Sidebar

Thứ Năm
02.05.2024

Con đường khiêm tốn

Thứ Ba trong tuần thứ Bẩy Mùa Quanh Năm


Gc 4:1-10; Tv 55:7-8,9-10,10-11,23; Mc 9:30-37

CON ĐƯỜNG KHIÊM TỐN

Như các tông đồ, chúng ta thường hay tranh luận xem ai trong chúng ta là người lớn nhất. Và Chúa Giêsu đã trả lời: Người lớn nhất phải làm đầy tớ cho mọi người. Chính Chúa Giêsu đã làm gương trước cho chúng ta. Ngài phán: Con Người đến không phải để được phục vụ, nhưng đến để phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người. Và rồi trong bữa Tiệc ly, Ngài đã quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ. Ngài phán: Các con gọi Ta là Chúa và là Thầy thì phải lắm. Nếu Ta là Chúa và là Thầy mà còn rửa chân cho các con thì các con cũng phải rửa chân cho nhau.

Các môn đệ đã nghe theo tiếng gọi của Chúa Giêsu để bỏ mọi sự mà ra đi theo Ngài. Họ đã có thể chấp nhận cuộc sống nay đây mai đó của Ngài. Họ đã có thể đi vào cuộc sống nghèo khó của Ngài, nhưng những anh thuyền chài này đã có hảo ý khi bỏ mọi sự để đi theo Ngài. Họ mơ tưởng về một vương quốc trong đó họ sẽ chia chác với nhau những chức vụ quan trọng. Một tác giả Mỹ đã nói một câu để đời: "Quyền lực hữu hóa con người". Quyền lực tuyệt đối hữu hóa con người một cách tuyệt đối.

Khi con người đã biết tổ chức thành xã hội, sự cạnh tranh được định chế hóa trong giai cấp, quyền chức. Người có quyền có chức bao giờ cũng được lợi. Người dân đen thấp cổ bé miệng bao giờ cũng phải chịu thiệt thòi. Người nghèo không được có tiếng nói. Chính vì thế, ai cũng cố gắng vượt lên trên người khác hoặc bằng tiền bạc hoặc bằng chức quyền. Ai cũng muốn làm người đứng đầu. Ai cũng muốn làm lớn. Vì thế luôn luôn có sự cạnh tranh ngôi thứ. Trong cuộc cạnh tranh, người ta nhìn nhau như đối thủ cần phải chà đạp, cần phải loại trừ.

Ðứng trước quyền lực, dù chỉ là một thứ quyền lực tưởng tượng, các môn đệ cũng đã ăn thua đủ với nhau, họ tranh cãi với nhau xem ai sẽ là người được Chúa Giêsu trao cho chức vụ quan trọng nhất. Phêrô là người đã được Chúa Giêsu long trọng đặt làm thủ lãnh, đương nhiên sẽ giữ chiếc ghế quan trọng nhất. Nhưng ngoài việc chọn lựa chính thức dựa trên tài năng và đức độ, còn có sợi giây máu mủ ruột thịt nữa: hai anh em Giacôbê và Gioan đã nại đến liên hệ họ hàng với Chúa Giêsu để đòi hỏi cho mình những chức vụ quan trọng này. Dĩ nhiên động đến quyền lực thì có lẽ chẳng ai chịu ai, các ông hẳn phải to tiếng lắm khiến câu chuyện lọt đến tai Chúa Giêsu.

Hôm nay, khi thấy các môn đệ có dấu hiệu ham hố chức quyền, cạnh tranh ngôi thứ, Đức Giêsu đã nhân cơ hội dạy cho các ông biết tinh thần mới mà người môn đệ trong Nước Thiên Chúa phải có. Đó là: “Ai muốn làm đầu, thì phải làm người rốt hết và làm tôi tớ mọi người”.

Tranh giành quyền lực là chuyện thường tình của thế gian, trong bất cứ lãnh vực nào cũng có chuyện người thủ lãnh, kẻ thuộc hạ; người làm lớn kẻ làm nhỏ, người ngồi trên kẻ ngồi dưới, người được danh dự kẻ bị quên lãng. Nhưng trong Giáo Hội của Ngài, Chúa Giêsu đã đưa ra nguyên tắc lãnh đạo: ai muốn làm người đứng đầu thì phải làm người rốt hết và làm người phục vụ mọi người. Chúa Giêsu không chỉ phục vụ và hầu hạ và còn phục vụ và hầu hạ cho đến chết. Cái chết trên thập giá của Ngài là thể hiện tột cùng của lãnh đạo và phục vụ. Người được đặt làm thủ lãnh để phục vụ phải là người sẵn sàng chết cho mọi người. Qui luật này cũng có giá trị cho mọi Kitô hữu.

