Sidebar

Thứ Bảy
20.04.2024

Chúng ta tìm thấy Luyện ngục ở đâu trong Kinh Thánh?

shutterstock1210876882660x3501
Ảnh: Cứu vớt các linh hồn trong Luyện ngục.
Tiền đường Nhà nguyện Las Animas. Santiago de Compostela, Galicia.


bao giờ bạn được ai đó hỏi rằng tại sao người Công giáo lại tin vào Luyện ngục, trong khi chính người đó sẽ vui lòng chỉ ra cho bạn rằng Luyện ngục không có trong Kinh Thánh? “Làm sao những người Công giáo có thể tin vào Luyện ngục khi không tìm thấy từ‘Luyện ngục’trong Kinh Thánh được?”

Và người đó nói đúng - không tìm thấy từ “Luyện ngục” trong Kinh Thánh. Vậy, nếu bạn là một người Công giáo, thì bạn sẽ trả lời câu hỏi đó như thế nào? Tôi sẽ trả lời câu hỏi đó theo ba bước:

Bước thứ nhất. Lấy lý luận của người hỏi và sử dụng nó để phản biện lại người đó

Giả định cơ bản trong câu hỏi là nếu điều gì đó không được tìm thấy trực tiếp trong Kinh Thánh, thì chúng ta, với tư cách là những Kitô hữu, không nên tin vào điều đó. Lối suy nghĩ này là một kết quả phát xuất từ lối giáo điều theo kiểu Sola Scriptura của anh em Tin lành - việc tin rằng chỉ có Kinh Thánh mới là tất cả những gì người Kitô hữu cần để minh định thế nào mới là học thuyết và tín điềuđúng đắn. Điều này khiến người Công giáo sai lầm khi tin vào Luyện ngục vì một lần nữa, từ “Luyện ngục” không có trong Kinh Thánh.

Vì vậy, làm thế nào để làm cho lý luận này phản biện lại chính người đó? Tôi hỏi họ xem họ có bao giờ gọi cái gì đó là bàn thờ trong nhà thờ của họ hay không. Nếu họ nói có, thì tôi sẽ yêu cầu họ chỉ cho tôi nơi gọi bàn thờ được đề cập trong Kinh Thánh. Họ không thể. Chẳng có nơi nào như vậy. Sau đó, tôi hỏi họ xem họ có đến nhà thờ vào tối thứ Tư hay không. Tôi không biết về phần còn lại của đất nước, nhưng ở miền Nam (Hoa Kỳ), tối thứ Tư là tối để đến nhà thờ của những người theo đạo Tin lành. Nếu họ trả lời là có, họ đến nhà thờ vào tối thứ Tư, thì tôi lại yêu cầu họ chỉ cho tôi nơi mà thực hành đó được đề cập trong Kinh Thánh. Họ không thể. Chẳng nơi nào đề cập đến chuyện đó. Cuối cùng, tôi hỏi họ rằng họ có tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi không? Tất nhiên họ tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi là câu trả lời mà tôi luôn nhận được. Vì vậy, tôi hỏi: “Bạn có thể chỉ cho tôi từ Ba Ngôi’ nằm ở đâu trong Kinh Thánh không?” Họ không thể. Chẳng đâu đề cập đến từ này.

Tuy nhiên, chắc chắn họ sẽ nói với tôi rằng Thiên Chúa Ba Ngôi thực sự có trong Kinh Thánh. Chúa Cha được đề cập đến. Chúa Con cũng được nhắc đến. Chúa Thánh Thần cũng vậy. Lúc Chúa Giêsu chịu phép rửa, cả Ba Ngôi Thiên Chúa đều hiện diện. “Vì vậy,” tôi sẽ nói, “điều bạn đang nói là mặc dù từ ‘Ba Ngôi’ không được đề cập trong Kinh Thánh, nhưng khái niệm về Thiên Chúa Ba Ngôi vẫn có trong Kinh Thánh, điều này có đáng để người Kitô hữu tin tưởng hay không?” Với câu hỏi này, tôi luôn nhận được một câu trả lời khẳng định. Đó là lúc tôi đi đến chỗ chỉ cho họ thấy khái niệm về Luyện ngục trong Kinh Thánh.

