Sidebar

Thứ Năm
28.03.2024

Con tim dịu hiền, lối thiêng của thánh Phanxicô Salê

stpxsl


Con mến, bao có thể, con hãy luôn luôn dịu hiền, và hãy nhớ rằng với một thìa mật người ta bắt được nhiều ruồi hơn là một trăm thùng dấm” (Louis de la Rivière, La Vie de saint François de Sales, 1624 – p. 584). Đây là câu nói được tìm thấy trong cuốn tiểu sử thánh Phanxicô Salê (1624 – p. 584) viết ngay sau khi thánh nhân qua đời mới được hai năm. Câu này là lời ngài khuyên nhủ một người bạn kém ngài 17 tuổi, tên là Jean Pierre Camus (1584-1652) người cũng là Giám Mục, và là tác giả của nhiều cuốn sách về đời sống thiêng liêng. Câu nói không chỉ đẹp về ý tưởng, mà còn là xác tín được thực hành trong đời ngài. Nói cách khác, nó là hiện thân của đời sống thiêng liêng của ngài. Người đương thời làm chứng, chưa bao giờ họ gặp được ai dịu hiền hơn thánh Phanxicô Salê, một vị thánh vô cùng dễ mến. Thế nhưng, chúng ta đừng hiểu lầm. Đối với thánh Phanxicô Salê, dịu hiền không thuộc về bình diện tính nết, nhưng là một lối thiêng, một chọn lựa sống xuất phát từ tình yêu. Sự dịu hiền là hoa thơm trái ngọt của đức ái.

Nói về con tim dịu hiền người ta thường hay nghĩ đến những người có tính nết hiền lành. Có vẻ như đây là chân lý thực nghiệm. Dù bên ngoài có những biểu cảm tương tự nhau, nhưng đối với thánh Phanxicô Salê, sự dịu hiền đi xa hơn tính hiền lành tự nhiên, và chúng khác nhau. Một người không chỉ hiền mà dịu hiền, khi sự dịu ngọt ở sâu tận con tim người ấy. Sự dịu dàng ở tận con tim vì họ ý thức rằng đây là một vẻ đẹp tuyệt hảo, nên tự con tim họ ao ước đồng hoá với sự dịu dàng. Chính vì vậy, nó không phải là loại tính tình “hiền khô”, sao sao cũng được, vì chẳng quan tâm, nên chẳng khó chịu; hoặc một thứ triết lý “ở hiền để gặp lành”. Dịu hiền đối với thánh Phanxicô Salê là một chọn lựa sống, được chủ ý được nuôi dưỡng và thực hành đến độ trở thành tự nhiên như bản tính. Đó là một sự dịu dàng đầy ý thức, đầy hiểu biết và tinh tế, với bước đầu kiên trì tập luyện trong sự khiêm tốn cộng tác với ơn thánh Chúa, rồi tới một lúc ân sủng làm cho sự dịu dàng ấy trở thành hoàn toàn tự nhiên.

Thánh Phanxicô Salê vô cùng yêu thích câu nói của Chúa Giêsu: “Hãy học với Ta, vì Ta hiền hậu và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11, 29). Ngài giải thích sự hiền hậu mà Chúa nói đồng nghĩa với sự dịu dàng, sự ngọt ngào (douceur – sweetness) của con tim. Sự yêu mến đó khiến cho Phanxicô nỗ lực và bản thân ngài đã như thể đồng hóa với sự dịu dàng. Sự dịu dàng đó hoàn toàn khác với sự ủy mị, yếu đuối. Hai tính chất của tình yêu đó là mạnh mẽ và dịu dàng, hoàn toàn không có sự ủy mị. Khi sự dịu dàng nằm ở tận sâu thẳm của nội tâm, đến độ trở thành như bản tính của tâm hồn, thì sự dịu dàng ấy phản ánh sự thuần khiết và trở thành sự thánh thiện. Thiên Chúa đầy mạnh mẽ và dịu dàng, một sự dịu dàng vô tận làm nên hạnh phúc cho tâm hồn được Ngài cư ngụ.

