Sidebar

Thứ Ba
10.09.2024

“Có những giám mục mặc áo chùng nhưng rất đạo đức giả”

 

Trích đoạn sách-phỏng vấn “Sức mạnh của ơn gọi” được phát hành toàn cầu ngày 3 tháng 12 với mười ngôn ngữ khác nhau, ghi lại cuộc đối thoại của Đức Phanxicô với linh mục Tây Ban Nha Fernando Prado về đời sống tu trì. Sách được nhà xuất bản Claretiana in, nhà xuất bản in sách khi Đức Phanxicô còn là hồng y Bergoglio ở Buenos Aires.

Trang phục không xác định tính thời thượng của tu sĩ, có những giám mục, linh mục luôn ăn mặc chỉnh tề với các phụ kiện khác nhau nhưng sống “rất đạo đức giả” vẫn còn tồn tại. Và cũng có các tu sĩ ăn mặc đơn sơ, nhưng họ có một tình yêu bao la cho Chúa Giêsu. Trong quyển sách có một chương nói về tính thời thượng và nạn giáo quyền, hai vấn đề Đức Phanxicô luôn quan tâm. Báo Vatican Insider đăng một trích đoạn Đức Phanxicô trả lời, ngài cho rằng các hiện tượng này là các hiểm nguy thật sự cho đời sống thánh hiến.

Về vấn đề này, Đức Phanxicô mô tả hai sự kiện lớn mà Giáo hội gặp. Cám dỗ đưa đến Giáo hội rút lui vào chính mình, biến Giáo hội thành tự quy và như thế Giáo hội  không thể nào sinh hoa trái. Và cám dỗ này cũng là cám dỗ của đời sống thánh hiến.

Ngài nói: “Thói thời thượng rình rập mình. Phải có một đời sống tu trì nghiệm nhặt phát sinh từ một tình yêu bao la cho Chúa Giêsu mới không rơi vào bẫy này. Có các tu sĩ xét tận sâu thẳm họ không biết họ là tu sĩ thánh hiến hay là người trần tục. Tôi không nói đến dấu hiệu bên ngoài là chiếc áo chùng. Đó là chuyện tương đối. Có thể có và có thể không. Có những giám mục và linh mục mặc áo chùng nhưng lại sống rất đạo đức giả, bởi vì trong tận tâm hồn họ, họ có trái tim trần tục. Có các tu sĩ khác ăn mặc giản dị, họ không có áo sơ-mi linh mục nhưng họ có tấm lòng yêu Chúa Giêsu lớn lao. Tất cả đều tùy thuộc. Tôi nghĩ có các dấu hiệu, tuy không nghi ngờ, nhưng tôi không bám vào đó. Phải xem từng trường hợp một. Họ có thể mặc theo thói quen, mặc áo sơ-mi linh mục và trần tục”.

Để minh họa cho quan điểm của mình, ngài kể câu chuyện một giám mục đến tiệm  Euroclero, một cửa hàng chuyên bán y phục tu sĩ ở Rôma, bên cạnh quảng trường Thánh Phêrô, cửa hàng của rất nhiều tu sĩ khi họ đến Tòa Thánh. Giám mục gặp một linh mục trẻ, chưa quá 25 tuổi.

“Anh nhìn áo quần chưng bày trong tiệm và thử chúng. Anh thử một áo măng-tô với hai huy chương bạc và nhìn mình trong gương để xem mình như… một đứa con trai nhỏ. Giám mục nhìn anh và không thể nào tin được. Sau đó anh thử chiếc mũ dạ kiểu ‘saturno’ và giám mục cũng không thể tin được. “Em bé này” với các y phục tu sĩ nhưng lại trần tục hơn linh mục ăn mặc đơn sơ nhưng lại yêu Chúa Giêsu trên hết mọi sự.

Ngài nói thêm: “Một vài ngày trước, người ta nói tôi bị chỉ trích vì đã nói với một nhóm linh mục làm việc trong lãnh vực đào tạo ở Dòng Tên, ngày xưa khi các linh mục Dòng Tên đi gặp Đức Giáo hoàng hay Bề trên tổng quyền, họ mặc áo chùng với măng-tô và bây giờ, cám ơn Chúa, không còn như thế nữa. Tôi nghĩ họ đến đây ăn mặc chỉnh tề, đúng phẩm cách là được. Một tu sĩ đơn sơ, không cần phải có măng-tô để gặp giáo hoàng. Một số người bảo vệ quá cho phong tục này, ngay cả họ là người trần tục. Nạn giáo quyền đôi khi được diễn tả qua các hình thức thời thượng này”.

Sau đó ngài cho rằng, thời thượng là vấn đề tiêu chí: hành động, cuộc sống, chiêm niệm, “ở trong thế giới của Chúa hơn”. Theo Đức Phanxicô, phải phân định đúng các tiêu chí của thế gian dù chúng được thể hiện dưới một khía cạnh tốt.

Và ngài nói: “Nhưng… Cẩn thận! Chúa Giêsu rõ ràng đã xin chúng ta chăm sóc thế giới. Linh mục thần học gia Henri De Lubac nói về tính thời thượng tâm linh này như một thái độ nhân chủng học thuần túy. Nó được xem như sự tách ra khỏi một thế giới thời thượng khác, nhưng sự thật, thay vì đi tìm vinh quang cho Chúa, thì tìm vinh quang cho mình. Chúng ta nhớ lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc Ly: ‘Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần. Họ không thuộc về thế gian cũng như con đây không thuộc về thế gian.’ Nếu chúng ta có các tiêu chí của thế gian thay vì có các tiêu chí của Chúa Giêsu thì chúng ta đi ngược lại với đời sống thánh hiến”.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

240    02-12-2018