Sidebar

Chúa Nhật

08.12.2024

Có phải ta là Giuđa thời đại ?

31THỨ TƯ TUẦN THÁNH

– Kinh Tiền Tụng Thương Khó II.

– Tối ngắm 15 Sự Thương Khó Chúa Giê-su.

– Không cử hành lễ nào khác, trừ lễ an táng.

– Các bài đọc Lời Chúa: Is 50,4-9a; Mt 26,14-25.

CÓ PHẢI TA LÀ GIUĐA THỜI ĐẠI KHÔNG ?

          Tin Mừng hôm nay dẫn ta đến đỉnh cao công trình cứu chuộc của Đức Kitô. Người sẽ phải “ra đi” vì tội lỗi nhân loại và để chịu chết chuộc tội cho họ.

          Bối cảnh của bài Tin Mừng hôm nay là Lễ Vượt Qua cuối cùng Chúa Giêsu cử hành với các môn đệ. Mỗi năm người Do Thái thời Chúa Giêsu long trọng mừng lễ Vượt Qua để tưởng niệm biến cố Thiên thần Chúa vượt qua cửa nhà người Do Thái có bôi máu chiên để không giết con đầu lòng của họ, khởi đầu cho cuộc giải phóng họ khỏi ách nô lệ, để dẫn đưa họ vào cuộc xuất hành tiến về Đất Hứa. Chúa Giêsu đã có ý định dùng môi trường và ý nghĩa của lễ Vượt Qua này để thiết lập Thánh Thể, nói lên ý nghĩa Ngài là Con Chiên mới sẽ hiến thân chịu chết và đổ máu trên Thập giá để giải phóng và cứu rỗi không những dân Do Thái, mà cho toàn thể nhân loại.

          Mở đầu ta thấy một con người tội lỗi đã nổi tiếng xưa nay, Giuđa Itcariôt. Ông theo Chúa cùng anh em đã mấy năm nay. Vậy mà hôm nay đã rắp tâm chỉ điểm cho người Pharisêu bắt Chúa, mà lấy 30 đồng bạc. Thật tiền bạc nó có sức cám dỗ lạ lùng, mà giờ đây chúng ta ai cũng phải cảnh giác với chúng. Cũng thương thay những con người yếu đuối, đớn hèn đã phải làm tôi cái đồng tiền nhỏ bé ấy: “Giuđa Itcariôt đi gặp các thượng tế mà nói: Tôi nộp ông ấy cho quý vị thì quý vị muốn cho tôi bao nhiêu. Họ quyết định cho hắn ba mươi đồng bạc. Từ lúc đó hắn cố tìm dịp thuận tiện để nộp Chúa Giêsu”. Tiếp tục Tin Mừng dẫn ta vào một biến cố đặc biệt, Chúa Giêsu và các môn đệ chuẩn bị ăn lễ Vượt Qua: “Các môn đệ đến thưa với Đức Giêsu: Thầy muốn chúng con dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua ở đâu?”.

          Chúa Giêsu, là người chủ, người điều hành từ xa việc chuẩn bị mừng lễ ấy. Là Thiên Chúa, Người thấy trước mọi sự, nên công việc đã xảy đến đúng như lời Người báo trước. Lễ Vượt Qua, lễ tạ ơn trọng thể của người Do Thái. Họ cảm tạ và nhớ lại tình yêu thương đặc biệt Thiên Chúa đã dành riêng cho dân tộc họ, trước đó khoảng 1300 năm. Chúa đã cho họ đi qua Biển Đỏ để trốn thoát khỏi cảnh nô lệ  Ai Cập một cách lạ lùng. Ngày ấy trước khi vượt qua Biển Đỏ, Chúa dạy họ giết chiên ăn thịt và “lấy máu bôi lên khung cửa” nhà mình. Nhà nào có máu chiên bôi lên, nhà ấy sẽ khỏi phải “tai ương tiêu diệt”. (Xh 12).

