25/03/2019
Thứ Hai Tuần III Mùa Chay Năm lẻ
LỄ TRUYỀN TIN CHO ĐỨC MẸ
Is 7, 10-14; Dt 10, 4-10; Lc 1, 26-38
CÙNG MẸ NÓI LỜI XIN VÂNG
Hôm nay, cùng với Giáo Hội, ta cử hành mầu nhiệm cao cả tuyệt vời đã hoàn tất cách đây hơn hai ngàn năm. Sự kiện ấy diễn ra trong không gian và thời gian : ” Khi ấy, Thiên Thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nagiarét, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Đa-vít, Trinh nữ ấy tên là Maria “(Lc 1 , 26-27 ).
Với lời xin vâng, Mẹ đón nhận Con Thiên Chúa trong sự khiêm hạ đơn hèn. Mẹ đón nhận thiên chức làm Mẹ Thiên Chúa trong cái nhìn của đức tin để vượt qua những gian nan thử thách. Mẹ đã xin vâng trong sự tín thác để đồng hành cùng con mình đến tận hơi thở cuối cùng.
Khi nói về tầm quan trọng hai tiếng xin vâng của Mẹ, công đồng Vatican II đã lặp lại lời của các Giáo Phụ xưa rằng : Nút dây đã bị thắt lại do sự bất tuân của Evà, nay được gỡ ra nhờ sự vâng phục của Đức Maria. Điều mà Evà đã buộc lại bởi cứng lòng tin, Đức Maria đã tháo ra nhờ lòng tin; và so sánh với Evà, các ngài gọi Đức Maria là “Mẹ kẻ sống”, và thường quả quyết rằng : “Bởi Evà đã có sự chết, thì nhờ Maria lại được sống” (x. Lumen gentium, số 56).
Và rồi Thánh Bênađô thì kêu lên rằng: “Ôi trinh nữ, Adam đang khóc lóc cầu khẩn Mẹ trả lời, Đavit cũng khẩn cầu, các tổ phụ cũng không ngớt nài xin. Câu trả lời ấy cả thế giới này đang phủ phục dưới chân Mẹ và chờ đợi nó. Bởi việc giải thoát cho những ai đang đau khổ, chuộc lại kẻ giam cầm, trả tự do cho người bị kết án và sau cùng là phần rỗi của mọi con cái Adam, của toàn thể dòng dõi Mẹ đều tùy thuộc vào lời thưa của Mẹ”.
Trở thành Mẹ Thiên Chúa, Mẹ đóng vai trò Nữ Hoàng và cũng là Nữ Tỳ của Thiên Chúa. Trở thành Mẹ nhân loại, Mẹ đóng vai trò Từ Mẫu và là Đấng Bầu Chữa cho con cái của mình. Nhưng dù trong vai trò nào, Mẹ luôn luôn chuyển cầu lòng thương xót của Thiên Chúa xuống cho nhân loại. Đây là niềm vui và tự hào nơi Mẹ. Chính trong tâm tình này mà Mẹ đã cất cao lời ngợi khen Đấng Giàu Lòng Xót Thương đã đoái nhìn đến thân phận hèn yếu nơi Mẹ. Vì thế, mẹ đã mượn lời của bài ca Manifiat mà trong lịch sử cứu độ, những người hèn mọn đã cất lên để ca ngợi kỳ công Thiên Chúa đã thực hiện cho mình và dòng tộc mình..
Và để hiểu được những gì đã xảy ra tại Nagiaret hơn ngàn năm về trước, chúng ta lần dở lại Thư gửi tín hữu Do thái. Bản văn này thuật lại cuộc trò chuyện giữa Chúa Cha và Chúa Con về kế hoạch đời đời của Thiên Chúa. ” Chúa đã không muốn hy tế và của lễ hiến dâng, nhưng đã tạo nên cho tôi một thể xác. Chúa không nhận của lễ toàn thiêu và của lễ đền tội “. Nên tôi nói : “ Lạy Chúa, này tôi đến để thi hành thánh ý Chúa ” (Dt 10, 5-7). Như thế, vì vâng ý Chúa Cha, Ngôi Lời đến đã đến cư ngụ giữa chúng ta, dâng chính thân mình làm của lễ hy sinh vượt trên mọi hy lễ đã dâng trong Cựu Ước. Lễ hy sinh của Chúa Giêsu là lễ vĩnh viễn và hoàn hảo cứu chuộc thế gian.
Tin mừng Luca thuật lại biến cố truyền tin mà hôm nay Giáo hội mừng kính. Thần sứ Gabriel đến gặp Đức Maria và trao lời cầu ngỏ. Đức Maria chỉ là một cô gái quê, cư dân thành Nazareth, không học thức cao sang, không danh giá quyền quý và chẳng có một nét ưu việt nào dưới con mắt người đời. Nhưng trong chương trình của Thiên Chúa, Mẹ được tuyển chọn để trở nênThân mẫu Đấng Cứu Thế. Điều Thiên Chúa muốn luôn khác xa với sự toan tính của con người. Các ngôn sứ thời cựu ước đã từng loan báo về việc Đấng Messia sẽ được sinh ra do một trinh nữ.Bài đọc 1 trong phụng vụ hôm nay nhắc lại cho chúng ta lời tiên báo ấy qua miệng ngôn sứ Isaia.
