Sidebar

Chúa Nhật

19.05.2024

Cơn khủng hoảng được chúc lành

nguoichanhanhau
Thật buồn khi phải biết điều này, nhưng đường vào cầu nguyện lại thường cần đến. Đến một lúc khi chúng ta tựa lưng vào tường, chúng ta cảm thấy sự yếu đuối của chính mình, không có nơi nào để đi và không có ai để quay lại. Trong cơn khủng hoảng này, những khó khăn mà chúng ta trải qua, tình trạng bơ vơ mà chúng ta cảm nhận được, lại trở thành không thể chịu đựng nỗi. Đây là khi mà chúng ta nhớ đến Chúa, chúng ta mạo muội đưa ra một lời cầu xin, một thỉnh cầu, có lẽ là trong nước mắt, với một xúc cảm mãnh liệt chưa bao giờ trải qua trước đó. Đáng buồn vì điều đó cho thấy rằng đối với chúng ta Thiên Chúa chỉ tồn tại khi chúng ta cần đến Người: chúng ta biết Người đang chờ đợi chúng ta, luôn luôn sẵn sàng, luôn luôn có đó, nhưng chúng ta không để ý đến Người. Chúng ta để cho mình bị chiếm đoạt bởi những hoạt động bất tận, chúng ta thiếu động lực để ngưng lại dù chỉ trong một khoảnh khắc và đặt mình dưới sự hiện diện của Người một cách tự do. Chúng ta chỉ trở về với Chúa khi hoàn cảnh cuộc đời buộc ta phải làm thế.

Chúng ta trở về với Chúa theo cái cách của đứa con hoang đàng trở về với người Cha: như chỗ cậy dựa cuối cùng. Có lẽ chúng ta bị cuốn vào một cuộc xung đột không nhân nhượng và không thấy lối thoát. Có lẽ do bị đánh lừa bởi ý thích này hay ý thích khác, nên chúng ta đã hoàn toàn lạc lối. Hay chúng ta đã đặt trọn hy vọng và hạnh phúc nơi một việc làm ăn, một việc kinh doanh hay một mối quan hệ nào đó, và khi việc làm ăn thất bại, việc kinh doanh thua lỗ, mối quan hệ lâm vào khủng hoảng, thì ý nghĩa của cuộc đời cũng tan thành mây khói cùng với chúng. Chúng ta đã thu hẹp tầm nhìn của mình vào những cái không bền vững, vì bộ mặt thế gian này đang qua đi (x. 1Cr 7,31). Chúng ta xây nhà của mình trên cát (x. Mt 7,24-27 ; Lc 6,47-48) và cơn bão đầu tiên, cơn mưa dông đầu tiên, đã làm nền móng của nó yếu đi và giờ đây nó dường như sắp sụp đỗ.

Lời cầu nguyện trong cơn nguy khốn, lời cầu nguyện mà chúng ta quay về như phương sách cuối cùng của mình, là một minh chứng cho sự ích kỷ cơ bản của chúng ta, cho đức tin yếu kém của chúng ta. Chừng nào chúng ta không cần Chúa, chúng ta chẳng bận tâm đến Người. Có thể chúng ta đã làm tròn những bổn phận nhà đạo, nhưng chúng ta lại không giữ lấy Người nơi suy nghĩ, con tim và ước muốn của chúng ta.

