Bài chia sẻ bắt nguồn từ cảm hứng về chủ đề ngày Hòa Bình thế giới năm nay 01/01/2022 : “Giáo dục, lao động, đối thoại giữa các thế hệ: các công cụ để xây dựng hoà bình lâu dài”. Như thế, theo ĐTC Phanxicô để xây dựng được hòa bình lâu dài chúng ta cần lưu tâm đến ba bối cảnh:
Giáo dục
Giáo dục là phương tiện thúc đẩy sự phát triển toàn diện của con người. Giáo dục giúp các cá nhân trở nên tự do và có trách nhiệm hơn; giáo dục còn rất cần thiết cho việc bảo vệ và thúc đẩy hòa bình. Bởi vì giáo dục có thể trở thành ngôn ngữ chung phá vỡ các rào cản và xây dựng cầu nối (Sứ điệp HBTG 2022). Hơn thế nữa, sống trong một môi trường đa văn hóa, công nghệ phát triển, con người cần được giáo dục để học cách thích nghi, tư duy sáng tạo, kỹ năng giải quyết vấn đề và trưởng thành cá nhân. Thật vậy, khoa học càng phát triển, con người càng cần được giáo dục để có khả năng làm chủ cuộc sống một cách thông minh và sáng tạo. Bởi lẽ, “không phải loài mạnh nhất hay thông minh nhất mà là loài có khả năng thích nghi tốt nhất sẽ sống sót” (Darwin). Và nếu không trưởng thành đủ, khi sống trong thế giới kỷ thuật số, mà đang phát triển mạnh mẽ như hiện nay, con người dễ “chết đuối trong thông tin nhưng vẫn chết đói kiến thức.” Tuy nhiên, đáng buồn thay, theo một đánh giá chung, nguồn tài trợ cho giáo dục gần đây bị giảm đáng kể trên toàn thế giới vì việc đầu tư vào giáo dục bị xem là tiêu tốn hơn là đầu tư có lợi nhuận.
Hơn thế nữa, khả năng đối thoại giữa nhiều nền văn hóa khác nhau của con người, góp phần vào việc xây dựng hòa bình và sự phát triển mạnh mẽ của một quốc gia. Khả năng đối thoại này có thể được xem là thành quả của giáo dục. Vì thế, tất cả mọi thành phần trong gia đình nhân loại cần đóng góp vào việc đào tạo những con người trưởng thành và có ích cho xã hội và Giáo hội.
Đối thoại
Đối thoại giữa các thế hệ là phương thế xây dựng hòa bình. Sự gãy đổ trong tương quan được bộc lộ qua các hiện tượng: chiến tranh, xung đột, chủ nghĩa cá nhân… Làm sao để hàn gắn sự gãy đổ và xây dựng hòa bình? Hòa bình vừa là món quà của Thiên Chúa nhưng cũng là kết quả của một sự dấn thân chung. Sự dấn thân này phải được khởi đi từ trái tim của mỗi người và từ các mối quan hệ trong gia đình, xã hội, giữa các dân tộc-quốc gia và với môi trường (Sứ điệp HBTG 2022). Cuộc đối thoại phải trung thực, tích cực, đúng đắn và có sự tin tưởng lẫn nhau. Đối thoại còn là lắng nghe nhau, chia sẻ quan điểm đi đến chổ thống nhất và bước đi cùng nhau. Cổ võ sự đối thoại như thế giữa các thế hệ có nghĩa là phá vỡ mảnh đất khô cứng và cằn cỗi của xung đột và sự dửng dưng để gieo hạt giống của một nền hòa bình chung và lâu dài (Sứ điệp HBTG 2022).
Ngày nay, theo tinh thần của Thánh Phaolô VI, con đường hòa bình là phát triển toàn diện. Sự toàn diện có thể liên quan đến 3 loại sức khỏe chính: sức khỏe thể chất – sức khỏe tinh thần và sức khỏe xã hội. Sức khỏe xã hội chính là khả năng tương quan xã hội của mỗi người. Đây là một thách thức rất lớn trong thời đại công nghệ. Thời đại mà đem lại cho con người nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng sản sinh ra không ít những con người “khuyết tật”. Đó là những anh hùng trong thế giới ảo nhưng lại là những thanh niên èo ọp trong đời sống thực. Và chắc chắn, con đường xây dựng hòa bình đòi hỏi một người không cần giỏi giang nhưng là người có khả năng thấu hiểu cảm xúc của người khác. Con người ngày nay vẫn thường nói đùa với nhau: “người bây giờ không ghét nhau về trình độ nhưng ghét nhau về thái độ.” Trên hết, đối thoại giữa các thế hệ đòi hỏi sự nhìn nhận chổ đứng của nhau: Những người già – lưu giữ ký ức và những người trẻ – đưa lịch sử tiến bước. Như thế, người trẻ cần sự khôn ngoan và kinh nghiệm của người lớn tuổi, những người cao tuổi hơn cần sự hỗ trợ, tình cảm, sự sáng tạo và năng động của lớp trẻ (Sứ điệp HBTG 2022). Và như thế, con đường hòa bình có thể được xây dựng và nuôi dưỡng khi mỗi người biết dành cho nhau một vị trí trong một bức tranh toàn diện.
Lao động
Lao động là phương thế thể hiện bản thân và tài năng nhưng qua đó cũng là cơ hội để dấn thân, hợp tác và phục vụ. Vì khi làm việc, chúng ta không làm một mình nhưng làm cùng và làm với; Làm việc cũng là cách chúng ta đóng góp phần của mình cho một thế giới tươi đẹp hơn. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế hôm nay, trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence/AI) đang dần có tầm ảnh hưởng và chổ đứng rất lớn trên các nước phát triển. Theo dự đoán, tương lai sẽ có một nữa nhân loại thất nghiệp vì không thích ứng được với “AI”. Phẩm giá con người cũng được đánh giá dựa trên trình độ về “AI”. Lao động chân tay trở nên lạc hậu và dần đi vào quên lãng.
Đứng trước thách thức này, chúng ta được mời gọi tỉnh táo để luôn trân trọng các phương tiện lao động. Dù trong bối cảnh nào, vẫn đặt mình vào một điều kiện làm việc đàng hoàng, xứng hợp với nhân phẩm con người, hướng đến lợi ích chung, đảm bảo sự đổi mới trách nhiệm xã hội và bảo vệ công trình sáng tạo của Thiên Chúa, để lợi nhuận không là tiêu chuẩn chi phối tất cả hoạt động (Sứ điệp HBTG 2022).
Thay lời kết
Như thế, giáo dục – một yếu tố không thể thiếu của sự phát triển, tự do và trách nhiệm của con người; đối thoại – một nền tảng cho việc hiện thực hóa các dự án chung; và lao động – một phương thế khẳng định phẩm giá con người. Đây là ba yếu tố không thể thiếu để tạo ra một khế ước xã hội, cổ võ cho mọi dự án hòa bình bền vững (Sứ điệp HBTG 2022). Cuối cùng, mỗi người chúng ta cần xác định vị trí và vai trò của mình trong bức tranh toàn cảnh của gia đình nhân loại về một THẾ GIỚI HÒA BÌNH.
Tác giả: Nữ tu Anna Nguyễn Bảo Uyên, MTG Huế
Nguồn: Tổng Giáo Phận Huế (04/01/2022)