Sidebar

Thứ Bảy
18.05.2024

Cửa đóng kín


Cửa đóng kín

Hai môn đệ quay trở lại Giêrusalem đều thấy các môn đệ khác trong tình trạng nghi nan. Rất có thể Tôma cũng đã có mặt chiều hôm đó, nhưng đã bỏ đi. Hai môn đệ trên đường Emau đã mắt thấy tai nghe chứng kiến việc sống lại. Họ đã thấy ngài, nghe ngài và tin ngài.

Nơi các môn đệ tụ họp buổi sáng Phục Sinh là căn phòng lầu trên; nơi mà Chúa đã thiết lập bí tích Thánh Thể 72 giờ trước đó. Kèm theo sự nghi nan của các môn đệ là nỗi lo sợ khiến họ phải đóng kín cửa và cài khóa lại, kẻo những người của Hội đồng Tòa án đến bắt họ buộc cho họ tội lấy trộm xác của Chúa đi. Họ cũng lo sợ là dân chúng có thể đập cửa đột nhập vào. Tuy cánh cửa bị đóng khóa, nhưng đột nhiên Chúa xuất hiện ở giữa họ, chào mừng họ với lời cầu chúc: “Bình an cho anh em” (Lc 24,36).

Ngài đã truyền cho mấy người phụ nữ đứng ngoài cửa mồ đang trong lúc đau buồn hãy vui lên; nhưng bây giờ ngài đem đến sự bình an từ máu đổ trên thập gía, Ngài đích thân đến và ban cho họ sự bình an. Bình an là hoa trái của sự công bình. Chỉ khi sự bất công bởi tội chống lại Thiên Chúa được tha thứ thì mới có sự bình an chân thật. Bình an là sự yên tĩnh trong trật tự, nguyên sự yên tĩnh thì chưa đủ để có bình an, có trật tự mớì có bình an; những kẻ cướp có thể yên lặng rình chờ cơ hội cướp bóc. Bình an ám chỉ sự hiện diện của trật tự, sự tuân phục của thân xác đối với linh hồn, cảm xúc đối với lý trí, thụ tạo đối với Đấng Sáng Tạo. Tiên Tri I-sa-i-a nói không có bình an cho những kẻ gian ác vì họ là tự phản nghịch chính mình, phản nghịch với tha nhân, và phản nghịch đối với Thiên Chúa.

Bây giờ Chúa Giêsu hiện ra đứng ở giữa họ như một Melchisedech mới và là Hoàng Tử Bình An. Ba lần sau khi sống lại, Ngài đã ban cho họ ơn Bình An. Lần thứ nhất là lúc các môn đệ đang lo lắng sợ hãi; lần thứ hai, sau khi Ngài cho họ thấy dấu chứng của việc sống lại; và lần thứ ba, sau một tuần lễ khi Tôma cũng có mặt ở đó với họ.

Các môn đệ tin thoạt đầu là họ đã thấy hồn bóng ma; dù là đã có những lời của mấy người phục nữ, lời chứng của hai môn đệ từ Emmau, ngôi mộ trống, thấy các thiên thần, và lời tường thuật của Phêrô trong cuộc chuyện trò với Chúa. Sự hiện diện của Ngài ở giữa họ không thể coi là cách tự nhiên bởi vì các cánh cửa đã bị đóng kín và khóa chặt. Ngài khiển trách họ thiếu lòng tin, như Ngài đã khiển trách hai môn đệ ở Emmau, Ngài nói với họ: “Tại sao anh em bối rối lo sợ? Tại sao lòng trí anh em lại nghi ngờ? (Lc 24,38).

Ngài cho họ thấy các đấu vết bị đóng đinh trên Thánh Giá in ở tay chân và vết thương bên cạnh sườn của Ngài và bảo họ: “Hãy nhìn xem các vết thương trên tay và chân của Thầy. Thầy đây. Hãy động chạm và nhìn xem, chẳng ma quái nào có thân xác và xương thịt như anh em có thể thấy Thầy có đây” (Lc 24,39).

