Sidebar

Thứ Sáu
29.03.2024

Cột trụ của Giáo Hội

29  20  Đ  Thứ Ba Tuần XIII Thường Niên.

THÁNH PHÊ-RÔ VÀ THÁNH PHAO-LÔ, TÔNG ĐỒ, lễ trọng.

Hôm nay là lễ bổn mạng Đức Hồng Y Phê-rô Nguyễn Văn Nhơn, và là ngày kỷ niệm Đức Cha Giuse Ngô Quang Kiệt, nguyên Tổng Giám mục Hà Nội được tấn phong Giám mục (1999). Chúng ta nhớ cầu nguyện cho các ngài.

Không cử hành lễ nào khác, kể cả lễ an táng. 

Cv 12,1-11; 2Tm 4,6-8.17-18; Mt 16,13-19.

CỘT TRỤ GIÁO HỘI

          Hôm nay, Giáo Hội cũng mừng kính hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô.Hai cột trụ của Giáo Hội Chúa. Thánh Phêrô là Vị thủ lãnh trong việc tuyên xưng đức tin, thánh Phaolô là người bảo vệ lừng danh trong việc tìm hiểu đức tin. Với việc tuyên tín của thánh Phêrô về Chúa Giêsu, là Đấng Cứu Thế, là Con Thiên Chúa hằng sống.Chúa Giêsu tỏ mình cho các Tông đồ và tuyên bố thiết lập Nước Thiên Chúa cụ thể trên thế giới, trên trần gian dựa trên nền tảng đá là các Tông đồ, đặc biệt là thánh Phêrô và sau này, khi trắc nghiệm tình yêu của thánh Phêrô, Chúa Giêsu đã đặt Phêrô làm đầu Giáo Hội của Chúa. Chúa Giêsu đã nói với Phêrô:” Hãy chăn dắt chiên con, chiên mẹ của Ta “.

          Giáo Hội vẫn có thói quen liên kết hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô trong một triều thiên vinh quang. Kinh Tiền Tụng hôm nay đã diễn tả như sau: Thánh Phêrô là vị thủ lãnh trong việc tuyên xưng Đức Kitô. Thánh Phaolô là người bảo vệ lừng danh trong việc tìm hiểu Đức Kitô. Thánh Phêrô thiết lập Hội Thánh tiên khởi cho những người Israel còn lại. Thánh Phaolô là thầy và là đấng dạy dỗ muôn dân được kêu gọi. Và kinh Tiền Tụng đã kết luận: Các ngài đã dùng những đường lối khác nhau mà quy tụ một gia đình cho Chúa. Với lời ca tụng trên đây, Giáo Hội không những đề cao sự hợp nhất giữa hai đường lối khác nhau mà còn ngợi khen sự hợp nhất giữa hai con người có nhiều khác biệt.

          Hai con người này tuy được sự giáo dục khác nhau, và hấp thụ những văn hoá khác nhau, nhưng họ lại đi chung một đường, và cùng chung một lý tưởng. Cuộc đời các ngài đều phải lội ngược dòng để làm lại cuộc đời, để thay đổi cách sống sao cho phù hợp với niềm tin của mình.

          Thực vậy, nhìn vào đời sống của hai trụ cột của Hội thánh, chúng ta thấy: một Phêrô đã từng sa ngã. Ông đã từng can ngăn không muốn cho Chúa nộp mình chịu chết. Ông đã đi đến tận tùng của sa ngã là hành vi chối Chúa đến ba lần trong cùng một đêm. Một Phaolô đã hăng say lùng bắt các môn đệ của Chúa. Chính ông đã đồng loã với bọn quá khích ném đá vị tử đạo đầu tiên là Stephano. Thế nhưng, ý Chúa nhiệm mầu. Tình yêu của Chúa đã thắng vượt những yếu đuối của Phêrô và Phaolô. Chúa đã dùng muôn nghìn cách để đổi đời các ngài. Chúa đã tạo cho các ngài cơ hội để chuộc lại lỗi lầm. Chúa đã nói cùng Phêrô: “một khi con trở lại hãy củng cố đức tin của anh em con”.

Cả hai đều được Chúa Giêsu gọi, Phêrô được gọi khi ông đang thả lưới bắt cá nuôi vợ con. Phaolô được chính Chúa Giêsu Phục sinh gọi khi ông hung hăng tiến vào Đamas, đang làm tông đồ không biết mỏi mệt của dân ngoại (Cv 9, 1-22). Cả hai đã từ bỏ tất cả để theo Người. Tất cả của Phêrô là gia đình và nghề nghiệp. Tất cả của Phaolô là những gì ông cậy dựa vênh vang. Bỏ tất cả là chấp nhận bấp bênh, tay trắng.

          Cả hai đều đã từng có lần vấp ngã. Vấp ngã bất ngờ sau khi theo Thầy như Phêrô, trong phút giây quá tin vào sức mình. Ngã ngựa bất ngờ và trở nên mù lòa như Phaolô, trong lúc tưởng mình sáng mắt và đi đúng hướng. Vấp ngã nào cũng đau và in một dấu không phai. Vấp ngã bẻ lái đưa con người đi vào hướng mới.

