Sidebar

Thứ Tư
24.04.2024

Có phải tên Thiên Chúa là "Giavê" hay "Giêhôva" không?

 

 
Hỏi: Thưa cha Kerper*, gần đây con có nghe nhiều người nói rằng Giáo Hội Công Giáo chống lại việc sử dụng tên thật của Thiên Chúa, mà trong Kinh Thánh tên đó là "Giêhôva" (Jehovah). Con có biết Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI từng cấm người Công Giáo sử dụng tên này. Nếu đó thật sự là tên thật của Thiên Chúa thì vì sao lại cấm sử dụng?

Giave.jpg

Đáp: Cảm ơn câu hỏi của bạn, một câu gần đây thật sự thường nghe. Tôi thấy rằng câu hỏi của bạn có ba ý phân biệt nhưng liên kết với nhau: một là, vấn đề danh hiệu "Giêhôva"; hai là, việc sử dụng tên thật của Thiên Chúa trong việc thờ phượng; ba là, Thiên Chúa có tên thật không.

 

Đầu tiên chúng ta nói về danh từ "Giêhôva". Nếu bạn chịu khó tìm trong các bản dịch mới nhất của Kinh Thánh, bạn sẽ không tìm thấy từ đó. Vì sao? Bởi vì hầu hết các học giả đều đồng ý rằng danh từ đó là một cách dịch sai của 4 ký tự Hípri - mà chúng ta thường phiên tự bằng chữ cái Latinh là "YHWH" hay "JHWH".

 

Nguồn gốc thuật ngữ "Giêhôva"

 

Bởi vì người Israel có lòng tôn kính danh Thiên Chúa cách sâu sắc, nên họ đã dừng hẳn việc phát âm từ "YHWH". Điều này xảy ra vào khoảng năm 300 trước Công Nguyên.

 

Để nhắc nhở các đọc giả không đọc ra danh Thiên Chúa, các bản sao Kinh Thánh Do Thái bắt đầu chèn vào từ "Adonai", nghĩa là "Đức Chúa", trên đầu các ký tự "YHWH". Chỉ mới từ thời Trung cổ, những người dịch Kinh Thánh từ tiếng Hípri sang tiếng Latinh hay các ngôn ngữ châu Âu khác mới tạo ra thuật ngữ "Jehovah" ("Giêhôva") do ghép nhầm các ký tự của chữ "Adonai" vào cụm 4 chữ cái "YHWH". Càng về sau, sự nhầm lẫn càng tiến hoá và trở thành từ "Giêhôva".

 

Đến nay, vẫn có một vấn đề lớn với cụm 4 ký tự "YHWH": Không ai thực sự biết 4 chữ này nghĩa là gì. Đa số nhà Kinh Thánh học gán cho các ký tự này nghĩa là "Ta là Đấng mà Ta là", hoặc "Ta sẽ Đấng mà Ta sẽ là". Nhiều người thậm chí dịch đơn giản là "Hiện Hữu" (Being). Bên cạnh đó, nhiều học giả khác xác quyết rằng ẩn ý của 4 ký tự "YHWH" chính là Thiên Chúa thật ra không muốn mặc khải Thánh Danh Người. Nói cách khác, 4 ký tự đó nghĩa là Thiên Chúa phán với Môsê rằng "Danh Ta can chi đến ngươi."

 

Những người thuộc phái Nhân chứng "Giêhôva" đã tranh cãi vấn đề về nguồn gốc từ "Giêhôva" từ lâu, khẳng định rằng đó là tên thật duy nhất của Thiên Chúa. Tuy nhiên, giới học giả đều đồng ý rằng đó không phải là sự thật.

 

Tại sao từ "Giavê" ("Yahweh") không còn xuất hiện trong phụng vụ Công Giáo nữa

 

Giờ thì chúng ta bàn đến việc Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI "cấm" sử dụng "tên thật" của Thiên Chúa. Vào tháng 8 năm 2008, Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, với sự đồng thuận của Bộ Giáo Lý Đức Tin, đã ban hành một chỉ dẫn cho các Giám Mục về việc không sử dụng danh từ "Giavê" trong thánh nhạc và kinh nguyện. Có 2 lý do:

 

Một là, trước giờ, Kitô hữu chưa bao giờ sử dụng danh hiệu để chỉ về Thiên Chúa trong phụng vụ. Thật vậy, từ "Giavê" chỉ mới xuất hiện trong các thánh ca Công Giáo từ khoảng năm 1970. Việc này xảy ra do bản dịch Kinh Thánh "Kinh Thánh Giêrusalem" (The Jerusalem Bible) được phát hành năm 1966.

