Sidebar

Thứ Năm
20.03.2025

Chủng viện tham gia

chungvienthamgia
Khi nói về Chủng viện, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II viết trong Tông Huấn Pastores Dabo Vobis rằng: “Trong Chủng viện, Giám mục hiện diện qua thừa tác vụ mà vị giám đốc thi hành cùng với các nhà đào tạo khác trong tinh thần đồng trách nhiệm và hiệp thông dưới sự hướng dẫn và vận dụng của vị giám đốc, nhắm đến sự tăng triển mục vụ và tông đồ của các ứng sinh.
 (PDV số 60) Do đó, có thể nói, Chủng viện là một cộng đoàn Dân Chúa thu nhỏ. Vì thế, trong Chủng viện cũng có cơ cấu phẩm trật như trong một Giáo hội địa phương: Giám mục được xem là Đấng bản quyền của Chủng viện mà ngài coi sóc. Vị giám đốc cùng các nhà đào tạo là những cánh tay nối dài của các Giám mục. Chủng sinh là những người thụ huấn, tiếp nhận những kiến thức cũng như rèn luyện các nhân đức để làm hành trang cho sứ vụ sau này. Tuy mọi người trong Chủng viện đều có bổn phận và trách nhiệm khác nhau nhưng tất cả mọi người đều cùng nhau tiến bước trên cùng một con đường, chung một tầm nhìn, hướng tới một ơn gọi, một lý tưởng, và một sứ vụ đó là “Linh mục”.

Mô hình đào tạo Linh mục trong Chủng viện ngày nay không còn như trước nhưng là “tự đạo tạo”. Mỗi người Chủng sinh tự đào luyện mình dưới sự hướng dẫn của Bề trên, theo giáo huấn của Giáo Hội, trong sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Vì thế, chính Chúa Thánh Thần là nguồn lực chính yếu trong việc đào tạo; Giám mục, vị giám đốc, các cha giáo và những anh em chủng sinh khác là trợ lực trong việc đào tạo các ứng sinh Linh mục; tự bản thân mỗi Chủng sinh là nội lực giúp mình vươn lên để trở thành một Linh mục như lòng Chúa mong ước. Mô hình này giúp người Chủng sinh năng động hơn, tích cực hơn để tự đào luyện mình mỗi ngày một tốt hơn. Để từ đó, những gì mà họ đem ra áp dụng cho việc mục vụ sau này chính là những kinh nghiệm trong đời tu học chứ không phải là một mớ lý thuyết suông hay những bài học trên sách vở.

Như vậy, để tạo điều kiện cho các Chủng sinh trưởng thành trong khoảng thời gian tu học tại Chủng viện thì việc đồng tham gia trong Chủng viện là hết sức cần thiết. Chủng Viện phải được thiết lập thế nào để trở thành một Giáo Hội thu nhỏ đồng tham gia. Để thực hiện được điều này, tất cả mọi thành phần trong Chủng viện cần phải biết đối thoại, cộng tác, đồng hành để từ đó thấu cảm và tin tưởng lẫn nhau, để cùng phân định và quyết định theo sự khôn ngoan của Thánh Thần. Đồng thời, mỗi Chủng sinh, tùy theo khả năng riêng của mình, đều được mời gọi tham gia và xây dựng đời sống chung của Chủng viện. Cho nên hình ảnh của người chủng sinh thời nay không còn như lúc trước nhưng phải tích cực hoạt động và tự đào luyện mình.

Trước tiên là sự đối thoại. Việc đối thoại cần phải được thực hiện hàng ngày giữa các vị hữu trách với Chủng sinh, cũng như giữa các Chủng sinh với nhau. Điều này được thể hiện qua việc gặp gỡ riêng biệt giữa các vị hữu trách với từng Chủng sinh hay sự gặp gỡ trong những giờ tương giao. Thật vậy, hoàn cảnh của mỗi người ứng sinh Linh mục là khác nhau từ xuất thân gia đình, vùng miền, trình độ học vấn và đặt biệt là tính tình. Chính nhờ vào việc đối thoại sẽ giúp mọi người thấu hiểu nhau hơn, tin tưởng nhau hơn và dể thông cảm cho nhau.

Kế đến là sự cộng tác. Chủng viện được xem như là ngôi nhà chung của tất cả mọi người cùng chung lý tưởng bước theo đời sống ơn gọi Linh mục. Do đó, mọi người trong ngôi nhà này đều có bổn phận và trách nhiệm làm cho nó mỗi ngày được tốt hơn. Điều này được thực hiện qua sự cộng tác giúp đỡ nhau trong các việc chung hay riêng như: lao động, sửa chữa, trang trí, học tập, làm việc nhóm… Chính nhờ sự cộng tác sẽ giúp cho mọi người xích gần lại nhau hơn trong tình huynh đệ, tạo điều kiện để làm việc chung cũng như giúp người Chủng sinh học hỏi cái hay, cái đẹp của người khác. Để từ đó, giúp họ trưởng thành hơn trong phong cách làm việc của mình, giúp ích cho việc mục vụ sau này.

Sau cùng là sự đồng hành. Sự đồng hành này phải được kể như là hành trình mà Chúa Giêsu đã thực hiện với hai môn đệ trên đường Emmaus. Ngài gặp gỡ, cùng bước đi với họ, trò chuyện với họ, nói cho họ nghe những chuyện xảy ra và giải thích cho họ hiểu các sự kiện dưới ánh sáng Lời Chúa. Rồi sau đó, cùng với họ, Người “bẻ bánh”, mắt họ liền sáng ra, lòng họ bừng cháy, họ liền quay trở về Giêrusalem để loan báo cho mọi người biết Chúa đã sống lại (x. Lc 24,13-35). Cũng thế, trong quá trình đào tạo tại Chủng viện, nhà đào tạo và người thụ huấn như là bạn đường của nhau, để đồng hành và chia sẻ với nhau những “kinh nghiệm đức tin”, kinh nghiệm về cuộc chiến đấu thiêng liêng, về việc tìm kiếm những giá trị thiêng liêng và cả tình yêu dành cho Thiên Chúa trong quá trình theo đuổi ơn gọi và sứ vụ Linh mục.

Nói tóm lại, Chủng viện là nơi đào tạo nên những Linh mục nhằm phục vụ Thiên Chúa và Giáo Hội của Người. Vì thế, Chủng viện nào cũng cần có một cơ cấu tổ chức chặc chẻ để dể dàng hoạt động. Tuy nhiên, tất cả mọi người trong Chủng Viện, dù là thành phần nào đi nữa, cũng được mời gọi tích cực tham gia vào sứ vụ đào tạo dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Sự tham gia này được thể hiện qua việc đối thoại, cộng tác và đồng hành. Để từ đó, giúp ích cho đời sống thiêng liêng của mọi người. Như lời Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói trong Tông huấn Pastores Dabo Vobis: “Các thành phần khác biệt trong cộng đoàn Chủng viện liên kết với nhau nhờ Chúa Thánh Thần bằng một tinh thần huynh đệ duy nhất, hợp tác với nhau, mỗi người tùy theo khả năng của mình, để làm cho mọi người được tăng trưởng trong đức tin và đức ái…” (PDV số 60)

Tác giả: Phó tế Mác-cô Hà Mạnh Khang
Trích từ Nguyệt san Giáo phận Vĩnh Long (tháng 6/2024) 

239    02-06-2024