Thứ Tư Mùa Giáng Sinh
Mc 6, 45-52
CÓ THẦY - ĐỪNG SỢ !
Trang Tin Mừng hôm nay kể lại biến cố này như một phép lạ cả thể mà chỉ mình Thiên Chúa mới có uy quyền như vậy.
Ta thấy chuyện “Đi trên biển” không thể là một khả năng của con người đến nỗi các môn đệ “ tưởng ma”, nhưng ở đây Chúa Giêsu lại chứng tỏ khả năng phi thường ấy như một lời chứng về thân thế và sứ vụ của con người Mêsia – Đấng phải đến để giải thoát nhân loại khỏi ách thống trị của Satan đang đè nặng trên cuộc đời con người.
Câu 45 được tác giả mở đầu bằng từ “lập tức”. Một hành động xảy ra nhanh, ngay thời điểm đó, một cách dứt khoát. Vì sao Đức Giêsu lại “bắt các môn đệ xuống thuyền… trong khi Người giải tán đám đông” trong tình thế cấp thời như vậy?
Ta thấy hành vi này được thực hiện ngay sau phép lạ hóa bánh ra nhiều, mà Chúa Giê-su đã nuôi một đám đông hơn 5.000 người đàn ông, không kể đàn bà con trẻ. Có lẽ vì không muốn các môn đệ “ngủ quên trên sự tôn vinh của con người hoặc nhìn Chúa Giê –su dưới khía cạnh phép tắc, quyền năng để từ nay cứ “dựa dập” vào đó để sống nhờ. Xa tránh vinh quang, danh dự là phần mà Chúa Giê –su “bắt” các môn đệ thực hiện. Còn Ngài lên núi cầu nguyện ( c. 46). Sau mỗi biến cố quan trọng Ngài đều dành lời ca tụng Cha Ngài. Trước mỗi biến cố vĩ đại, Ngài cũng tha thiết cầu xin ơn trợ lực của Cha, vì trong mọi việc Ngài luôn qui hướng về Chúa Cha.
Câu 47-48 diễn tả quang cảnh sự kiện : đó là vào lúc chiều tối dần buông, thuyền ở giữa biển và không có Đức Giêsu trên thuyền, còn các môn đệ đang vất vả chèo chống vì gió thổi ngược. Trong một tình huống chiến đấu vất vả, lại không có Thầy bên cạnh, tâm trạng các môn đệ không khỏi hoang mang, lo lắng, đến nỗi khi thấy bóng của Chúa Giê-su đi trên mặt biển, tất cả các ông đều nhìn thấy nhưng họ lại cũng hoảng hốt và la lên, cho rằng: “Đó là ma. Đây cũng chính là thái độ của chúng ta đang sống giữa thế giới đầy ma lực này. Chúng ta cứ cậy dựa vào sức riêng và quên rằng có Đức Ki tô đi cùng, nên chúng ta đã có những phản ứng và chọn lựa sai lạc.
Thái độ của Đức Giêsu thế nào khi thấy các môn đệ rơi vào tình trạng nguy ngập ? Thánh sử thuật lại : “Thấy các ông vất vả chèo chống… Ngài đi trên mặt biển và đến với họ”. Đó là trái tim của một vị Mục tử khi thấy đàn chiên lo sợ, nhưng cũng là tấm lòng của Đấng Mêsia muốn đến cứu họ và dẹp tan sự dữ trên biển cả vì biển cả tượng trưng cho nơi ẩn náu của ma quy. Chúa Giê-su muốn chứng tỏ cho các môn đệ thấy rằng trong cơn gian nan hoạn nạn, Ngài luôn hiện diện với anh em : “Cứ yên tâm, Thầy đây, đừng sợ”. Một lời trấn an bảo đảm mạnh mẽ rằng Ngài luôn đồng hành với họ trên bước đường loan báo Tin Mừng, mặc dầu sóng biển ầm ầm, thủy triều sóng nước dâng cao… con thuyền có bị sóng đánh dập vùi, nhưng hãy yên tâm vì có Ngài ở bên.
