Ngày 24 tháng 8-2017, Đức Hồng y Quốc Vụ Khanh Pietro Parolin đã hoàn thành chuyến đi chính thức bốn ngày qua Nga. Một sự kiện rất quan trọng vì đây là lần thứ ba một “nhân vật số 2” của Vatican đến đất nước này, nhưng còn là lần đầu tiên kể từ 18 năm nay. Nếu cho đến bây giờ, chuyến tông du của Đức Giáo hoàng đến Nga chưa ở trên lịch, nhưng chuyến đi của Hồng y Parolin là một bước tiến đáng kể trong chiều hướng này.
Một cách chính thức thì các cuộc thảo luận của Đức Hồng y Parolin và các chức sắc ở Maxcơva và Sotchi “không đề cập” đến một chuyến đi của Đức Phanxicô đến Nga. Nhưng ít nhất Hồng y Quốc Vụ Khanh đã nhắc nhiều lần về chuyện này trước và trong chuyến đi của mình.
Một ngạc nhiên
Ngày 21 tháng 8, Hồng y Quốc Vụ Khanh đã tuyên bố với hãng tin Askanews khi được hỏi “một chuyến đi như vậy là chuyện khả thể không?” :“Tôi nghĩ là có thể: về đoạn cuối sẽ có ngạc nhiên, như cuộc gặp ở La Havana là một ngạc nhiên”. Ngài muốn nói đến cuộc gặp giữa Đức Phanxicô và Đức Thượng Phụ Chính thống Maxcơva tại La Havana, Cuba vào tháng 2 năm 2016, đây là cuộc gặp đầu tiên giữa hai nhân vật của hai Giáo hội kể từ năm1439! Cuộc gặp này chỉ được báo trước một tuần.
Chuyện này là chuyện không thể có được chỉ cách đây vài năm, cuộc gặp này là thành quả của sự xích lại gần nhau giữa Rôma và Giáo hội Chính thống Nga bắt đầu từ năm 2005 dưới thời của Đức Gioan-Phaolô II, giáo hoàng duy nhất người slavơ trong lịch sử. Sự xích lại đã được tiến hành nhanh qua việc các tín hữu kitô bị bách hại, qua tinh thần “đại kết trong máu”, thành ngữ thiết thân của Đức Phanxicô.
Một nền ngoại giao quân bình đối với nước Nga
Từ năm 2009, nước Nga và Tòa Thánh đã có các quan hệ ngoại giao ở mức độ đại sứ và sứ thần, có nghĩa là ở mức cao nhất. Một dấu hiệu khác cho thấy Vatican đặt một tầm rất quan trọng: Tháng 5 năm 2016, Tòa Thánh bổ nhiệm Đức ông Celestino Migliore làm sứ thần tòa thánh ở Maxcơva. Theo hãng tin công giáo AsiaNews, đây là một trong các nhân vật ngoại giao xuất sắc nhất đã từng làm đại diện ở Liên Hiệp Quốc.
Trên trường ngoại giao quốc tế, Maxcơva đánh giá cao thế quân bình của Vatican đối với họ, nhất là trong các vấn đề của Syria và Ukraina. Một quan điểm được ghi nhận tích cực qua các đại diện chính thức và tôn giáo của Hồng y Parolin. Chẳng hạn, ngày 23 tháng 8, Thượng phụ Kyril đã ca ngợi “sự thông hiểu hỗ tương về vai trò của các Giáo hội trong việc hòa giải của dân tộc Ukraina”.
Các quan hệ cá nhân giữa hai nguyên thủ Quốc gia là các quan hệ rất tốt, các quan hệ này luôn quan trọng trong các quan hệ ngoại giao. Ngày 23 tháng 8, Tổng thống Putin đã nói với Hồng y Parolin, ông rất “đánh động” bởi hai cuộc gặp với Đức Phanxicô. Tổng thống Vladimir Putin là khách quen thuộc đến thăm Vatican, ông đã đến Vatican năm lần kể từ năm 2000.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch