Đại dịch Covid-19 đã cuốn đi nhiều tư tưởng gia và thần học gia công giáo, những người đã thực hiện Công đồng Vatican II vào những năm 1970. Nếu họ đã phát triển đối thoại giữa Giáo hội và tôn giáo thì các người kế thừa họ đang đi tìm ngày nay.
Chúng ta chưa thấy họ già, các vị ngoài tám mươi này đã suy nghĩ về Giáo hội và thế giới từ năm mươi năm nay. Và bây giờ Covid-19 đặc biệt nhắm đến họ, mang cả một thế hệ các nhà trí thức kitô giáo đánh dấu tư duy hậu Công đồng Vatican II ra đi.
Những cái chết trong các tuần vừa qua đã tạo một cảm xúc sâu đậm, đã mang các cha Henri Madelin, Michel Lelong, André Manaranche, Philippe Lécrivain, các sử gia Francis Rapp, Jacques Le Brun ra đi, đó là chỉ kể tên một vài trong số họ. Họ là chứng nhân của một thời, của một dấn thân đáng kể trong lịch sử gần đây của Giáo hội và xã hội.
Chắc chắn không phải đại dịch mới cuốn đi lứa tuổi này, chúng ta còn nhớ các cha vừa qua đời trong những năm gần đây như cha Maurice Bellet (90 tuổi, qua đời năm 2018), cha Dòng Đa Minh Claude Geffré (91 tuổi, qua đời năm 2017) và sử gia Jean Delumeau (97 tuổi, qua đời ngày 13 tháng 1 năm 2020). Điểm chung của các vị là họ ở trọng tâm của một thời kỳ rất đặc biệt, đánh dấu bởi ba sự kiện lớn: Công đồng Vatican II mà các trí thức Pháp đã đóng góp rất nhiều, vụ nổi dậy Tháng Năm 68 tại Pháp và cuộc khủng hoảng của Giáo hội với một số lớn linh mục ra đi.
Hậu công đồng
Sử gia Charles Mercier nêu bật: “Đó là những năm rắc rối trong lịch sử Giáo hội, nhất là trong lãnh vực tư duy trí thức. Trong đường hướng tiếp nối của linh mục Dòng Tên Michel de Certeau (1925-1986), tất cả đều mang ảnh hưởng của khoa học nhân văn, đối đầu thần học với xã hội học, với khoa học chính trị, mà vẫn ở trong thể chế giáo hội.” Các khuôn mặt trí thức của hàng giáo sĩ là những người đưa đò, một gắn kết đúp, bám rễ trong xã hội và trong Giáo hội, ngay cả các nhà trí thức và học giả thế tục cũng không dám nói đến đức tin, ngoại trừ sử gia đáng kể René Rémond (1918-2007).
Sử gia Charles Mercier giải thích: “Hình ảnh trí thức công giáo thế tục như François Mauriac hay Maritain đã chấm dứt, điều này thậm chí giải thích cả việc giải thể Trung tâm trí thức công giáo năm 1977, một trung tâm được thành lập năm 1941.” Khi đó các trí thức công giáo được yêu cầu chọn lựa, và đa số họ cống hiến vào lịch sử kitô giáo, xã hội học trong môi trường đại học mà không được thể chế giáo hội công nhận, như sử gia Jean Delumeau hay Jacques Le Brun.
Một thế hệ trong thế giới
Các lựa chọn của họ đôi khi rất khác nhau, thậm chí còn ngược nhau. Các tu sĩ Dòng Đa Minh trung thành với tự do đặc nét của họ, họ có các dấn thân chống đối mạnh mẽ như Marie-Dominique Chenu, các tu sĩ Dòng Tên thì xa cách hơn, và dưới ảnh hưởng của các nhân vật giảng dạy như Henri de Lubac (1896-1991), Jean Daniélou (1905-1974) hay Henri Bouillard (1908-1981). Các vị lớn tuổi này đã làm việc cho sự phát triển Công đồng Vatican II, các nhà trí thức Pháp đúng là các kiến trúc sư của tinh thần phóng khoáng, mở ra. Và thế hệ tiếp theo – thế hệ bị Covid-19 tấn công trực diện – thế hệ này thực hiện công đồng.
