Sidebar

Thứ Năm
14.11.2024

Chúng ta là Giáo Hội

16112021210251

Xây dựng Giáo Hội đồng nghị: hiệp thông, tham gia và sứ mệnh

Thế kỷ 21 là thế kỷ của người giáo dân, nhưng người giáo dân ở Việt Nam vẫn còn đang im hơi lặng tiếng. Có lẽ do ảnh hưởng của Nho giáo: tôn kính các đấng các bậc, mà đa số người giáo dân Việt Nam vẫn sống thụ động, chờ các đấng các bậc bảo gì làm nấy, không có tính sáng tạo, không tham gia tích cực vào các sinh hoạt chung của Giáo Hội. Đây là một thiếu sót lớn, mà trách nhiệm trước tiên thuộc về hàng giáo sĩ. Bởi vì cũng do ảnh hưởng của Nho giáo mà hàng giáo sĩ nhiều khi coi thường giáo dân, không giao trách nhiệm cho họ, không chú tâm đào tạo họ trở thành những người cộng tác, cùng chia sẻ trách nhiệm với mình.

Trong Giáo Hội, mọi người đều có phẩm giá ngang nhau, dù chức năng có khác nhau: “Chỉ có một Thiên Chúa, một đức tin, một Phép Rửa, một dân riêng của Thiên Chúa, cùng chung một phẩm giá của những chi thể đã được tái sinh trong Đức Kitô, cùng có một ân huệ làm con cái Thiên chúa, một ơn gọi nên trọn lành, một ơn cứu độ và một niềm hy vọng duy nhất và một đức ái không phân chia. Vì thế trong Đức Kitô và trong Giáo hội không có sự hơn kém về nguồn gốc hay dân tộc, vì địa vị xã hội hoặc vì nam nữ.” (LG 32).

Giáo Hội chưa được thiết lập thực sự, chưa sống đầy đủ, cũng chưa là dấu chỉ tuyệt hảo của Chúa Ki-tô giữa loài người nếu như chưa có hàng giáo dân đích thực và nếu hàng giáo dân này chưa cùng làm việc với hàng Giáo phẩm. Thật vậy, Phúc âm không thể đi sâu vào tinh thần, đời sống và sinh hoạt của một dân tộc nếu không có sự hiện diện linh hoạt của giáo dân. Do đó, ngay khi thiết lập, Giáo Hội phải hết sức chú tâm đến việc đào tạo một hàng giáo dân Ki-tô giáo trưởng thành.” (AG 21).

Công đồng Vaticanô II còn đề cao vai trò của người giáo dân trong sứ mệnh loan báo Tin mừng: “Người giáo dân được đặc biệt kêu mời làm cho Giáo Hội hiện diện và hoạt động nơi và trong những hoàn cảnh mà nếu không có họ, Giáo Hội sẽ không trở thành muối của thế gian. Như thế, vì những ân huệ đã lãnh nhận, mọi giáo dân vừa là chứng nhân vừa là dụng cụ sống động cho chính sứ mệnh của Giáo Hội.” (LG 33) Công đồng khẳng định: “Thánh Linh không chỉ thánh hóa và hướng dẫn Dân Thiên Chúa bằng các bí tích và các thừa tác vụ, cùng trang bị họ bằng các nhân đức, nhưng Ngài còn ban phát các ân sủng đặc biệt cho mọi cấp bậc các tín hữu ‘phân chia ân huệ cho mỗi người theo ý Ngài’ (1Cr 12, 11), khiến người lãnh nhận các ân sủng ấy có đủ khả năng và sẵn lòng đảm nhận các công việc và nhiệm vụ khác nhau mưu ích cho việc canh tân, xây dựng và phát triển Giáo Hội.” (LG 12b).

Tông huấn Giáo Hội tại Á Châu cũng nhấn mạnh: “Hơn ai hết, họ chính là những người được mời gọi biến đổi xã hội, cộng tác với các Giám mục, linh mục và tu sĩ, bằng cách đưa ‘tinh thần của Chúa Kitô’ vào trong não trạng, tập quán, luật lệ và cơ chế của thế giới mà trong đó họ đang sống.” (EA 22).