Như vậy, Đức Maria đã được tuyển chọn không phải do tình cờ, nhưng kế hoạch ấy đã có trong chương trình của Thiên Chúa ngay từ đời đời. Mẹ được chọn không phải vì Mẹ đã đắc thủ cho mình những nhân đức trổi trang hơn hẳn các phụ nữ khác, hay do một yếu tố lịch sử nào đó tác động từ bên ngoài. Thiên Chúa đã chọn Mẹ, chỉ vì Chúa muốn như vậy, thế thôi. Ơn gọi luôn là một mầu nhiệm rất khó hiểu và dường như không thể hiểu nổi đối với đầu óc suy lý của con người. Chúa đã chọn Mẹ hoàn toàn do ý định của Ngài, và như một hệ quả tất yếu, Chúa cũngphú mặc cho mẹ những phẩm tính cao trọng, tương xứng với thiên chức ‘Mẹ Thiên Chúa’ hay‘Mẹ Đấng Cứu thế’. Tâm hồn Mẹ được gìn giữkhông bị lây nhiễm bất cứ ô nhơ nào, ngay cả tội nguyên tổ. Cung lòng của Mẹ đã trở nên như ngôi đền thờ tuyệt mỹ để Ngôi Hai Thiên Chúa đến ẩn ngự.
Để sống mầu nhiệm ơn gọi, trước hết chúng ta cần phải nhận ra tiếng Chúa đang mời gọi, tức là phải khám phá ra ước mơ của Thiên Chúa nơi mình. Ngài muốn tôi là ai, chứ không phải muốn tôi làm gì. Chúa đã muốn Đức Maria trở nên Mẹ Đấng Cứu thế, còn phương cách thực hiện như thế nào, Chúa sẽ sắp xếp, chứ không phải do Mẹ quyết định. Nơi chúng ta cũng vậy. Muốn khám phá và đi vào lộ trình ơn gọi, không có mẫu gương nào hoàn hảo cho bằng chính Đức Maria để chúng ta quy chiếu vào. Mẹ đã để cho Thiên Chúa hướng dẫn đời mình và Mẹ đã hoàn toàn quy thuận thánh ý Chúa. Trong bài đọc 2 của phụng vụ hôm nay, tác giả thơ Do Thái cũng gợi lại hình ảnh Đức Giêsu khi vào trần gian: “Này con đây, này con đến để thi hành thánh ý của Cha”. Đức Giêsu đã khiêm tốn vâng lời cho đến chết và chết trên Thập giá (Phil 2, 8). Đó cũng là sự khiêm nhường mà Đức Maria đã sao chép lại để trở nên gương mẫu cho chúng ta.
Qua biến cố sứ thần Gabriel truyền tin cho Đức Mẹ Maria, Thiên Chúa đã mời gọi Mẹ cộng tác vào chương trình cứu độ qua việc cưu mang Đấng Cứu Thế. Trong những giây phút đầu tiên, Đức Mẹ đã bối rối và thắc mắc vì một tin vừa bất ngờ và vừa cao trọng, trong khi mình thì lại nhỏ bé. Mẹ thắc mắc vì đó là điều thật khó hiểu theo lý luận của con người: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào vì tôi không biết đến người nam?”. Trước thắc mắc của Mẹ, sứ thần đã giải thích: “Vì đối với Thiên Chúa, không gì là không thể làm được”. Đây không phải là giải thích nhằm làm thỏa mãn những lý luận của lý trí nơi Mẹ, nhưng là một gợi ý mời gọi người nghe đáp trả bằng thái độ của đức tin. Lời xin vâng của Mẹ chính là một lời đáp trả của đức tin.
Lời xin vâng của Mẹ Maria xưa vẫn là lời rất cần thiết cho mỗi người chúng ta trong bất cứ ơn gọi nào, hoàn cảnh nào : Người dưới vâng lời người trên, con cái vâng lời cha mẹ, học sinh vâng lời thầy cô, vợ chồng lắng nghe nhau… Đó không chỉ là nét đẹp của cuộc sống hằng ngày và để gia đình, xã hội có tôn ti trật tự mà còn là điều kiện để gia đình hạnh phúc và xã hội bình yên. Chúng ta thử hình dung: Nếu trong một gia đình mà con cái không vâng lời cha mẹ, vợ chồng không biết lắng nghe nhau; ở nhà trường, học sinh không vâng lời thầy cô; xã hội không có trên dưới… thì gia đình, nhà trường, xã hội đó sẽ như thế nào? Thực tế cho chúng ta thấy, vì không biết vâng lời cho nên con cái hư hỏng, trò đánh thầy, hỗn loạn nhiều nơi trong xã hội chúng ta đang sống.
Trong đời sống đạo, nhiều khi ta lại lãng quên vai trò của đức tin mà đòi hỏi sự hợp lý hóa cho mọi sự. Trước các biến cố hay cả các mầu nhiệm trong đạo, ta cũng chỉ muốn giải thích chúng một cách thuần lý trí. Nói khác đi, ta chỉ chấp nhận những gì hợp lý mình mà thôi. Đức Mẹ cũng đã có thắc mắc như vậy: “Điều đó làm sao có thể?”. Nhưng rồi Mẹ đã lấy đức tin để bù lại những gì lý trí của Mẹ không thể giải thích. Chúng ta cũng được mời gọi hãy đáp lại tiếng Chúa bằng thái độ vâng phục và tin tưởng như Mẹ.
1400 25-03-2019