Sidebar

Thứ Năm
25.04.2024

Công cuộc truyền giáo của hai Giám mục tiên khởi tại Giáo hội Việt Nam (phần cuối)

congcuoctruyengiaocuahaigiammuctienkhoitaigiaohoivietnam
CÔNG CUỘC TRUYỀN GIÁO
CỦA HAI GIÁM MỤC TIÊN KHỞI TẠI GIÁO HỘI VIỆT NAM

+ Giuse Đỗ Mạnh Hùng
Giám mục Gp. Phan Thiết

Mục lục

DẪN NHẬP

     1. Công Cuộc Truyền Giáo Tại Việt Nam Dưới Chế Độ Bảo Trợ Bồ Đào Nha

     2. Đường Hướng Của Toà Thánh

     3. Hai Giám Mục Tiên Khởi Tại Việt Nam

Phần I. HAI MẪU GƯƠNG QUẢ CẢM TRONG SỨ VỤ GIÁM MỤC

     I. ĐỨC CHA LAMBERT

          1. Các Cuộc Kinh Lý

          2. Tổ Chức Các Công Đồng Địa Phương

          3. Xây Dựng Chủng Viện và Đào Tạo Linh Mục Bản Xứ

          4. Thành Lập Dòng Mến Thánh Giá

     II. ĐỨC CHA FRANÇOIS PALLU

          1. Hành Trình Âu – Á Lần Thứ Nhất (1665 – 1673)

          2. Hành Trình Âu – Á Lần Thứ Hai (1674 – 1681)

     III. HAI CÁI CHẾT LÀNH THÁNH

          1. Đức Cha Lambert

          2. Đức Cha François Pallu

     IV. TÓM LẠI

PHẦN II. HƯỚNG TỚI VIỆC PHONG THÁNH CHO HAI VỊ GIÁM MỤC TIÊN KHỞI TẠI VIỆT NAM

     I. “Chứng Từ Lịch Sử Trên Văn Bản”: do Nhóm chuyên viên phụ trách

     II. “Chứng Từ Lịch Sử Sống Động”

          1. Chứng Nhân Tử Đạo

          2. Một Giáo Hội Trên Đà Trưởng Thành

          3. Gia Đình Mến Thánh Giá

     III. Phúc Lành Của Thiên Chúa qua các phép lạ

KẾT LUẬN



PHẦN II. HƯỚNG TỚI VIỆC PHONG THÁNH CHO HAI VỊ GIÁM MỤC TIÊN KHỞI TẠI VIỆT NAM

Việc xin phong Chân phước và phong Thánh cho hai vị Đại diện Tông toà đầu tiên của Việt Nam, Đức Cha François Pallu và Đức Cha Pierre Lambert de la Motte, là thao thức mong mỏi chung của Hội đồng Giám mục và đặc biệt của các Nữ tu Dòng Mến Thánh Giá. Thao thức này đang được thực hiện qua việc nỗ lực tìm kiếm, sưu tầm, viết lại các chứng từ sống động liên quan đến Đức cha Pierre Lambert de la Motte và Đức cha François Pallu để hoàn tất bộ hồ sơ xin phong thánh.

Các chứng từ về các ngài bao gồm:

I. “Chứng Từ Lịch Sử Trên Văn Bản”: do Nhóm chuyên viên phụ trách

1. Thủ bản của Đức cha Lambert và của Đức cha Pallu

2. Các linh mục thừa sai đương thời với hai Giám mục viết về các ngài.

3. Các sử gia đương thời, các sử gia uy tín hãy những luận án tiến sĩ, thạc sĩ... về các ngài.

II. “Chứng Từ Lịch Sử Sống Động”

Đức cha Lambert và Đức cha Pallu đã xây dựng Giáo hội Việt Nam trên những nền tảng chung, cả về thể chế tổ chức và về tinh thần lẫn phương thức sống đạo. Hai Đức cha đã hết mình sống và chết cho sứ mạng loan báo Tin Mừng và xây dựng Giáo hội tại Việt Nam. Sự hy sinh của hai ngài đã và đang sinh hoa kết trái là một Giáo hội ngày càng trưởng thành đi lên trong dòng máu anh hùng của các chứng nhân đức tin. Có rất nhiều dấu tích của các ngài trong đời sống của Giáo hội Việt Nam suốt 350 năm qua.

