Sidebar

Thứ Năm
14.11.2024

Còn lại gì sau linh thao?



Được nghe nói về linh thao đã lâu nhưng người viết chưa có dịp nào được tham dự. Những ngày vừa qua 01- 8/7/2018 Hội dòng nữ Đaminh Bùi Chu đã tổ chức đợt linh thao cho 126 chị em trong dòng. Lần đầu tiên được tham dự khóa linh thao tôi rất háo hức vì muốn biết nó thế nào và nó có ý nghĩa gì ?

img 0185 2

Quả thực khi sống trong bầu khí linh thao tôi mới thấy nhiều ý nghĩa. Nó gợi ra trong tôi những câu hỏi rất thật về chính mình. Tôi đang tìm ai? Tôi cần phải làm gì? Những câu hỏi về bản thân và ước vọng của cá nhân luôn vang vọng trong kỳ linh thao này. Tạm gác lại những ồn ào, náo nhiệt bên ngoài dần đi vào sự tĩnh lặng, lắng đọng của đời sống cầu nguyện. Chúa gọi mời tôi đóng lại những lo lắng về cuộc sống, khép lại những công việc cộng đoàn, giáo xứ, học tập mà đến với một Giêsu vẫn hàng ngày đợi chờ tôi đến với Ngài.

Trong thinh lặng, tôi nhận ra tình thương Thiên Chúa dành cho tôi “Lòng nhân hậu và tình thương Chúa, ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời” (Tv 23,6). Câu Thánh vịnh đã cho tôi cảm nghiệm những cung bậc cảm xúc khác nhau, niềm vui vì Chúa biết rõ con người tôi. Ngài biết rõ những tội lỗi, xúc phạm của tôi, nhưng Ngài vẫn im lặng để tôi có thời gian sám hối và ăn năn, nhờ đó mà tôi nhận ra ơn an ủi của Chúa. 

Điểm đánh động mạnh mẽ tôi trong kỳ linh thao này là những giây phút nhận ra tội lỗi của mình. Một cách khéo léo và hết sức sinh động Cha Phêrô đã hướng dẫn tôi nhận ra tội lỗi từ sự sa ngã của Ađam và Evà. Tôi như chiếc bình sành mà Chúa là người nặn ra và trang trí với những họa tiết hoa văn rất đẹp. Tiếng “choang” làm tôi giật mình, chiếc bình đã bị đập vỡ. Cuộc đời tôi tựa như những mảnh vỡ với những góc cạnh của tội lỗi, của cái tôi ích kỷ, của cái tôi tham, sân, si, của sự thiếu bác ái hay thái độ vô tâm của tôi trong cộng đoàn mà tôi không nhận ra. Tôi có dâng cho Chúa mảnh vỡ của cuộc đời tôi không? Một sự đánh đổi lớn lao giữ lại hay dâng hiến. Trong mắt Đức Giêsu tôi là ai? Tôi là một tội nhân đích thực được Chúa xót thương. Hình ảnh từng người lên cầm chiếc đinh và những nhát búa đóng vào cây thập giá Chúa làm tim tôi nhói đau. Mỗi lần tôi phạm tội là mỗi lần tôi đóng đinh Chúa. Tôi chọn cho mình nơi trái tim Chúa để đóng. Tôi nghĩ mình độc ác, nhưng không phải. Trái tim là nơi yêu thương nhất mỗi lần tôi phạm tội là mỗi lần tôi đóng đinh vào chính trái tim Chúa để nhắc nhở tôi. 

Hàng ngày Chúa vẫn giơ đôi tay đón nhận từ nơi tôi biết bao tội lỗi. Lợi ích thiêng liêng mà tôi rút ra qua lần cầu nguyện này là việc Chúa mời gọi tôi “Con hãy trao tội lỗi của con vào trong tay Thầy”. Là câu nói luôn vang vọng nơi tôi cách sâu lắng và nhẹ nhàng. Sự giao hòa trong linh thao là hành trình để tôi nhìn nhận ra những thiếu xót, những bất toàn, giới hạn của mình trong một năm qua để dám nhìn nhận và sửa chữa, thêm quyết tâm để sống trọn vẹn giây phút tương lai của cuộc đời mình hơn nữa.

Nối tiếp trong sự thinh lặng, tôi được mời gọi nhìn lại ơn gọi của chính mình, khởi đi từ ơn gọi của bốn môn đệ đầu tiên (Lc 5, 1-11) đến ơn gọi của bản thân. Chúa tuyển chọn, gọi Phêrô giữa lúc ông mệt mỏi, thất bại, thất bại của ông không phải thất bại không bắt được con cá nào mà còn là liên quan đến thất bại riêng tư của cuộc đời ông. Chắc hẳn có những lúc tôi thấy mình đuối sức, mệt mỏi, cô đơn và muốn bỏ cuộc. Chúa truyền cho tôi hãy ra chỗ nước sâu mà thả lưới, ra nơi làm cho Phêrô bị thất bại nhưng có Thầy Chí Thánh đi bên. Ra chỗ nước sâu với niềm tin tưởng, đặt điểm tựa nơi Lời của Thầy, không dựa vào kinh nghiệm bản thân (Lc 5,5).  Kết quả của sự liều lĩnh ra khỏi thế giới chật hẹp của con người đã trổ sinh hoa trái. Khi tôi dám buông bỏ, dám mạo hiểm liều lĩnh ra chỗ nước sâu, thì khi đó Chúa chính là tâm điểm của cuộc đời tôi, Ngài sẽ ban thêm sức mạnh, thêm bình an để sống vui vẻ, hạnh phúc.

Sau những ngày hồng phúc, Chúa muốn tôi xuống núi để đến với anh chị em, các học sinh, những người thương yêu và cả người tôi chưa thực sự thương yêu. Cùng với Chúa tôi sẽ đi về muôn lối hoặc tôi sẽ về lối cũ với một con tim mới. Con tim đã thanh tẩy để sẵn sàng tha thứ, yêu thương và đón nhận. Từ nay không còn là tôi nữa nhưng là Chúa ở trong tôi. Lời thánh Phaolô dạy “ Tôi sống nhưng không phải là Tôi sống mà là Đức Kitô sống trong Tôi”. Tôi vẫn là tôi, anh chị em tôi vẫn là chính họ. Nhưng từ nay sẽ khác, tôi sẽ yêu thương họ như Chúa yêu thương tôi, tôi sẽ đem Tình yêu tới những tâm hồn lạnh giá, tôi sẽ tích cực hơn trong công việc. Tôi sẽ cố gắng đem hết khả năng của tôi để phục vụ. Bởi vì tôi biết cuộc đời tôi có Giêsu vẫn luôn đồng hành bên tôi.“Giáo hội cần phải có những con người đi tới những vùng ngoại biên” (ĐGH Phanxicô). Vâng! Con sẽ ra đi, tiếp tục cuộc sống của mình và sẽ tiếp tục làm mới lại cuộc đời của mình bằng chính ngọn lửa “linh thao” đang bừng cháy trong con.

Vi Ân

657    13-07-2018