Người nghèo là ai?
Tục ngữ Việt Nam có câu “Ăn vay từng bữa, không cửa không nhà”, hoặc “Ăn nhờ, ngủ đậu”, chẳng hạn, để nói về người nghèo - nghèo về vật chất.
Nhưng, “Con người được Thiên Chúa tạo dựng thành một thể thống nhất của xác và hồn” [1]. Sách Giáo lý Công Giáo, số 365, khẳng định, “Hồn và xác hợp nhất với nhau sâu xa đến nỗi phải coi hồn là ‘mô thức’ của xác, nghĩa là chính vì hồn thiêng liêng mà thân xác làm bằng vật chất mới trở thành một thân thể của con người sống động; tinh thần và vật chất nơi con người không phải là hai bản tính kết hợp với nhau, mà đúng hơn, nhờ sự kết hợp của chúng với nhau làm thành một bản tính duy nhất”.
Như thế, đời sống của con người bao gồm đời sống vật chất và đời sống tinh thần - Giáo dục, Y tế, An sinh, Văn hóa, Tôn giáo, … và trong thông điệp Sollicitudo Rei Socialis (Quan tâm đến Vấn đề Xã hội), số 15, Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, nêu thêm, “… trong thế giới ngày nay, có nhiều hình thức nghèo khổ khác. Thực vậy, một số những thiếu thốn hay mất mát không đáng được gọi là nghèo khổ hay sao? Việc chối bỏ hay hạn chế những quyền của con người - chẳng hạn như quyền tự do tôn giáo, quyền được tham dự vào việc xây dựng xã hội, quyền tự do gia nhập hay thành lập những nghiệp đoàn, hay đưa ra những sáng kiến về mặt kinh tế - những việc đó chẳng phải đã làm cho con người ra nghèo khổ, nếu không muốn nói là còn nghèo khổ hơn so với việc bị tước đoạt của cải vật chất hay sao?”
Trong thực tế, người đã nghèo về vật chất thì thường nghèo về tinh thần vì lấy đâu ra tiền bạc để được chăm sóc sức khỏe, và thụ hưởng các lợi ích văn hóa, …? Thiển nghĩ, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, qua nhiều Thông điệp, Tông thư [2], đặc biệt trong Tông huấn Ecclesia In Asia (Giáo Hội tại Châu Á), số 34, giúp chúng ta có được câu trả lời ngắn gọn, đầy đủ,“người nghèo là những người đói khát, túng thiếu, vô gia cư, những người không được chăm sóc về y tế, và nhất là những người không hy vọng có một tương lai tốt đẹp hơn”.
Riêng tại châu Á hiện nay, người nghèo được nhận diện cách cụ thể, “Đó là những người di dân, dân tộc ít người, phụ nữ, trẻ em, người già, nông dân, người thất nghiệp, … Những người bị phân biệt đối xử vì lý do văn hóa, màu da, chủng tộc, đẳng cấp xã hội, nếp nghĩ hay niềm tin” [3].
Giáo Hội vì người nghèo
Ngày 16/03/2013, trong cuộc gặp gỡ đầu tiên với báo chí quốc tế, Đức Tân Giáo hoàng Phanxicô đã tuyên bố chủ trương một “Giáo hội nghèo và vì người nghèo”.
Ở đây, chúng ta chưa nói đến một “Giáo Hội nghèo”, chỉ xin được mạn bàn về “Giáo Hội vì người nghèo”, một chủ trương do tự bản chất Giáo Hội nhưng trong thực tế việc thực hiện xem ra còn nhiều “bất cập”, thậm chí có lúc, có nơi không được xem là “ưu tiên” khiến nhiều người đã phải lên tiếng cảnh báo; lại là nỗi lo đau đáu trong lòng của một Hồng Y đến mức mà trong những ngày đầu nhận sứ vụ kế vị Thánh Phêrô, Tân Giáo hoàng Phanxicô đã phải tuyên bố “… Giáo hội vì người nghèo”, hoặc Đức Giáo hoàng Benêđictô XVI, ngày 25/12/2005, năm đầu tiên triều đại Giáo hoàng của Ngài, đã phải ban hành Thông điệp Deus Caritas Est (Thiên Chúa là Tình Yêu).
