Sidebar

Chúa Nhật

15.12.2024

Có phải Thiên Chúa đã đổi tên Saulô thành Phaolô hay không?

saul
 Murillo | Public Domain via Wikipedia


Điều đáng ngạc nhiên là Thiên Chúa không bao giờ đổi tên Sau thành Phaolô trong Tân Ước.

Một trong những quan niệm sai lầm phổ biến nhất trong Tân Ước là Sau, người bắt bớ Giáo Hội Kitô giáo thời sơ khai, đã đổi tên mình thành Phaolô sau khi trở lại Kitô giáo.

Nhiều người còn tin rằng chính Thiên Chúa đã đổi tên Sau thành Phaolô.

Tuy nhiên, khi đọc Tân Ước, chúng ta thấy rằng Thiên Chúa không bao giờ đổi tên Sau thành Phaolô. Khi Thiên Chúa nói chuyện với Saulô, Người gọi ông theo tên tiếng Do Thái.

Ông ngã xuống đất và nghe tiếng phán rằng: ‘Saolô, Saolô, sao ngươi bắt bớ Ta?’ Ông thưa: ‘Lạy Ngài, Ngài là ai?’ Chúa đáp: ‘Ta là Giêsu mà ngươi đang bắt bớ...’

Cv 9:4-5

Mãi về sau trong sách Tông đồ Công vụ, lần đầu tiên chúng ta mới thấy Sau được gọi là Phaolô.

Nhưng Saulô, cũng gọi là Phaolô, được đầy Thánh Thần, chăm chú nhìn vào người phù thuỷ...

Cv 13:9

Hầu hết các học giả Kinh Thánh đều chỉ ra rằng Sau có hai tên gọi, một tiếng Do Thái và một tiếng Latinh, như Bách khoa toàn thư Công giáo giải thích.

Vì thuộc chi tộc Bengiamin nên khi làm phép cắt bì, ông được đặt tên là Sau, một tên rất phổ biến trong chi tộc đó để tưởng nhớ vị vua đầu tiên của dân Do Thái (Pp 3:5). Là một công dân Rôma, ông cũng mang tên gọi Latinh là Phaolô. Người Do Thái thời đó thường có hai tên gọi, một tên gọi Do Thái, một tên gọi Latinh hoặc Hy Lạp, giữa hai tên gọi này thường có một sự đồng âm nhất định và được nối kết với nhau chính xác theo cách mà Thánh Luca đã sử dụng (Cv 13:9: Saulos ho kai Paulos).

Nếu Sau có hai tên gọi, tại sao phần còn lại của Tân Ước lại sử dụng tên gọi Latinh của ông?

Nhiều người tin rằng sự chuyển đổi này của Thánh Luca trong sách Công vụ Tông đồ thể hiện sứ mệnh mới của ông đối với dân ngoại, những người nói tiếng Latinh/Hy Lạp.

Điều tự nhiên là khi bắt đầu sứ vụ tông đồ của mình giữa dân ngoại, Phaolô đã lấy tên gọi Rôma của mình, nhấttên gọi Saulô vốn mang một ý nghĩa không mấy đứng đắn trong tiếng Hy Lạp.

Nói một cách đơn giản là Thiên Chúa không đổi tên Saulô, còn Saulô thì muốn tiếp cận dân ngoại và cần sử dụng tên gọi Rôma của mình trong nhiều cuộc hành trình.

 

Tác giả: Philip Kosloski - Nguồn: Aleteia (24/01/2023)
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên

1197    25-01-2023