Rất có thể lúc đó các môn đệ đã tò mò đụng chạm đến thân thể của Chúa Kitô; điều này có thể giải thích tại sao Toma sau đó cũng đã đòi là phải được đụng chạm đến Ngài thì ông mới tin; ông không chịu thua kém những người khác trong nhóm. Gioan, người đã được dựa đầu vào ngực của Chúa trong bữa Tiệc Ly, đã quan tâm đến cạnh sườn hay là cạnh trái tim. Ông đã không quên cái cảnh động chạm đó, vì sau này Gioan đã viết: Điều vẫn có ngay từ lúc khởi đầu, điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, và tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời sự sống. (1Ga 1,1)

Gioan cũng nhớ điều đó khi ông viết sách Khải Huyền miểu tả về sự thánh thiện của thân xác đức Kitô ngự trên toà và được tôn kính trên trời: Con Chiên với những dấu vết bị sát tế (Kh 5,6).

Do đó Ngài được nhận diện như Đấng Bị Đóng Đinh dù bây giờ ở trong vinh quang, Hoàng Tử và là Chúa. Vết thương nơi ngài không phải là dấu chứng sự tàn ác của con người, nhưng là sự đau thương sầu khổ, ơn Cứu Chuộc đã được phục hồi. Nếu những dấu vết thương tích được xóa đi, con người rất có thể sẽ quên là đã có cuộc hiến tế, và không nhớ Ngài là Linh Mục Thượng Phẩm và là Của Lễ đền tội. Biện luận của Ngài là thân xác mà Ngài tỏ cho họ thấy cũng chính là thân xác được Đức Trinh Nữ Maria sinh ra, rồi chịu đóng đinh trên Thánh Giá và mai táng trong ngôi mộ của Giuse thành Arimathea. Nhưng ở đó có những kho báu khác không từng có.

Phêrô, Giacôbê và Gioan đã thấy Ngài biến hình khi áo của Ngài trở nên sáng hơn tuyết, nhưng các môn đệ khác đã chỉ thấy Ngài như một con người của khổ đau. Đây là lần đầu tiên họ thấy ngài trong sự vinh quang sống lại. Những dấu đinh, vết thương bên cạnh sườn là những dấu tích không thể nghi ngờ chống lại tội lỗi và sự dữ. Như một chiến sĩ nhìn vào các vết thương từ chiến trường không phải là những dấu thương tích làm xấu hình dạng của họ nhưng như một huân chương tưởng niệm, do đó Ngài đã mang những vết thương tích như dấu chứng tình yêu mạnh mẽ hơn sự chết. Sau khi Lên Trời thì những dấu vết thương tích này trở nên những lời biện minh bênh vực hùng hồn trước Chúa Cha trên trời; những dấu thương tích Ngài sẽ mang trong ngày thẩm phán sau cùng đối với kẻ sống và kẻ chết. Trong một truyện truyền thuyết kể là Satan đã hiện ra với một vị thánh và nói, “Ta là Đức Kitô”; vị thánh đã chấn vấn lại, “Dấu chịu đóng đinh của ngươi đâu?”

Nếu con người được tự do quan niệm về Chúa Kitô phục sinh, họ sẽ không bao giờ giới thiệu Ngài bằng những dấu và chứng cớ nhục nhã khổ hình ở trần gian. Nhưng nếu Ngài đã sống lại mà không có những lưu nhớ về cuộc Thương Khó, thì con người có thể đã hoài nghi về Ngài qua thời gian. Không thể có sự nghi ngờ về mục đích hiến tế của Ngài khi đến trần gian, Ngài đã nói cho họ không những là ghi nhớ về cái chết của Ngài trong bữa Tiệc Ly, yêu cầu họ tiếp tục cử hành, nhưng Ngài còn mang trên thân xác của Ngài, như Đức Giêsu Kitô, “hôm qua, hôm nay, và mãi mãi,” dấu sự Tưởng Niệm Ơn Cứu Chuộc. Nhưng các môn đệ có tin như thế không? Các ông còn chưa tin nổi vì mừng quá, và còn đang ngỡ ngàng, thì Người hỏi: "Ở đây anh em có gì ăn không? (Lc 24,41).

