Sidebar

Thứ Năm
25.04.2024

Con la, con cá và con ếch (1-5)

Con la, con cá và con ếch (1-5) 

Trích sách Tiểu sử Thánh Antôn Pađua, Françoise Bouchard, nxb. Salvator

Từ Rimini đến Verceil 

Vùng có mìn: tuyệt đối bí mật

Lãnh vực tông đồ mới của Antôn là ở Rimini, nơi những người dị giáo có ảnh hưởng lớn nhất. Sứ mạng đặc biệt tế nhị, vì những người “tinh tuyền” tạo áp lực ở đây rất mạnh, đến mức mà các nhà truyền giáo khác không dám tới.

Antôn biết nếu công khai loan báo mình sẽ đến thì họ sẽ cấm “người nhà” đến nghe, nếu đến thì những người này sẽ bị trả thù, người nào không nghe lời thì sẽ bị mất quyền lợi, không được phục vụ: trên thực tế, họ cấm mọi liên lạc với Giáo hội công giáo, nhất là đi nghe những người trong đạo giảng.

Antôn dứt khoát giữ chương trình giảng dạy của mình. Đầu tiên hết phải tìm phương tiện để báo cho người dân biết ngày giờ giảng, nhưng không cho những người “tinh tuyền” biết. Và Antôn dùng phương pháp bí mật riêng của mình. Và thế là Antôn cùng một nhóm anh em tiểu đệ và một số người đáng tin cậy rời đan viện, khi đến Rimini, người này người kia phân tán đi từng nhà kín đáo báo tin ngày giờ, địa điểm và thời gian Antôn sẽ giảng. Mọi người đồng ý các buổi giảng sẽ ở cửa sông Mareechia, một con sông chảy vào biển Adriatic.

Tránh làm thành trò cười

Nhiều ngày tiếp theo, Antôn đến bãi biển để chờ người đến nghe. Nhưng gần như không ai đến. Một ngày nọ có một nhóm nhỏ công giáo dám đến gần Antôn. Một nhóm nhỏ người dị giáo, tò mò và ít sợ hơn các đồng bạn của họ đã đến đây, nhưng vì cẩn thận họ đứng xa xa. Antôn nóng lòng muốn giảng. Vì quá ít người, ít hơn là những kẻ gièm pha, sẵn sàng thóa mạ, chế giễu và nhất là ngăn cản vĩnh viễn sứ mệnh của mình. Antôn không quan tâm việc mình là mục tiêu của nhạo báng, đây là bài học rất tốt cho đức khiêm tốn! Nhưng qua lời của mình mà họ chế giễu Sách Thánh hay xúc phạm đến Chúa Kitô là điều Antôn không chấp nhận được.

Bài giảng cho cá

Antôn hướng về trời và xin Chúa hướng dẫn cho mình phải làm gì. Khi đó Antôn cảm thấy có một lực đẩy mình nhìn ra biển và nói với mấy con cá: “Nghe này, ít nhất dân biển và sông lạch như các bạn còn muốn nghe những lời mà loài người không muốn nghe.”

Bỗng nhiên từ đáy biển, vô số con cá trồi lên trước mặt Antôn, các con nhỏ đi trước, các con lớn đi sau. Tất cả nhô đầu lên khỏi mặt nước và như nhìn chăm chăm vào Antôn, càng chăm chú hơn khi Antôn lặp lại:

“Các anh em cá của tôi, các anh có nhiệm vụ cám ơn Đấng Tạo Hóa đã ban cho các anh sự sống, một chuyện cao quý như vậy…” Sau đó Antôn đọc một vài đoạn nói đến các bạn cá trong Thánh Kinh: chuyến đi của ông Giôna và ông không chịu lên đất liền, phép lạ chữa ông Tôbia được lành, phép lạ bánh và cá, phép lạ các mẻ lưới… Nghe các lời này, các con cá há miệng, nghiêng đầu, vẫy mang như muốn vỗ tay tán thưởng.

Khi đó Antôn cất giọng để át đi tiếng ồn ào của bầy cá hòa với tiếng sóng biển: “Chúc tụng Chúa muôn đời vì các con cá ca tụng Chúa còn hơn những người rối đạo; các con vật vô tri nghe lời Chúa còn tốt hơn là con người bất trung.”

Những người dị giáo cắn câu

Dĩ nhiên khi nói với bầy cá là Antôn muốn nhắm đến các người rối đạo đang ẩn mình trong các nhóm nhỏ cách đó vài chục mét, trong ý định đưa họ vào cuộc tranh cãi và làm cho họ gặp khó khăn. Nhưng Chúa đã gởi thông điệp của Ngài và tất cả đã nhận. Antôn hiểu mình có thể dùng một trong các phương pháp thường hay có kết quả: không để ý đến thóa mạ, chỉ nhẹ nhàng xin.