          Chúa Giêsu đã chọn một số môn đệ mà Người gọi là Tông Đồ. Trong số các ngài, hầu như bất cứ nơi đâu, chỉ một mình ông Phêrô là xứng đáng đại diện cho toàn thể Hội Thánh. Chính vì là đại diện duy nhất của toàn thể Hội Thánh, nên ông xứng đáng được nghe Chúa nói: “Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời” (Mt 16,19). Không phải một cá nhân, nhưng cả Hội Thánh duy nhất đã lãnh nhận chìa khoá này.

          “Người ta bảo Thầy là ai?” Phêrô đã trả lời rất đúng “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” Trả lời như thế nhưng ông chưa hiểu rõ Con Người của Chúa Giêsu cũng như sứ mạng của Ngài bao nhiêu. Do đó, ông đã nhát đảm và chối Chúa khi gặp gian nan khốn khó. Nhưng sau này, khi hiểu được Đức Giêsu Kitô cùng tận nhờ Chúa Thánh Thần, ông đã hết hết tình vì Danh Đức Giêsu Kitô.

          Phaolô sau khi trở lại cũng có một niềm xác tín thâm sâu vào Đức Giêsu. Phaolô đã trả lời câu hỏi “Đức Giêsu là ai” như sau: ” Người là Thiên Chúa, Đấng vượt trên mọi sự” (Rm9,5). Với niềm xác tín ấy, Phaolô đã sống hết mình vì Đức Giêsu Kitô, bất chấp mọi gian nguy khốn khó trong cuộc đời này nhằm cản bước tiến của ông trong việc làm chứng cho Đức Giêsu Kitô. Còn chúng ta thì sao? Đức Giêsu là ai trong cuộc đời của tôi và của bạn? Ngài có ảnh hưởng gì trên cuộc đời của chúng ta không? Câu hỏi ấy dành riêng cho mỗi người chúng ta. Khi nào chúng ta trả lời được Ngài là ai cách xác tín và mạnh mẽ, chúng ta mới có thể sống trọn vẹn cho Ngài mà thôi.

          Cả hai vị sau khi nhận biết Chúa Giêsu là ai đã thay đổi hẳn cuộc đời 180 độ. Phêrô từ một người dân chày dốt nát, không được giới luật sĩ trọng vọng, đã trở nên thông sáng, biết lãnh đạo, có khả năng làm người đứng đầu Giáo hội và lãnh đạo dân riêng Chúa. Phaolô từ một người bắt đạo trở nên tông đồ nhiệt thành thiếp lập được bao nhiêu giáo đoàn mới, đem về cho Chúa biết bao tín hữu. Hai vị tông đồ đúng là cột trụ của Giáo hội, là những người đại diện cho Chúa ở trần gian. Ngày nay, Giáo hội có Đức Giáo hoàng là người tiếp nối thánh Phêrô trong cương vị lãnh đạo và có những người tiếp nối thánh Phaolô, nhiệt thành lo cho nước Chúa được lan rộng và đi sâu trong các tâm hồn.

          Cả hai vị thánh đã chết như Thầy, đã lấy máu mình mà làm chứng: thánh Phêrô bị dẫn đến nơi ông chẳng muốn (x. Ga 21, 18), chịu đóng đinh chết; thánh Phaolô đã chiến đấu anh dũng cho đến cùng, bị chém đầu; đã đổ máu ra làm lễ tế (x. 2Tm 4, 6). Thánh Phêrô được chôn cất ở chân đồi Vaticano; thánh Phaolô được an táng bên đường Ostiense.

          Hội Thánh hôm nay vẫn cần những Phêrô và Phaolô mới, dám bỏ, dám theo và dám yêu dám sống và dám chết cho Đức Kitô và Tin Mừng. Hội Thánh vẫn cần những chiếc cột và những tảng đá. Với lòng ngưỡng mộ biết ơn các ngài, chúng ta quyết một lòng trung thành với đức tin đã lãnh nhận.

          Vì yêu mến Thầy hơn các môn đệ khác Phêrô chấp nhận cảnh phận “phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn Ngài đến nơi Ngài chẳng muốn” (Ga 21, 18).  Cho dù bị thua thiệt nhưng tình yêu sẽ phủ lấp muôn vàn tội lỗi (x. 1 P 4, 8)

          Vì yêu mến Đức Kitô, Phaolô chấp nhận mọi thua thiệt.  Phaolô sẵn sàng chịu mọi gian truân khốn khó vì yêu mến đồng loại và mong cứu thoát được một số người.  Thánh nhân cảm nghiệm tình yêu là cao trọng hơn cả vì yêu thương là chu toàn mọi lề luật (x.Rm 14, 8).

          Hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô được Hội Thánh nhìn nhận là hai trụ cột chính của Tòa Nhà Hội Thánh.  Hội Thánh là đoàn dân của Thiên Chúa.  Có thể nói đó là tập thể những con người sống đạo yêu thương.  Tình yêu thì loại trừ mọi nỗi sợ hãi.  Đã yêu thì không còn e ngại sự gì.  Đã yêu thì không ngại các thiệt thua.  Vì yêu thương nên không sợ sai khi phải nói điều phải nói.  Vì yêu thương nên không sợ thất bại khi quyết làm điều chính đáng và phải đạo.


1295    26-06-2021