Nhà xã hội học và nhà xuất bản Jean-Louis Schlegel giải thích: “Họ đã sống mãnh liệt trong tinh thần đối thoại với thế giới, với nét hơi ngây ngô và tham vọng, họ muốn chia sẻ “niềm vui, nỗi buồn của những người thời này” theo công thức của công đồng. Thật ra tiến trình của họ bao gồm đức tin vào lịch sử con người.” Sự đảo lộn do công đồng được nhiều người xem là “một ngạc nhiên thần thánh”: “Đó là công đồng đầu tiên không lên án. Đối với cả một thế hệ, đó là sự nhẹ nhõm và một lời kêu gọi táo bạo,” nhà xã hội hoặc Jean-Louis Schlegel nhấn mạnh.
Các nhà trí thức tranh cãi
Sự dấn thân của linh mục Michel Lelong trong đối thoại hồi giáo-kitô giáo là một trong các khuôn mặt mở ra này. Nhưng sau này, có hơi trễ hơn, có một phong trào tái tập trung, đặc biệt dưới thời Đức Gioan-Phaolô II. Linh mục Dòng Tên André Manaranche là một trong các nhân vật này. Bà Brigitte Cholvy, thần học gia của Viện công giáo Paris ghi nhận: “Dòng Tên là câu chuyện của một gia đình phức tạp. Điều đáng kể là sự dấn thân mục vụ của các tu sĩ trí thức, họ có thể điều khiển nhiều mặt, nuôi dưỡng cuộc tranh luận với văn hóa đương đại.”
Năm 1971, các tu sĩ Dòng Đa Minh đã rời Saulchoir để về Saint-Jacques ở Paris. Với việc đóng cửa các chương trình học ở Lyon và Chantilly, các nơi đào tạo tu sĩ Dòng Tên, họ phải về thủ đô, họ hiện diện nhiều hơn ở Trung tâm công giáo Pháp và sau đó trong những năm 1970 họ thành lập Trung tâm Sèvres – các phân khoa Dòng Tên Pháp Paris.
Địa lý này làm cho gốc rễ của họ mạnh hơn trong thế giới, đặc biệt đối thoại với các trường đại học và các phương tiện truyền thông.
Chúng ta vẫn còn nói về các nhà trí thức trong độ tuổi ba mươi này của những năm 1970, chính xác là vì họ đã “tiếp xúc” với các giáo hội địa phương, các giáo dân, vì họ đã để lại các bài viết, đã tiếp tục làm việc đến cùng. Sử gia Étienne Fouilloux nhận xét: “Độ bền lâu tiến trình của họ có thể giải thích vì thiếu một thế hệ, những người rời chức thánh sau năm 68. Có thể cũng vì không có hậu duệ thực sự cho tinh thần thiết tha dấn thân vào thế giới, thậm chí còn tranh cãi với thể chế giáo hội. Các nhà nghiên cứu ngày nay là các chuyên gia, các kỹ thuật viên.”
Tìm kiếm người thừa kế
Không liên tục cũng không cắt đứt… Những người suy nghĩ về các vấn đề của năm 2020 một phần vẫn được nuôi dưỡng bởi công việc của các nhà trí thức lớn tuổi này. Dù họ ở Dòng Tên (Christoph Theobald, Gael Giraud) hay Dòng Đa Minh (Adrien Candiard), và bây giờ cũng từ các dòng khác, họ kết hiệp với các trường đại học công giáo, với Học viện Bernardin và tiếp xúc với các giáo dân, các triết gia (Rémi Brague, Jean-Luc Marion), các giáo sư (Charles Mercier, Yann Raison du Cleuziou) và nữ thần học gia Anne-Marie Pelletier, Marie-Jo Thiel).
Các nhà trí thức bị Covid-19 đánh gục hôm nay đã viết nên lịch sử Công đồng Vatican II. Một trang mới được lật qua; có lẽ đã đến lúc để khám phá giai đoạn bản lề hậu-công đồng của những năm 1970, mà nhiều khía cạnh giống như cuộc khủng hoảng mà Giáo hội công giáo đang trải qua ngày nay.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
413 07-06-2020