Đó là lý do tại sao Thiên Chúa chán ghét nó; thay vì vui mừng chào đón nó, như người cha mở rộng đôi tay cho đứa con hoang đàng, hay như Chúa Giêsu vui nhận lời tuyên xưng đức tin rụt rè của Phêrô khi đám đông bỏ đi trong thất vọng, không thể đến được bước nhảy vọt của đức tin khi được yêu cầu phải chấp nhận thịt của Đức Kitô làm của ăn và máu của Người làm của uống: Từ lúc đó, nhiều môn đệ rút lui, không còn đi theo Người nữa. Vậy Đức Giêsu hỏi Nhóm Mười Hai: ‘Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?’ Ông Simôn Phêrô liền đáp: ‘Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa.” (Ga 6,66-69)

Người Kitô hữu là những người phải sử dụng đến việc cầu nguyện, thậm chí như một chọn lựa tối hậu, họ đã đi trước đám đông rồi, đã có một chút niềm tin rồi; trong lòng họ đã loé lên một tia hy vọng rồi. Những người đã đến với Chúa Giêsu để xin bánh ăn trần thế và khi họ không có được nó, họ bắt đầu nhìn đi nơi khác, từ chối mở rộng tầm nhìn của mình, từ chối hiểu rằng có một của ăn cho tâm hồn còn cần thiết nhiều hơn của ăn cho thân xác. Của ăn này là mối tương quan của ta với Đức Kitô, là việc ta nên một với Người, cư ngụ trong Người bởi vì Người cư ngụ trong ta, là cầu nguyện không ngừng(x. Lc 18,1), cầu nguyện liên lỉ (Lc 18,1).

Đám đông sống theo tính xác thịt, thì hướng về những gì thuộc tính xác thịt (x. Rm 8,5). Chính Chúa Giêsu chỉ rõ: Các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê.” (Ga 6,26) Chính các tông đồ cũng không hiểu Chúa Giêsu, họ cũng không thấy những dấu lạ, mắt của họ vẫn đóng kín cho đến khi ánh sáng phục sinh mở mắt họ một lần và cho tất cả. Họ cũng đáng với lời trách mắng của Chúa Giêsu: mặc dù đã chứng kiến hai lần bánh hoá ra nhiều, họ vẫn nói với nhau về việc không có bánh, và Chúa Giêsu khiển trách họ gay gắt: "Sao anh em lại bàn tán về chuyện anh em không có bánh? Anh em chưa hiểu chưa thấu sao? Lòng anh em ngu muội thế! Anh em có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe ư? Anh em không nhớ sao?" (Mc 8,17-18)

Người Kitô hữu cũng chẳng khác gì ‘đám đông’: họ cũng chẳng thể nhận biết hay thấu hiểu, họ có mắt nhưng không thấy, có tai mà không nghe. Tuy nhiên, trong thời kỳ khủng hoảng, nơi ngã tư đường của tuyệt vọng và hy vọng, họ khám phá ra mình có thể can đảm cách nhiệm mầu. Khi họ lo lắng tự hỏi sự giúp đỡ sẽ đến từ đâu, họ cả gan ngước mắt lên rặng núi và tuyên bố: Ơn phù hộ tôi đến từ Đức Chúa là Đấng dựng nên cả đất trời.” (Tv 121,1-2)

Kể từ đó, dù nhút nhát, dù không hoàn hảo, dù được thúc đẩy bởi thiếu vắng của bất kỳ lựa chọn nào khác, bởi nó là lựa chọn duy nhất thay thế cho nỗi tuyệt vọng hoặc hoài nghi, lời cầu của lúc nguy khốn, lời cầu của phương sách cuối cùng, lại trở thành một bàn đạp đáng gờm, trở thành những ngã đường mà tại đó cuộc sống rẽ sang một hướng mới: Tôi sẽ đi về cùng cha và thưa với người (x. Lc 15,18): Chúng con biết đến với ai?” (x. Ga 6,68) Có gì đó trong tim bảo tôi rằng: “Ngài là Thiên Chúa của con và ngoài Ngài ra chẳng có thần nào khác.” (x. Tv 86,8)