Bước thứ hai. Dựa vào 2 Sm 12,13-18

Tôi muốn bắt đầu bằng cách dựa vào 2 Sm 12,13-18, trong đó chỉ ra rằng:

“Vua Đavít nói với ông Nathan: ‘Tôi đắc tội với Đức Chúa.’ Ông Nathan nói với vua Đavít: ‘Về phía Đức Chúa, Người đã bỏ qua tội của ngài; ngài sẽ không phải chết. Thế nhưng vì trong việc này ngài đã cả gan khinh thị Đức Chúa, nên đứa trẻ ngài sinh được, chắc chắn sẽ phải chết.” Đức Chúa đánh phạt đứa bé mà vợ ông Urigia đã sinh ra cho vua Đavít, và nó bị bệnh nặng... Đến ngày thứ bảy, đứa bé chết.”

Chúng ta thấy gì ở đây? Đavít phạm tội - tội ngoại tình và giết người. Vua Đavít nhận thấy mình đã phạm tội. Vua Đavít ăn năn và được tha thứ - tức là Thiên Chúa “xóa bỏ” tội lỗi của vua. Tuy nhiên, vua Đavít lại phải đón nhận hình phạt do tội của mình sau khi đã được tha thứ - đứa con của vua chết.

Nguyên tắc số 1 từ Kinh Thánh Công giáo - có khả năng bị trừng phạt vì tội lỗi ngay cả khi một người đã nhận được sự tha thứ.

Bây giờ chúng ta hãy chuyển sang Tân Ước. Kh 21,27 nói rằng:Không có gì ô uế được vào thành...Thành ở đây đang ám chỉ đến Giê-ru-sa-lem Mới - tức là Thiên đàng.

Nguyên tắc số 2 từ Kinh Thánh Công giáo - không có gì ô uế - nói cách khác, không có vết nhơ tội lỗi nào - sẽ được vào Thiên đàng.

Một đoạn Kinh Thánh khác. Dt 12,22-23: “Nhưng anh em đã tới núi Xi-on, tới thành đô Thiên Chúa hằng sống, là Giê-ru-sa-lem trên trời... và đến cùng Thiên Chúa, Đấng xét xử mọi người, đến với linh hồn những người công chính đã được nên hoàn thiện...” Hãy lưu ý rằng đoạn này có nói đến “linh hồn” của những người công chính (theo người Công giáo, đó là những người đã chết trong tình trạng ân sủng), những người ở trên Thiên đàng, và những người đã được “nên hoàn thiện”.

Nguyên tắc số 3 từ Kinh Thánh Công giáo - có một phương cách, một quá trình, để qua đó linh hồn của những người “công chính” được “nên hoàn thiện”

Và cuối cùng, tôi dẫn họ đến với 1 Cr 3,13-15: “... công việc của mỗi người sẽ được phơi bày ra ánh sáng... vì Ngày ấy [ngày phán xét] tỏ rạng trong lửa; chính lửa này sẽ thử nghiệm giá trị công việc của mỗi người. Công việc xây dựng của ai tồn tại trên nền [Chúa Giêsu Kitô], thì người ấy sẽ được lĩnh thưởng. Còn công việc của ai bị thiêu huỷ, thì người ấy sẽ phải thiệt. Tuy nhiên, bản thân người ấy sẽ được cứu, nhưng như thể băng qua lửa.”

Đây là nơi nào mà một người, sau khi chết đi, sau khi công việc người đó làm đã được xem xét, rồi lại có thể bị thiệt mất, như bị thiêu huỷ, nhưng vẫn còn được cứu? Hoả ngục chăng? Không phải, một khi bạn ở trong Hoả ngục, thì bạn sẽ không thể thoát ra được. Thiên đàng chăng? Cũng không phải, vì bạn không bị thiệt mất khi đi qua ngọn lửa nơi Thiên đàng. Đây chắc hẳn phải là một nơi nào khác.

