Sidebar

Thứ Bảy
07.12.2024

Cửa hẹp

22  13  X  Thứ Ba Tuần XII Thường Niên.

(Tr) Thánh Pau-li-nô, Giám mục Nô-la. (Đ) Thánh Gioan Phít-sơ (John Fisher), Giám mục và Thánh Tôma Mo (Thomas More), tử đạo. 

St 13,2.5-18; Mt 7,6.12-14.

 

CỬA HẸP

          “Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi; nhưng khó vì lòng người ngại núi e sông.” Câu nói của Nguyễn Bá Học có thể giúp minh hoạ cho Lời Chúa hôm nay. Con đường bị sông núi cản ngăn chẳng khác chi con đường chật hẹp, muốn vượt qua ta phải oằn mình, lách mình hoặc tìm phương thế vượt chướng ngại vật. Đó là con đường chẳng mấy ai muốn đi vì nó đòi ta phải lao nhọc, khép mình vào kỷ luật nghiêm ngặt, mà lắm khi không thấy kết quả tức thời. Đức Giê-su dạy ta đi con đường của Ngài mới có thể đạt đến sự sống đời đời. Đó là đường khổ giá mà Chúa cũng trải qua rồi mới được vinh quang phục sinh. Ngược lại, chọn “cửa rộng và đường thênh thang” là tự mình đi vào chỗ đến diệt vong.

          Cánh cửa hẹp và con đường chật mà Chúa Giêsu nói đến là con đường “từ bỏ”, “vác thập giá mình mà đi theo Chúa,” con đường Ngài đã đi và sẽ dẫn ta đến Chúa Cha, đến sự sống; thế mà ít người muốn đi con đường này. Trái lại đi trên đường thênh thang con đường ăn chơi phóng túng thì thoải mái thật, nhưng lại dẫn đến diệt vong; đường này lại có quá nhiều người muốn đi. Lời cảnh báo “khó nghe” này của Chúa vẫn có giá trị cho mọi thời đại.

          Trước trào lưu hưởng thụ và tục hoá của thế giới hôm nay, việc từ bỏ “cánh cửa rộng” và “con đường thênh thang” để bước qua “cánh cửa hẹp và đi trên “con đường chật” quả là một thách thức không nhỏ đối với mỗi Kitô hữu, nhất là các bạn trẻ. Nhưng hãy biết rằng con đường “sống” thì chỉ có một mà thôi, đó là “con đường Giêsu”, con đường Chúa đã đi qua! Hãy xác định con đường ta sắp đi để có thể bước tới hay chọn con đường khác. Xem lại con đường ta đang đi sẽ dẫn ta về đâu. Đối với Chúa không khi nào là quá trễ cho ta trở lại với Ngài.

          Tin Mừng hôm nay là những lời dạy của Chúa Giêsu về quy luật sống. Khi tuân thủ những điều đó sẽ đem lại cho chúng ta bình an và hạnh phúc đời này cũng như đời sau.

          Trong thực tế, con đường chật hẹp là con đường chẳng mấy ai muốn đi vì nó đòi chúng ta phải vất vả, đưa mình vào khuôn khổ kỷ, mà đôi khi không thấy kết quả tức thời. Đức Giêsu đã dạy chúng ta hãy đi theo con đường của Ngài thì chúng ta mới có thể đạt đến sự sống đời đời. Đó là đường khổ giá mà Chúa cũng trải qua rồi mới được vinh quang phục sinh. Ngược lại, nếu chọn “cửa rộng và đường thênh thang” là tự mình đi vào chỗ đến diệt vong.

          Nếu chấp nhận đi vào “cửa hẹp” thì chúng ta phải thực hiện: khom người lại thì chui mới lọt, nghĩa là phải hạ mình xuống, sống khiêm tốn chứ không phải tự cao tự đại;  tạo cho mình nhỏ lại thì mới chui qua được, nghĩa là biết trở nên con người nhỏ bé đơn sơ;  bỏ bớt hành lý cồng kềnh thì mới dễ đi qua, nghĩa là bỏ bớt những gì làm ta vướng bận và lấn át chúng ta…

