Sidebar

Thứ Năm
25.04.2024

Cùng Mẹ Maria, sống đời thánh hiến

virginmary11024x1024

Mẹ ơi! Con yêu Mẹ, yêu từ hồi thơ bé,

yêu mãi đến tuổi già, yêu tha thiết bao la.

Mẹ ơi! Con yêu Mẹ, yêu từ hồi thơ bé,

giờ chết Mẹ thương nhé, chết trong tình yêu Mẹ![1]

Những lời ca trên đây vẫn luôn vang vọng trên môi miệng tôi hằng ngày, ngay từ khi tôi còn bé. Người “Mẹ” được đề cập đến trong ca khúc, có thể được hiểu là người mẹ trần thế, người đã trao cho tôi sự sống quý giá kín múc từ tình yêu Thiên Chúa. Và hơn hết,  “Mẹ” ở đây mà chính tác giả “yêu”, không phải ai khác mà chính là Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ của Chúa Giêsu, Ngôi Lời nhập thể và cũng là người Mẹ tuyệt vời của từng người trong chúng ta.

Huấn thị Phát Xuất lại từ Đức Kitô – Ripartive da Cristo, mang lại cho chúng ta hình ảnh Đức Maria, với cái nhìn của những người thánh hiến đặt trên hình ảnh Đức Trinh Nữ, được trình bày như là mẫu gương của đời sống thánh hiến, như người được thánh hiến đầu tiên và hoàn hảo, bởi chính vì Thiên Chúa mà Mẹ đã ẳm trên tay: Người trinh nữ nghèo khó và vâng phục, hết lòng với chúng ta, bởi vì Mẹ thuộc trọn về Thiên Chúa.[2]

Mẹ đã hiến trọn cuộc đời mình để phục vụ cho chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa như một “nỹ tỳ” trung tín (x. Lc 1,38) bằng việc sống trọn vẹn các lời khuyên Tin Mừng đó là: tuân phục, khó nghèo và thanh khiết. Chính vì vậy, Mẹ đã trở thành khuôn mẫu sáng ngời cho mọi tu sĩ phải dõi theo trên hành trình theo đuổi ơn gọi dâng hiến của mình.

Lời Fiat mà Mẹ Maria cất lên trong ngày sứ thần truyền tin đã in sâu và làm biến đổi hoàn toàn cuộc đời của Mẹ. Từ một cô gái đơn sơ với tuổi đời còn rất trẻ, Mẹ mạnh dạn đáp lại tiếng Chúa mời gọi cộng tác vào kế hoạch cứu độ của Người với sự khiêm nhường và can đảm phó thác đời sống cho Thiên Chúa và hoàn toàn chấp nhận để cho Người thực hiện mọi điều đã tiền định. Mẹ Maria đã sẵn sàng mở ra để đón nhận mọi niềm vui, mọi nỗi buồn và mọi đau khổ của đời sống từ giây phút lời: “Xin vâng” được vang lên trong khung cảnh truyền tin tuyệt vời ấy. Mẹ vui mừng vì mình là người được chọn: “Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới; từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc” (Lc 1,48), vì Chúa đã nhớ lại lời hứa từ xa xưa và ơn cứu độ cho dân Ngài mong đợi đã lâu giờ đây sắp được hoàn tất. Mẹ vui mừng đón nhận, cưu mang và nuôi dưỡng Ngôi Lời nhập thể và cùng đồng hành với Người trên mọi nẻo đường từ cánh đồng Bêlem đến dưới chân thập giá trên đỉnh đồi Calvê. Bên cạnh những niềm vui, kiếp người cũng không tránh được sự thống trị của đau khổ và sự chết. Mẹ đau khổ khi nghe những lời tiên tri Simeon (x.Lc 2,34), khi phải lưu vong sang đất Ai Cập, khi thánh Giuse qua đời, khi Con Mẹ bị người đời chống đối, sỉ nhục và giết chết. Mẹ đón nhận tất cả những điều ấy bằng “sự vâng phục” của đức tin và nhờ đó “Mẹ đã trở nên nguyên nhân cứu độ cho chính mình và cho toàn thể nhân loại” (Thánh Irênê). Hành vi vâng phục của Mẹ Maria là một hành vi mầu nhiệm, bởi vì hành vi đó là sự gặp gỡ giữa ân sủng và tự do. Mẹ đã thực hiện được điều mà Eva khi xưa đã đánh mất đó là khả năng đáp trả ân sủng trong tư cách là một con người được tạo dựng. Vì lí do này, thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nói rằng: Đức Maria như là mẫu gương của sự đón nhận ân sủng từ phía thọ tạo nhân loại.[3] Mẹ đã dạy cho mọi người thánh hiến, Thiên Chúa luôn nắm phần chủ động trong kế hoạch của Ngài, con người luôn được mời gọi đáp trả và hoàn toàn tự do thưa: “Vâng” trước lời mời gọi ấy. Đức Giêsu, Con Chí Ái của Mẹ, cũng nhắc lại điều này với các môn đệ trước khi Người rời bàn tiệc ly năm nào: “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em” (x. Ga 15,16).