Vì thế, cơn khủng hoảng và nguy khốn thường đóng vai trò như những cánh cửa dẫn đến cầu nguyện. Chúng là những thời điểm của sự thật bởi vì chúng nhắc nhở chúng ta về thân phận cơ bản của mình là thụ tạo trước Đấng Tạo Hóa:Con ngước mắt hướng nhìn lên Chúa, Đấng đang ngự trên trời... Mắt chúng ta cũng hướng nhìn lên Chúa là Thiên Chúa chúng ta, tới khi Người xót thương chút phận. Dủ lòng thương, lạy Chúa, xin dủ lòng thương, bởi chúng con bị khinh miệt ê chề; hồn thật quá ê chề vì hứng chịu lời nhạo báng của phường tự mãn, giọng khinh người của bọn kiêu căng.” (Tv 123,1-4)

Lời nhạo báng và giọng khinh người làm chúng ta nhục nhã đến từ sự phi lý của hoàn cảnh vốn giam cầm chúng ta và cắt đứt mọi đường thoát thân. Cuộc sống đem chúng ta trở về những khoảnh khắc như thế theo chu kỳ, với một sự điều đặn mà ở đó thật dễ dàng nhận ra một số dạng quy luật của đời sống thiêng liêng. Chẳng phải Thiên Chúa làm đạo diễn sự kiện để tạo ra những khủng hoảng như vậy trong cuộc sống của chúng ta mỗi khi chúng ta quên Người. Trái lại, Người vốn tạo thành chúng ta để sống trong sự thân thuộc yên bình với Người, Người đã đặt chúng ta vào một khu vườn nơi chẳng có mối nguy hiểm nào, nơi chỉ có những cơ hội để nhận ra dấu hiệu phúc lành của Người nơi mọi cây cối, hoa trái, ngọn cỏ, và nơi từng người. Người đã tạo dựng một thế giới sáng láng nơi mọi vật công bố sự vinh quang, thánh thiện, tình yêu của Người dành cho chúng ta.

Nếu công trình tạo dựng bỗng nhiên trở nên mờ đục là vì có một tấm màn phủ xuống mắt chúng ta. Nếu lời nhạo báng và giọng khinh người (x. Tv 123,4), tổn thương, nỗi đau, bệnh tật và cái chết xuất hiện trong cuộc đời chúng ta là vì chúng ta đã để cho con rắn đi vào khu vườn của mình, chúng ta yêu thích loài thụ tạo hơn là Đấng Tạo Hoá, chúng ta trở nên ghen tị với Thiên Chúa. Đề phòng Người, chúng ta theo đuổi những mưu mô của riêng mình, chúng ta từ chối nhận ra rằng chúng ta là những tạo vật mang ơn Đấng Ban Phát tất cả sự sống và mọi điều tốt lành. Chúng ta lên đường đến một vùng đất xa xôi, vùng đất của sự quên lãng, chúng ta quay lưng với ánh sáng và thích bóng tối hơn, và bỏ rơi Thiên Chúa rồi thấy mình trở nên điếc lác và mù loà: "Anh em chưa hiểu chưa thấu sao? Lòng anh em ngu muội thế! Anh em có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe ư ? Anh em không nhớ sao?" (Mc 8,17-18)

Vì đã nên mù loà nên đừng lấy làm lạ rằng chúng ta lại vấp ngã nơi mọi hòn đá, mọi chướng ngại trên đường hướng về sự sống. Các cuộc khủng hoảng tái diễn điều đặn trong cuộc sống chúng ta là hậu quả của sự bất lực mà ta rơi vào khi lạc xa Chúa. Ngay cả một Kitô hữu cố gắng cầu nguyện thường xuyên cũng không thoát khỏi quy luật này. Giống như Mátta, chúng bận rộn làm quá nhiều thứ (x. Lc 10,41), mối tương quan của chúng ta với Chúa bị gạt sang một bên, chúng ta không tìm ra thời gian để ở với Người, trong sự hiện diện của Người. Vì vậy chúng ta trở nên lạnh lùng, chúng ta trở nên trì trệ về mặt thiêng liêng, cho tới khi một cơn khủng hoảng xảy đến hay một số khó khăn nào đó nổi lên: chỉ sau đó chúng ta mới mở mắt ra và nhận ra mình đã trôi xa Thiên Chúa đến mức nào rồi. Khi đó, và chỉ khi đó, chúng ta mới cảm thấy cần phải nương mình dưới bóng cánh tay của người, cần phải tìm kiếm sự tha thứ, cần phải cầu viện đến Người với cả tâm hồn và bản thể.

