Sidebar

Chúa Nhật

28.04.2024

Chứng tá của Thánh Gioan Vianney khi đối mặt với những con người khó gần gũi

toilemettantenscènelecurédarsexposéedanslachapelledelaprovidenceàarsmars2022660x350
Bức tranh vẽ Cha Thánh xứ Ars được trưng bày trong nhà nguyện Chúa Quan Phòng ở xứ Ars
(Benoît Prieur / Wikimedia Commons)


Trong cuộc sống, tất cả chúng ta đều gặp phải những con người mà chúng ta cảm thấy khó đối mặt vì nhiều lý do. Có thể họ đã làm tổn thương chúng ta hoặc những người thân yêu của chúng ta một cách sâu sắc. Có lẽ vì lý do nào đó tính cách cá biệt của họ làm chúng ta chướng tai gai mắt. Có thể họ kiêu căng và thiếu ý thức về bản thân. Có thể là họ có chung những tật xấu hoặc khuyết điểm về tính cách giống như chúng ta và đóng vai trò như tấm gương phản chiếu về những nỗi dằn vặt của chính chúng ta. Bất kể nguyên nhân là gì, việc đối mặt với những người mà chúng ta thấy khó lui tới là một phần của cuộc sống trong thế giới đầy nghiệt ngã này. Ngay cả các thánh cũng phải đối mặt với những người mà các ngài xem như là một nguồn thử thách đầy gian nan, nhưng các ngài cũng biết cách đón nhận những con người đó như một cơ hội để lớn lên trong sự thánh thiện.

Ở tuổi 59, Thánh Gioan Vianney đã nổi tiếng khắp nước Pháp vì sự thánh thiện, vì những buổi giải tội và tình phụ tử thiêng liêng đầy yêu thương của ngài. Chẳng phải nghi ngờ về việc ngài có phải là một vị thánh hay không. Ngài phục vụ với sức mạnh và tình yêu ở cấp độ siêu nhiên. Những hy sinh của ngài, những thời giờ dài đăng đẳng nơi tòa giải tội và những lời cầu xin chân thành cho các linh hồn hoán cải đã làm cho xứ Ars biến đổi. Niềm tin nguội lạnh, vô hồn mà ngài đã gặp phải khi đến nơi nay đã bị nung cháy thành một ngọn lửa dữ dội.

Chúa thử thách tất cả chúng ta bằng những cách thức mầu nhiệm của Ngài. Thánh Gioan Vianney nổi tiếng là con người khiêm nhường, nhưng ngay cả điều này cũng phải chịu thử thách. Thời gian làm việc lâu dài và liên tục của ngài ngày càng trở nên gian nan, vì vậy giáo phận của ngài đã gửi cho ngài một Cha phó: M. Raymond. Vị linh mục này đã biết đến tấm lòng quảng đại của Thánh Gioan Vianney, người đã giúp đỡ mình trong quá trình tu học tại chủng viện. Cha M. Raymond cảm thấy có trách nhiệm vì tấm lòng quảng đại này, nhưng vị linh mục này lại đánh giá quá cao về bản thân và khả năng của mình. Về nhiều mặt, ngài đối lập với Thánh Gioan Vianney.

Thánh Gioan Vianney biết điểm yếu của mình trước mặt Chúa và không phải do ý muốn của ngài mà những phép lạ phi thường mới diễn ra xung quanh ngài. Thánh nhân cũng không dành nhiều thời gian để suy ngẫm về khả năng và kế hoạch của mình. Ngài tập trung vào việc cứu rỗi các linh hồn và lòng ăn năn sám hối tội lỗi. Cha M. Raymond đang ấp ủ những kế hoạch riêng và mong đợi đến xứ Ars sẽ đảm đương mọi việc vì vị linh mục này nghĩ rằng Thánh Gioan Vianney đã không có khả năng tiếp tục. Cha M. Raymond chỉ nhìn thấy nơi Thánh Gioan Vianney hình ảnh một ông già bị quấy rầy và làm việc quá sức đang cần đến một linh mục trẻ hơn đến để phụ trách mọi việc.

