Sidebar

Thứ Sáu
29.03.2024

Chuyện về Ông Táo Hiếu Nghĩa

Vào thôn xóm ấp Phước Ngươn, xã Phước Hậu hỏi nhà chú Lùn hay Ông Táo là nhà nào cũng biết, vì từ khi được sinh ra chú đã có vóc dáng rất khác những đứa trẻ bình thường, chú bé xíu, tay chân ngắn nhỏ như thân hình của chú, thêm màu da đen nhẻm như ông táo. Chú được mẹ đặt tên rất đẹp Hiếu Nghĩa nhưng cả thôn xóm chẳng ai nhớ đến tên chú mà luôn quen gọi Chú Lùn hay Ông Táo.

Chú Lùn mồ côi cha khi còn bé xíu, chỉ có một mình mẹ tảo tần làm đủ việc ai thuê gì làm nấy để có tiền nuôi dưỡng chú Lùn. Bà Tư thấy con mình bất hạnh mồ côi cha lại dị tật dị dạng nên bà dùng cả tấm lòng người mẹ mà thương yêu lo lắng bù đắp cho con, người mẹ không tái hôn chỉ một lòng ở vậy thờ chồng nuôi con. Nhưng nghịch cảnh trớ trêu, cách đây 12 năm, khi ấy bà tròn 60 tuổi bà bị bệnh tai biến và bị bại liệt ngồi một chỗ. Nhà cửa không có vì khi xưa hai mẹ con bà nương nhờ tá túc nhà chùa. Hàng xóm thương tình vận động nhau người cho miếng đất sau vườn, người bao xi măng, gạch, tole… cất ngôi nhà nhỏ cho có chỗ để hai mẹ con trú nắng trú mưa. Năm nay bà Tư đã 72 tuổi, chú Lùn đã 47 tuổi.
Điều đáng quý ở đây là từ khi bà mẹ ngã bệnh, mọi sinh hoạt cá nhân chăm sóc mẹ đều do một tay chú Lùn chăm sóc. Với vóc dáng và thân hình nhỏ bé tầm 1 mét, Chú Lùn rất vất vả để tắm rửa vệ sinh cá nhân cho người mẹ, nhưng tấm lòng hiếu thảo của chú Lùn vẫn làm tròn lo cho mẹ từng bữa ăn, giấc ngủ.

Ai thuê việc gì vừa sức là chú nhận làm, hàng xóm thương hoàn cảnh hai mẹ con côi cút bệnh tật nên chẳng ai bảo ai, hễ nhà nào có gì ăn ngon cũng múc chừa phần cho hai mẹ con sống lây lất qua ngày. Hôm tôi đến nhà thăm trao ít quà hỗ trợ, phải đi nhờ vào sân nhà chủ đất bị chó dí sủa inh ỏi. Vô đến nhà, thấy nhà cửa tuy đơn sơ bề bộn vì ngôi nhà nhỏ chỉ kê đủ 2 cái giường và 1 tủ nhỏ, nhưng không hề có mùi hôi chua của người bệnh bại liệt lâu năm do mọi việc vệ sinh cá nhân tại chỗ trên giường. Chú Lùn chăm sóc lau dọn chỗ nằm của người mẹ kỹ lưỡng sạch sẽ .

Thấy cảnh chú Lùn thương yêu chăm sóc cho mẹ rất kỹ tôi hỏi : cực quá ko chú? Chú Lùn hồn nhiên trả lời với giọng hơi ngọng nghịu: hồi nhỏ mẹ thương lo cho mình, giờ mẹ bệnh, nhà có hai mẹ con thì mình phải lo lại chứ. Sức mình yếu thì làm theo yếu, ráng cũng xong việc mà. Còn mẹ là vui lắm thương mẹ lắm... Chú vừa nói vừa lấy tay vuốt má người mẹ. Người mẹ chảy nước mắt khóc ròng nói: tôi sợ tôi chết bỏ nó bơ vơ, mà sống vầy cũng khổ cho nó…

Nghe chú Lùn nói mà lòng tôi xúc động khoé mắt cay cay. Suy nghĩ và hành động của chú Lùn, tôi thật ngưỡng mộ, chú Lùn thấp bé dị dạng vóc dáng nhưng suy nghĩ của chú rất CAO về lòng Hiếu Thảo. Có những người con vì vật chất làm mờ mắt quên hẳn mẹ cha, đi làm xa cả năm không được lần nào về thăm cha mẹ già, ngày Tết thì vợ chồng con cái đi du lịch chơi, chẳng thèm nhớ đến cha mẹ. Còn người vì mải mê công việc, cha mẹ già bệnh tật không thăm hỏi chăm sóc, viện đủ mọi lý do bận bịu để không đến thăm cha mẹ già mỏi mắt ngóng trông con trên giường bệnh.

Những ai còn cha còn mẹ xin đừng làm buồn lòng hai đấng sinh thành. Cha mẹ già như chuối chín cây, ngày nào còn cha còn mẹ trên cõi đời là mình còn diễm phúc, hãy hết lòng hiếu thảo với song thân. Để đến khi cha mẹ thác làm mâm cao cổ đầy cúng giỗ cha mẹ, cha mẹ nào có hưởng được gì đâu.

Thương gia cảnh chú Lùn và bà Tư, mong có những mạnh thường quân biết đến hoàn cảnh này để hỗ trợ, trợ cấp hàng tháng cho cuộc sống chú Lùn và bà Tư được no lòng ấm dạ.

Tình làng xóm bà con ở thôn ấp nơi hai mẹ con bà Tư, chú Lùn tá túc thật là cao đẹp đã rộng vòng tay giúp bữa cơm bữa cháo cho chú Lùn no dạ suốt bao năm qua. Đời thật tươi đẹp nhiều ý nghĩa khi biết sẻ chia đùm bọc  lẫn nhau.

Sonhactu

 

 

 

710    11-06-2021