Chúa Giêsu cũng đã làm gương trước cho các môn đệ cũng như cho mỗi người chúng ta bắt chước, khi quì xuống rửa chân cho các ông trong buổi tối ngày Thứ năm Tuần thánh. Rồi Ngài cũng đã tâm sự với các ông: Nếu Ta là Chúa và là Thày mà còn rửa chân cho các con, thì các con cũng phải rửa chân cho nhau.

Để làm gương cho ta, chính Đức Giêsu đã tự hạ mình trước. Là Thiên Chúa, nhưng Người đã tự nguyện trở nên người phàm. Là Đấng cầm quyền, nhưng Người đã tự nguyện vâng lời. Là thầy nhưng Người đã tự nguyện phục vụ môn đệ. Là người lãnh đạo, nhưng Đức Giêsu không đòi hỏi đặc quyền đặc lợi, trái lại Người sẵn sàng hiến mạng sống để cứu chuộc nhân loại.

Người đã hóa thân làm một con người bé nhỏ, nghèo túng, hèn yếu nhất. Để từ nay, ai đón tiếp một người bé nhỏ nhất là đón tiếp chính Người. Ai giúp đỡ một người yếu hèn nhất là giúp đỡ chính Người. Ai yêu mến một người nghèo túng nhất là yêu mến chính Người.

Với sự hạ mình của Người, số phận con người từ nay thay đổi tận gốc rễ. Người bé nhỏ trở thành đối tượng được quan tâm phục vụ. Người yếu đuối được nâng niu chăm sóc. Người nghèo hèn được kính trọng yêu thương. Vì họ đã trở thành hình ảnh của chính Thiên Chúa.

Chính Chúa Giêsu đã đến để dạy ta bài học phục vụ trong khiêm tốn. Người là Thiên Chúa nhưng đã hạ mình xuống, mặc lấy thân xác yếu hèn của loài người, sinh sống giữa nhân loại. Trong bữa tiệc li, Chúa nêu gương phục vụ trong khiêm tốn bằng cách rửa chân cho các tông đồ và dạy ta rửa chân cho nhau nghĩa là phục vụ lẫn nhau. Như vậy ta thấy Chúa Giêsu đến để đổi ngược lại những giá trị của loài người. Theo lời Chúa dạy thì người ta không bao giờ thỏa mãn trong việc tìm kiếm địa vị và vinh dự, nếu chỉ vì ham muốn vinh dự và địa vị.

Vào thời đại của chúng ta, khiêm nhường là nhân đức bị hiểu lầm nhiều nhất. Khiêm nhường bị coi như là sự yếu đuối. Sống khiêm nhường không có nghĩa là để thuộc cấp chèn ép hay sống theo mặc cảm tự ti. Khiêm nhường không phải là như thế. Con người khiêm nhường biết chỗ đứng của mình và đứng vào chỗ đó. Nếu người khiêm nhường được yêu cầu đứng ra điều khiển, cai trị, họ sẽ làm việc đó. Khi họ được yêu cầu phục vụ kẻ khác, họ sẽ phục vụ. Nhưng cả trong những ngày giờ huy hoàng nhất, người khiêm nhường luôn nhớ rằng tất cả những gì mình là, hay mình có đều đến từ Thiên Chúa.

Làm môn đệ của Chúa Giêsu là chọn lấy con đường phục vụ và phục vụ cho tới cùng. Ðó cũng chính là ơn gọi làm người, sống cho ra người và thành toàn trong nhân cách là sống phục vụ. Càng phục vụ càng quên mình, con người càng tìm lại được bản thân. Hoặc là sống yêu thương và phục vụ để tìm gặp lại bản thân hoặc là mải mê chạy theo tiền của, chức quyền, danh vọng mà đánh mất chính mình. Ðó là chọn lựa cơ bản và quan trọng nhất trong cuộc sống mỗi ngày của chúng ta.

 

692    19-05-2018