Họ đưa cho Ngài một miếng thịt và ít mật ong; Ngài nhận lấy và ăn trước mặt họ, và Ngài truyền cho họ cùng ăn với Ngài. Không phải là họ đã nhìn thấy một hình ảnh ma quái. Một cách nào đó họ có tin vào sự sống lại, và niềm tin đó đã cho họ sự vui mừng; nhưng sự vui mừng đó qúa lớn lao đến nỗi họ như không thể nào tin nổi. Thoạt đầu họ như sợ không dám tin; bây giờ họ lại qúa vui để tin như thế. Phần Chúa thì Ngài chưa ngừng cho đến khi Ngài hoàn toàn ưng ý với cảm nghiệm của họ. Sau khi làm cho con gái của Jairô sống lại, Ngài đã truyền dạy hãy cho cô ăn; sau khi làm cho Lazarô sống lại, ông đã cùng ăn uống với Chúa; và bây giờ sau khi chính Ngài sống lại, Ngài lại cùng ăn uống với các môn đệ. Nhờ đó Ngài làm cho họ tin đó là chính thân xác sống động của Ngài mà họ đã thấy, đã động chạm và cảm nghiệm gần gũi thân tình; nhưng đồng thời thân xác đó cũng đã được vinh thắng. Thương tích trên thân xác đó không là những dấu của yếu nhược nhưng là những dấu vết của sự chiến thắng. Thân xác vinh quang này ăn không giống như thảo mộc hút chất vào thân vì có nhu cầu, nhưng như mặt trời hút toả cùng một năng lực. Ngài đã tỏ cho thấy phần nào tính vinh quang của Ngài trong biến cố Biến Hình, khi Mai-sen và E-li-a hội kiến với Ngài trên núi về cái chết của Ngài. Đó là lời hứa và bảo chứng rằng sự tan rữa sẽ không có ảnh hưởng đấng không bị tan rữa, vật hư nát không đặt vào trong đấng không hư nát, và sự chết không thể nuốt tươi sự sống.

Sau khi đã chứng minh cho các môn đệ là Ngài đã sống lại bằng cách tỏ cho họ thấy tay chân và cạnh sườn và bằng việc cùng ăn uống với họ, Ngài đã trao cho họ lời chào bình an lần thứ hai: Người lại nói với các ông: "Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em. Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần." (Ga 20,21-22).

Lời chào bình an lần thứ nhất là lúc họ đang ở trong lo sợ; bây giờ họ lời chào bình an thứ hai họ đầy tràn vui sướng trong niềm tin, lời chào bình an thứ hai này liên quan đến thế giới. Quan tâm của Ngài không phải là cái thế giới trong đời sống công khai của Ngài nhưng là cái thế giới mà Ngài đã cứu chuộc. Vài giờ trước khi Ngài chịu chết Ngài đã cầu xin với Chúa Cha: Như Cha đã sai con đến thế gian, Con cũng sai họ vào thế gian (Gio 17,18).

Tiếp tục với ý tưởng đó, Ngài nói rằng Ngài cầu xin không những chỉ cho những người nhân danh Ngài ở thế gian nhưng cầu cho mọi người nơi thế gian sẽ tin vào Ngài. Con cầu xin không chỉ cho riêng họ, nhưng cho tất cả những ai qua lời của họ mà tin tưởng vào Con (Gio 17,20).

Do đó, trong đêm của Bữa Tiệc Ly trước khi chết, Ngài đã quan tâm đến sứ vụ của Ngài đối với thế giới sau khi chịu chết trên Thánh Giá – một sứ vụ đối với cái thế giới đã chối từ Ngài. Bây giờ, sau khi sống lại, Ngài nhắc lại cùng ý tưởng đó với các môn đệ của ngài, mười hai tảng đá nền móng của Thành Đô Thiên Chúa. Trong Cựu Ước linh mục thượng phẩm đặt các viên đá trong vạt áo trước ngực của họ; bây giờ Thầy Cả Thượng Phẩm Chân Thật khắc những viên đá sống động trong Tim Lòng của Ngài. Sứ vụ của Ngài và của họ là một. Như Đức Kitô đã được sai đến và qua sự thống khổ của Ngài để bước vào vinh quang, thì bây giờ Ngài ủy thác cho họ việc chia sẻ Thánh Giá của Ngài và sau đó là sự Vinh Quang.