Mẹ Maria luôn chu toàn bổn phận bổn phận của nhà giáo dục Con Thiên Chúa trong vai trò một người làm mẹ như bao người mẹ vĩ đại khác trên trần thế. Mẹ đã cưu mang, sinh ra, nuôi dưỡng và đồng hành với người Con trong sự trưởng thành về mặt nhân tính, để Đức Giêsu có thể “ngày càng lớn lên thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa” (Lc 2,40). Mẹ đã hết lòng chuẩn bị cho Con mọi điều có thể và cùng lên đường với Người trong khi thi hành sứ vụ công khai. Có thể nói, Mẹ Maria đã phải đối diện với nhiều tình cảnh bi đát nhất của một kiếp người nghèo khó: sinh con nơi chuồng bò giữa đêm trường giá lạnh, lưu lạc nơi đất khách quê người không có người thân, rồi trở về sinh sống ở một nơi mà thiên hạ bảo: “từ Na-da-ret, làm sao có cái gì hay được?” (Ga 1,46b). Mẹ đã chấp nhận hoàn cảnh sống như vậy và hẳn là hơn ai hết Mẹ cảm nhận sâu sắc nỗi thống khổ của những người bần cùng, đói khổ trong xã hội lúc bấy giờ. Mẹ không yêu cầu vinh dự hay quyền lực của một bà chúa, dù Mẹ đích thực là Mẹ của Đấng Cứu Thế, Vua của muôn loài. Mẹ không đòi hỏi một đời sống vô âu, vô lo, sung túc, giàu sang nơi đền vàng, bệ ngọc để xứng với thân phận cao quý của mình. Trái lại, Mẹ trở nên người phục vụ cho những người đang cần giúp đỡ và nhạy bén trước mọi nhu cầu của người khác (x. Lc 1,39-45, Ga 2,1-12). Mẹ đã trở nên người tỳ nữ khiêm hạ trong lối sống khó nghèo để cùng vui buồn, sướng khổ với Con Mẹ và học trước bài học mà Người sẽ dạy: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10,45). Mẹ dạy chúng ta biết khiêm tốn trong lối sống nghèo, đơn giản trong hành trang trên đường phục vụ và luôn chu toàn mọi sứ mạng được Thiên Chúa và cộng đoàn uỷ thác bằng tất cả tình yêu và lòng nhiệt thành dấn thân của mình. Thậy vậy, Đời thánh hiến nhìn nhận Mẹ là gương mẫu tuyệt vời cho việc tận hiến cho Chúa Cha, kết hợp với Chúa Con và ngoan ngoãn nghe theo Chúa Thánh Thần, ý thức rằng nhận lấy “lối sống trinh khiết và nghèo khó” của Đức Ki-tô đồng thời cũng có nghĩa là bắt chước lối sống của Đức Maria.[4]