Trong Giáo hội Châu Á ngày nay, Chúa Thánh Thần đang thúc giục những môn đệ của Chúa Kitô sống và làm chứng về sự hiệp nhất trong Giáo hội địa phương, đặc biệt là tại lãnh vực giáo xứ, xây dựng một Giáo Hội tham gia mà trong đó các Giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân cùng hiệp thông, chia sẻ, hợp tác và đồng trách nhiệm trong sứ vụ loan báo Tin mừng. [1] “Cần phải thay đổi não trạng, trước hết là cái nhìn về người giáo dân, từ chỗ coi họ là cộng tác viên của hàng giáo sĩ đến chỗ chấp nhận họ là những người đồng trách nhiệm thật sự trong việc thể hiện và trong hoạt động của Giáo Hội, thúc đẩy một hàng ngũ giáo dân trưởng thành và nhiệt thành theo chiều hướng này.” [2]

 Hợp tác và đồng trách nhiệm ở đây được hiểu là những người ngang hàng, cùng nhau bàn bạc, cùng nhau thực hiện. Giáo hội tại Á Châu phải là Giáo Hội tham gia (Participatory Church) mà trong đó không ai cảm thấy bị loại trừ (x. EA 45). Toàn bộ Giáo Hội được sai đi để loan báo và phục vụ nước Thiên Chúa. Tất cả các thành viên của Giáo Hội đều có trách nhiệm xây dựng Giáo hội và chia sẻ toàn bộ sứ vụ của Chúa Kitô. Thật vậy, chúng ta là Giáo hội. Đó là cộng đoàn con cái Thiên Chúa, cùng là môn đệ của Chúa Kitô nhờ Chúa Thánh Thần. Vì vậy, sự hiệp thông trong cộng đoàn và sứ vụ phải liên kết và thúc đẩy lẫn nhau.

Vậy, làm thế nào để cho người giáo dân tham gia tích cực vào các sinh hoạt của Giáo Hội? Rút ra từ những kinh nghiệm của các Giáo Hội khác, cách hay nhất là khuyến khích người giáo dân thành lập các Cộng đoàn Giáo hội cơ bản (Basic Ecclesial Community, viết tắt: BEC).  Trong Giáo hội Việt Nam, thường thì việc gì cũng xuất phát từ hàng giáo sĩ mới được coi là quan trọng, trong khi ở các Cộng đoàn Giáo hội cơ bản thì phần chủ động là chính những người giáo dân. Cộng đoàn Giáo hội cơ bản (CĐGHCB) chính là Một cách thức mới để thể hiện Giáo Hội (A new way of being Church), một cách thức mới để người giáo dân tham gia tích cực vào mọi sinh hoạt của Giáo hội. Cộng đoàn Giáo hội cơ bản là một cách hữu hiệu để đưa đạo vào đời, để thực thi huấn lệnh yêu thương, liên đới và chia sẻ. Nó mời gọi sự tham gia của mọi thành viên và vận dụng tất cả các kỹ năng và đặc sủng của mỗi thành viên. Nó cung cấp cho người giáo dân cảm giác thuộc về Giáo hội, khuyến khích họ tham gia vào các hoạt động của Giáo hội, giúp họ nhận ra sự hoạt động của Chúa Thánh Thần trong đời sống hằng ngày của họ. Họ tập họp cùng nhau trong những nhóm nhỏ, cử hành Lời Chúa và Thánh Thể để họ có thể nuôi dưỡng ý thức về cộng đoàn và tông đồ. Đó chính là chất men làm biến đổi thế giới của chúng ta. [3]

