Tượng đồng Le penseur (Người suy tư) tại Musée Rodin, Paris - Wikipedia |
Con người tự bản chất có khát khao hiểu biết. Suốt dòng lịch sử nhân loại, chúng ta chứng kiến biết bao nỗ lực để con người có thể hiểu biết hơn về mình, vũ trụ bao la và cả Thiên Chúa. Những nỗ lực ấy đã, đang và sẽ tiếp tục diễn ra. Không thể tưởng tượng được con người sẽ ra sao nếu một ngày nào đó không còn khao khát hiểu biết. Khát khao này dường như là vô tận. Thế nhưng, có giới hạn cho sự hiểu biết không? Có điều gì mà con người không thể hiểu được không?
Trước hết, chúng ta cùng xem xét hai điều. Điều đầu tiên là tôn giáo. Tại sao tôn giáo lại nảy sinh trong lòng xã hội loài người? Phải chăng có điều gì siêu việt mà con người không thể hiểu biết được? Tôn giáo chính là câu trả lời cho giới hạn của con người. Con người không thể hiểu biết hết mọi sự. Có thể trong lĩnh vực tự nhiên, con người có khả năng tiếp cận và khám phá ra bản chất của sự vật. Thế nhưng, bấy nhiêu vẫn chưa đủ cho hiểu biết về toàn bộ thực tại. Tức là vẫn còn chiều kích siêu việt mà ở đó lý trí của con người không thể tiếp cận được.
Điều thứ hai là thực trạng phát triển của khoa học thực nghiệm. Nhân loại đạt được những tiến bộ vượt bậc trong mọi lĩnh vực. Con người đã có thể bay xa hơn vào trong vũ trụ cũng như nghiên cứu sâu hơn về bản chất con người. Thậm chí con người còn có tham vọng giải thích những hiện tượng mà trước đây được xem như siêu nhiên hay mang tính huyền bí. Thậm chí, nhiều người còn đặt lại vấn đề tôn giáo có còn thực sự cần thiết không. Đối với họ, tôn giáo chỉ là sản phẩm của con người trước sức mạnh của thiên nhiên mà thôi. Giờ đây, con người đã chế ngự được thiên nhiên thì cần gì đến tôn giáo nữa. Với suy nghĩ đó, thực sự tôn giáo là không cần thiết.
Qua hai điều nói trên, chúng ta thấy được gì? Thứ nhất, tôn giáo cho thấy khát vọng vươn tới Thực Tại Tối Hậu của con người. Dù con người biết mình giới hạn nhưng khát khao đó vẫn luôn thôi thúc con người tìm mọi cách để nắm bắt. Thứ hai, quan niệm khoa học cũng cho thấy khát khao hiểu biết của con người. Khoa học vẫn muốn chứng tỏ khả năng nắm bắt được thực tại của mình qua các phát kiến khoa học. Tuy nhiên, chúng ta cần nhìn nhận thực tế rằng những hiểu biết mà khoa học mang lại có thể sai và sẽ được những hiểu biết sau này bổ sung hay thay thế. Vẫn còn nhiều hạn chế dù khoa học đã có nhiều bước tiến vượt bậc. Phải chấp nhận rằng sẽ còn rất lâu hoặc không bao giờ khoa học có thể chạm tới Chân Lý Cuối Cùng.
Đến đây tôi chợt nhớ đến hình ảnh so sánh của triết gia Nicolas thành Cusa (hay Cusanus) để nói về hiểu biết của con người so với Hiểu Biết Thật hay Chân Lý. Chúng ta có một đa giác nội tiếp một đường tròn. Khi chúng ta tăng số cạnh của đa giác này lên đến vô tận thì nó chỉ gần giống với đường tròn thôi chứ không thể trùng khớp hoàn toàn được. Tương tự, dù con người có hiểu biết uyên bác đến đâu thì Hiểu Biết Tối Hậu vẫn không thể nắm bắt được. Hiểu Biết hay Chân Lý ấy chính là Thiên Chúa mà nhiều tôn giáo đã gọi tên. Ngài có những đặc tính như vĩnh cửu, toàn năng, toàn thiện hay không thể nắm bắt được. Thiên Chúa ấy chính là cùng đích cho mọi hiểu biết của con người.