Chúa không nói , “Như Cha đã sai Thầy thì Thầy cũng sai anh em” bởi vì có hai từ ngữ Hy Lạp hoàn toàn khác nhau được dùng cho cùng động từ “sai.”  Từ thứ nhất được dùng để diễn tả cả sứ vụ của Ngài từ Chúa Cha và sứ vụ của Chúa Thánh Thần; từ ngữ thứ hai ám chỉ đúng hơn là một sự ủy thác, và được nói đến như Đức Kitô ủy quyền cho một sứ giả. Đức Kitô đến trực tiếp từ cung lòng của Chúa Cha trong sự Nhập Thể; bây giờ các môn đệ ra đi do lệnh truyền của Ngài. Như Chúa đã từng nhấn mạnh đến sự khác biệt “Cha của Thầy” và “Cha của anh em”; thì bây giờ Ngài cũng nhấn mạnh đến sự khác biệt giữa hai sứ vụ. Đức Kitô được sai đến để tỏ bày Chúa Cha bởi vì Ngài chia sẻ cùng bản tính với Chúa Cha. Các môn đệ, những viên đá nền tảng của Nước Trời, sẽ giải trình Ngôi Con. Khi nói những lời này Ngài đã cho họ thấy những dấu vết thương tích vinh quang trên thân xác sống lại của Ngài. Ghi khắc vào tâm trí của họ, họ đã hiểu rằng như Chúa Cha đã sai Ngài chịu đau khổ để cứu nhân loại, thì Ngôi Con sai họ vào thế gian chịu bắt bớ. Như tình yêu của Chúa Cha ở trong Ngài, thì tình yêu của Chúa Cha và chính Ngài cũng ở trong họ. Có nhiều uy quyền ở đàng sau sứ vụ của các môn đệ; vì cội rễ của nó được sánh như của Chúa Cha sai Chúa Con và của Chúa Con sai họ đi. Không lạ gì thấy Ngài nói với họ rằng ai chối bỏ một trong các môn đệ là họ chối bỏ chính Ngài. Mặc dù Tôma không có mặt lúc  đó, ông cũng được chia sẻ những ơn huệ này, Phao-lô cũng thế.

Chúa đã thổi hơi trên các ông khi Ngài ban cho họ quyền lực của Chúa Thánh Thần. Khi tình yêu thật sâu đậm thì không lời lẽ nào có thể tả được; tình yêu của Thiên Chúa thật sâu đậm đến nỗi có thể theo cách nhân loại chỉ bằng hơi thở đã dư đủ. Bây giờ các môn đệ đã học biết xì xầm từ ngữ Cứu Chuộc, Ngài đã thổi hơi trên họ như một dấu và sự tha thiết về cái sắp đến với họ. Nó như một áng mây đi trước cơn mưa tầm tã; hơn thế nữa, nó là hơi thở ảnh hưởng của Thần Khí và sự báo trước luồng gió của Thánh Thần. Như khi Ngài thổi hơi vào Ađam với sinh khí tự nhiên, thì bây giờ Ngài thổi hơi vào các Tông Đồ, nền tảng cho Giáo Hội của Ngài, hơi thở của Thần Khí sự sống siêu nhiên. Như con người trở nên hình ảnh của Thiên Chúa nhờ bởi linh hồn được Thiên Chúa thổi hơi vào, thì bây giờ họ trở nên hình ảnh của Đức Kitô khi quyền lực của Chúa Thánh Thần được thổi vào họ. Từ ngữ Hy Lạp được dùng để diễn tả hơi thở của Ngài trên họ đã không được dùng chỗ nào trong Tân Ước; nhưng đó lại chính là từ ngữ được những dịch giả Hy Lạp trong tiếng Do thái dùng để diễn tả hơi thở của Thiên Chúa thổi vào linh hồn Ađam. Nhờ đó nên có một tạo vật mới như hoa qủa đầu mùa của ơn Cứu Chuộc.