Nhìn lại Giáo sử, chúng ta nhận ra, từ thời Cựu Ước, Thiên Chúa được các Ngôn sứ trình bày như là Đấng bảo vệ và bênh vực những người nghèo khó, bé mọn, cô thân cô thế; và chính các ngài luôn là những người lên án nếp sống xa hoa trụy lạc, tình trạng bất công xã hội và thái độ hờ hững, ích kỷ trước nỗi khốn khổ của đồng bào [3]; đến thời Tân Ước, Đức Giêsu Kitô và qua sứ vụ cứu độ của Người, “Thiên Chúa hiện diện với con người. Càng ý nghĩa hơn khi ‘con người’ nói đây trước hết là những người thiếu thốn về vật chất, những người bị tước đoạt tự do, những người không được nhìn vẻ đẹp thiên nhiên, những người đau khổ trong tâm hồn hoặc nạn nhân của bất công xã hội và cuối cùng những người tội lỗi” [3], và chính Ngài là hiện thân của người nghèo hèn, đau khổ (x. Mt 25,40.45).
Giáo Hội sau Đức Giêsu Kitô, “vẫn không ngừng làm việc để xoa dịu, bảo vệ và giải phóng những người cùng khổ qua biết bao việc làm bác ái, mà thời nào và ở đâu vẫn luôn luôn cần thiết” (GLCG, 2448).
Thật vậy, từ buổi sơ khai của Giáo Hội, tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tùy theo nhu cầu (Cv 2,44-45). Điều này, chứng tỏ Giáo Hội và mọi tín hữu đã bắt đầu biết chung tay chăm sóc, phục vụ những người thiếu thốn về mặt này hay mặt khác [4].
Vào khoảng giữa thế kỷ IV đến cuối thế kỷ VI, dẫu về cơ cấu tổ chức chưa hoàn chỉnh nhưng mỗi giáo phận đều có tổ chức Bác ái chăm sóc những người nghèo, bệnh nhân, … ; từ thế kỷ VII, công tác bác ái trở nên là “một phần đời sống căn bản của Giáo Hội” [5], là dấu chứng về Đức Giêsu Kitô (Ga 13,35) [6].
Trong những thế kỷ gần đây, các tổ chức Bác ái của Giáo Hội, như cơ quan Caritas ở các cấp giáo xứ, giáo phận, quốc gia, và quốc tế; các hiệp hội, liên hội, những phong trào, … đặc biệt là những Dòng Tu phát triển, hoàn thiện về nhân sự, phương tiện, … để sẵn sàng đảm nhận trách nhiệm thực thi các hoạt động bác ái. Tại Tòa Thánh, Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã thiết lập Hội đồng Giáo hoàng Đồng Tâm (Cor Unum) chịu trách nhiệm định hướng và phối hợp các tổ chức và hoạt động bác ái của Giáo Hội [7].
Công tác bác ái là hoạt động tập thể có tổ chức của giáo dân, và những ai muốn làm việc bác ái phải được đào tạo nghiệp vụ và tinh thần phục vụ [8].
Những “bất cập” cần được điều chỉnh
Chủ trương “Giáo Hội vì người nghèo” được cụ thể bằng những hoạt động bác ái của các tổ chức, của mọi thành phần thuộc Giáo Hội. Nó bắt nguồn từ tình yêu Thiên Chúa và thể hiện tình yêu Thiên Chúa.
Tuy vậy, những hoạt động bác ái của Giáo Hội, trong thực tế, ở đâu đó còn có những “bất cập” mà Đức Giáo hoàng Benêđictô XVI, qua Thông điệp Deus Caritas Est đã ân cần nhắc nhở:
- Mọi người phải hiểu rằng, các hoạt động bác ái luôn luôn là cần thiết. Mặc dầu Giáo Hội luôn cổ võ sự công bằng xã hội nhưng “không có một trật tự công bằng nhà nước nào có thể xem công tác bác ái là thừa thãi… Vẫn luôn luôn có khổ đau cần đến sự an ủi và trợ giúp” (số 28b).