Khi Đức Giê-su lên thuyền, gió liền lặng ( c.51). Nếu con thuyền của chúng ta có Đức Giê-su trên đó, thì sự dữ, ma quỉ sẽ bị đẩy xa. Đó là qui luật tất yếu : ánh sáng tới, bóng tối sẽ bị đẩy lùi. Thiên Chúa không song hành với ma quỉ. Nơi Ngài chỉ có ánh sáng, chỉ có sự thiện. Đứng trước phép lạ vĩ đại này, chúng ta thấy thái độ của các môn đệ thế nào? Họ bàng hoàng sửng sốt ( 51b) và thánh sử kết luận “vì các ông không hiểu ý nghĩa phép lạ hóa bánh, lòng trí còn ngu muội” ( c.52). Như thế, các ông vẫn chưa nhận ra thiên tính của Chúa Giê-su, họ chỉ bàng hoàng ngạc nhiêu sao một con người trần thế mà biển cả, sóng gió lại vâng lời ?. Đức tin của các ông chưa được khai mở. Con mắt đức tin còn bị che khuất bởi những suy nghĩ của con người trần tục.
Và ta thấy các Tông đồ cảm thấy ái ngại khi đứng trước sự tỏ mình của Chúa không như một con người bình thường, nhưng như là Đấng có uy quyền. Thành thử họ cố gắng vượt qua những ý nghĩ quá nông cạn, đơn sơ của mình cũng như sự hốt hoảng khi thấy Chúa đi trên mặt biển. Nhưng Chúa Giêsu đã trấn an họ bằng lời đầy an ủi: “cứ yên tâm, Thầy đây, đừng sợ!”.
Ta thấy khi Ngài trấn an họ đồng thời cũng là để đưa họ đến một sự nhận thức sâu hơn xa hơn như họ tưởng: Ngài không chỉ đơn thuần là một người gỡ họ ra khỏi các tình huống khó khăn, mà còn là người mang đến sự hài hòa và bình an khắp mọi nơi. Giờ đây, họ đến với ngài như đến với Đấng Cứu Thế, Đấng mà sẽ đưa họ tới một mức độ hiểu biết cao hơn. Như tin mừng Marcô nói: “vì các ông đã không hiểu ý nghĩa phép lạ bánh hóa nhiều vì lòng trí các ông còn ngu muội”, nghĩa là lòng trí của họ bị cản trở nên họ không thể hiểu được. Chúa Giêsu đã nhiều lần giải thích cho họ mầu nhiệm vượt qua của ngài, đào sâu đức tin cho họ để họ thực sự trở thành những người sẵn sàng đáp lời mời gọi của Ngài và để họ trở nên những Tông đồ và môn đệ của Ngài.
Thánh Gioan trong thư thứ nhất cho thấy người tín hữu chỉ có thể trở thành những môn đệ đích thực của Chúa Giêsu khi họ thực hành các giới răn yêu thương của Người. Và nếu mỗi người sống yêu thương những người thân cận theo một thể thức ấy, thì thế giới sẽ thực sự trở nên hòa bình, không còn bất hạnh, không còn nghèo đói, không còn tranh chấp, không còn chiến tranh... Nói tóm lại là chúng ta có tình yêu, mà khi có tình yêu thì chúng ta không còn sợ hãi, không lo âu, vì có Chúa luôn đồng hành với chúng ta trong cuộc sống hằng ngày.
Con thuyền của các môn đệ ngày xưa cũng chính là con thuyền Giáo Hội ngày nay, Chúa Giê-su trong Bí Tích Thánh Thể vẫn hiện diện và đồng hành với Giáo Hội từng ngày trong cuộc đời. Điều quan trọng là mỗi người chúng ta có nhận ra sự hiện diện của Chúa trên con thuyền cuộc đời của mỗi người và của Giáo Hội hay không?
Cuộc sống của chúng ta hôm nay cũng giăng đầy muôn khó nguy thử thách, bao gian nan thách đố muôn mặt của sóng biển đời đang gào thét quanh ta. Làm sao chúng ta có thể vượt qua được những đợt sóng kinh khủng ấy, nếu không có bóng dáng yêu thương đầy quyền năng của Thầy Giêsu trên mặt biển trần gian này? Thầy chính là dung mạo tình yêu thương xót của Cha từ ái, luôn hiện diện sống động trong cuộc đời mỗi chúng ta, để chở che, nâng đỡ, giúp chúng ta an tâm vững bước trên hành trình về Quê Trời.
1314 06-01-2019