Các Cộng đoàn này đã xuất hiện từ thập niên 60 ở khắp các châu lục, nhất là tại Mỹ châu La tinh và Á châu với các tên gọi khác nhau, và nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của hàng giáo phẩm các nơi. Trong Tông huấn Giáo hội tại Á châu, Đức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã khẳng định: “Trong bối cảnh ấy và dựa trên kinh nghiệm mục vụ của mình, các Nghị Phụ nhấn mạnh tới giá trị của các Cộng đoàn Giáo hội Cơ bản như một phương thế hữu hiệu để cổ võ mọi người sống hiệp thông và tham gia trong các giáo xứ và giáo phận, và như một sức mạnh thật sự cho công cuộc Loan báo Tin Mừng. Những tập thể nhỏ bé ấy sẽ giúp các tín hữu sống thành những Cộng đoàn Đức Tin, Cầu Nguyện và Yêu Thương như các Kitô hữu đầu tiên (x. Cv 2, 44-47; 4, 32-35). Các tập thể này còn giúp các thành viên sống Tin Mừng trong tinh thần yêu thương huynh đệ và phục vụ, từ đó trở thành điểm khởi hành vững chắc để xây dựng một xã hội mới, biểu hiện một nền Văn Minh Tình Thương. Cùng với Thượng Hội đồng, tôi khuyến khích Giáo Hội tại Châu Á, chỗ nào có thể được, hãy coi các Cộng đoàn Cơ bản ấy như một nét tích cực trong công việc Loan báo Tin Mừng của Giáo hội. Nhưng các cộng đoàn ấy chỉ thực sự hữu hiệu, khi biết hiệp thông với Giáo hội địa phương và Giáo hội toàn cầu, hiệp thông từ trong tâm hồn với các vị chủ chăn và huấn quyền của Giáo hội, biết dấn thân cho việc truyền giáo mở rộng, không rơi vào tình trạng cô lập và không để cho một ý thức hệ nào lợi dụng khai thác” (số 25).

Các giáo xứ chính là các Cộng đoàn Giáo Hội cơ bản, nhưng các giáo xứ đã trở thành quá đông, không cho phép chúng ta thiết lập và vun xới những mối tương quan hàng ngang để sống tình hiệp thông đích thực giữa các thành viên trong cộng đoàn giáo xứ, chưa nói đến việc cùng đảm nhận sứ mạng trong tư cách là một cộng đoàn. Trong các giáo xứ hiện nay cũng có các đoàn thể, nhưng cũng còn có nhiều người không tham gia vào các đoàn thể này. Hơn nữa các đoàn thể này không đáp ứng được nhu cầu của một Giáo hội tham gia. Nguyên tắc là một CĐGHCB phải là một cộng đoàn nhỏ để mọi người có thể biết nhau, quan tâm đến nhau, có thể gặp gỡ thường xuyên, có thể cùng nhau cầu nguyện, chia sẻ Lời Chúa và thảo luận về các công việc. Phạm vi hành động của họ bao trùm toàn bộ cuộc sống. Họ giúp đỡ những người túng thiếu, viếng thăm và an ủi những người đau yếu già cả, giúp hoà giải các gia đình bất hoà, cùng đưa ra những sáng kiến để đẩy lùi tệ nạn xã hội, quan tâm đến việc học tập và giải trí của trẻ em và thanh thiếu niên... Họ có thể chia phiên để phục vụ và hướng dẫn phụng vụ trong Thánh Lễ. Mỗi CĐGHCB thường có một đại diện trong ban Mục vụ giáo xứ để nắm bắt những nhu cầu, sinh hoạt của giáo xứ. Nói chung, họ làm bất cứ gì để Nước Thiên Chúa được tỏ hiện nhiều hơn nơi khu xóm mình. [4]

Tóm lại, mỗi Kitô hữu nhận được một ân sủng của Thánh Thần vì lợi ích chung (x. 1Cr 12, 7). Những đặc sủng này cần được khơi dậy, cần được khuyến khích để xây dựng Giáo hội. Chúng ta thường chú trọng đến Giáo hội như là một cơ cấu phẩm trật, nhưng Giáo hội cũng là một cơ cấu đặc sủng hoặc cơ cấu Thần khí. Chính Thần khí làm cho Giáo hội sinh động. Giáo hội như một toàn khối liên kết với nhau và sống động nhờ các đặc sủng.