- Phải xem các hoạt động bác ái là phương thế thể hiện tình yêu để thế giới được nhân bản và tốt đẹp hơn; do đó nó phải độc lập khỏi các đảng phái và ý thức hệ, nó không phải là phương tiện để thay đổi bộ mặt trần gian, để phục vụ cho các chiến lược trần thế (số 31b).
- Không được dùng các hoạt động bác ái là phương tiện cho điều mà ngày nay người ta gọi là chiêu dụ tín đồ. “Tình yêu thì nhưng không”, tình yêu phải thuần khiết và vô tư, không được thực hiện để đạt mục đích khác (số 31c).
- Khi thực hành các hoạt động bác ái không làm hạ phẩm giá người nhận nhưng là giúp họ phát triển toàn diện. Tuy họ cần sự hỗ trợ vật chất nhưng quan trọng hơn là điều họ ước muốn: được đối xử như một con người, nếu quên điều này mà chỉ lấy của cải để chiêu dụ lòng người là hành vi chà đạp con người (số 28b).
Và điều sau đây, Đức Giáo hoàng Benêđictô XVI muốn nhắn gởi với các tín hữu Công giáo:
- Việc bác ái phải được thực hiện bằng tinh thần đạo đức, rút ra từ sự cầu nguyện, noi gương các Thánh nhân và tuân theo hướng dẫn của Giáo Hội (số 27, 36-41).
Riêng tại Việt Nam, càng ngày càng có nhiều tín hữu nhận ra được ý nghĩa và tầm quan trọng của công việc bác ái đã âm thầm hoặc cùng với người khác thực hiện những việc từ thiện, bác ái với quy mô nhỏ; nhiều giáo xứ cũng đã có những tổ chức như Caritas, Ban Bác ái xã hội, Hội tương trợ người nghèo, … chuyên lo về bác ái trong giáo xứ; đặc biệt những hoạt động bác ái của Cộng đoàn tu sĩ nam nữ được đánh giá là có hiệu quả, và rất đáng khâm phục.
Nhưng ở tầm mức giáo phận, như Đức Bênêđictô XVI mong muốn, các Giám mục ở mỗi giáo phận phải là người tổ chức và điều phối các hoạt động bác ái đa dạng tại giáo phận của mình; mọi thành phần Dân Chúa trong giáo phận cần đặt tất cả mọi hoạt động bác ái dưới sự hướng dẫn, chỉ đạo của Ngài (số 32).
Trong thông điệp, Ngài nhấn mạnh, công tác bác ái của Giáo Hội phải mang tính chất chung của Giáo Hội và phải được tổ chức quy củ trật tự. Điều này sẽ làm tăng sức sống của Giáo Hội và Giáo Hội nhờ đó mà phát triển mạnh mẽ.
Ước gì
Trong số các hoạt động bác ái, việc giúp đỡ người nghèo là một trong những chứng từ chủ yếu cho tình bác ái huynh đệ, đó cũng là một việc làm của đức công bằng [10] cho nên “điều gì phải làm theo sự công bằng thì không được biếu như quà của lòng bác ái” [11].
Tôma Hoàng Kim Khánh
Chú thích:
[*]. Thành ngữ Việt Nam.
[1]. Học thuyết Xã hội của Giáo Hội Công giáo, số 127.
[2]. Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, số 42; Thông điệp Evangelium Vitae (Tin Mừng về Sự sống), số 32; Tông Thư Tertio Millennio Adveniente (Ngàn Năm Thứ Ba Đang Đến), số 51; Tông Thư Novo Millennio Ineunte (Khởi Đầu Thiên Niên Kỷ Mới), số 49-50.
[3]. ĐGM. Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Một cái nhìn về Giáo Huấn Xã hội Công Giáo, NXB Phương Đông, 2013, tr.199-214.
[4]. Thông điệp Deus Caritas Est - Thiên Chúa là Tình Yêu, ĐGH Benêđictô XVI, số 21.
[5]. Ibid. số 23.
[6]. Ibid. số 24.
[7]. Ibid. số 32.
[8]. Ibid. số 29,31.
[9]. Ibid. số 28b
[10]. Giáo lý Công giáo số 2447.
[11]. Cđ. Vatican II, Sắc lệnh Apostolicam Actuositatem - Tông đồ Giáo dân, số 8; Giáo lý Công Giáo số 2446.