 

Nhiều người Công Giáo nói tiếng Anh cảm thấy thích thú danh từ này và bắt đầu có phong trào sử dụng từ "Giavê" thay cho "Đức Chúa" hay "Thiên Chúa", nhưng nhóm các tu sĩ nhạc sĩ dòng Tên St. Louis. Họ tin rằng từ "Giavê" giữ được ý vị của các thánh vịnh. Tuy nhiên, các chuyên gia về phụng vụ thì phản đối việc sử dụng từ "Giavê" trong phụng vụ chung, vì từ đó không truyền thống, và có nhiều tín hữu thậm chí không biết "Giavê" là ai.

 

Hai là, việc phát âm từ "Giavê" là một sự xúc phạm rõ ràng đến tâm thức tôn kính Danh Thiên Chúa của người Do Thái. Ý thức về một cấm kỵ lâu đời giữa người Do Thái về việc phát âm ra Danh Thánh Thiên Chúa, các chuyên gia cho rằng cần tôn trọng truyền thống trên và không nên làm điều gây chướng tai người Do Thái, thậm chí có thể là một sự phạm thánh.

 

Tên thật của Thiên Chúa

 

Bây giờ chúng ta nói đến vấn nạn lớn nhất: thật ra Thiên Chúa có tên thật không?

 

Chúng ta nên ý thức rõ rằng: Thiên Chúa là Đấng vô cùng và vượt trên mọi khả năng hiểu biết của loài người, vượt trên mọi tên hiệu mà loài người biết được. Kinh Thánh cho thấy điều này qua việc sử dụng rất nhiều từ và ngữ để chỉ về Thiên Chúa.

 

Vậy Thiên Chúa có phải tên là "Thiên Chúa" không? Nói cách nghiêm túc thì đây không phải là tên riêng mà là một hạn từ chung chỉ một nhóm sự vật có cùng đặc tính, giống như các từ "loài người", "thẩm phán" hay "lính canh". "Thiên Chúa" được dịch từ chữ "Elohim" của tiếng Hípri, nghĩa đen là "Thần" hoặc "Thẩm Phán" (magistrate).

 

Kinh Thánh Do Thái dùng rất nhiều thuật ngữ phiếm chỉ để gọi Thiên Chúa, như Chúa Thượng, Đấng Thánh, Đấng Uy Lực nhà Giacóp (Is 49,26), Đấng Toàn Năng, Đấng Đáng Chúc Tụng,... Khi người Do Thái bắt đầu dịch Kinh Thánh sang tiếng Hy Lạp, họ luôn thay 4 ký tự "YHWH" bằng chữ "Kyrios" nghĩa là Đức Chúa. Thuật ngữ Hy Lạp này được chuyển sang thẳng tiếng Latinh mà không dịch ra, ví dụ kinh Thương Xót thường được đọc trong Thánh lễ là "Kyrie, eleison" nghĩa là "Xin Chúa thương xót". Vì vậy, từ thời các Tông Đồ, các Kitô đã không bao giờ gọi Thiên Chúa là "Giavê", mà là "Đức Chúa" hoặc "Thiên Chúa". Gọi "Giavê" là một sự phạm thượng.

 

Còn Chúa Giêsu thì như thế nào? Là một người Do Thái đạo đức và công chính, Chúa Giêsu không bao giờ gọi Thiên Chúa là "Giavê", ít nhất là công khai. Thay vào đó, nếu không gọi là "Thiên Chúa" thì Người gọi là "Cha". Một lần duy nhất Chúa Giêsu gọi Thiên Chúa là "Ê-lô-i" (Mc 15,34), tiếng Aram nghĩa là Thiên Chúa, từ trên Thập giá. Cũng vậy, Thánh Phaolô hay các Thánh Tông Đồ khác cũng không bao giờ gọi Thiên Chúa là "Giavê" hay "Giêhôva", mà luôn luôn là Thiên Chúa hoặc Cha, đôi khi ghép lại là Thiên Chúa Cha, hoặc Thân Phụ Đức Giêsu Kitô.

 

Người ta cố gắng tìm kiếm tên "thật" của Thiên Chúa một phần vì nghĩ rằng cần gọi đúng tên của Người để được Người lắng nghe. Khi làm vậy, họ quên mất bản chất yêu thương của Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa thật lòng yêu thương chúng ta và muốn lắng nghe chúng ta cầu nguyện, việc dùng danh từ nào không quá quan trọng. Quả vậy, một người cha đầy yêu thương có thể lắng nghe tiếng khóc của con mình mà chẳng cần chấp nhất nó có gọi "ba ơi", "cha ơi", "mẹ ơi" hay bất cứ từ gì.

 

* Cha Michael Kerper là cha sở giáo xứ Corpus Christi thuộc Portsmouth, bang New Hampshire, Hoa Kỳ

 

Gioakim Nguyễn biên dịch

3489    19-04-2020