THÀNH LẬP CỘNG ĐOÀN GIÁO HỘI CƠ BẢN

Người Việt Nam rất quý trọng tình làng nghĩa xóm, nên khi sống xa quê hương họ thường lập ra những hội đồng hương để đáp ứng nhu cầu tình cảm này. Con người ai cũng muốn được người khác coi trọng, được quan tâm, được chia sẻ, được góp phần vào công việc chung. Hơn nữa, đối với người Công giáo, nhu cầu này càng thúc bách hơn. Qua thực tế tại các giáo xứ, chúng ta thấy rằng phần đông người giáo dân chỉ gặp gỡ nhau mỗi tuần một lần tại nhà thờ. Nhưng những cuộc gặp gỡ này thường chỉ là ngồi gần nhau, chứ không ai quan tâm đến ai. Lễ xong, ai lại về nhà nấy. Người ta sống cô đơn, lẻ loi, vô danh ngay giữa đám đông. Các Cộng đoàn Giáo Hội Cơ bản (CĐGHCB) chính là nơi đáp ứng những nhu cầu này của con người.

I. Mục đích của Một Cộng Đoàn Giáo hội Cơ Bản

1. Tổ chức các cuộc họp mặt luân phiên tại các gia đình: Mỗi CĐGHCB bao gồm khoảng 20- 30 gia đình (có thể ít hơn). Những gia đình này sống gần gũi nhau. Nhưng họ cũng có thể sống rải rác trong một khu xóm hay khu phố, xen lẫn với các gia đình ngoại giáo. Sống giữa những người ngoại giáo, các CĐGHCB mới thấy rõ mình là men trong bột, là muối cho đời. Họ gặp nhau mỗi tháng một hoặc hai lần (hoặc có thể nhiều hơn, tùy nheo nhu cầu của mỗi nhóm). Họ thay phiên giữ vai trò tổ chức buổi họp mặt.

2. Chia sẻ Lời Chúa và Thánh Thể: Chính Lời Chúa qui tụ họ lại với nhau, chứ không phải vì thích nhau hay hợp gu với nhau. Do đó, đời sống của một CĐGHCB được đặt nền tảng trên Lời Chúa. Họ thường xuyên chia sẻ Lời Chúa, nhất là theo Phương Pháp 7 bước hay Phương Pháp Xem-Xét-Làm. Qua việc suy tư và chia sẻ Lời Chúa, họ cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời mình, thắt chặt thêm mối dây huynh đệ. Họ cùng nhau cầu nguyện, cùng nhau nhìn lại đời sống và nêu quyết tâm thực hành cụ thể hàng tháng dưới ánh sáng Lời Chúa (nên hướng việc chia sẻ Lời Chúa và việc thảo luận trong các buổi họp mặt này về những quan tâm đến đời sống hàng ngày ở gia đình, khu xóm, khu phố, chứ không chỉ quanh quẩn ở các việc đạo đức truyền thống mà thôi). Họ cùng nhau qui tụ cử hành Thánh Thể để nuôi dưỡng đời sống đức tin, sự hiệp thông và hoạt động tông đồ của cộng đoàn. Đối với họ, "thể hiện Giáo hội” không chỉ là đọc kinh, tham dự Thánh lễ, mà trước hết là biểu lộ đức tin trong cuộc sống hằng ngày.

3. Cùng phục vụ nhau và cùng nhau phục vụ: Đây là đặc điểm hành động của một CĐGHCB. Đức tin không việc làm là đức tin chết. Đức tin phải được thể hiện qua cuộc sống. Việc chia sẻ Lời Chúa thúc đẩy các thành viên đến một quyết tâm hành động cụ thể, như thái độ đáp trả đối với sứ điệp Lời Chúa trong môi trường mình đang sống. Họ phục vụ tùy theo kinh nghiệm sống đức tin của Nhóm và ơn đoàn sủng mà mỗi người lãnh nhận được. Họ liên đới và giúp đỡ lẫn nhau trong tinh thần đồng trách nhiệm. Họ giúp đỡ những người nghèo, an ủi những người sầu khổ, viếng thăm những người đau yếu già cả trong khu xóm mình, góp phần vào việc giáo dục thanh thiếu niên, cùng nhau dọn dẹp vệ sinh môi trường, cùng nhau xây dựng khu xóm mình ngày càng tốt đẹp hơn, ...

