Sidebar

Thứ Hai
16.09.2024

Cùng Mẹ ta xin vâng

25.3 Thứ Tư

Ga 5, 1-3 5-16

CÙNG MẸ TA XIN VÂNG

            Lễ Truyền Tin được kính vào ngày 25 tháng 3, tức là 9 tháng trước lễ Giáng Sinh, là khoảng thời gian Đức Mẹ cưu mang Chúa Giêsu. Lễ này trước kia được mừng kính ở Giáo hội Đông phương với tước hiệu lễ "Ngôi Lời nhập thể" từ khoảng năm 550. Giáo hội Rôma mãi đến thế kỷ thứ 7 mới chấp nhận thánh lễ này. Ngày nay, Lịch Phụng vụ Rôma lấy lại danh xưng "Lễ Truyền Tin" vì có lý do chính đáng, nhưng trước sau vẫn là lễ chung của Đức Kitô và Đức Trinh Nữ : Lễ của Ngôi Lời làm "con Đức Trinh nữ" và lễ Đức trinh nữ là "Mẹ Thiên Chúa".

            Từ thuở đời đời Thiên Chúa yêu thương con người dẫu con người phạm tội và Ngài đã có ý định tái lập tất cả những gì đã hư mất bởi tội lỗi, và phác họa một công trình cứu chuộc mà Chúa Kitô là trung tâm, với sự cộng tác cần thiết của một người nữ thánh thiện. Cả hai sẽ là Adong và Evà mới thay thế cho Adong và Evà cũ đã phạm tội.

            Người nữ ấy không ai khác hơn là Mẹ Maria, Đấng đầy ân phúc, trổi vượt hơn mọi phụ nữ. Mẹ đã được tiên báo qua lời hứa tại vườn Địa đàng xưa :"Ta sẽ đặt mối thù giữa mi và người nữ. Người sẽ đạp nát đầu mi, còn mi sẽ rình cắn gót chân Người" (St 3, 15). Mẹ đã được chọn làm Evà mới thực hiện lời hứa xưa kia tại vườn Địa Đàng.

            Lời xin vâng của Đức Mẹ, thoạt nghe, chẳng có gì đặc biệt đáng chúng ta phải chú ý. Nhưng nếu để tâm suy nghĩ và cầu nguyện, chúng ta sẽ thấy được tinh thần hy sinh, lòng bác ái, và đức tin sống động của Mẹ được gói gọn trong hai tiếng xin vâng đó.

            Qua tiếng xin vâng, Mẹ Maria sẵn sàng gạt bỏ đi tất cả những gì Mẹ hằng ôm ấp cho riêng mình là sống đời đồng trinh, để chấp nhận cộng tác với Chúa trong việc sinh ra cho nhân loại Đấng Cứu Thế mà ai cũng trông chờ.

            Ông Leonard de Vinci để lại cho nhân loại câu truyện sau đây về cuộc đối đáp tưởng tượng của tờ giấy trắng và cây viết.

            Có tờ giấy trắng nọ nằm ù lì trên bàn viết với bao đồng bạn khác từ nhiều năm tháng qua. Nhưng rồi một hôm nó được chọn đem ra trước bàn chịu cảnh cây viết với mực đen vẽ lên nó không biết bao nhiêu là những dấu hiệu mà nó không hiểu gì cả. Tờ giấy phàn nàn với cây viết như sau : "Tại sao anh lại làm thế, anh vẽ trên mình tôi những dấu làm tôi mất đi sự trắng sạch ban đầu, anh làm nhục tôi thế này sao ? Anh làm hư cả cuộc đời tôi rồi".

            Nhưng cây viết trả lời :"Không, anh giấy hiểu lầm tôi rồi, tôi không làm dơ anh đâu, tôi vẽ lên anh những dấu hiệu, những dòng chữ và kể từ nay, anh không còn là tờ giấy vô dụng nữa, mà mang trên mình một sứ điệp, anh trở thành kẻ cộng tác với con người lưu giữ những tư tưởng cao siêu của con ngưởi, và vì thế sẽ được con người nâng niu bảo vệ; anh được sống mãi để trợ giúp con người".

            Tờ giấy chưa kịp trả lời cây viết, thì nó bỗng nhìn thấy một bàn tay con người quơ lấy những tờ giấy trắng đồng bạn của nó mà nay đã trở thành vàng đục, già cỗi và đầy bụi bặm mà quăng vào ngọn lửa bên cạnh. Bấy giờ tờ giấy trắng đầy chữ viết mới hiểu được hành động vừa rồi của cây viết và lấy làm sung sương vì được trở thành kẻ cộng tác và lưu giữ kho tàng trí khôn của con người.

