Sidebar

Thứ Năm
28.03.2024

Chuyện buồn chung của người Sài Gòn

ggg1
Đã hơn 2 tháng người dân miền Tây nhà nhà người người ở đâu yên đó, giam mình trong nhà để cùng cả nước chung tay chống trận đại dịch lần thứ 4 bùng phát nguy hiểm. Miền Tây mới hơn 2 tháng giãn cách mà mọi người đã chán nản, bức bối ngột ngạt về tinh thần, còn người Sài Gòn đã hơn 3 tháng giãn cách (đầu tháng 6/2021 một số Quận ở Thành Phố đã thực hiện giãn cách để hạn chế lưu thông qua lại ở các Quận rồi!). Thời gian qua mọi người chỉ biết thăm hỏi động viên nhau về tinh thần qua các cuộc điện thoại hay qua tin nhắn. Trong cùng một phường, một huyện còn không được phép đến thăm hỏi, chia buồn khi chẳng may gia đình nào có người thân bệnh nặng hoặc qua đời, thì nói chi đến việc về Thành Phố chăm sóc ông bà, cha mẹ, anh em ốm đau bệnh tật.. Biết bao nỗi buồn do dịch bệnh covid 19 gây ra!

Tôi điện thoại thăm bạn bè người thân ở Sài Gòn, bao nỗi niềm riêng, bao phiền muộn chán nản được họ tâm sự như trải lòng cho nhẹ bớt gánh nặng chất chứa trong tâm hồn hơn 3 tháng qua, sống cảnh giãn cách mất việc. Với gia đình có tiền mà không có thức ăn thì cũng buồn bực, tiền dự trữ trong nhà đã chi tiêu gần hết, vì mấy tháng không có thu nhập, “ở nhà ăn ở không núi cũng lở”, không thể ra ATM rút tiền để mua thức ăn. Họ tâm sự rằng chỉ quanh quẩn cơm chiên trứng, mì gói nấu cà chua, tủ lạnh dần cạn thức ăn, thức ăn khô dự trữ bắt đầu được lấy ra ăn, ăn “nhín nhín” vì sợ hết không có để ăn những ngày sau, vì chưa biết đến khi nào hết giãn cách. Nhà có con nhỏ thì không còn giọt sữa nào, không còn chút sữa bột cho con trẻ uống tạm, con khóc vì thèm sữa, lòng họ “đau như ai cắt”. Mẹ con ôm nhau cùng khóc. Tiền không thể đi rút để chi tiêu, vàng có không thể bán vì đâu có tiệm vàng nào mở cửa đâu mà bán! Đi ngân hàng thì xa quá họ lại sợ bị phạt vạ vì đâu ai cho ra đường mà đi. Túng thiếu về mọi mặt, có tiền cũng nghèo y như không có tiền, nhà chẳng có gì để ăn, vay hỏi hàng xóm cũng phải trả, có đi đâu được để mà mua mà trả... Rồi cha mẹ, vợ chồng con cái trong gia đình, quạo quọ, cáu gắt gây nhau “ỏm tỏi” nhà cửa. Vợ chồng “trâu trắng trâu đen”, vợ nhà ngoài, chồng trong phòng, con đứa ở nhà bếp, đứa đem ghế bố ra hành lang nằm để khỏi ai đụng mặt ai, thấy mặt nhau là bực bội là muốn gây... Họ nói cũng biết rằng như vậy không giải quyết được vấn đề gì trong lúc này, phải biết yêu thương trân trọng nhau khi gia đình vẫn còn đủ các thành viên không ai nhiễm bệnh, nhà không tang thương như bao nhiêu cảnh họ thấy được khi xem tivi, hay thấy trên báo đài. Họ đều biết, đều hiểu hết đó chứ, nhưng nói thì dễ lắm, có ở trong cảnh vừa túng tiền vừa thiếu thức ăn giống như họ thì mới hiểu được tâm trạng thật của nhau.

Người có đạo Công Giáo thì nói: không đến nhà thờ được mấy tháng nay, dự lễ trực tuyến - online - có nghe các Cha giảng về sự nhường nhịn, yêu thương, chịu đựng nhau trong mùa dịch bệnh này, để không khí gia đình đỡ ngột ngạt, đừng hơn thua cáu gắt nhau; nhưng có trong cảnh “tiền không làm ra được đồng nào mà cứ chi ra cạn dần, cạn dần, chưa biết đến khi nào được đi làm lại”, thì mới hiểu được! Thực tế là vậy, tôi chỉ biết lắng nghe và an ủi vài câu, không giúp gì được trong lúc này, động viên nhau vài câu tích cực để cùng nhau vượt qua khó khăn chung chứ không của riêng ai.