4. Liên kết với giáo xứ, giáo phận, và Giáo Hội phổ quát:

Để khỏi bị cô lập hóa và bị các ý thức hệ lèo lái, cũng như để bảo toàn tính cách Giáo hội của mình, các CĐGHCB cần phải duy  trì mối giây hiệp thông với các chủ chăn trong Hội Thánh. Một trong các phương tiện hết sức hiệu lực để củng cố niềm hiệp thông ấy là việc huấn luyện liên tục cho những người lãnh đạo trong các cộng đoàn (x. Evangelii nuntiandi, 58). Mọi CĐGHCB đều được nối kết với các CĐGHCB khác, với giáo xứ, giáo phận và Giáo Hội phổ quát. Các CĐGHCB của cùng một giáo xứ thường xuyên thăm viếng nhau, không ngừng hỗ trợ và củng cố nhau. Họ có thể chia phiên để chuẩn bị và hướng dẫn phụng vụ trong Thánh Lễ Chúa Nhật. Thỉnh thoảng họ qui tụ nhau để cùng chia sẻ kinh nghiệm. Mỗi CĐGHCB thường có một đại diện trong ban mục vụ giáo xứ. Những người làm công tác mục vụ toàn thời gian thường xuyên thăm viếng các CĐGHCB, để những cộng đoàn này có thể thắt chặt mối liên kết của họ với giáo xứ và với toàn thể Giáo Hội. Những khoá huấn luyện, những khoá tĩnh tâm cũng là cơ hội tốt cho việc củng cố mối liên kết này.

II. Thành Lập Các CĐGHCB

1. Chuẩn bị

- Người phụ trách (cán sự, người lãnh đạo) CĐGHCB đóng một vai trò hết sức quan trọng. Người phụ trách thúc đẩy sự cởi mở chia sẻ, khả năng đối thoại, và thái độ quan tâm của các thành viên. Người phụ trách đóng vai trò điều phối và bảo đảm CĐGHCB của mình luôn ở trong mối hiệp thông mật thiết với giáo xứ, giáo phận và Giáo hội phổ quát.

- Linh mục chính xứ có tầm quan trọng đặc biệt trong việc khai sinh các CĐGHCB. Không có sự điều phối của linh mục chính xứ, các CĐGHCB khó phát triển khởi sắc được. Các chuyên viên, các cán sự, các tu sĩ không thể thay thế được vai trò của linh mục chính xứ. Linh mục chính xứ cần hiện diện cụ thể trong các cuộc họp mặt của các CĐGHCB, nhất là vào giai đoạn mới hình thành.

- CĐGHCB nhắm đến các mối tương quan, không quá chú trọng đến các hoạt động. Vì thế, không nên tổ chức các hoạt động chỉ để cho có hoạt động. Các hoạt động phải nhằm đáp ứng các nhu cầu và hoàn cảnh thực tế của cộng đoàn.

- Thành lập Ban Cán sự giáo xứ đặc trách việc hỗ trợ xây dựng các CĐGHCB. Những vị này có khả năng lãnh đạo, có khả năng vận động quần chúng, có thể tham dự khoá học tập dành cho nhóm cán sự ở giáo xứ, và có thể tổ chức khóa học tập cho việc chuẩn bị thành lập các CĐGHCB.

2. Tiến trình hình thành Các CĐGHCB

Có hai cách để thành lập các CĐGHCB:

Cách 1: Thành lập một số CĐGHCB mẫu trước. Sự thành công của một số CĐGHCB mẫu này sẽ tạo điều kiện và khích lệ việc thành lập các CĐGHCB khác.

Cách 2: Thành lập đồng loạt các CĐGHCB trong toàn giáo xứ. Những giáo xứ có đông người Công Giáo tương đối tập trung, không có cách biệt lớn về địa dư, có thể thực hiện theo cách này.