1. Chứng Nhân Tử Đạo

Lịch sử Giáo hội Việt Nam ghi nhận hàng trăm ngàn Kitô hữu được phúc tử đạo, trong đó có 117 vị được nâng lên bậc hiển thánh và 1 chân phước Anrê Phú Yên. Một số Giáo phận hiện nay vẫn đang tiếp tục làm hồ sơ xin phong thánh cho các vị tử đạo trong Giáo phận của mình.

2. Một Giáo Hội Trên Đà Trưởng Thành

Trải qua 350 năm, từ 2 Giáo phận Tông tòa đầu tiên, giờ đây Giáo hội Việt Nam đang trên đà phát triển, gồm:

       + 3 Giáo tỉnh với 27 Giáo phận: Trên 120 Giám mục được tấn phong, trong đó có 6 vị nhận tước Hồng y;

       + Hơn 4.000 Linh mục;

       + 11 Đại Chủng viện với 2.803 chủng sinh trong niên khóa 2021-2022.

       + Khoảng 310 Dòng tu với tổng số tu sĩ gần 35.000;

       + Trên 4.500 Giáo xứ với khoảng hơn 7 triệu Giáo dân;

3. Gia Đình Mến Thánh Giá

       + 24 Hội dòng Mến Thánh Giá trong nước và 6 Hội dòng Mến Thánh Giá ở nước ngoài;

       + Khoảng 10.000 nữ tu và gần 1.000 tập sinh, với sự liên kết “đặc biệt” giữa Hội dòng Mến Thánh Giá và mỗi Giáo phận. Hầu hết các Giáo phận đều có lập Dòng Mến Thánh Giá. Và rất nhiều giáo xứ có cộng đoàn Nữ tu Mến Thánh Giá hiện diện và phục vụ trong giáo xứ.

       + Trên 15.000 hội viên Tín Hữu Mến Thánh Giá. Hiệp hội này luôn là cánh tay nối dài của Dòng Nữ Mến Thánh Giá trong cuộc sống để làm dậy men Phúc Âm ngay trong lòng giáo xứ của họ.

Quy tụ mọi thành phần dân Chúa trong Đại gia đình Mến Thánh Giá, Đức cha Lambert ước muốn xây dựng một Giáo hội truyền giáo xuyên qua Linh đạo Thánh Giá, nhấn mạnh chiều kích truyền giáo của tình yêu Thánh Giá[35]. Đó là một Giáo hội canh tân vì mục đích Phúc Âm hóa, “đến nỗi thiên hạ nói về họ như xưa dân ngoại đã nói về Israel: Dân Thiên Chúa chính là đây”[36].

Một hình ảnh sống động về “hoa trái thánh thiện” của Đức cha Lambert de la Motte là chứng từ của các nữ tu Mến Thánh Giá khấn trọn hằng năm: quyết định “khấn trọn” là 1 hành vi thánh thiện. Đây là quyết định “dâng hiến trọn cuộc đời mình cho Thiên Chúa để phục vụ chương trình cứu độ của Ngài”. Mỗi năm có trên 200 nữ tu khấn trọn, thuộc 30 Hội Dòng Mến Thánh Giá. Những nữ tu này đã được tác động bởi “linh đạo Mến Thánh Giá” của Đức cha Lambert. Ngoài ra, còn có chứng từ của các nữ tu đã sống lâu năm trong dòng Mến Thánh Giá: đặc biệt dịp kỷ niệm 25,50,60 năm khấn dòng với những chứng từ sống động được khơi nguồn từ Linh đạo Mến Thánh Giá. Điều này cho thấy linh đạo Mến Thánh Giá do Đức cha Lambert khởi xướng vẫn đang sống động trong lòng GHVN.

