Trong dân gian, lời truyền miệng bao đời đã có câu: “Con gái là con người ta/ Con dâu mới thực mẹ cha đưa về”. Ở thời của chúng tôi xưa, chuyện chọn nàng dâu vô cùng quan trọng, bởi khi về nhà chồng, con dâu thường đảm đương trách nhiệm tề gia nội trợ, quán xuyến mọi việc nhỏ to. Chưa kể ngoài thiên chức làm vợ, còn sinh con để giữ dòng giống cho gia đình chồng.
Tôi là con trưởng, cháu đích tôn của dòng họ. Đến tuổi trưởng thành, cha mẹ đã lo dựng vợ. Mẹ tôi thường đi chợ với một số bà trong làng, lân la trò chuyện và bắt đầu chú ý, để mắt tới con gái của mấy người bạn thân. Mẹ đem chuyện bàn với cha, ông cũng rất tâm đắc. Việc tìm mai mối cho tôi một người vợ quả thật công phu. Nhiều lần tôi loáng thoáng nghe cha mẹ bàn bạc, nào là con nhà bà A, bà B được nết, con nhà bà C thùy mị, phúc hậu... Vấn đề học hành, văn hóa trong gia đình của phía nhà gái cũng được quan tâm, sao cho “môn đăng hộ đối”, rồi cả chuyện họ sống với địa phương, với xóm giềng, họ hàng ra sao... Nói chung, cha mẹ tôi chọn nàng dâu khá kỹ, khắt khe. Với các cụ, con dâu trưởng ở vị trí số 1, “tay hòm chìa khóa” của cả gia đình, nhất là nhà lại đông anh em. Song thân tôi quan niệm, con dâu trưởng phải biết kính trên, nhường dưới, tháo vát, đảm đang, biết ứng xử với cha mẹ, dòng họ, biết lo đối nội đối ngoại để không làm mất lòng ai. Các cụ thường bảo: “Nhà nào cưới được dâu hiền, thảo, đảm đang là phúc đức cho gia đình!”. Với suy nghĩ như vậy nên ở làng tôi, nhà ai có con gái đoan chính, xuân sắc thì có tới ba, bốn nơi tới đánh tiếng xin cưới.
Nhập gia tùy tục, nàng dâu mới chân ướt chân ráo về nhà chồng thường bẽn lẽn, thẹn thùng, chưa quen với công việc mới mẻ nên các cụ lại phải bảo con trai mình dạy vợ. Trong hoàn cảnh bắt buộc, nàng dâu mới phải cố gắng trong mọi việc, từ bếp núc, chợ búa, đến ứng xử với các em chồng sao cho tốt đẹp, nhất là phải biết được sở thích, tâm lý của các em để đáp ứng khôn khéo (Giặc bên Ngô, không bằng bà cô bên chồng!). Nếu không khéo, dễ sinh mâu thuẫn, bất đồng khiến không khí gia đình căng thẳng, bất lợi cho mình. Vào những dịp đại sự của gia đình như tết lễ, giỗ chạp..., nàng dâu thật tất bật, khó nhọc, lo sao chu tất, vẹn toàn cỗ bàn, mời mọc anh em, họ hàng lịch sự để không ai cười chê, trách móc. Cả những bữa ăn trong đại gia đình, khi anh em đi làm ăn xa về cùng họp mặt, có lúc kéo thêm vài người bạn thân tới, nàng dâu trưởng cũng phải lo nấu ăn, tiếp khách, tay bắt mặt mừng để mọi người vui vẻ, thoải mái. Trong nhà có bố, mẹ chồng già, đau yếu, con dâu lại đảm đương việc phụng dưỡng; rồi thì ma chay, nhang đèn sau khi các cụ qua đời.
Tôi có cô em gái đã ngoài 70, đi làm dâu nhà người. Cô đã có con đàn, cháu đống, lên chức bà nội, bà ngoại từ lâu, tưởng rằng ở tuổi này sẽ an nhàn nghỉ ngơi. Vậy mà em tôi vẫn không rời việc chăm sóc bà mẹ chồng tuổi 90. Họ nương tựa vào nhau, như bí bầu luôn quấn quýt, lúc nắng mưa đau yếu của quãng đời còn lại.
Thời hiện đại, việc chọn nàng dâu hẳn khác xưa nhiều, thậm chí có người vẫn nói vui “Con đặt đâu, cha mẹ ngồi đó”. Có lúc tôi cứ nghĩ tới nghĩ lui, các nàng dâu trẻ ngày nay có còn giữ được nét đẹp văn hóa truyền thống bao đời của gia đình Việt Nam hay không?
BÙI VŨ LIÊM