Cha M. Raymond mong muốn tổ chức và kiểm soát những người hành hương, trại trẻ mồ côi và giáo xứ, ngay cả đối với chính Thánh Gioan Vianney. Vị linh mục này cho rằng người dân cần đến một nhà quản lý mạnh mẽ để mọi việc đi vào nề nếp. Cha M. Raymond hoàn toàn không nhớ rằng chính sự thánh thiện của Thánh Gioan Vianney mới là cầu nối để Thiên Chúa ban những ân sủng lớn lao cho những người hành hương đến xứ Ars. Như thế, vị linh mục này đã phạm phải sai lầm mà chúng ta thường mắc phải khi nghĩ rằng đó là kế hoạch của chính chúng ta chứ không phải của Thiên Chúa.

Về nhiều mặt, Cha M. Raymond có thể nhận ra Cha Gioan Vianney là một vị thánh, nhưng niềm kiêu hãnh của vị linh mục này đã thuyết phục chính Cha rằng bằng cách nào đó Cha có thể thay thế vị trí của Thánh Gioan Vianney. Vị Cha phó này thậm chí còn đi xa đến mức chiếm lấy phòng ngủ của Thánh Gioan Vianney trong nhà xứ và chuyển Cha sở của mình vào một căn phòng nhỏ hơn ở tầng dưới. Cha M. Raymond còn bắt đầu ký vào các văn bản với tư cách là cha sở chứ không phải là cha phó. Chỉ có sự can thiệp của những người thân cận nhất với Thánh Gioan Vianney mới dẫn đến sự phản kháng. Thánh Gioan Vianney có xu hướng cam chịu một cách khiêm nhường trước những tình cảnh mà ngài gặp phải.

Trong tám năm dài, Thánh Gioan Vianney đã phải đối mặt với một con người hoàn toàn trái ngược với ngài. Chúa muốn thử lòng khiêm nhường của vị thánh này đến tột cùng. Thánh Gioan Vianney đã thành công, và cũng giống như các vị thánh khác, ngài nói với những người xung quanh rằng Cha M. Raymond đã giúp ngài đến gần Chúa hơn. Ngài thậm chí còn bảo vệ vị linh mục này và nói với người dân thị trấn rằng ngài sẽ rời đi nếu có ai cố gắng muốn Cha M. Raymond rời đi.

Vào thời điểm cuối tám năm, Cha M. Raymond nhận ra mình không được lòng dân chúng đến mức nào và xin được chuyển đến một giáo xứ khác. Theo Henri Gheon trong cuốn The Secret of the Cure D’Ars (Bí mật của Cha sở Họ Ars), Thánh Gioan Vianney đã viết cho Cha M. Raymond khi vị linh mục này rời đi rằng: “Cha đã giúp ích rất nhiều cho tôi. Cha đã làm cho tôi quá nhiều việc đến nỗi trái tim này phải bồi hồi lưu luyến.”

Thánh Gioan Vianney hiểu rằng Cha M. Raymond đã làm cho ngài nên thánh đến nhường nào. Như sắt mài nhọn sắt (x. Cn 27,17), thánh nhân đã nhìn thấy Thiên Chúa đang làm việc để đưa dẫn mình đến những tầm mức cao hơn thông qua những khó khăn mà ngài đã gặp phải với vị linh mục kiêu căng này. Sự tiến triển trên đường nhân đức của ngài đã diễn ra nhanh hơn so với khi có được những Cha phó chỉ biết làm tất cả những gì ngài muốn. Thánh Gioan Vianney cần đến thử thách để lớn lên.

Đây là một bài học quan trọng cho tất cả chúng ta. Chúng ta có xu hướng nghĩ rằng chúng ta mong muốn mọi thứ dễ dàng hơn. Giá như chúng ta có thể hòa hợp với mọi người chúng ta gặp gỡ. Giá như mọi người đều dễ dàng gần gũi. Tuy nhiên, thực tế là chúng ta cần có những con người khó tính và đầy thử thách trong cuộc đời để phát triển về mặt nhân đức. Chính những người thử thách chúng ta nhiều nhất là những người tiết lộ cho chúng ta thấy chúng ta vẫn còn thiếu sót về mặt nhân đức ở điểm nào. Những con người này cho chúng ta thấy những góc khuất u ám bên trong chúng ta bao gồm sự kiêu ngạo, thiếu kiên nhẫn, giận dữ, không tha thứ và đam mê quyền lực. Đôi khi họ dạy chúng ta rằng chúng ta cần phải đứng lên bảo vệ chính mình và đôi khi họ dạy chúng ta cách im lặng trước sự bất công giống như Chúa Giêsu trước tòa Philatô.