            Cuộc đời mỗi người chúng ta có thể được so sánh như tờ giấy trắng kia, nếu không chấp nhận để cho bàn tay Thiên Chúa viết vào đó những dòng chữ, những chương trình hành động, thì sẽ không được hạnh phúc trở thành người cộng tác với Thiên Chúa, trở thành kẻ lưu truyền sự khôn ngoan của Thiên Chúa, từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tờ giấy không hiểu được những hành động của cây viết vẽ những dấu lạ trên mình nó, con người cũng chắc chắn không thể nào hiểu được ý định của Thiên Chúa là ý định khôn ngoan, hợp lý nhất để đưa con người đến hnạh phúc.

            Thật vậy, Đức Maria đã tự nguyện trở thành tôi tớ của Thiên Chúa để cộng tác vào chương trình cứu chuộc nhân loại. Ngài đã trở nên một dụng cụ tuyệt vời của Thiên Chúa, hoàn toàn đặt mình dưới quyền sử dụng của Thiên Chúa như như một tờ giấy trắng trước cây viết.

            Khi nói xin vâng được coi như một giao ước mới, tôi nhớ lại việc Đức Mẹ vội vã lên đường đi thăm viếng bà Êlizabét (Lc 1, 39 – 45). Đi thăm để chia sẻ, để phục vụ, để nâng đỡ khích lệ bà Êlizabét. Theo Đức Mẹ, thì mình được Chúa thương, là để mình biết thương người khác. Mình được Chúa chọn cộng tác với Chúa trong việc cứu độ, thì mình phải quyết tâm dấn thân góp phần cứu độ người khác. Mình nhận ơn Chúa ban, thì mình sẽ cố gắng chia sẻ ơn đó cho người khác.

            Khi nói xin vâng được coi như một bài ca mới, tôi nhớ lại tâm tình Đức Mẹ trong kinh Tạ Ơn "Linh hồn tôi tung hô Chúa" (Lc 1, 46-55). Tâm tình Đức Mẹ là lời nói chân thành của người con bé nhỏ, đầy khiêm tốn, ngỡ ngàng biết ơn và phó thác đối với Chúa. Tâm tình Đức Mẹ là khát vọng cứu độ tỏa ra sức nóng của tình yêu thương xót, nhưng lại khiêm nhường tế nhị đối với đồng bào, nhân loại. Tâm tình Đức Mẹ là cái nhìn tiên tri sâu sắc của trái tim khiêm nhường về tương lai dành cho những kẻ khiêm tốn.

            Xin vâng của chúng ta là một hành trình dài đi về với Chúa. Hãy bước đi với những bước nhỏ. Như hằng ngày cầu nguyện bằng kinh Kính Mừng và chuỗi Mai Khôi. Như hằng ngày đến bên trái tim Đức Mẹ, để xin trái tim Đức Mẹ chia sẻ cho ta bầu khí thinh lặng, chiêm niệm, lửa bác ái nồng nàn và sức mạnh lạ lùng của khiêm nhường nghèo khó. Như hằng ngày thực hiện đôi ba việc bác ái, thương cảm liên đới với những người nghèo, bệnh tật, xa Tin Mừng, bị xã hội loại trừ. Như hằng ngày tập nói và làm những gì mang tính cách phục vụ hoà bình hiệp nhất trong yêu thương và tế nhị. Như hằng ngày dùng lòng tin mến biến những mệt mỏi khổ đau của mình thành của lễ đền tội tạ ơn, và xin ơn an bình cho gia đình quê hương và thế giới.

            Lời Xin Vâng của Mẹ trở thành một mẫu mực tuân phục Thiên Chúa cho chúng ta noi theo. Nói mạnh hơn, lời Xin Vâng ấy là một lời chất vấn, một thách đố hùng hồn trước thảm kịch bất tuân phục Thiên Chúa của con người trong thời đại của chúng ta. Ta hãy bắt chước Đức Maria để luôn tìm đọc Lời Chúa, để nhẫn nại cầu nguyện trong niềm xác tín rằng: "Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được".

            Chúng ta phải tuân phục Thiên Chúa, vì chỉ có Thiên Chúa biết chắc các điều tốt đẹp cho con người. Bất tuân Thiên Chúa là cách dễ dàng nhất gây ra đau khổ cho con người. Vâng lời Thiên Chúa không lấy đi sự tự do của con người, nhưng chứng tỏ sự khôn ngoan. Giống như một con trẻ chưa đủ khôn ngoan để làm quyết định cho mình, em phải vâng lời cha mẹ là những người khôn ngoan hơn. Chúng ta cũng thế, khi chưa hiểu kế họach của Thiên Chúa cho cuộc đời, chúng ta hãy bắt chước Chúa Giêsu và Đức Mẹ: xin vâng làm theo ý Thiên Chúa.


634    23-03-2020