Trong một diễn biến gây bàng hoàng cho nhiều người, Religion News Service cho biết Thánh Công Đồng Chính Thống Giáo Mạc Tư Khoa đang tranh cãi về việc có nên tiếp tục thực hiện việc làm phép các vũ khí giết người hàng loạt, bao gồm cả các tên lửa hạt nhân. Tin tức này thật sự gây chóng mặt và kinh hoàng cho nhiều người: làm sao lại có thể làm phép cho những thứ kinh khủng như thế vì nó đối kháng triệt để với giới răn cấm giết người.
Một ủy ban về giáo luật đã họp tại Mạc Tư Khoa và đề nghị chấm dứt thực hành ban phép lành cho các hỏa tiễn và các đầu đạn hạt nhân, và đề nghị các linh mục chỉ nên ban phép lành cho từng binh sĩ và cùng lắm là vũ khí cá nhân của họ.
Đức Cha Savva Tutunov, chủ tịch ủy ban giáo luật của Thánh Công Đồng Mạc Tư Khoa nói rằng sẽ phù hợp hơn khi các linh mục chỉ ban phép lành cho các chiến binh đang bảo vệ đất nước và vũ khí cá nhân của họ.
“Ta có thể nói về việc ban phép lành cho một chiến binh đang thi hành quân dịch nhằm bảo vệ tổ quốc,” Đức Cha Tutunov nói.
“Vào cuối nghi thức tương ứng, vũ khí cá nhân cũng có thể được làm phép - chính xác là vì nó được liên kết với cá nhân người đang nhận được phép lành. Còn những thứ vũ khí hủy diệt hàng loạt thì không nên được thánh hóa,” ngài nhấn mạnh.
Đề nghị chấm dứt việc ban phép lành cho những thứ vũ khí giết người hàng loạt vẫn chưa được Đức Thượng Phụ Kirill chấp thuận.
Các hệ thống vũ khí, bao gồm tên lửa đạn đạo liên lục địa Topol, thường được các giáo sĩ Chính thống Nga ban phép lành trong các cuộc diễn hành quân sự và các sự kiện khác. Những phép lành này được coi là một cách bảo vệ đất nước một cách siêu nhiên.
Vào năm 2007, vũ khí hạt nhân của Nga đã được thánh hiến trong một buổi lễ tại Nhà thờ Chúa Cứu thế ở Mạc Tư Khoa. Trong Chính thống giáo Nga, người ta còn đặt Thánh Seraphim là vị thánh bảo trợ các vũ khí hạt nhân của Nga.
Quan điểm của Đức Cha Tutunov không được tán thành rộng rãi trong Giáo hội Chính thống. Linh mục Vsevolod Chaplain, nguyên phát ngôn viên của Đức Thượng Phụ Mạc Tư Khoa, nói rằng kho vũ khí hạt nhân của Nga giống như các “thiên thần hộ mệnh” của đất nước và là cần thiết để bảo vệ Chính thống giáo.
“Vũ khí hạt nhân là phương thế duy nhất bảo vệ Nga khỏi sự nô lệ phương Tây,” linh mục Chaplin nói với một tờ báo Nga.
Ngược lại với quan điểm này, Giáo Hội Công Giáo mạnh mẽ phản đối vũ khí hạt nhân, và hỗ trợ các quốc gia tháo dỡ kho vũ khí của họ.
Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII từng kêu gọi cấm vũ khí hạt nhân. Trong thông điệp Pacem In Tetris, nghĩa là Hòa Bình Tại Thế, được công bố năm 1963, ngài viết rằng, “một thỏa thuận chung phải đạt được trong một chương trình giải giáp phù hợp, với một hệ thống kiểm soát lẫn nhau có hiệu quả.”
Giáo lý Giáo Hội Công Giáo mô tả các hành động chiến tranh nhằm phá hủy bừa bãi toàn bộ một thành phố hoặc các khu vực rộng lớn như một tội ác chống lại Thiên Chúa và con người.
“Một mối nguy hiểm của chiến tranh hiện đại là nó mang đến cơ hội cho những người sở hữu các vũ khí hiện đại - đặc biệt là vũ khí nguyên tử, sinh học hoặc hóa học – khả năng thực hiện những tội ác đó.”
Tháng 11 tới đây, Đức Thánh Cha Phanxicô dự kiến sẽ đến Nagasaki và Hiroshima – là hai thành phố đã gánh chịu hai quả bom nguyên tử của Hoa Kỳ trong Thế chiến II. Tại đó, ngài sẽ đưa ra các thông điệp chống chiến tranh.
Source:Catholic News Agency
Russian Orthodox Church considers ending blessings for nuclear weapons