Tính luân phiên giữa sự lãng quên và sự chuyển đổi nhất thời này có thể kéo dài trong nhiều năm. Thiên Chúa ban cho chúng ta một kho tàng kiên nhẫn, nhân từ và rộng lượng vô hạn để dẫn dắt chúng ta đến sự ăn năn và hoán cải đích thực (x. Rm 2,4). Tuy nhiên hầu như lúc nào cũng vậy, ngay khi khó khăn suy yếu, ngay khi cơn khủng hoảng qua đi, thì lòng nhiệt thành cầu nguyện cũng lại nguội dần. Dù vậy, cũng có một ngày mà chúng ta xoay sở được để bám lấy Chúa, để ở với Người ngay cả khi mọi thứ trở nên tốt hơn, ngay cả khi cơn khủng hoảng qua đi hay cảm thấy nhu cầu bớt mãnh liệt hơn; một ngày sẽ đến khi cuối cùng chúng ta cũng chọn được phần tốt nhất: chúng ta ngồi dưới chân Chúa để theo dõi và cầu nguyện mà không cảm thấy mệt mõi.

Đó là câu chuyện trong Diễm Ca, mà trong đó sự đan xen đáng yêu giữa những cuộn sóng nồng nhiệt dành cho người yêu và những lôi cuốn của tính lười biếng và uể oải.Mặc cho nhiều bằng chứng về tình yêu và lòng thành tín của Thiên Chúa, khi Người gõ cửa mà người yêu vẫn chậm trễ nhượng bộ: Em đã cởi xiêm y, lại mặc vào sao được? Em đã rửa chân rồi, lại để lấm hay sao? Và khi nàng muộn màng mở cửa, thì Thiên Chúa đã biến mất: Tôi mở cửa cho người tôi yêu, nhưng chàng đã quay đi khuất dạng.” (Dc 5,3.6)

Dĩ nhiên Thiên Chúa không biến đi để trả đũa, nhưng là để dạy dỗ khát vọng của người yêu, để đem nàng thoát khỏi sự lười biếng tê bại của nàng, để đưa nàng vào một cuộc tìm kiếm Thiên Chúa đích thực và say mê. Qua cuộc dạy dỗ này, sẽ có một ngày khi mà cuối cùng vị tân nương cũng để cho mình được đóng ấn bởi trái tim Thiên Chúa, một ngày khi mà tình yêu của nàng trở nên mạnh mẽ hơn sự chết: những dòng nước quên lãng và ươn lười chẳng thể nào dập tắt được ngọn lửa của tình yêu này (x. Dc 8,6-7).

Việc cầu nguyện đích thực, hăng say và thành tâm, một việc cầu nguyện mà ở đó chúng ta thật sự vào được bên trong sự hiện diện của Thiên Chúa, cho dù nó được gây ra bởi nhu cầu hay khủng hoảng, lúc nào cũng trở thành một cơ hội để trở về với Thiên Chúa. Và ở một mức độ nào đó, hãy cám ơn việc cầu nguyện không hoàn thiện này mà chúng ta có thể có được ân sủng để ở lại trong sự hiện diện của Người, bởi vì Người là Thiên Chúa của chúng ta và chúng ta thuộc về Người, chúng ta là tân nương và người là tân lang, và bởi vì không có Người, chúng ta chẳng làm gì được (x. Ga 15,5).

Minh Nguyên chuyển dịch từ "Say It To God" của Luigi Gioia (Nxb. Bloomsbury, 2017)

398    12-08-2021