Sidebar

Thứ Sáu
19.04.2024

Công nghệ kỹ thuật số có thể đẩy nhanh việc tái thiết Nhà thờ Đức Bà Paris



Building Information Modeling
(BIM - tạm dịch là Quy trình Mô hình hóa Thông tin Xây dựng) tạo ra một mô hình 3D có độ chi tiết cao để giúp hợp lý hóa việc xây dựng.

Đã hai năm kể từ trận hỏa hoạn kinh hoàng tại Nhà thờ Đức Bà Paris (Notre Dame de Paris), nhưng nỗ lực tái thiết vẫn đang được tiến hành tốt đẹp. Tuy nhiên, để đáp ứng ngày mở cửa trở lại vào tháng 4 năm 2024 đầy tham vọng của Tổng thống Macron, quá trình này cần phải được đẩy nhanh. Giờ đây, các nhóm khôi phục đang chuyển sang một công nghệ kỹ thuật số được gọi là BIM, một quy trìnhxử lý đến từng chi tiết tỉ mỉ.

BIM là quá trình tạo ra và quản lý thông tin cho một tài sản được xây dựng (a built asset). Với việc xây dựng mới, BIM sẽ ghi lại mọi thứ từ các tài nguyên cần thiết đến chức năng thực tế của một tòa nhà. Đối với một dự án trùng tu, chẳng hạn như Nhà thờ Đức Bà Paris, BIM cung cấp mô tả chi tiết về những gì đã có để mang đến cho công nhân một mô hình chính xác nhất có thể.

Mô hình

Các mô hình BIM này có thể rất phức tạp, như có thể thấy trong video ở trên. Đây là một ví dụ về mô hình BIM của Nhà thờ Đức Bà được biên soạn vào năm 2020. Đây không phải là BIM chính xác mà nhóm khôi phục đang làm việc, nhưng nó mang đến một cái nhìn sơ lược về giá trị và lợi ích của BIM. Mô hình chi tiết đến mức nó có thể ghi lại các ô kính màu riêng lẻ.

Để đảm bảo độ chính xác, các mô hình kỹ thuật số sử dụng các tính năng quét điểm bằng laser để ghi lại kích thước của tòa nhà và cách bố trí của các mảnh vỡ. Những bản quét này cũng đã lập danh mục hàng loạt các cách trưng bày bố trí mang tính nghệ thuật dùng để trang hoàng ngôi nhà thờ chánh toà. Theo Architosh, một nhóm từ Autodesk, công ty cung cấp BIM, đã tạo ra khoảng 12.450 đối tượng độc đáo cho mô hình kỹ thuật số.

Sự đẩy nhanh tiến độ của BIM

Emmanuel Di Giacomo, Nhà quản lý Sinh thái (Ecosystem Manager) của Autodesk BIM Ecosystemtại Châu Âu, giải thích rằng BIM sẽ giúp đẩy nhanh quá trình tái thiết trong ba lĩnh vực chính. Nó sẽ giúp các công nhân xác định một cách cẩn trọng nơi đặt cần cẩu và nơi các nguồn lực cần đi vào. Thứ hai, mô hình này sẽ giúp đỡ các công nhân bằng cách quản lý an toàn và rủi ro. Cuối cùng, mô hình này được mong chờ ​​sẽ hợp lý hóa tiến độ thi công giữa quy hoạch và xây dựng.

Di Giacomo tiếp tục lưu ý rằng việc tạo nên BIM này khó hơn một chút vì Nhà thờ Đức Bà không bao giờ được ghi lại đầy đủ trong các bản vẽ 2D. Những bản thiết kế như vậy thường đóng vai trò là điểm khởi đầu cho BIM, nhưng rất ít tài liệu do khảo sát tạo ra còn tồn tại. Quy trình này mất cả năm, nhưng các kết quả đã chứng minh rằng nó sẽ hữu ích trong việc đẩy nhanh dự án, Di Giacomo cho biết.

Hiện nay, Nhà thờ Đức Ba đang chuẩn bị khôi phục lại phần mái, nơi sẽ sử dụng 1.000 cây sồi từ 200 khu rừng của Pháp. Với nỗ lực này, BIM một lần nữa sẽ giúp một tay. Kế hoạch là hiện đại hoá mái nhà bằng gỗ để đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn hiện đại với hệ thống phun nước. Trong trường hợp này, BIM sẽ giúp xác định vị trí tối ưu nhất của hệ thống dập lửa và mạng điện.

Hãy truy cập Architosh để tìm hiểu thêm về công nghệ kỹ thuật số sẽ giúp khôi phục Nhà thờ Đức Bà Paris.

Tác giả: J-P Mauro - Nguồn: aleteia.org (15/9/2021)
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên

347    16-09-2021