Phản ứng điển hình của chúng ta đối với những người khó tính là tìm cách không đối mặt với họ, loại trừ họ hoặc than trách họ. Thay vào đó, qua lời cầu nguyện và ân sủng của Thiên Chúa, chúng ta có thể cho phép những đau khổ mà những con người đó gây ra có thể giúp chúng ta phát triển về những phương diện thiết thực. Chúa thậm chí sẽ sắp đặt những con người đó vào cuộc đời của chúng ta mà chúng ta dường như không thể nào trốn tránh được cho dù chúng ta có cố gắng hay cầu nguyện bao nhiêu để thoát khỏi họ, chính xác là bởi vì, trong kế hoạch mầu nhiệm của Người, con đường nên thánh của chúng ta gắn liền với họ. Cha Raymond cần sự thánh thiện của Thánh Gioan Vianney để trưởng thành trong vai trò linh mục. Thánh Gioan Vianney cần đến Cha M. Raymond thử thách lòng khiêm nhường và kiên nhẫn của mình để có thể đạt đến những tầm mức cao hơn.

Chúng ta cũng học được rằng chúng ta được mời gọi chịu đóng đinh vì người khác đến mức nào. Có thể những con người khó tính mà chúng ta gặp phải đang đối mặt với nguy hiểm lớn lao về mặt tinh thần. Họ cần sự sẵn lòng hy sinh của chúng ta vì họ. Chúng ta phải tìm cách yêu thương như Chúa Kitô yêu thương. Những việc hãm mình bên trong do tiếp xúc với những người khó gần đó có thể được Thiên Chúa sử dụng để đổ tràn ân sủng vào cuộc đời của họ, giúp họ hoán cải hoặc nên thánh. Bằng việc sẵn sàng âm thầm chịu đựng đau khổ vì họ, chúng ta cũng được thánh hóa. Đây là bí mật mà Thánh Gioan Vianney đã khám phá ra qua những tiếp xúc của ngài với Cha M. Raymond. Những người khó làm chúng ta vui lòng lại được Chúa gửi đến để thánh hóa chúng ta theo một cách nào đó.

Điều này không có nghĩa là chúng ta cần phải ra khỏi đường hướng của mình để đối mặt với những con người khó gần gũi này mỗi ngày nếu chúng ta không đủ mạnh mẽ về mặt tinh thần để làm điều đó. Thời gian chúng ta gặp họ thường cũng đủ để giúp chúng ta trưởng thành và tạo ra nhiều cơ hội để chịu đựng đau khổ nội tâm thay cho họ. Những cuộc gặp gỡ này cần được thực hiện trong lời cầu nguyện.

Khi mang họ vào trong lời cầu nguyện, chúng ta nhanh chóng khám phá ra rằng Chúa lại ban thêm cho chúng ta sức mạnh ngày càng lớn lao hơn qua mỗi cuộc tiếp xúc mới. Chúng ta lớn lên trong một tình yêu vô tư và khách quan, và chúng ta ngày càng thoát ly khỏi lòng kiêu ngạo của chính mình. Cuối cùng chúng ta phát hiện ra rằng việc gặp gỡ qua lại cách thường xuyên hơn lại trở nên dễ dàng hơn.

Một trong những bài học lớn nhất mà chúng ta học được từ những người khó gần gũi trong cuộc sống nằm ở chỗ chính chúng ta lại là những người khó gần gũi đối với người khác. Những sai lầm, tật xấu, điểm yếu và thất bại trong nhân cách của chúng ta là thử thách đối với người khác. Có lẽ là đối với những người mà chúng ta thậm chí còn không nhận ra. Sống hiệp thông là một thách đố to lớn đối với tất cả chúng ta bởi vì tất cả chúng ta đều cần được lớn lên về mặt nhân đức và sự thánh thiện.

Thánh Gioan Vianney là người cầu thay nguyện giúp tuyệt vời để chúng ta hướng về khi gặp những người khó gần gũi này trong ngày. Hôm nay bạn cần phó thác ai cho Chúa? Chúa đã sai ai đến để giúp bạn lớn lên trên đường nhân đức? Những con người khó gần gũi nào trong cuộc sống của bạn đang gặp nguy hiểm về mặt tinh thần và cần đến sự hy sinh của bạn? Chúng ta đang gây khó khăn cho người khác ra sao? Xin Chúa ban cho chúng ta sức mạnh để yêu thương những người khó gần gũi trong cuộc sống của chúng ta mỗi ngày.


Tác giả: Constance T. Hull - Nguồn: Catholic Exchange (31/8/2023)
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên

285    01-09-2023