Thế nhưng, làm thế nào mà con người nhận biết có một Thực Tại Tối Hậu đó trong khi con người vốn có bản tính hữu hạn? Chúng ta chấp nhận rằng hữu thể của chúng ta mang tính hữu hạn. Hiểu biết của chúng ta còn nhiều khiếm khuyết. Tuy nhiên, con người lại được phú bẩm một khát khao vô hạn để vươn tới Thực Tại đó. Khát khao ấy là món quà được đặt sẵn trong từng người. Bởi thế, con người không lúc nào ngưng tìm tòi để hiểu biết được. Con người luôn bị đặt trong tình thế phải luôn vươn lên, phải nỗ lực không ngừng để đạt tới mức hoàn thiện vì như Đức Giêsu từng nhấn mạnh: “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.” (Mt 5, 48) Cũng chính khả thể mở ra cho siêu việt tính ấy mà con người đón nhận mặc khải từ trời cao. Mặc dù mặc khải đó khởi đi từ Thiên Chúa nhưng con người vẫn có khả thể hiểu được phần nào thông điệp mà Ngài trao ban qua lời và trong lịch sử của nhân loại.
Chính điều đó là khởi điểm cho đức tin của con người vào Thiên Chúa mà đức tin mới là nền tảng cho hiểu biết thực sự. Nhờ vào đức tin mà con người nhận biết có một Thiên Chúa và chỉ nhờ vào đức tin mà con người có đủ can đảm tiếp bước bởi vì bước đi trong đức tin là bước đi trong đêm tối. Con người hoàn toàn mờ tối về chính điều mình đang bước theo và về Đấng-là-cùng-đích-của-mình. Giống như việc đi tìm con mèo đen trong căn phòng tối sẽ tìm được điều gì đó dù có tìm được con mèo hay không thì chúng ta cũng đạt được hiểu biết nào đó về Thiên Chúa dù không hoàn toàn nắm bắt được. Nếu không có đức tin vững vàng, chúng ta sẽ dàng từ bỏ hoặc rơi vào thái độ của kẻ nghĩ mình biết tất cả nhưng thực ra không biết gì.
Quay trở lại vấn đề được đặt ra ban đầu, một mặt sẽ không có giới hạn cho hiểu biết của con người vì con người sẽ tiến tới hiểu biết hơn từng ngày. Tuy nhiên, sẽ có một giới hạn cuối cùng, tức là Thực Tại Tối Hậu mà con người vốn không thể chạm tới được. Như vậy, chúng ta có thể thực sự biết được gì? Câu hỏi này là trăn trở của nhân loại trong suốt nhiều ngàn năm qua. Có một đúc kết quý giá từ một người vẫn luôn nỗ lực để hiểu biết hơn đó là “Tôi biết một điều là tôi không biết gì.” Chính Socrates đã nói lên điều này trong hành trình truy tìm chân lý của mình. Nicolas thành Cusa cũng nhấn mạnh sự vô tri của con người khi phát biểu rằng “Chân lý chính xác, tức bản chất của thực tại thì không thể nắm bắt được.” Chúng ta phải khiêm nhường mà nhìn nhận sự giới hạn của mình. Chúng ta khiêm nhường để thấy mình còn phải học hỏi nhiều lắm. Con người không bao giờ có thể ngừng học hỏi được vì đó là bản chất của chúng ta. Dù vậy, với khát vọng hiểu biết vô tận, con người sẽ càng ngày tiến gần Chân Lý hơn.
Thậm chí thánh Tôma Aquinô còn khẳng định rằng “Tất cả nỗ lực của tâm trí con người cũng không thể nắm bắt được yếu tính của một con ruồi.” Điều mà thánh nhân muốn nói ở đây là sự hạn hẹp trong hiểu biết của con người ngay cả yếu tính của một sinh vật nhỏ bé như con ruồi mà chúng ta còn không thể nắm bắt được huống gì là hiểu biết về Thiên Chúa và tha nhân. Cho nên, “hỡi người, hãy tự biết mình!” Biết mình hữu hạn để không tự cho mình là cái rốn của vũ trụ. Biết mình hữu hạn để học biết cảm thông cho người khác vì họ cũng giống mình. Đặc biệt, biết mình hữu hạn để dám buông mình cho sự quan phòng của Thiên Chúa. Ngài sẽ dùng chính sự hữu hạn ấy mà làm nên những kỳ công vĩ đại.
Như vậy, tôn giáo không phải là sản phẩm do con người tạo nên. Tôn giáo là lời đáp trả mà con người dành cho Đấng-ngỏ-lời-yêu-thương với chúng ta. Chính Thiên Chúa đã ngỏ lời trước và đặt để trong con người khát khao hiểu biết Sự Thật. Để rồi trong tình thế đó con người luôn khắc khoải và không ngừng tìm kiếm để đáp trả lại lời mặc khải đó. Chỉ trong đức tin, con người mới can đảm bước đi trong bóng tối thần linh của Thiên Chúa. Con người không còn tự hào về chính mình nữa nhưng biết tựa nương vào sự dẫn dắt của Ngài. Chúng ta luôn có niềm hy vọng một ngày nào đó chúng ta sẽ được đắm chìm trong niềm vui sướng của Hiểu Biết Thực Sự.
Tác giả: Philip
(Bài viết được CTV gởi về BBT Website GPVL)