Sidebar

Thứ Sáu
19.04.2024

Chút tản mạn về việc giáo dục

final716058034633031797276004

Thông thường người ta vẫn hay xếp giáo dục vào vị trí một ngành nghề như bao ngành nghề khác trong xã hội, cụ thể giáo dục được gọi là ngành sư phạm hay nghề giáo. Tuy nhiên, đó chỉ là cái nhìn của những ai chưa dấn thân hoặc đã dấn thân mà chưa sống đúng lý tưởng của công việc này, nên dễ có cái nhìn lệch hướng. Thực vậy, những ai đã đón nhận công việc “gõ đầu trẻ” với niềm hoan lạc và chân thành thì họ hoàn toàn không xem đây là một nghề kiếm tiền như bao ngành nghề khác. Xin trưng dẫn một vài ý tưởng bổ trợ cho quan điểm vừa nêu.

Thoạt tiên, trong lãnh vực giáo dục không có những chuyên gia. Dễ tìm trong xã hội nhiều người đạt đến trình độ thượng thừa trong một ngành nghề, đến nỗi người ta gọi họ là “chuyên gia”. Tuy nhiên, việc giáo dục không chỉ được xem như phương tiện hỗ trợ để con người phát triển tri thức, kỹ năng và nhất là nhằm xoay sở cuộc sống, bởi lẽ lãnh vực ấy còn rộng lớn hơn nhiều so với những điều vừa kể. Đối tượng của giáo dục là con người. Nội dung của giáo dục không những là những kiến thức, kỹ năng mà bao hàm hết thảy nội dung có liên hệ tới việc xây dựng tính cách của con người. Hình thức của giáo dục không cố hữu trường kỳ vì con người, đối tượng của giáo dục, luôn thay đổi trong mọi thời đại. Như thế, người hoạt động trong lãnh vực giáo dục cũng không tự công nhận mình là một chuyên gia trong giáo dục, nhưng chỉ là một trung gian truyền tải một khía cạnh nào đó mà bản thân họ thủ đắc được mà thôi.

Thứ đến, ưu tiên hàng đầu của giáo dục và giảng dạy vốn hướng tới đào tạo nên con người, chứ không chỉ cung cấp kỹ năng hoặc tri thức. Đích nhắm của giáo dục là mong muốn rèn giũa nên những con người tốt lành, đạo đức và có ích cho xã hội. Chính vì thế khi đầu tư cho giáo dục ít khi nào người ta so đo hay tính toán những thiệt hơn về vật chất, bởi sự nghiệp xây dựng nên một con người là điều vô giá không vật chất nào sánh được. Những con người tài giỏi là chủ thể làm ra vật chất chứ không phải ngược lại. Cụ thể nơi gia đình, những bậc cha mẹ đã bỏ bao nhiêu công sức để nuôi dạy một đứa con nên người. Môi trường học đường đã tạo mọi điều kiện để con người được giáo dục cách tốt nhất. Nơi xã hội, những con người được giáo dục vẫn đứng vị thế được tôn trọng và được trọng dụng trong nhiều ngành nghề. Như thế, nếu ví von giáo dục như một ngành nghề thì nó đáng được xem là ngành nghề cao quý nhất so với mọi ngành nghề. Tuy nhiên, lãnh vực này đáng được trân trọng hơn nhiều ngành nghề gấp nhiều lần.

Tiếp đến, xin đề cập tới những nhà giáo dục, ở đây được kể là ông, bà, cha, mẹ, thầy, cô và những ai tham gia giáo dục cách gián tiếp, nghĩa là hết thảy mọi người trong xã hội đều làm giáo dục. Môi trường gia đình được ví von là “ngôi trường đầu tiên” và ông, bà, cha, mẹ là những “người thầy, cô đầu tiên”, có vai trò rất quan trọng trong việc thiết lập nên đạo đức và tri thức căn bản nơi một con người. Những bài “học ăn, học nói, học gói, học mở” và những cách thứ giao tế chung trong xã hội được gia đình truyền đạt cách gần gũi và mau chóng. “Mưa dầm thấm lâu” là phương thức mà gia đình sử dụng trong việc giáo dục. Xét ra hình thức ấy không thuyết phục về mặt lý trí vì không khởi đi việc giải thích ngọn nguồn của vấn đề, mà chỉ quan sát, lắng nghe và bắt chước. Nhưng xét ra trong giai đoạn này con người chưa cần đến những lý lẽ thuyết phục cũng chưa cần những yếu tố ngọn nguồn rốt ráo mọi chuyện, vì thế phương pháp này hoàn toàn phù hợp. Kế đến khi con người đến tuổi khôn, họ được lãnh giáo những kiến thức cách nền tảng và hợp lý theo lý trí qua môi trường học đường. Lúc ấy, thầy cô đóng vai trò quan trọng trong việc truyền đạt kiến thức và kỹ năng. Đồng thời, sự đồng hành của bạn bè, xã hội, tổ chức và mọi thành phần cũng là yếu tố tác động đến con người. Như thế, kết quả của việc giáo dục không là kết quả của một người hay một tổ chức, mà hơn thế là kết quả của một xã hội rộng lớn tạo thành.

