Sidebar

Thứ Sáu
11.10.2024

Chuyến viếng thăm ý nghĩa

download 1* Bà! Sao bà lại nằm ngoài này. Nắng mưa ốm ra thì sao?
* Con nằm ngoài này quen rồi. Giờ vào nhà không quen, sợ lại nảy bệnh ra.
Trước mặt tôi là một căn “lều”, à không, nó còn tuềnh toàng hơn căn lều mà người ta thường tưởng tượng ra được. Ven một miếng bờ của cái ao rất nhỏ đã xanh mùi rong rêu, nước đã có phần đặc quánh lại. Tôi mất hai phút để tìm cái định nghĩa cho nơi ở này, nhưng đành bất lực. Thôi thì cứ gọi tạm cái “lều”, mong người đọc có thể dễ hình dung hơn. Bà Tênh – cái tên mà mọi người xung quanh gọi bà khi tôi hỏi tới – đang nằm co ro trong một góc nhỏ. Khi chúng tôi hỏi tên thật của bà, làng xóm cũng ngỡ ngỡ rồi mỗi người nói một cái tên: Bà Tuynh, Bà Tươi,… Từ lâu người ta đã coi bà là bà Tênh, một cái tên chẳng biết xuất phát từ đâu, mà cũng chẳng có ai muốn nhọc công đi tìm hiểu nên người ta gọi thế cho tiện.

Căn lều của bà Tênh nằm ngay cạnh ngôi nhà của người cháu. Anh Thịnh, người dẫn chúng tôi đến đây đã cho chúng tôi tên thật của bà: bà Tám. Lúc được cha phó giới thiệu rằng “bà ý dựng lều ở ngay cạnh nhà đứa cháu”, tôi cứ ngỡ sẽ được gặp một người đàn ông mặt mày cau có, đăm đăm, nói đến người cô của mình quạu cọ. Nhưng không! Tiếp chúng tôi là một người hiền lành, nhẹ nhàng với giọng nói trầm trầm, mỗi lần nói về người cô của mình là ánh lên đôi phần ái ngại.
  • Cô tôi đã ra bờ ao này ở từ năm năm nay rồi – anh Thịnh từ từ kể cho chúng tôi nghe về câu chuyện của căn lều – Cô ấy là em gái của bố tôi. Nhà chỉ có hai anh em. Cô tôi đi lấy chồng, nhưng chú ấy qua đời nên cô lại về với nhà tôi. Cô vẫn ở vậy với ông bà nội tôi. Lúc chúng tôi lớn lên, xây dựng nhà cửa đàng hoàng thì bố tôi cho lại cô căn nhà mà ông bà để lại cho bố. Ban đầu cô vẫn ở đó, sinh hoạt bình thường, nhưng tự nhiên sau một thời gian cô mần mò ra đây, làm cái căn lều ấy rồi ở lại mà không vào nhà nữa. Chúng tôi có khuyên thế nào cũng mặc. Bắt ép cô về lại nhà để ở thì cũng chỉ chưa đầy 24 giờ sau, đã thấy cô nằm ngoài căn lều. Những ngày trời bình thường thì không sao. Những ngày mưa gió, cứ thấy cô co ro ngay bên nhà mình, vợ chồng tôi cứ bấm bụng, rấm rứt mãi.
  • Thế ăn uống của bà cụ thì sao? – tôi hỏi.
  • Chúng tôi vẫn nấu cơm để đưa sang cho cô. Lúc thì ăn, lúc thì cứ để đó cho đến bữa sau. Lạ cái là không bệnh tật gì. Thỉnh thoảng có lẽ do dính mưa gió, cô ốm cảm một hai ngày lại hết. Có khi còn khỏi trước cả lúc vợ tôi mua thuốc mang về cho cô.
Anh Thịnh dẫn chúng tôi ra căn lều. Bà Tênh đang nằm đó, mắt nhắm nghiền. Bên cạnh là chiếc đài Lòng thương xót đang rỉ rả bên tai.
  • Ông bạn tôi đi vào trong cha Long, mang qua tặng cho bà cụ - Anh Thịnh giải thích về cái đài đang phá vỡ đi cái hiu quạnh của căn lều.
Tôi muốn tả cho người đọc mường tượng ra căn lều ấy lắm, nhưng không biết viết ra đây điều gì bởi gần như căn lều chẳng có gì để viết. Trống hoắc. Một mảnh bạt được cột vào cây chuối, cây ổi ở hai đầu. Một mảnh nữa, nhỏ hơn, được lót dưới nền đất làm chỗ nằm. Một nắm quần áo cũ nhỏ được gói cuộn lại với nhau, làm thành cái gối đầu cho bà Tênh. Bên cạnh còn ít vỏ thạch, vỏ kẹo nằm lẫn với những cái chưa được ăn. Đó là bánh kẹo mà mấy đứa con anh Thịnh đôi khi mang sang cho bà cụ. Tôi cố tìm ra những cái gì có thể tả nhất trong căn lều ấy để tả lại, nhưng chỉ được có thế.