Trên là hoàn cảnh của những hộ có tiền, họ ví họ cũng nghèo như người không tiền, vì lúc còn tiền dự trữ, cũng đâu mua được gì nhiều để mà dự trữ về lâu dài. Có ai mua bán gì đâu mà mua được...

Còn đây là lời tâm sự của những hộ làm công nhân ở nhà trọ: đói khổ chồng chất, thất nghiệp, lương hạn hẹp, ở nhà trọ thì có nơi chủ nhà trọ thương không thu tiền, nhưng thức ăn cũng thiếu thốn có gì ăn nấy, bữa đói bữa no để sống tạm, ở trọ thì tủ lạnh nhỏ có trữ được thức ăn gì nhiều, đa phần sống nhờ trợ giúp của phường, của các mạnh thường quân cứu trợ. Có khi đổ bệnh không có tiền mua viên thuốc uống. Hỏi mượn tiền những hộ xung quanh cũng đâu ai có nhiều mà cho mượn, nợ chồng chất nợ. Rồi quanh quẩn trong phòng trọ chật hẹp vài chục mét vuông mấy tháng liên tiếp, vợ chồng cũng strees vì túng quẫn, cãi nhau, đánh nhau! Con cái thì sinh tật lười ngủ nướng, thức khuya, nghiện game. Có con thì bật nhạc inh ỏi hát hò cả ngày làm phiền hàng xóm, bị cha mẹ rầy thì cãi lại “chem chẻm” to tiếng. Thế là giận hờn, không khí gia đình càng thêm căng thẳng. Rồi cũng có câu: “Có trong cảnh mới hiểu được nha!” Lý thuyết khuyên giải chỉ là lý thuyết. Nói thì hay đó, nhưng “có trong hoàn cảnh như vậy mới hiểu được nha!” Đúng như ông bà ta vẫn dạy: “Người trong cảnh mới hiểu người trong cảnh.” Ta ở ngoài chỉ nhìn sự việc ở một góc cạnh nào đó không được khách quan chính xác lắm đâu, nên lời khuyên lúc nào cũng nhẹ nhàng đẹp đẽ. Thực tế, khi chính ta ở trong cảnh ấy, ta có đủ bình tĩnh để giải quyết vấn đề cho êm đẹp, làm được hay không mới là chuyện đáng nói!

Riêng cá nhân tôi, nếu tôi lâm vào hoàn cảnh khốn khó đó, tôi nghĩ: “Khi thật sự bế tắc, mình sẽ lên mạng cầu cứu để được hỗ trợ. Ngày nay, với mạng truyền thông thời đại 4.0 tân tiến, bạn cần trợ giúp thức ăn để sống tạm qua ngày trong cơn đại dịch, bạn cần thuốc uống để trị bệnh, sữa cho con, vẫn có thể kêu cứu được mà! Khi bạn đã kêu cứu, thì vài tiếng sau hoặc một, hai ngày, bạn sẽ được trợ giúp. Vì cãi nhau, đánh nhau, giận hờn chỉ càng làm không khí gia đình và tình cảm vợ chồng, cha mẹ con cái xa nhau thêm chứ không giải quyết được chuyện gì. Lúc lâm cảnh khó khăn thật sự, hãy dẹp cái tôi sỉ diện của mình mà nhờ trợ giúp.”

Hãy bình tĩnh suy nghĩ cho thấu đáo để có hướng giải quyết một vấn đề êm đẹp vẫn tốt hơn là ồn ào bạo lực, chỉ làm tổn thương nhau. Dịch bệnh đã đói và khổ tâm lắm rồi, sau trận đại dịch việc làm sẽ gặp nhiều khó khăn. Hãy cùng nhau bàn bạc để có một hướng đi tốt trong mọi việc. Chống dịch, chống đói và duy trì mối quan hệ tốt trong gia đình mới là “tốt vẹn đôi đường”.

 

Bài viết được tác giả gửi về Ban Bác ái Xã hội – Caritas Vĩnh Long

800    19-09-2021