III. Phúc Lành Của Thiên Chúa qua các phép lạ

Một điều phải có trong hồ sơ phong thánh đó là các phép lạ như là dấu chỉ phúc lành đến từ thiên Chúa. Ước mong rằng sẽ có những người nhận được “phép lạ” qua sự chuyển cầu của 2 Giám mục tiên khởi François Pallu và Pierre Lambert de la Motte.

KẾT LUẬN

Ghi khắc công ơn của Đức cha Pierre Lambert de la Motte và Đức cha François Pallu, Giáo hội Việt Nam luôn ao ước sớm thấy các ngài được vinh hiển trong hàng ngũ các thánh. Đây là công việc chung của cả Giáo hội Việt Nam. Công việc này rất cần sự đóng góp của nhiều thành phần: (1) Các chuyên viên; (2) Mọi thành phần Dân Chúa : các Giám mục, các Linh mục, các Đại Chủng viện, các Hội Dòng Mến Thánh Giá và anh chị em Giáo dân, nhất là các Hiệp Hội Mến Thánh Giá Tại Thế.

Ước mong rằng vào năm 2034, kỷ niệm 375 năm Giáo hội Việt Nam được chính thức hình thành với sự bổ nhiệm hai Giám mục tiên khởi François Pallu và Lambert de la Motte[37], chúng ta sẽ dâng lời tạ ơn Thiên Chúa cách đặc biệt vì hồng ân đức tin mà Thiên Chúa đã ban tặng. Niềm vui này sẽ được tròn đầy hơn nếu hai vị Giám mục đầu tiên được tôn vinh qua cuộc đời “thánh thiện, hy sinh trọn vẹn” để chu toàn nhiệm vụ Loan báo Tin Mừng và xây dựng Giáo hội Việt Nam trên niềm tin son sắt vào Đức Giêsu Kitô Chịu-Đóng-Đinh, hầu mang ơn cứu độ cho nhân loại.

Nguyện xin Thiên Chúa nhân lành, qua lời chuyển cầu của Đức cha Pierre Lambert de la Motte và Đức cha François Pallu, chúc lành cho công việc tốt đẹp này sớm được hoàn thành.

 

Nguồn: Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (22/10/2021)

 

Tài liệu tham khảo:

1. P. LAMBERT DE LA MOTTE, Abrégé de Relation, AMEP, T. 121, T. 677 ; Journal 12/1675, AMEP, T. 877.

2. Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin, Huấn thị 1659 dành cho các vị Đại diện Tông tòa đi đến các Vương quốc Trung Hoa tại Đàng Ngoài và Đàng Trong.

3. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Tiểu Sử Đức cha François Pallu & Đức cha Pierre Lambert de la Motte, NXB Tôn Giáo, 2020.

4. Nhóm Nghiên Cứu Linh Đạo Mến Thánh Giá, Lịch Sử Dòng Mến Thánh Giá, 2018.

5. Đào Quang Toản, Đức Cha Pallu và Dòng Mến Thánh Giá, 2010.

6. DEYDIER François, Thư gửi Đức cha Pallu, ngày 01.11.1667, AMEP, T. 677.

7. Đỗ Quang Chính, SJ., Hai Giám mục đầu tiên tại Việt Nam, 2005.

8. FAUCONNET-BUZELIN Françoise, Người Cha bị lãng quên của công cuộc truyền giáo hiện đại, Pierre Lambert de la Motte, Đại diện Tông tòa tiên khởi Đàng Trong, Nxb. Phương Đông, 2015.

9. LAUNAY Adrien, Histoire générale de la Société des Missions Étrangères de Paris, t. I, Les Indes Savantes, 2003.

10. Marie Fiat Trần Thị Tuyết Mai, Sứ mạng liên tục của Chúa Giêsu, theo quan điểm của Đức cha Lambert de la Motte (1624-1679) và công cuộc canh tân việc Phúc Âm hóa tại Châu Á, 2018.

