Sidebar

Thứ Bảy
07.12.2024

Cuộc đời Môsê, Carlo Maria Martini

 

Carlo Maria Martini[1]

 

 

Dẫn nhập

Trong các bài sau đây, chúng ta sẽ cùng nhau suy tư và chiêm niệm về “Cuộc đời Môsê”. Cuộc đời của ông là một hành trình đức tin, cuộc đời chúng ta cũng vậy. Hơn nữa, chiêm niệm cuộc đời Môsê sẽ giúp chúng ta chiêm niệm cuộc Vượt Qua của Đức Giêsu, của Giáo Hội và của mỗi người chúng ta.

Nhờ những bài suy niệm, chúng ta sẽ gặt hái thêm kiến thức phong phú về Kinh Thánh, đặc biệt là sách Xuất Hành, vì tác giả, Đức Hồng Y Martini, là một nhà chú giải kinh thánh lỗi lạc, mặc dù “Cuộc đời Môsê” được sắp xếp theo trình tự tuần Linh Thao theo thánh Inhaxiô.

    Linh mục Mỹ Sơn, Long Xuyên

 

BÀI MỘT (Phần 1)

BA GIAI ĐOẠN TRONG CUỘC ĐỜI MÔSÊ

Cv 7, 20-34

“Chính vào thời đó, Mô-sê sinh ra. Đứa bé kháu khỉnh trước mặt Thiên Chúa, lại chỉ được nuôi ba tháng ở nhà thân phụ. Sau đó bị bỏ, nhưng được con gái Pha-ra-ô rước về nuôi làm con trai mình. Cậu bé được dạy cho biết tất cả về sự khôn ngoan của người Ai-cập, và là người đầy uy thế trong lời nói cũng như việc làm.

 

 "Khi được chẵn bốn mươi tuổi, ông Mô-sê nảy ra ý định thăm viếng các anh em mình là con cái Ít-ra-en.Thấy một người anh em bị một người Ai-cập làm hại, ông liền bênh, và để trả thù cho người bị áp bức, ông đánh chết người Ai-cập.Ông tưởng các anh em ông sẽ hiểu rằng Thiên Chúa dùng tay ông để ban ơn cứu độ cho họ ; nhưng họ thì không hiểu.Ngày hôm sau, đang khi họ đánh lộn thì ông xuất hiện và dàn xếp cho đôi bên làm hoà. Ông nói: 'Này các người, các người là anh em, tại sao lại xử tệ với nhau?' Nhưng kẻ đang xử tệ với người đồng bào gạt ông ra và nói: Ai đã đặt ông làm người lãnh đạo và người xét xử chúng tôi? Hay là ông tính giết tôi, y như đã giết tên Ai-cập hôm qua? Nghe câu nói ấy, ông Mô-sê liền trốn đi và đến trú ngụ ở miền Ma-đi-an. Ở đó ông sinh được hai con trai.

"Đúng bốn mươi năm sau, một thiên sứ hiện ra với ông tại sa mạc núi Xi-nai, trong ngọn lửa của một bụi cây đang cháy. Ông Mô-sê ngạc nhiên khi thấy thị kiến ấy. Đang khi ông lại gần để xem cho rõ, thì có tiếng Chúa phán với ông: Ta là Thiên Chúa của cha ông ngươi, Thiên Chúa của Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp. Ông Mô-sê phát run lên, không dám nhìn nữa. Bấy giờ Chúa phán với ông: 'Cởi dép ở chân ra, vì nơi ngươi đang đứng là đất thánh ! Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta bên Ai-cập và đã nghe tiếng chúng kêu than, nên Ta xuống giải thoát chúng. Bây giờ, ngươi hãy đi! Ta sai ngươi sang Ai-cập'”.

