Cụ bà 94 tuổi hành hương 1000 cây số để tôn vinh Ðức Mẹ
Cụ Emma Morosini được gọi là “bà ngoại hành hương” khi vào đầu tháng này, ở tuổi 94, cụ đã kết thúc chuyến đi bộ dài gần 1.000 cây số để kính viếng Đức Mẹ Guadalupe.
Bà đã mất 40 ngày để vượt chặng đường nói trên từ Monterrey, thuộc vùng đông bắc Mexico để đến cầu nguyện trước thánh Juan Diego tại Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Guadalupe ở thủ đô Mexico City. Cụ Morosini là một y tá người Ý về hưu. Trước đây, bà mắc một căn bệnh da liễu khó chữa nhưng đã hoàn toàn lành bệnh vào năm 67 tuổi, sau khi cầu nguyện với Đức Mẹ. Kể từ đó, bà đã dành toàn bộ thời gian để đi bộ hành hương đến nhiều Đền Thánh - đặc biệt là Đền Thánh Đức Mẹ - ở khắp nơi trên thế giới để cảm tạ hồng ân Thiên Chúa và Đức Đồng Trinh.
Với chiếc vali kéo nhỏ, tính đến nay, bà đã đi bộ được tổng cộng hơn 30.000 cây số để viếng Giêrusalem, Lộ Đức, Pontmain, Guadalupe, Fátima, Syracuse, Aparecida, Lorette, Częstochowa, San Giovanni Rotondo, Saint-Jacques-de-Compostelle. Năm 2015, tại Vatican, Đức Phanxicô đã chào đón và bày tỏ lòng mến mộ với cụ Morosini.
Ngày 12.5.2018, “bà ngoại hành hương” đã đến thánh đường Đức Mẹ Guadalupe ở Mexico City để cầu nguyện cho gia đình, các bạn trẻ và cho “hòa bình trên thế giới”. Trong suốt chuyến đi bộ gần 1.000 cây số này, bà Morosini chỉ mang theo vali kéo quen thuộc và một cây dù, khởi hành mỗi ngày vào lúc 6g30 sáng. Cụ mặc một chiếc áo phản quang để đảm bảo an toàn cho bản thân. Cụ mang theo sữa, nước trái cây, bánh mì và nước khoáng, còn trái cây và rau thì được mọi người tặng trên đường đi. Ở một số nơi, “bà ngoại” được các nhân viên y tế, nhân viên dân sự hay cảnh sát đi theo để đảm bảo an toàn và chăm sóc sức khỏe. Đồng thời bà được chính quyền các thành phố hỗ trợ chỗ ngủ qua đêm.
Trong chuyến hành hương năm 2015 ở Argentina, khi đó đã 91 tuổi, bà nói với các phóng viên rằng đi để cầu nguyện cho “một thế giới bình an, cho những người trẻ, cho tất cả các gia đình bị chia cắt. Có quá nhiều người ly thân, một số vẫn sống chung nhưng không phải là vợ chồng, hoặc họ không có con. Điều đó thật buồn”.
“Bà ngoại hành hương” đã được những người hành hương khác ca ngợi khi đến thánh đường Đức Mẹ Guadalupe. Trước khi bước vào nhà thờ, cụ quỳ xuống, hôn lên mặt đất, làm dấu và cầu nguyện thinh lặng trong một lúc.
CNA