Antôn đưa mắt nhìn từ nhóm này qua nhóm khác và nói: “Quý vị là người có lý tính, Chúa Kitô đã đổ máu và hy sinh mạng sống mình cho quý vị, quý vị không nghe Ngài sao?… Như thế quý vị không yêu Ngài sao?”

Lời của Antôn đã đánh động được tâm hồn họ, tất cả đến gần Antôn và cùng đứng chung với những người công giáo đang ở đây. Không còn khuôn mặt chế giễu hay có vẻ nghi ngờ. Tất cả ở đó, họ không còn là những người muốn kiểm duyệt, nhưng là người sẵn sàng nghe. Càng nghe Antôn nói, họ càng hãnh diện được nghe những lời này, họ đi tìm người thân, người láng giềng, bạn bè cùng đến nghe. Những người cứng lòng tin nhất cũng được Chúa chinh phục qua các dấu hiệu Chúa gởi đến để đưa họ về với Ngài. Thật là cả một phép lạ. 

Tiếng khóc của người mẹ

Khái niệm một Chúa duy nhất, Đấng tạo dựng tâm hồn và tinh thần, nhưng cũng trọn tạo vật (loài người và động vật) đã có kết quả, phá được nguyên tắc đối ngẫu về thần thánh theo chủ trương của người dị giáo cathar. Antôn tiếp tục tuyên xưng đức tin công giáo, tin vào Chúa nhập thể và cứu nhân loại. Antôn tuyên xưng theo cách so sánh mà ngài có biệt tài. Antôn dùng ví dụ của một bà mẹ đã làm chồng buồn, bà sợ người chồng vũ phu đánh mình. Antôn hình dung thái độ của bà mẹ với những lời sau:

“Bà bồng con mình trong tay và đến nói với chồng: ‘Nếu đánh được, anh đánh đứa bé này đi; đánh đứa con anh đã sinh ra.’ Tiếng khóc của đứa con van xin cho mẹ đã làm cho người cha động lòng, ông tha cho vợ mình. Người Cha trên trời cũng vậy, buồn vì tội lỗi chúng ta, Ngài cho Con Một Mình xuống thế để hòa giải với chúng ta, Ngài từ bỏ công chính của mình để tha thứ tội lỗi cho chúng ta qua sự thương khó của Ngài.”

Sự tha thứ của Người Cha

Sau khi nói lời mở đầu về Thiên Chúa Ba Ngôi, Antôn đề cập đến hai chân lý của đức tin công giáo: Chúa Con nhập thể và mầu nhiệm Phục Sinh được sống lại mỗi ngày qua thánh lễ, đó là công việc cứu độ của Chúa Con qua sự thương khó, cái chết và sống lại của Ngài. Một sự sống lại đảm bảo cho sự sống lại của chúng ta với đời sống vĩnh cửu trên thiên đàng. Vì Chúa đã nói với chúng ta: “Ta là đường, là sự thật, là sự sống.”

Antôn cẩn thận nhấn mạnh sự cứu rỗi này không phải chỉ dành cho một nhóm người “tinh tuyền” nhưng cho tất cả mọi người, trước sau không ai thắng, không ai thua khi nhận ơn an ủi. Antôn xác định, sự hòa giải với Chúa sau khi phạm tội dù nặng đến đâu, là điều có thể thực hiện cho mọi người và với bao nhiêu lần cũng được, miễn là họ nhận mình là người có tội, dốc lòng ăn năn với sự giúp đỡ của ân sủng nhận được qua bí tích giải tội.

Thoát khỏi sự khẳng định, rằng tất cả những gì là xác thịt sẽ bị nguyền rủa, được thần xấu tạo ra và thống trị. Nhưng xác quyết chỉ có một Thiên Chúa, và Chúa Kitô là Con Một đã cứu chuộc thế giới bằng hành động của một tình yêu tối cao: cái chết của Ngài trên thập giá.

Sau bài giảng của Antôn, không có một ai trong số những người rối đạo dị giáo patarin – kể cả những người “tinh tuyền” – mà đa số thường nói ngược với những gì Antôn nói, họ không đưa ra một lời bác bỏ nào như đã làm với những người đi giảng trước đây, không có tranh luận mâu thuẫn… trừ một.

Marta An Nguyễn dịch

551    16-08-2019