06 26 Tr CHÚA NHẬT X THƯỜNG NIÊN.
CHÚA NHẬT KÍNH MÌNH VÀ MÁU CHÚA KITÔ, lễ trọng.
Ngày hôm nay, Hội Thánh không chỉ cử hành Bí tích Thánh Thể mà còn rước kiệu trọng thể Mình Thánh Chúa để loan truyền công khai rằng: Hy tế của Chúa Ki-tô là cho ơn cứu độ toàn thế giới.
(Thánh Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II, năm 2004).
Lưu ý: Nếu rước Mình Thánh Chúa phải rước Mình Thánh vừa được truyền phép trong Thánh lễ trước đó.
Xứ Phủ Lý, Hàng Bột, Lại Yên và họ Thị chầu Mình Thánh.
Thánh Phê-rô Đinh Văn Dũng, Giáo dân (U1862); Thánh Phê-rô Đinh Văn Thuần, Giáo dân (U1862); và Thánh Vi-xen-tê Phạm Văn Dương, Giáo dân (U1862), Tử đạo.
Không cử hành lễ thánh Nô-bec-tô, Giám mục. Và không cử hành lễ nào khác, kể cả lễ an táng.
Xh 24,3-8; Hr 9,11-15; Mc 14,12-16.22-26.
CỦA ĂN TRƯỜNG TỒN
Chúa Giêsu đến trong trần gian này cũng chỉ có một ý nghĩ, cũng chỉ có một mục đích, đó là phải làm thế nào cho chúng ta được sống, không phải chỉ sự sống phần xác, mà còn là sự sống phần hồn. Chính vì sự sống phần hồn của chúng ta, mà Ngài đã chấp nhận cái chết tủi nhục trên thập giá, để cứu chuộc chúng ta. Và hơn thế nữa, Ngài còn thiết lập bí tích Thánh Thể, để làm của ăn nuôi sống linh hồn chúng ta và để ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế.
Chúa Giêsu để lại cho con người một kỷ vật tình yêu, đó là việc Chúa lập phép Thánh Thể để lưu lại cho loài người một bằng chứng tình yêu vĩ đại. Thật vậy, kỷ vật mà Thiên Chúa để lại cho chúng ta không giống như kỷ vật mà con người để lại cho nhau. Kỷ vật của Ngài không phải vàng bạc, cũng chẳng phải tiền của, nhưng kỷ vật mà Đức Giêsu lưu lại cho loài người hết sức đặc biệt, mà từ xưa đến nay tôi chưa thấy ai làm, đó chính là bản thân Ngài, chính Mình Ngài, là một kỷ vật tình yêu huyền nhiệm với hai đặc tính:
Thứ nhất, là kỷ vật được phát xuất từ tình yêu cao thượng
Kỷ vật mà con người trao cho nhau cũng được phát xuất từ tình yêu giữa hai người bạn, hai người thân, hai người yêu hay hai vợ chồng, nói chung tình yêu này được phát xuất giữa con người với con người. Còn kỷ vật mà Đức Giêsu để lại phát xuất từ tình yêu giữa Thiên Chúa với con người, giữa Đấng Tạo Hoá với loài thụ tạo. Vậy có tình yêu nào cao cả cho bằng tình yêu khiêm hạ như thế, có ngôn từ nào để diễn tả cho hềt tình yêu đó. Hơn nữa, kỷ vật mà Thiên Chúa trao ban chính bằng xương bằng thịt Ngài, một kỷ vật sống chứ không phải như những kỷ vật chết mà con người trao cho nhau. Thật là một sáng kiến lạ lùng mà chỉ có tình yêu Thiên Chúa mới nghĩ ra được điều đó, là lấy máu thịt Ngài để làm của ăn, của uống nuôi sống chúng ta
Thứ hai, kỷ vật từ trời và hằng sống
Trước khi trao kỷ vật cho con người thiên Chúa đã chuẩn bị từ ngàn xưa và được manh nha khá rõ khi dân Do Thái đi trong sa mạc, đã được Thiên Chúa cho thứ lương thực Manna “bánh từ trời”. Đó chính là hình ảnh tiên báo về thứ Bánh Hằng Sống Thiên Chúa sẽ ban chính là Mình và Máu Chúa, Bánh Ngài ban chính là Bánh từ trời, như chính Đức Giêsu đã khẳng định: “Đây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn và họ đã chết”.
Đúng vậy, bánh mà Chúa ban chính là Chúa Giêsu, Đấng “từ Chúa Cha mà ra” đã trở thành kỷ vật trường tồn giúp cho con người sống khoẻ, sống mạnh, sống đẹp ở đời này, vừa bảo đảm cho sự sống lại và cuộc sống vĩnh cữu vì “Ai ăn thịt Tôi và uống máu Tôi, thì Tôi sống trong người ấy và Tôi sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết và được sống đời đời”.
“Ai ăn thịt và uống máu Tôi thì được sống muôn đời”.
Lời giảng đó của Chúa Giêsu chỉ rõ về phép Thánh Thể. Thịt máu Chúa Giêsu là toàn diện con người Chúa gồm thiên tính và nhân tính. Xét về thiên tính, Người là Ngôi Hai Thiên Chúa, nên Người nói “Tôi là Bánh Hằng sống từ trời xuống”. Xét về nhân tính, Người có thịt máu, hồn xác, nên Người nói “Thịt Tôi thật là của ăn, máu Tôi thật là của uống”. Khi rước Mình Máu Người là rước chính Chúa Giêsu trót thiên tính và nhân tính, là rước Ngôi Hai xuống thế làm người, là rước chính Đức Chúa Giêsu chịu chết và phục sinh, cho nên Mình Máu Người là của ăn, là bánh hằng sống, ban cho kẻ ăn được sống lại và được sống muôn đời.