Cô Tênh! Cô Tênh! Có thầy ở nhà xứ thăm cô. Bà Tênh mở mắt ra. Rồi lần lựa ngồi dậy tiếp mấy “người khách”. Bây giờ tôi mới được nhìn kỹ bà. Mái tóc xổ ra những sợi đã bạc, nhưng chưa bạc hết cả đầu như những bà tiên cổ tích tôi hay được nghe, đang được bà vấn lại. Cả khuôn mặt như một nhúm nhăn nheo lại. Miệng bà đỏ trọt lại do bà vẫn ăn trầu thường xuyên. Đôi mắt vẫn còn sáng lắm, tinh lắm.
  • Chào các thầy! - Giọng nói vẫn ấm lắm, sáng lắm.
Mấy anh em chúng tôi chia nhau ra để tặng bà miếng bánh, gói quà. Bà nhận hết, với đôi tay đã run run của tuổi già. Anh Sáng lúc này mới đưa ra cái phong bì mà mấy anh em gom góp vào, biếu bà. Bà Tênh đẩy phong bì ra, nói:
  • Cảm ơn các thầy về thăm rồi tặng bánh trái cho con. Bánh trái thì con nhận, chứ tiền thì các thầy cất đi. Còn nhiều người khó khăn hơn con, đến cái nhà còn không có. Mấy chỗ đó mới cần tiền hơn.
Mấy anh em chúng tôi ngạc nhiên nhìn nhau. Rồi quay sang nhìn anh Thịnh:
  • Bà cụ chỉ nhận bánh trái ăn cho đỡ buồn miệng. Còn tiền bạc thì nhất định là không nhận. Bao nhiêu tổ chức hay ai về thăm, cụ đều thế hết.
Anh Sáng cho lại cái phong bì vào túi.
Chúng tôi, từng người một, cúi người vào để ngồi bên cạnh bà Tênh. Bà trả lời rành mạch từng câu hỏi mà chúng tôi hỏi bà. Bà kể cha này, cha kia về thăm. Bà kể về nhà thờ xứ mà bà hay đi lễ mỗi Chủ Nhật. Bà nhờ mỗi người chúng tôi cầu nguyện cho bà khi đã về lại Chủng viện.
Tôi nhìn quanh cả căn lều, nói vui với bà:
  • Đâm ra bà chọn chỗ phong thủy hữu tình nhất làng. Ngồi đây mát hơn cả phòng điều hòa.
 Bà Tênh bật cười, lộ cả hàm răng đỏ ảu của trầu, phả ra một hơi thơm nồng mà tôi vẫn thấy mỗi khi ngồi cạnh bà nội tôi của những ngày xa xưa.
***
Tối hôm đó, lúc chúng tôi đang đi dạo sau bữa tối của Chủng viện, một nghĩa tử  của cha phó nơi chúng tôi gặp bà Tênh – cho biết bà Tênh mới qua đời. Tôi vội nhìn lên trời. “Một ngôi sao lại sáng trên nền trời kia, một linh hồn lại được trở về với Chúa”.

Trong thoáng chốc, tôi nhớ lại chuyến thăm hôm ấy, chuyến thăm trong mùa hè mục vụ đầu tiên trong đời của tôi.
 Quang Hải 
678    06-12-2019