11. Marie Fiat, Về với cội nguồn Giáo hội Việt Nam, 2009.

12. MOUSSAY Gérard et APPAVOU Brigitte, Répertoire des membres de la Société des Missions Étrangères (1659-2004), ordre alphabétique suivi de l’ordre chronologique, Paris, AMEP, 2004.

13. VACHET Bénigne, Chuyện Đức Cha Lambert, chuyển ngữ: Cao Kỳ Hương, 2005.

------------------ 

[1] Đỗ Quang Chính, SJ., Hai Giám mục đầu tiên tại Việt Nam, Tp. HCM, 2005, tr. 55-56, 59-60.

[2] Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin, Instructio vicariorum apostolicorum ad regna sinarum Tonchini et Cocincinae proficiscentium 1659 (Huấn thị 1659 dành cho các vị Đại diện Tông tòa đi đến các Vương quốc Trung Hoa tại Đàng Ngoài và Đàng Trong).

[3] Adrien Launay, Histoire générale de la Société des Missions Étrangères de Paris, t. I, Paris, Les Indes Savantes, 2003, tr. 41-43.

[4] Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin, Huấn thị 1659, III: Tại nơi truyền giáo.

[5] Gérard Moussay et Brigitte Appavou, Répertoire des membres de la Société des Missions Étrangères (1659-2004), ordre alphabétique suivi de l’ordre chronologique, Paris, AMEP, 2004, tr. 50 (Trong lược sử của hai Cha đi cùng với Đức cha Cotolendi là Louis Chevreuil và Antoine Hainques, chúng ta cũng thấy ghi cùng một ngày, họ rời Paris ngày 06.01.1661, nhưng xuống tàu ở Marseille, vĩnh viễn rời nước Pháp, ngày 03.09.1661).

[6] Nhóm Nghiên cứu Linh đạo Mến Thánh Giá (NNCLĐMTG), Lịch sử Dòng Mến Thánh Giá, 2018, tr. 60.64.75.93.

[7] Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin, Huấn thị 1659, II, 1: Lộ trình

[8] Gérard Moussay et Brigitte Appavou, Répertoire des membres de la Société des Missions Étrangères, tr. 52.

[9] Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGMVN), Tiểu sử Đức cha François Pallu và Đức cha Pierre Lambert de la Motte, Nxb. Tôn giáo, 2020, tr. 10.12.14.22.

[10] Françoise fauconnet-buzelin, Người Cha bị lãng quên của công cuộc truyền giáo hiện đại, Pierre Lambert de la Motte, Đại diện Tông tòa tiên khởi Đàng Trong, Nxb. Phương Đông, 2015, tr. 347.

[11] Đào Quang Toản, Đức cha Pallu và Dòng Mến Thánh Giá, 2010, tr. 78.

[12] HĐGMVN, Tiểu sử Đức cha François Pallu và Đức cha Pierre Lambert de la Motte, tr. 87-88.

[13] Pierre Lambert de la Motte, Abrégé de Relation (Giản yếu ký sự), AMEP, T. 677, tr. 204.

[14] HĐGMVN, Tiểu sử Đức cha François Pallu và Đức cha Pierre Lambert de la Motte, tr. 89-90.

[15] NNCLĐMTG, Lịch sử Dòng Mến Thánh Giá, tr. 150-156.

[16] Nt., tr. 113-118.

[17] Nt., tr. 139-141.

[18] Nt., tr. 145-148.

[19] Nt., tr. 115-116.

[20] Nt., tr. 116.133-134.136.138.155.

[21] Nt., tr. 119.

[22] François Deydier, Thư gửi Đức cha Pallu, ngày 01.11.1667 (AMEP, T. 677, tr. 27).