Có thể nói, nếu tuân phục và khó nghèo là hai nhân đức tô điểm thêm vẻ đẹp của Mẹ Maria thì chắc chắn, sự thanh khiết nơi thân xác và tâm hồn của Mẹ chính là căn nguyên khiến vẻ đẹp ấy được gìn giữ và lan toả đến muôn người. Mẹ là thụ tạo tuyệt vời từ giây phút Mẹ cưu mang Ngôi Lời cho đến giây phút đỉnh cao khi mẹ đứng dưới chân thập giá Con Mẹ. Tình trạng đồng trinh nơi Mẹ Maria là ân ban đặc biệt và một công trình vĩ đại của Thiên Chúa. Bởi Mẹ đã trao phó chính mình toàn vẹn vào tay Chúa Cha, nên Chúa Ba Ngôi đã làm cho Mẹ nên “kiều diễm như mặt trăng”, “rực rỡ như mặt trời”, và oai hùng khiến kẻ thù của Mẹ và của chúng con phải kinh khiếp, và Mẹ đã chiến thắng sữ dữ, đã đạp nát đầu con rắn xưa, kẻ đem tội ác vào trần thế này. Mẹ cũng là “vườn khép kín” và “suối niêm phong” (x. Dc 6-8-10). Nơi Mẹ mọi sự đều trong lành và tràn đầy sức sống; vườn của Mẹ đầy hoa trái kì diệu, được nước ân sủng tưới gội và được ấn tín của Thánh Thần đóng kín, thanh luyện, củng cố và làm trổ sinh hoa trái. Mẹ là tân nương chung thuỷ dành trọn tình yêu cho một mình Thiên Chúa, là hoàng hậu đứng bên hữu Đức Vua được phục sức huy hoàng lộng lẫy xinh đẹp. (x. Tv 44,10). “Ai yêu cha mẹ mình hơn Ta, thì không xứng làm môn đệ Ta” (Mt 10,37a), tình yêu của người thánh hiến phải như thế, một tình yêu trọn vẹn và duy nhất, như tình yêu của Mẹ Maria. Quả thật, Mẹ Maria đã đáp lại cách hoàn hảo, với lòng tin tuyệt đối, lời mời gọi giữ đồng trinh. Mẹ đã chấp nhận không ý kiến và vui vẻ tất cả những hậu kết của lời mời gọi ấy bằng lời thưa: “Xin vâng!”, như vậy trở thành khuôn mẫu cho biết bao nhiêu thanh niên thiếu nữ, qua các thế kỷ, sẽ đón nhận chia sẻ cùng một lời mời gọi “làm trinh nữ và làm mẹ”, “làm đồng trinh và làm cha”.[5] Mẹ không chỉ là một khuôn mẫu mà còn là một trạng sư và Đấng bảo vệ các kẻ đồng trinh. Mẹ chỉ dẫn và giúp đỡ chúng ta bước đi trên con đạt tới sự thanh khiết tuyệt đối.

Sự thánh hiến của người tu sĩ là để tận hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa và sống đức ái trọn hảo ngang qua việc tuân giữ các lời khấn. Với việc khấn dòng, các tu sĩ sống cho mình Thiên Chúa tất cả đời sống họ sống. Tình yêu này hoàn toàn nhưng không, cá vị và độc nhất, lôi kéo người đó tới độ không thuộc về chính mình nữa nhưng thuộc về Đức Kitô. Họ phải sống một thái độ thuộc về Thiên Chúa bao gồm ba chiều kích: thoát ly khỏi thụ tạo, gắn kết với Thiên Chúa và trở về với những người anh em.[6] Tất cả những điều này, chúng ta hoàn toàn có thể khám phá nơi Mẹ Maria, người Mẹ tuyệt vời của chúng ta. Ước mong mỗi người thánh hiến luôn biết nhìn lên mẫu gương tuyệt hảo của Mẹ để từng ngày trở nên những người lan toả tình yêu Thiên Chúa đến cho thế giới nhờ vào đời sống thánh thiện của mình.

“Ngước mắt trông lên Mẹ, là mẫu gương đời con.

Xin dạy con biết sống theo con đường Mẹ đi.

[…]

Xin Mẹ dạy con đức tin vững vàng như Mẹ đã tin theo ý định Thiên Chúa.

Xin Mẹ dạy con một lòng tín thác theo đường lối Chúa sống dấn thân giữa đời.

Mẹ là mẫu gương vâng phục, lòng Mẹ ngát hương quảng đại.

Một đời tận hiến làm tôi tớ Chúa, một đời gắn bó với Thiên Chúa Ba Ngôi.”[7]                 

 

 

Tác giả: Tâm Nguyên, O.P.

---------------

[1] Lời bài hát Mẹ ơi! Con yêu Mẹ, nhạc sĩ Hoàng Vũ.

[2] M. Priscilla Trần Thị Thơ, FMSR, Đức Maria mẫu gương của đời sống thánh hiến, tr. 67.

[3] Vita Consecrata, số 28

[4] Vita Consecrata, số 28.

[5] Raniero Cantallamessa, Dg. Trần Đình Quảng, Yêu cách khác, tr. 100-101.

[6] M. Priscilla Trần Thị Thơ, FMSR, Đức Maria mẫu gương của đời sống thánh hiến, tr. 30.

[7] Lời bài hát: Mẹ đồng hành chỉ lối con đi, Ns. Ngọc Linh.         

2148    31-05-2022