- Khi vận động, cần chú tâm vào nhu cầu xây dựng một cộng đoàn (gặp gỡ nhau, thăm hỏi lẫn nhau, củng cố đời sống đức tin, quan tâm, chia sẻ trong tình huynh đệ), không nhắm trước hết đến những hoạt động. Khi mọi người đã có ý thức tương đối về nhu cầu xây dựng một cộng đoàn, mời họ tham dự một khoá học tập về định hướng CĐGHCB do nhóm cán sự của giáo xứ tổ chức. Chỉ những ai tham dự khoá này (ít nhất là đại diện của gia đình) mới trở thành thành viên của CĐGHCB. Khoá định hướng nói trên sẽ kết thúc với việc bầu chọn ban lãnh đạo CĐGHCB: người phụ trách, phó phụ trách, người đặc trách phụng vụ, thủ quỹ... Không nên bầu chọn quá nhiều chức danh để tránh cồng kềnh. Về sau, sẽ bầu chọn thêm cho các chức vụ khác khi thực sự có nhu cầu.

- Bước khởi đầu của các nhóm CĐGHCB sẽ là các buổi họp mặt đều đặn (ví dụ, mỗi tháng một lần), mỗi lần khoảng 60- 90 phút, để cử hành Thánh Thể, chia sẻ Lời Chúa và để cùng nhau định hướng sống. Các thành viên được khích lệ cởi mở đối thoại và quan tâm tới nhau. Người phụ trách mời và thông báo cho các thành viên về thời gian và địa điểm họp mặt. Linh mục chính xứ và cán sự của giáo xứ (được phân bổ) sẽ hiện diện trong buổi họp mặt đầu tiên này.

- Sau mỗi 3 tháng, tổ chức những buổi hội thảo rút kinh nghiệm thực tế và những khoá bồi dưỡng nhằm: điều phối kịp thời những gì cần thiết để định hướng xây dựng CĐGHCB được rõ nét hơn; từng bước nâng cao hiểu biết Thánh Kinh và hoàn thiện phương pháp chia sẻ Lời Chúa; hun đúc tinh thần và vun xới khả năng lãnh đạo nơi những người phụ trách các CĐGHCB.

- Tổ chức những khoá bồi dưỡng định kỳ cho Ban Lãnh đạo các CĐGHCB và, nếu được, cho tất cả các thành viên cộng đoàn. Nội dung những khoá này được phác hoạ theo kinh nghiệm rút ra từ chính tiến trình.

Nói tóm lại, các Cộng đoàn Giáo Hội cơ bản xuất hiện là kết quả của một quá trình trở về nguồn của Kitô giáo (làm sống lại Cộng đoàn của Đức Giêsu với các môn đệ trong Phúc Âm và Cộng đoàn tín hữu đầu tiên ở Giêrusalem trong Sách Tông đồ Công vụ) dưới tác động của Thánh Thần và của luồng gió đổi mới của Công đồng Vatican II.  Là “một cách thức mới để thể hiện Giáo Hội,” các cộng đoàn này đại diện giáo xứ tại khu vực của mình và thể hiện sự sống động của Giáo Hội nơi sự sống động của mình. CĐGHCB mời gọi sự tham gia của mọi thành viên và vận dụng tất cả các kỹ năng và đặc sủng của mỗi thành viên.  Nó là một cách hữu hiệu để đưa đạo vào đời, để sống cụ thể huấn lệnh yêu thương, liên đới và chia sẻ.


Tác giả: Lm. GB. Trần Hữu Hạnh, CSF - Nguồn: Dòng Thánh Gia Việt Nam (16/11/2021)

---------------------
[1] X. UCAN News, Ucan Commentary - The Role of Religious amid the Asian Crisis, http://www.ucanews.com/html/uca/index.html.

[2] Huấn từ của ĐTC vào ngày 7/3/2010, x.www.hdgmvietnam.org

[3] X. FABC, Franz-Josef Eilers, ed.,  For All the People of Asia, Vol 3 (Quezon City: Claretian Publications, 2002), tr. 3, 4,  36, 91, 108, 115.

[4] Nguyễn Văn Nội, www.thanhlinh.net.

----------------------
Tài Liệu Tham Khảo

- Giêrônimô Nguyễn Văn Nội, Giáo dân Xây dựng Cộng đoàn Giáo hội Cơ bản, 2004 (sách Lưu hành nội bộ).

- FABC, Franz-Josef Eilers, ed.,  For All the People of Asia, Vol 1, 3 (Quezon City: Claretian Publications, 2002).

- Lm Giuse Lê Công Đức,  http://dunglac.org

563    17-11-2021