm về cái chết của những người thân trong gia đình, nhưng với một mục đích khác. Ông giải thích: “Giờ đây, tôi không còn muốn gây thêm cái chết nữa, nhưng muốn chỉ cho những người đã làm điều ác thấy cuộc sống và niềm hy vọng mà tôi đã tìm được”.
Sau nhiều năm tìm kiếm, ông Sokreasa đã gặp được hai người trong số những người đã trực tiếp tham gia vào vụ sát hại gia đình ông. Những người biết câu chuyện này nghĩ rằng khi gặp họ ông sẽ có hành động trả thù. Nhưng trước sự ngạc nhiên của mọi người, khi gặp hai người này ông đã bắt tay và tha thứ cho họ.
Ông Sokreasa kết thúc chứng tá tha thứ của ông và cho biết ông hiểu những ai đã bị tổn thương sâu sắc và thực sự cảm thấy không dễ dàng tha thứ, thì hãy cố gắng học bài học tha thứ từ Chúa Giêsu, Đấng đã tha thứ cho những kẻ đóng đinh Người.
Người cha của một gia đình với hai con nói: “Xin các bạn hãy hiểu rằng những gì tôi chia sẻ với các bạn không phải là một phương pháp, hoặc lý thuyết về sự tha thứ. Tôi đưa ra chứng tá của chính mình với hy vọng mọi người có thể học từ kinh nghiệm thực tế của tôi, để được khích lệ, có thêm sức mạnh để chữa lành vết thương của chính mình”.
Theo Ngọc Yến - Vatican News (30/3/2023)