Khi Ngài thở hơi trên họ, Ngài đã ban cho họ Thánh Thần, làm cho họ không còn là những tôi tớ nhưng trở nên những người con. Ba lần Thánh Thần được nhắc đến với những dấu chỉ bên ngoài; lần thứ nhất như  chim bồ câu lúc Đức Kitô chịu phép rửa nói lên sự vô tội và Thiên Chức làm con của Ngài; lần thứ hai như lưỡi lửa trong ngày Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống như dấu của quyền lực Thánh Thần để hoán cản thế gian; và lần thứ ba như hơi thở của Chúa Phục sinh với tất cả quyền lực phục hưng. Như Chúa đã dùng bùn đất để xoa chữa mắt cho người mù, chứng tỏ Ngài là Đấng dựng nên con người, thì bây giờ, qua hơi thở Thần Khí trên các Tông Đồ Ngài tỏ cho thấy Ngài là Đấng Phục Hồi sự sống bụi đất đã sa ngã.

Khi Chúa dự Lễ Lều Tạm, nhìn thấy nước được mang đến từ hồ, Ngài đã nói nếu ai tin vào Ngài, Ngài sẽ làm cho suối thác nước hằng sống tuôn chảy từ cung lòng của Ngài. Thánh Kinh nói thêm: Đức Giê-su muốn nói về Thần Khí mà những kẻ tin vào Người sẽ lãnh nhận. Thật thế, bấy giờ họ chưa nhận được Thần Khí, vì Đức Giê-su chưa được tôn vinh. (Ga 7,39)

Lúc ngày lễ, Ngài đã xác nhận trước hết Ngài phải chịu chết để đi vào vinh quang, trước khi Chúa Thánh Thần có thể đến. Lời của Ngài lúc này ám chỉ rằng Ngài đã đang ở trong trạng thái vinh quang; vì Ngài đang trao ban Thánh Thần. Bây giờ Ngài liên kết các Tông Đồ với việc Ngài Lên Trời.

Tiếp đến là Ngài trao ban cho họ quyền tha tội. Có sự phân biệt giữa những tội mà các Tông Đồ sẽ tha thứ và những tội họ không tha thứ. Cách họ phân biệt giữa hai thứ tội này như thế nào được hiểu khi nghe nói về chúng. Ngài nói: Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm buộc ai, thì người ấy bị cầm buộc. (Ga 20,23)

Như một giáo sĩ Do Thái tuyên bố ai sạch hay ai ô uế trong số những người bệnh phong, thì bây giờ Đức Kitô trao quyền tha tội và không tha tội đối với những người có tội. Chỉ Thiên Chúa mới có quyền tha tội; nhưng Thiên Chúa trong hình dạng con người đã tha tội cho Ma-đa-lê-na, cho tên trộm cướp, cho người thu thuế thiếu ngay thẳng, và cho nhiều người khác nữa. Cũng luật Nhập Thể đó bây giờ được áp dụng; Thiên Chúa tiếp tục tha thứ tội lỗi qua con người. Các thừa tác viên của Ngài được chỉ định là những khí cụ cho ơn tha thứ của Ngài, như bản tính nhân loại của chính Ngài đã là khí cụ cho Thiên tính của Ngài trong việc mua chuộc ơn tha tội. Những lời trọng thể này của Chúa Cứu Thế Phục Sinh có nghĩa là các tội lỗi được tha thứ bởi quyền xét xử trao ban để kiểm chứng tình trạng của linh hồn và ban hay không ban ơn tha thứ khi từng trường hợp đòi hỏi.  Từ đó trở đi, phuơng cách trị liệu cho tội lỗi của con người sẽ là việc khiêm tốn xưng thú với người có quyền tha tội. Khiêm tối quỳ gối xưng tội ra với người được Chúa Kitô ủy quyền tha tội (chứ không phải là phủ phục trên chiếc ghế để nghe giải thích chạy chữa tội) là niềm vui sướng nhất đối với gánh nặng trong linh hồn con người.

 

LM Gioan Trần Khả chuyển dịch  (Archbishop Fulton Sheen)

1546    21-05-2018