[23] NNCLĐMTG, Lịch sử Dòng Mến Thánh Giá, tr. 170-173.

[24] Nt., tr. 185.

[25] P. Lambert de la Motte, Journal (Nhật ký) tháng 12/1675, AMEP, T. 877, tr. 574.

[26] NNCLĐMTG, Lịch sử Dòng Mến Thánh Giá, tr. 187.

[27] HĐGMVN, Tiểu sử Đức cha François Pallu và Đức cha Pierre Lambert de la Motte, tr. 34-39.

[28] Bénigne Vachet, Chuyện Đức cha Lambert, Cao Kỳ Hương chuyển dịch, Đào Quang Toản giới thiệu, 2013, tr. 38.

[29] HĐGMVN, Tiểu sử Đức cha François Pallu và Đức cha Pierre Lambert de la Motte, tr. 39-46.

[30] Cha François Deydier sinh ngày 28/9/1634 tại Toulouse, Pháp; chịu chức linh mục ngày 23/4/1657. Cùng với Đức cha Lambert và Cha Bourges, ngài rời quê hương đi truyền giáo vào ngày 27/11/1660. Sau bốn năm ở Xiêm La, ngài được Đức cha Lambert gởi sang Đàng Ngoài vào năm 1666, và được tấn phong Giám mục trong căn nhà bếp của mình ở Phố Hiến vào đêm ngày 21/12/1682. Với tư cách Giám mục hiệu tòa Ascalon và Tổng Đại diện Đàng Ngoài, ngài dấn thân phục vụ Tin Mừng 27 năm và an nghỉ trong Chúa vào ngày 01/07/1693 tại Phố Hiến. Ngài là người lập Chủng viện Việt Nam đầu tiên cũng như góp phần xây dựng Hàng Giáo Sĩ và Dòng Mến Thánh Giá tại Việt Nam.

[31] Cha Jacques de Bourges sinh năm 1634 tại Pháp. Sau khi chịu chức linh mục ngài lên đường truyền giáo với Đức cha Lambert và Cha Deydier năm 1660. Sau đó, ngài được gởi sang Đàng Ngoài năm 1669 và được bổ nhiệm làm Giám mục Đại diện Tông Tòa Tây Đàng Ngoài năm 1679, nhưng bị trục xuất khỏi Việt Nam năm 1713 và qua đời tại Thái Lan năm 1714, thọ 83 tuổi.

[32] HĐGMVN, Tiểu sử Đức cha François Pallu và Đức cha Pierre Lambert de la Motte, tr. 96-99.

[33] Nt., 48-49.

[34] Phần này dựa trên những ý kiến của các Giám mục trong cuộc họp Thường Niên của HĐGMVN vào tháng 4.2021 tại Nha Trang, do tác giả ghi lại.

[35] Marie Fiat Trần Thị Tuyết Mai, Sứ mạng liên tục của Chúa Giêsu, theo quan điểm của Đức cha Lambert de la Motte (1624-1679) và công cuộc canh tân việc Phúc Âm hóa tại Châu Á, 2018, tr. 22. 454.

[36] P. Lambert de la Motte, Abrégé de Relation (Giản yếu ký sự), AMEP, T. 121, tr. 759.

 

[37] Theo Cha Maurice Vidal và Cha Laurent Villemin, hai chuyên viên Giáo hội học thuộc Viện Đại học Công Giáo Paris : Giáo hội Việt Nam được chính thức hình thành vào ngày 09/09/1659 với sự bổ nhiệm hai Giám mục đầu tiên François Pallu và Lambert de la Motte. Về phương diện thần học và Giáo luật, ngay khi hội đủ ba yếu tố : Tin Mừng, Thánh Thể và Giám mục, lúc đó một Giáo hội địa phương được thành hình (Lumen Gentium 26 ; Giáo luật, điều 368-369. 371, § 1), (Marie Fiat, Về với cội nguồn Giáo hội Việt Nam, 2009, tr. 9-18).

 

570    22-10-2021