Sidebar

Thứ Sáu
04.10.2024

Chúng ta giới thiệu quá tồi về Thiên Chúa

 

Từ “Kháng cách” thường bị hiểu lầm. Cuộc kháng cách của Martin Luther dẫn đến cuộc Cải cách Kháng cách, thật sự không phải là phản kháng Giáo hội Công giáo La Mã, mà là một cuộc kháng cách vì Thiên Chúa. Trong quan điểm của Luther, Thiên Chúa bị lạm dụng để phục vụ lợi ích của con người và giáo hội. Cuộc kháng cách của ông là lời kêu gọi phải tôn kính sự siêu việt của Thiên Chúa.

Ngày nay, chúng ta cần một cuộc kháng cách mới, một lời kêu gọi mới, thật mạnh mẽ, đòi chúng ta đừng liên kết Thiên Chúa và giáo hội chúng ta với sự bất dung, bất công, mù quáng, bạo lực, khủng bố, kỳ thị, khắc nghiệt, giáo điều, bài tính dục, bài đồng tính, ham quyền lực, khư khư thể chế, bảo vệ người giàu, lý tưởng hóa quá đáng, và ngu ngốc. Thiên Chúa đang bị chúng ta quảng bá quá tồi tệ!

Có thể đưa ra một ví dụ rõ ràng thế này: Trong quyển sách mới ra mắt, ghi lại tình bạn 50 năm với cựu huấn luyện viên của mình, huyền thoại bóng rổ Kareem Abdul-Jabbar chia sẻ lý do vì sao ông trở thành người Hồi giáo. Được nuôi dạy trong gia đình Công giáo La Mã, học ở trường Công giáo, cuối cùng ông bỏ Công giáo để cải sang Hồi giáo. Tại sao lại thế?

Chính ông nói rằng: Bởi “người da trắng đánh bom các nhà thờ và giết các em bé gái, bắn những cậu bé da đen không tấc sắt trong tay, đánh đập những người da đen biểu tình mà miệng thì hô to họ tự hào là Kitô hữu. KKK là những Kitô hữu tự hào. Tôi thấy mình không thể dính dáng gì đến một tôn giáo với quá nhiều tín hữu ác độc như thế. Phải, tôi cũng nhận thức rằng mục sư Martin Luther King cũng là một Kitô hữu tự hào, và nhiều lãnh đạo khác cũng như thế. Huấn luyện viên Wooden là một Kitô hữu sốt sắng. Nhiều Kitô hữu da trắng can đảm đã mạnh mẽ ủng hộ phong trào đòi quyền công dân, đồng hành với người da đen. Khi KKK tấn công, họ thường bị đánh nhiều hơn, bởi họ bị xem là những kẻ phản bội giống nòi. Tôi không lên án tôn giáo, nhưng chắc chắn tôi thấy mình xa cách nó.”

Câu chuyện của ông chỉ là một trong rất nhiều câu chuyện tương tự. Thật dễ để liên kết Thiên Chúa với những chuyện sai trái. Tất nhiên, chuyện này không chỉ xảy ra với Kitô giáo. Ví dụ như, ngày nay, chúng ta thấy minh chứng tồi tệ nhất của việc gắn Thiên Chúa với sự dữ, trong những hành động bạo lực của Nhà nước Hồi giáo ISIS và các nhóm khủng bố khác đang giết chóc bừa bãi và tàn bạo, nhân danh Thiên Chúa. Bạn có thể chắc chắn rằng những lời cuối cùng trên miệng kẻ đánh bom tự sát giết hại nhiều người vô tội, chính là: “Thượng đế vĩ đại!” Thật quá kinh tởm khi nói lên một lời như thế lúc giết người! Làm chuyện phản Chúa nhân danh Thiên Chúa!

Và chúng ta cũng quá thường xuyên làm những chuyện như thế theo những cách tinh vi hơn, cụ thể là biện minh cho những chuyện phản Chúa bằng cách viện ra tôn giáo của mình. Chúng ta làm thế bằng cách bịt tai, bịt mắt, bịt miệng, ngoan cố phân biệt phải trái với một tâm thức vụ lợi, chúng ta cho mình được Thiên Chúa cho phép sống và hành động theo một kiểu đi ngược lại với hầu hết mọi lời Chúa Giêsu dạy.

Chúng ta có thể phản đối, bảo rằng chúng ta chân thành, là làm theo những gì mình nghĩ, nhưng sự chân thành tự nó không phải là một tiêu chuẩn tôn giáo hay luân lý. Sự chân thành có thể, và thường xuyên, gắn Thiên Chúa với những sự phản Chúa và mượn danh Thiên Chúa mà biện minh cho sự dữ. Người ta bảo Tòa dị giáo là trung thực, những kẻ buôn nô lệ là chân thành, những người bảo vệ các linh mục ấu dâm là chân thành, những người kỳ thị là chân thành, người giàu bảo vệ đặc quyền của họ là chân thành, các mục tử bất chấp Tin mừng đưa ra những quyết định cấm đoán người ta đến với giáo hội là chân thành, là làm theo những gì họ tin tưởng và xác quyết. Thế đấy, chân thành cũng là khi tất cả chúng ta phán xét người khác, một chuyện mà Chúa Giêsu đã nhiều lần dạy là không được làm. Nhưng chúng ta nghĩ rằng tất cả những chuyện này chúng ta làm vì sự thiện, vì Chúa.

Nhưng trong nhiều hành động của mình, chúng ta liên kết Thiên Chúa và giáo hội với sự hẹp hòi, bất dung, khắc nghiệt, kỳ thị, thiên vị, vị luật, vị giáo điều, và ngu ngốc. Và chúng ta tự hỏi vì sao con cháu của chúng ta, quá nhiều người không còn đến nhà thờ và thậm chí đương cự với tôn giáo.

Thiên Chúa mà Chúa Giêsu mặc khải đối lập với tôn giáo như thế. Thật đáng buồn cho chúng ta, nhưng đúng là thế. Thiên Chúa mà Chúa Giêsu mặc khải là một Thiên Chúa dư dật rộng rãi, không gắt gỏng, một Thiên Chúa muốn tất cả mọi người được cứu độ, một Thiên Chúa yêu thương mọi chủng tộc và mọi người như nhau, một Thiên Chúa yêu thương người nghèo hơn, một Thiên Chúa tạo nên hai giới bình đẳng, một Thiên Chúa bác bỏ quyền lực và đặc quyền thế gian. Thiên Chúa của Chúa Giêsu Kitô là một Thiên Chúa cảm thương và tha thứ, một Thiên Chúa đòi tinh thần phải đứng cao hơn luật, tình thương phải cao hơn giáo điều, và sự tha thứ cao hơn công lý tòa án. Và Thiên Chúa mà Chúa Giêsu hiện thân, không ngốc, mà là một Thiên Chúa với trí tuệ không bao giờ phải e ngại khoa học, một Thiên Chúa không lên án và cho người ta xuống hỏa ngục theo những phán xét hạn hẹp của chúng ta.

Đáng buồn thay, chúng ta quá thường xuyên thấy đó không phải là Thiên Chúa của tôn giáo, của giáo hội chúng ta, của linh đạo chúng ta, và của cả lương tâm chúng ta.

Thiên Chúa không hẹp hòi, ngu ngốc, bạo lực hay báo oán. Và đã đến lúc chúng ta không được liên kết Thiên Chúa với những thứ đó nữa.

J.B. Thái Hòa dịch

755    24-04-2018