Nguyên tắc số 4 từ Kinh Thánh Công giáo - có một nơi, hay một trạng thái tồn tại, mà không phải là Thiên đàng hay Hoả ngục.

Bây giờ, chúng ta hãy tóm kết bốn nguyên tắc Kinh Thánh Công giáo trên: Có khả năng bị trừng phạt vì tội lỗi ngay cả khi một người đã nhận được sự tha thứ. Không có gì mang vết nhơ tội lỗi sẽ vào được Thiên đàng. Có một phương cách, một quá trình, để qua đó linh hồn của những người “công chính” được “nên hoàn thiện”. Và ngoài Thiên đàng hay Hoả ngục ra, còn có một nơi mà bạn có thể phải thiệt mất sau khi chết, nhưng vẫn được cứu, nhưng như thể băng qua lửa. Bạn đặt tất cả những nguyên tắc đó lại với nhau, và về bản chất, thì bạn vừa mô tả giáo huấn Công giáo về Luyện ngục. Kết luận: Luyện ngục có trong Kinh Thánh.

Bước thứ ba. “Hiện tại chúng ta có hoàn thiện hay không?”

Và, vượt ra ngoài Kinh Thánh, bạn có thể thêm vào cái mà tôi gọi là quan điểm thông thường về Luyện ngục - tức là Bước thứ ba. Bước này diễn ra như sau: Hãy đặt câu hỏi, “Hiện tại bạn có hoàn thiện hay không? Về mọi mặt - về mặt thể chất, tinh thần, cảm xúc và/hoặc về mặt thiêng liêng - bạn có hoàn thiện hay không? Bạn có vướng mắc gì với tội lỗi hay không? Chẳng lẽ bạn chưa bao giờ có ý nghĩ xấu, nói một lời xấu, làm điều gì đó bạn không nên hay không làm điều gì đó bạn nên làm? Bạn có bao giờ bị bệnh hay không?” Tôi đã hỏi rất nhiều người những câu hỏi đó và chưa bao giờ có ai nói với tôi rằng, vâng, họ vốn hoàn thiện.

“Vì vậy, bạn không hoàn thiện. Nhưng, cầu xin Chúa đừng cho điều này xảy ra, giả sử bạn đã phải chết ngay lúc này, và bạn đã được lên Thiên đàng. Có phải bạn sẽ được nên hoàn thiện trên Thiên đàng không?” Lúc nào cũng vậy, họ luôn luôn trả lời, “Đúng, tôi sẽ nên hoàn thiện trên Thiên đàng.”

“Chắc chắn là như vậy. Bạn sẽ được hoàn toàn hiệp nhất với Thân thể của Chúa Kitô, sẽ không còn tội lỗi, không còn đau đớn, không còn sầu khổ, không còn bệnh tật nữa. Linh hồn của bạn sẽ không còn tội lỗi và thể xác của bạn - sau ngày Kẻ Chết Sống Lại - sẽ ở trong trạng thái vinh quang. Bạn sẽ nên hoàn thiện trên Thiên đàng.”

Sau đó, tôi yêu cầu họ suy nghĩ về những gì họ vừa thừa nhận. Bạn chết trong tình trạng không hoàn thiện; nhưng lại bạn vào được một Thiên đàng hoàn thiện. Làm thế nào mà điều đó xảy ra được? Giữa lúc chết đi và sau đó được vào Thiên đàng, phải có một quá trình nào đó mà linh hồn của người công chính được nên hoàn thiện (x. Dt 12,23). Những điểm không hoàn thiện của bạn đã được “xoá bỏ” khỏi bạn. Và tôi bảo họ có thể gọi cái quá trình đó là bất cứ điều gì họ muốn, nhưng quá trình đó là cái mà người Công giáo chúng tôi gọi là “Luyện ngục”.

Tác giả: John Martignoni - Nguồn: Catholic Exchange (12/10/2021)
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên

-----------

Ghi chú từ người biên tập: Bài viết này được phỏng theo cuốn sách mới nhất của Martignoni, Blue Collar Apologetics: How To Explain and Defend Catholic Teaching Using Common Sense, Simple Logic, and the Bible (Sophia Institute Press).

680    13-10-2021