Trong giấc mơ chín tuổi, cậu bé Gioan Bosco được Chúa Giêsu dạy cho biết phải dùng đức ái và sự dịu hiền để chinh phục tâm hồn những người trẻ. Rồi Đức Maria bà giáo dạy cho cậu là muốn chinh phục chúng, cậu phải khiêm nhường và mạnh mẽ, và phải có kiến thức. Điều lạ lùng ở đây chính là dịu hiền và đức ái đi liền với sự mạnh mẽ, cũng như sự khiêm nhường đi với kiến thức. Như thế, sự dịu hiền không phải là thứ hiền lành ngu ngơ khờ dại, yếu đuối. Phải mạnh mẽ người ta mới dịu dàng cách bền bỉ. Người yếu đuối sẽ không thắng nổi xu hướng nỗi giận và gây hấn của mình. Nhưng điều này chỉ có thể thực hiện được khi linh hồn nghiệm được nét đẹp của sự dịu hiền và nhận được ân sủng nâng đỡ để thực hiện.

Thế đấy, dịu dàng không phải dễ. Giấc mơ chín tuổi cho thấy cậu bé Gioan Bosco bản tính nóng nảy và bộc phát, thế mà sự dịu dàng và đức ái đòi cậu phải kiên nhẫn và bao dung. Nó đòi cậu phải luyện tập kiên trì trong sự khiêm tốn và đầy ý thức. Và như thế, nó là kết quả của sự hoán cải của con người tự nhiên để trở nên con người thiêng liêng.

Thánh Augustinô nói rằng giả như Thiên Chúa muốn đổ đầy một người bằng mật ngọt (biểu tượng ngài dùng để nói về Thiên Chúa là tình yêu và thiện hảo), nhưng nếu nó cứ cố giữ đầy trong mình dấm chua, thì lấy chỗ nào để đổ mật vào. Chỉ mật (ơn Chúa) mới làm cho trở nên ngọt ngào, nhưng con người phải nỗ lực để khử trừ dấm chua trong mình. Bạn mến, bạn không thể là người có trái tim dịu dàng, nếu bạn cứ mãi theo xu hướng biện hộ và không xin ơn Chúa để bạn làm chủ tính dễ dàng phản ứng và sự nóng nảy của mình; nhưng bạn cũng không thể có trái tim dịu dàng nếu bạn là người vô tâm vô cảm nên không phản ứng giận dữ; và bạn cũng không thể là người dịu dàng chỉ vì bạn chẳng biết buồn, vì chẳng để ý gì; càng hơn nữa, bạn không thể là người dịu dàng chỉ vì bạn là người nhu nhược, dễ dàng lụy phục, chẳng hiểu gì phẩm giá độc đáo của con người. Con tim dịu dàng là biểu hiện của sự mạnh mẽ và là chọn lựa sống, một đường lối thiêng liêng. Don Bosco ý thức điều đó, nên trong các quyết định khi ngài lãnh tác vụ linh mục ngài viết: Đức ái và sự dịu dàng của thánh Phanxicô Salê sẽ hướng dẫn tôi.

Vâng, dịu dàng là một lối thiêng, cần thiết và có thể tập luyện bởi hết mọi người. Chính thánh Phanxicô Salê và Don Bosco là những con người với tính tự nhiên bộc trực nóng nảy, đã tập luyện được nó. Tôi phải ý thức và chọn để sống dịu dàng, quyết tâm thực hiện nó vì tình yêu đối với Thiên Chúa và mọi người. Khi thân xác đau yếu hay bệnh tật, tự nhiên dễ buồn bực, khó chịu với mọi người, thay vào đó tôi vẫn cố gắng thể hiện sự dịu dàng; khi gặp người vô tình làm tôi tổn thương, thay vì bực dọc, tôi vẫn chọn nói năng và cư xử dịu dàng; khi gặp người cố tình đối chọi, thay vì phản ứng, tôi vẫn chọn dịu dàng vì đó là điều Chúa muốn. Bạn mến, đó chính là dịu dàng của con tim.


Tác giả: Giuse Đức Dũng, SDB - 
Nguồn: Tỉnh Dòng Salêdiêng Don Bosco Việt Nam (28/7/2022)

560    05-08-2022