          Cửa rộng và cửa hẹp mà Chúa Giêsu muốn nói đến trong bài Tin Mừng hôm nay là sự tự do của con người, con người có thể chọn lựa giữa sự thiện và sự ác, giữa sự chân thật và sự giả dối… Để qua được cửa hẹp, chúng ta phải bỏ mình, kiềm chế bản thân, hy sinh, nổ lực… để có thể đưa chúng ta đến với sự sống là chính Đức Kitô. Chính Ngài cũng đã chọn cho mình con đường hẹp để đến với Chúa Cha, con đường của khổ giá đã dẫn Ngài đến vinh quang phục sinh. Và ngài cũng muốn mỗi người chúng ta đi trên con đường vinh quang ấy. Cửa hẹp là hình ảnh dùng để diễn tả những khó khăn trước mắt phải cô gắng vượt qua; rồi sau đó mới đạt được kết quả tốt đẹp.

          Chúa Giêsu dùng hình ảnh “cửa hẹp” và “đường chật” (Mt 7, 13-14) trong Tin Mừng hôm nay để dạy các tông đồ cần phải biết từ bỏ những ham muốn, những quyến rũ thoải mái, bất chính của bản thân mình. Thay vào đó là hãy lựa chọn những hy sinh, hãm mình, kiêng khem tiện nghi vật chất, biết từ bỏ ý riêng của bản thân, sẵn sàng vâng theo thánh ý Chúa, chấp nhận chương trình cứu độ bằng khổ nạn thập giá để rồi nhờ cuộc phục sinh của Đức Kitô đưa các ông đến sự sống đời đời.

          Thiên đường có lối vào, nhưng không ai tới. Ý muốn nói: Sự chính nghĩa, điều đẹp đẽ, thiên hạ không màng.

          Địa ngục không cửa, nhưng lại có người tìm đến. Cảnh báo: Điều xấu xa, tội lỗi thì mọi người lại thích làm.

          Cũng vậy, đường dẫn tới Thiên đường thì chật, cửa vào thì hẹp; ít người đi. Ngược lại, đường đưa đến chỗ diệt vong thì rộng thênh thang, cửa vào thì rộng; nhiều người thích (Mt 7,14).

          Con người ngày nay thích an nhàn hưởng thụ hơn là cố gắng hướng thiện, sống thánh; thích thỏa mãn bản năng của thân xác càng nhiều càng tốt; muốn hưởng thụ tiện nghi vật chất tối đa. Chỉ biết tôn thờ thân xác, của cải vật chất và xem thường đời sống tâm linh của chính mình…

          Vô hình chung con người trở nên nô lệ cho thân xác, và vật chất; quên mất phẩm giá linh thánh của mình. Quên mất căn tính của mình là con của Đấng Tối Cao, được chung hưởng hạnh phúc, và có bổn phận phụng sự Người trong chân lý.

          Con người ta đã quên nhớ con đường bên trong, con đường nội tâm mới thực sự dẫn con người trở về với con người thật của mình. Để dù muốn hay không, cũng phải nhận chân thực tại tự thân: Nhìn lại con người thật của mình với những hệ lụy đúng sai mà nhận ra thiện ác…

          Trong bối cảnh toàn cầu hoá hôm nay, sự thành đạt, thịnh vượng, và phát triển được coi là những tiêu chí của thành công. Phải chăng “con đường chật” phải qua “cửa hẹp” của Đức Kitô đã lỗi thời, chẳng còn ai muốn đi ?

          Chúa Giêsu cho ta thấy : con đường dễ dãi là con đường dẫn đến hư mất, đó là định luật chung của cuộc sống. "Hãy vào qua cửa hẹp, vì cửa rộng và đường rộng đưa đến diệt vong". Thái độ hững hờ không thể đi đôi với những đòi hỏi của Tin Mừng; cuộc sống dễ dãi, buông thả không có chỗ đứng trong nếp sống của những người theo Chúa. Ðã một thời cùng ăn, cùng uống, cùng nghe giảng dạy, chưa phải là giấy thông hành để vào Nước Trời: "Ai nghe những lời Ta dạy mà không đem ra thực hành, thì ví được như người ngu xây nhà trên cát". Nếu viện lý do mình là con dòng cháu giống, cũng chưa phải là lý do để được thâu nhận vào Nước Trời.


1007    19-06-2021