Sidebar

Thứ Năm
25.04.2024

“Cùng cầu nguyện, cùng chung giá trị, cùng sống chung hòa bình với nhau”

 
 Họ là “nữ tử của Chúa”, các nữ tu Dòng Nữ tử bác ái Thánh Vinh Sơ Tây Ban Nha làm việc từ nhiều năm nay ở Trung tâm dịch vụ xã hội Temara, một thành phố có khoảng 300 000 dân phía nam thủ đô Rabat, ngoại ô lớn của Rabat. Các sơ lo cho người nghèo giữa các người nghèo. Trung tâm có một bệnh viện nhỏ chuyên chữa phỏng cho người dân trong vùng, ở một nước nấu ăn bằng bếp đất thì rất dễ bị phỏng. Các nữ tu làm việc bên cạnh các y tá người hồi giáo: “Chúng tôi cùng cầu nguyện một Chúa, chúng tôi cùng có chung các giá trị và chúng tôi sống chung hòa bình với nhau”.
Ngoài ra các nữ tu còn lo việc dạy học, đem chứng tá của Chúa Kitô đến cho các em bé trong đất nước hồi giáo.
Đức Phanxicô đã viếng thăm trung tâm, chào hỏi bệnh nhân, các em bé và nghe ca đoàn hát.
Sau đó Đức Phanxicô đến đền thờ Thánh Phêrô ở trung tâm thủ đô Rabat, tại đây Đức Phanxicô gặp các nam nữ tu sĩ, họ kể cho ngài nghe công việc mục vụ và xã hội của họ, nhấn mạnh đến mối quan hệ tốt với người hồi giáo và nhà cầm quyền.
Một nhóm nhỏ gồm 4 giám mục, không đầy 300 nam nữ tu sĩ, linh mục, chủng sinh lo cho khoảng 23 000 người công giáo, không đầy 0,07% dân số. Tuy nhiên công việc xã hội với người hồi giáo chung quanh các trung tâm thiện nguyện và xã hội thì rất quan trọng.
Đức Phanxicô nhắc chúng tôi: “Sứ mệnh của những người đã rửa tội, các linh mục, các người thánh hiến không phải được xác định qua diện tích không gian họ có, nhưng qua khả năng sáng tạo và khơi dậy sự thay đổi, sự kinh ngạc và lòng trắc ẩn, như Đức Bênêđictô XVI đã nói, Giáo hội không tăng trưởng bằng chiêu dụ chỉ đưa đến ngõ hẻm, nhưng bằng cách chúng ta đến với Chúa Giêsu và với người khác“
Ngài nói thêm: “Là kitô hữu không phải là theo giáo điều, theo đền thờ, theo một nhóm sắc tộc. Là kitô hữu là gặp gỡ. Chúng ta là kitô hữu vì chúng ta được yêu, được gặp gỡ chứ không phải là kết quả của chiêu dụ”.
Ngài giải thích, “là kitô hữu trên mảnh đất này là học để là trở thành bí tích sống của cuộc đối thoại mà Chúa Kitô muốn mỗi nam nữ tín hữu chúng ta dấn thân dù mình ở trong hoàn cảnh nào. Một đối thoại mà chúng ta được mời gọi theo cách Chúa Giêsu đã đối thoại, dịu dàng khiêm tốn trong lòng, không tính toán, không giới hạn, trong tôn trọng tự do của mỗi người”.
 
Và ngài đã trích Thánh Phanxicô Assisi và chân phước Charles de Foucault, nhấn mạnh Kinh Lạy Cha là kinh của tất cả mọi người, đặc biệt là những người truyền giáo: “Lời kinh cầu bàu của người truyền giáo nhưng cũng của  những ai được giao phó theo một cách nào đó, không phải để quản trị nhưng vì tình yêu đưa họ đến cầu nguyện với kinh này với một tông điệu và hương vị đặc biệt”.
Một lời kinh đối thoại vì: “Không phải với bạo lực, với hận thù hay với uy quyền của sắc tộc, tôn giáo hay kinh tế nhưng với sức mạnh của lòng thương xót Thập giá Chúa Kitô cho tất cả mọi người. Đó là kinh nghiệm sống động của hầu hết anh chị em”.
Đức Phanxicô cũng cám ơn tinh thần “đại kết của đức ái” : “Đây cũng là một phương tiện đối thoại và hợp tác với anh chị em hồi giáo của chúng ta và với tất cả những ai có thiện chí”. Rồi Đức Phanxicô cám ơn xơ niên trưởng Ersilia: “Sơ thân mến, qua sơ, tôi xin thân ái chào các anh chị em tu sĩ lớn tuổi, những người vì sức khỏe đã không có mặt ở đây, nhưng kết hợp với chúng ta qua lời cầu nguyện”.
 
Cuối cùng ngài xin mỗi người “tiếp tục là dấu hiệu sống của tình huynh đệ, qua đó Chúa Cha đã mời chúng ta, biết rằng Chúa luôn đi trước chúng ta, mở cho chúng ta con đường hy vọng, nơi không có ai, không có gì bị mất”.
Sáng nay, trước khi đến thăm Trung tâm Dịch vụ Xã hội Temara, Đức Phanxicô đã chào hỏi nhân viên tòa khâm sứ và tặng cho sứ thần Nunzio Vito Rallo bức khảm huy hiệu Tòa Thánh. Sau đó ngài dùng điểm tâm với các giám mục Marốc và làm phép cơ sở sứ thần vừa được sửa sang và nới rộng thêm.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
620    01-04-2019