          Tin Mừng hôm nay cũng gợi lại cho chúng ta tấm thảm kịch bi thương khi họa lại khung cảnh của một bữa tiệc cuối cùng của Thầy Giêsu với các môn sinh của mình, để rồi chính trong bữa ăn thân tình và huynh đệ này lại diễn ra một sự phản bội trắng trợn của môn đệ Giuđa, kẻ đã được tin tưởng trao cho trách vụ quản lý. Tệ hơn nữa, âm mưu này lại bị hắn che lấp bằng câu hỏi: “Rápbi, (thưa Thầy) chẳng lẽ con sao?” Ngay sau lời loan báo về sự phản bội của Chúa Giêsu: “Thầy nói thật với các con, có một người trong các con sẽ nộp Thầy”

          Với giá ấn định, ông cố tìm dịp thuận tiện để nộp bằng được mà không bàn bạc với anh em. Có lẽ ba năm sống sát nách Thầy, thấy Thầy quyền uy xuất chúng như vậy mà cứ hiền lành chịu khổ, nên ông liều một phen, để ép Thầy vùng lên thống trị bằng quyền lực, đem chiến lợi về cho dân và các ông chăng? Thầy sẽ dùng sức mạnh mà tự giải thoát? Nếu vậy thì ông đã lầm.

          Bởi vì “Con Người đến không để được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người”. Điều này sau khi Thầy phục sinh, khi Thánh Thần đến các ông mới hiểu được, mới thay đổi cái nhìn và trở nên nhân chứng như Thầy đã sống. Còn Giuđa thì… đã muộn không thể lấy lại..

          Tin Mừng giờ đây sắp làm ứng nghiệm sự kiện “Vượt Qua” ấy. Chỉ ngày mai thôi, Chúa Giêsu là “Con Chiên” thật của Thiên Chúa sẽ  nên của ăn duy nhất trong bữa tiệc mừng lễ “Vượt Qua”. Rồi Con Chiên ấy sẽ chịu chết, sẽ đổ máu ra không phải để “bôi lên khung cửa”, mà đổ trên thập giá tẩy rửa tội lỗi cho người Do Thái và cho toàn thể nhân loại để họ khỏi bị“ tiêu diệt” muôn đời. Trước giờ phút đón nhận sự phản bội,  đau khổ biệt ly oan nghiệt ấy, Chúa Giêsu vẫn hiền hòa yêu thương: “Thầy bảo thật anh em, một người trong anh em sẽ nộp Thầy”. Cũng chẳng thấy nơi Người sự oán trách, hay loại trừ ai dù là với người phản bội. Chúa chỉ thương cho họ, vì họ đã tự chọn con đường xa rời Chúa, bán Chúa thì họ sẽ phải khổ đau: “Đã hẳn Con Người ra đi theo như lời đã chép về Người, nhưng khốn cho kẻ nào nộp Con Người, thà họ đừng sinh ra thì hơn”.

          Giờ đây chắc chẳng còn ai ủng hộ việc làm của người bán Chúa như Giuđa xưa. Nhưng có mấy ai dám quả quyết rằng tôi không còn phạm tội nữa. Vậy mỗi khi phạm một tội trọng là ta đã bán Chúa một lần nữa.

          Thiên Chúa ban cho con người có lý trí và được tự do. Nhưng con người đã sử dụng tự do của mình ra sao? “Đồng bạc đâm toạc tờ giấy”, vì lòng người mau đổi trắng thay đen, vì một chút lợi lộc thấp hèn, người ta có thể bán đứng lương tâm mà thỏa hiệp với sự dữ. Giu-đa cũng bỏ mọi sự theo Thầy ba năm, cùng ăn cùng ở với Thầy, chứng kiến bao nhiêu phép lạ, quyền năng của một Thiên Chúa nơi Thầy mình. Vậy mà đến giờ chót, ông lại thua lý trí của mình, hay vì tiền bạc làm mờ con mắt, mà đi hợp đồng bán Thầy mình với giá rẻ mạt ba mươi đồng bạc, (giá một người nô lệ).

          Trong thinh lặng, mỗi người chúng ta nhìn đến Giuđa để thử xem chúng ta có hành xử như Giuđa ngày xưa không ? Chúng ta tự do đáp trả với Chúa quyết định của mỗi chúng ta.

931    28-03-2021