Còn đối tượng được giáo dục thì sao? Chắc chắn mỗi người khi được thừa hưởng một nền giáo dục luôn khao khát những điều lớn hơn tri thức và kỹ năng. Lớn lên về thể xác là chưa đủ, hơn thế cần đẩy mạnh việc tu dưỡng đạo đức trưởng thành và kiên trì hướng tới chân lý. Muốn như thế, đối tượng được giáo dục mong muốn nơi những cha mẹ và thầy cô của mình một tấm lòng chân thành và khao khát hướng tới việc bồi dưỡng cho nhân cách con người. Cụ thể, con người cần được quan tâm và chăm sóc cách cụ thể qua cử chỉ, lời nói và tình cảm chân thành. Chắc chắn những ai yêu công việc giáo dục tận tâm luôn mang suy nghĩ rằng: “Tôi không đặt chân đến giảng đường để lấy tiền của học sinh, tôi muốn trao tặng tình yêu và lòng khao khát dành cho học sinh, muốn các em nên người có ích trong tương lai.” Đồng thời, nơi những đối tượng được giáo dục cũng cần nỗ lực để vươn tới qua những chỉ dẫn của cha mẹ, thầy cô và những người có trách nhiệm. Chính con người phải tự ý thức về trách nhiệm và tự chịu trách nhiệm về cuộc đời mình chứ không phải bất kỳ ai khác. Họ phải tự làm nhà giáo dục cho chính mình.

Như thế, trách nhiệm giáo dục để hoàn thành nhân cách nơi một con người là trách nhiệm chung. Với ý thức đầy đủ như thế, người ta không còn đổ lỗi cho nhau về trách nhiệm giáo dục thuộc về riêng rẽ một ai. Đồng thời, khi biết mình cũng là một người thầy – cô cho chính mình cũng như những người xung quanh, thì điều đó càng nâng thế giới và xã hội lên một tầm mức cao hơn – tầm mức ý thức xã hội, ý thức chung.

Môi trường là yếu tố thiết yếu vì mọi người đều được dung chứa trong một môi trường cụ thể nào đó. Tục ngữ Việt Nam có câu: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.” Nghĩa là một người khi sống trong bất kỳ môi trường nào cũng có khả thể chịu tác động bởi môi trường ấy. Cũng có ý kiến cho rằng: “Cha mẹ sinh con trời sinh tính”. Xin không dám khẳng định điều ấy là sai, nhưng tự đặt câu hỏi liệu có phải tất cả đều như thế. Xét về khía cạnh tâm lý bình thường, một đứa bé được sinh ra trong một gia đình bạo lực bởi cha mẹ, anh chị em, thì tương lai của đứa bé ấy rất có khả thể trở nên con người bạo lực. Ngược lại, một đứa bé được giáo dục đầy đủ, đàng hoàng thì tương lai sẽ sáng sủa và rộng mở hơn nhiều. Không là điều tuyệt đối đúng, nhưng ít ra cho thấy việc giáo dục góp phần to lớn trong việc hình thành con người như thế nào.

Bên cạnh đó, việc giáo dục một con người cũng không là chuyện một ngày một bữa. Hầu như chưa có nhà giáo dục nào dám khẳng khái rằng họ là một con người có nhân cách tuyệt hảo. Cũng chưa nhà giáo dục nào dám công nhận có thể đào tạo nên những con người có nhân cách tuyệt hảo. Tất cả chúng ta đều cùng đi trên một hành trình thành nhân, nghĩa là đi đến hội nhất con người và tinh thần nên trọn hảo từng ngày. Như thế, sự hỗ trợ của việc giáo dục là cần thiết. Hơn nữa, việc này đòi hỏi nơi cả nhà giáo dục lẫn đối tượng được giáo dục một sự kiên nhẫn, chịu đựng những gian nan nhất định. “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Mong rằng dịp lễ Tri ân các Nhà giáo cũng dịp suy ngẫm chút gì đó về giáo dục và mục đích tinh tuyền của nó.

Nguyện chúc những nhà giáo dục luôn kiên nhẫn, ý thức rèn mình và hướng dẫn cho nhiều con người trong xã hội. Nguyện chúc những con người được giáo dục luôn kiên nhẫn, nỗ lực rèn mình và góp phần dựng xây chính mình nên hữu ích từng ngày cho tương lai.


Tác giả: Little Stream - Nguồn: Dòng Tên Việt Nam (20/11/2021)

626    20-11-2021