Dân Do Thái không hiểu như thế. Họ chỉ hiểu theo góc độ ăn uống thịt máu vật chất loài người như ta ăn thịt heo, thịt cá và uống tiết canh. Họ hiểu như câu hát thề phanh thây uống máu quân thù, thì làm sao ai dám lấy thịt máu mình cho kẻ khác ăn. Họ chỉ thấy Đức Giêsu là con ông Giuse, anh thợ mộc, chứ không phải từ trời xuống. Họ mới được Chúa làm phép lạ cho bánh hóa nhiều nuôi bao nhiêu ngàn người ăn khỏi đói, thế mà họ cũng không tin Người là Thiên Chúa. Họ càng thấy chói tai ghê tởm và cãi nhau dữ dội khi Người nói: “Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta”, họ tưởng như những bè đảng “uống máu ăn thề” nên họ thấy chói tai quá, họ đã bỏ đi và một số môn đệ cũng bỏ Thầy. Đây là một thử thách lòng tin, một thách đố lý trí vô phương giải cứu, thử thách này kinh khủng hơn thử thách cha ông họ đã nếm mùi khổ nhục trong “sa mạc mênh mông khô cằn khủng khiếp, đầy rắn lửa, bọ cạp, núi non hiểm trở …” (Bài đọc 1: Dnl, 8, 2-3, 14b-16)
Trong sa mạc, chỉ có Môsê vững tin Thiên Chúa ông đã vượt mọi thử thách cam go để tuân hành lệnh Ngài truyền và Thiên Chúa đã khiến nước chảy ra từ tảng đá cho dân uống và ban manna cho dân ăn (Dnl. 8, 3. 16)
Trong hoang địa, nơi Chúa Giêsu đang giảng chỉ có Phêrô đứng ra tuyên xưng đức tin: “Bỏ Thầy chúng con biết theo ai, Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa” (Ga. 6, 68-69)
Chúa Giêsu đã lập Bí tích Thánh Thể trong bữa tiệc ly, trước khi Ngài chịu chết. Như đã hứa, Chúa Giêsu đã chọn bánh miến và rượu nho làm của ăn nuôi hồn. Chúa Giêsu thiết lập Bí tích Thánh Thể: Ngài cầm lấy bánh, tạ ơn, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ và nói: Tất cả các con hãy nhận lấy mà ăn vì này là Mình Thầy, sẽ bị nộp vì các con. Rồi Ngài cầm lấy chén rượu, tạ ơn, dâng lời chúc tụng, trao cho các môn đệ và nói: Tất cả các con hãy nhận lấy mà uống, vì này là chén máu Thầy, máu giao ước mới và vĩnh cửu, sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được ơn tha tội. Và truyền: Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy. Khi Chúa nói: Đây là Mình Thầy và đây là Máu Thầy, thì bản thể của bánh và rượu trở nên Mình và Máu Thánh Chúa. Chúng ta hiểu Chúa Giêsu nói: Đây là Mình Thầy, chứ không phải là dấu chỉ của Mình Thầy.
Nhận lãnh Bí tích Thánh Thể, chúng được thông hiệp với Chúa và với nhau: Tấm bánh mà chúng ta bẻ ra chẳng phải là thông hiệp vào Mình Chúa đó sao?(1Cor 10, 16b). Thánh Thể liên kết chúng ta nên một. Thánh Phaolô diễn tả rất rõ: Vì có một tấm bánh, nên chúng ta tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể, vì hết thảy chúng ta thông phần cùng một tấm bánh (1Cor 10, 17). Chúa Giêsu đã dùng của ăn cụ thể nuôi thân xác để biến đổi trở thành của ăn nuôi hồn. Chúa hiện diện với đoàn con cái mọi nơi và mọi lúc qua Bí tích Thánh Thể trong Nhà Tạm.
Khi yêu thương người ta muốn hoà chung sự sống trong nhau để không còn là hai nhưng là một. Phải chăng đó cũng là lý do nhiều người hôn nhau mà cứ như ăn nhau? Có những bà mẹ thương con, vừa hôn vừa nựng: “Mẹ muốn ăn con”.
Phải chăng yêu thương cũng chính là động lực khiến Thiên Chúa hủy mình, trở nên tấm bánh đơn sơ để được ăn và nên một với con người. Bài Phúc âm trong Chúa nhật Mình Thánh Chúa tuần này không dài nhưng động từ “ăn” lại được lập đi lập lại đến 9 lần.
Thiên Chúa không ăn con người nhưng lại để con người ăn Thiên Chúa. Song khi ta ăn Chúa thì không thuần tuý là ta rước Chúa vào lòng, nhưng đúng hơn, Ngài rước ta vào cung lòng yêu thương bao la của Ngài.
Trong Bí tích Thánh Thể, mỗi người chúng ta được mời gọi nên một với Thiên Chúa bằng tình yêu đón nhận, đồng thời nên một với tha nhân trong tinh thần chia sẻ trao ban, hầu tất cả cùng được sung túc trong tình Chúa và tình người.
965 04-06-2021