 

Dẫn nhập

Ơn gọi: chúng ta không chỉ được Chúa gọi một lần là đã đầy đủ và rõ ràng, không cần gì nữa. Nên nhớ, ơn gọi được tỏ lộ dần dần tuỳ hoàn cảnh, tuỳ mức độ. Ơn gọi của Môsê là kiểu mẫu. Ông chỉ nhận ra Chúa muốn ông làm gì sau khi đã trải nghiệm năm tháng cuộc đời với những thành công rực rỡ, nhưng cũng với những thất bại đau đớn, chua cay. Lịch sử đời ông được sách Công Vụ Tông Đồ (Cv) chia làm 3 giai đoạn kế tiếp nhau. Có những lúc ông hăng hái dấn thân, nhưng cũng có những lúc ông chán nản lùi bước. Từ những kinh nghiệm đó, ông mới hiểu Chúa gọi ông làm gì.

 

Bản văn này chia làm 3 phần: Giai đoạn 1 (Câu 20-22): Thiên Chúa đào tạo Môsê; Giai đoạn 2 (Câu 23-29): Môsê quảng đại nhưng ảo tưởng bị tan vỡ; Giai đoạn 3 (câu 30-34): Môsê khám phá ra ơn gọi của mình.

+ Xin ơn hiểu lịch sử đời mình, chấp nhận đối diện với chính mình và đời mình. + Xin ơn đổi mới đời sống.

 

1. Thiên Chúa đào tạo Môsê (c. 20-22)

“Chính vào thời đó, Mô-sê sinh ra. Đứa bé kháu khỉnh trước mặt Thiên Chúa, lại chỉ được nuôi ba tháng ở nhà thân phụ. Sau đó bị bỏ, nhưng được con gái Pha-ra-ô rước về nuôi làm con trai mình. Cậu bé được dạy cho biết tất cả về sự khôn ngoan của người Ai-cập, và là người đầy uy thế trong lời nói cũng như việc làm. (Cv 7, 20-22)

 

Điểm đặc biệt của giai đoạn đầu tiên trong cuộc đời Môsê là gì? Ông được hưởng một nền giáo dục rất đầy đủ, “Ông Môsê được dạy cho biết tất cả về sự khôn ngoan của người Ai Cập”. Câu này không có trong Cựu ước. Đây là những suy tư của Luca khi nhìn lại cuộc đời Môsê.

Thời đó không có sự khôn ngoan nào quyến rũ hơn sự khôn ngoan Ai Cập. Môsê có một kiến thức vững vàng về sự khôn ngoan này. Do đó, ông có rất nhiều khả năng làm việc và phục vụ. Bản văn nói: “Ông là người đầy uy thế trong lời nói cũng như trong việc làm”. Luca cũng dùng câu này khi nói về quyền năng của Đức Giêsu (Luca 24,19). Quyền năng đó cũng được ban cho các môn đệ Đức Kitô.

 

Tuy nhiên, Môsê chưa làm được gì cũng như chưa đưa ra một đường lối mới nào để hướng dẫn dân tộc ông. Đời sống và hành động của ông vẫn còn dựa trên lý thuyết (với những gì đã học) và những mơ ước.

 

Giống Môsê, trong thời gian được đào tạo về đạo, chúng ta học giáo lý, học cách cầu nguyện, tập làm tông đồ, v.v. nhưng thiếu tiếp xúc với thực tế cuộc sống. Nhiều khi chúng ta “xa lạ” với những gì xảy ra chung quanh, trong đời sống xã hội, vì quá đóng kín, ít tiếp xúc, ít suy nghĩ, ít thông tin, v.v. Đó mới chỉ là những tiếp thu qua học hỏi, qua lý thuyết, và thường được đánh giá rất cao, nên dễ thiên lệch.

 

Dù sống đạo lâu năm, chúng ta vẫn có thể ở giai đoạn 1, khi đa số tiếp xúc và hoạt động của chúng ta mang tính hình thức, dửng dưng, theo định kiến, theo lối mòn cũ, không cởi mở, thích nghi hoặc cởi mở thích nghi sai lạc; cũng có thể chúng ta sống đạo, làm việc tông đồ, bác ái, theo những gì chúng ta tự hào cho là đúng là tốt, không cần khiêm tốn để kiểm chứng và thay đổi. Điều này đưa đến nguy cơ: tạo ra trong óc tưởng tượng của chúng ta những cách làm việc, những thành công, những khó khăn thử thách rất khác với thực tế. Một nguy cơ khác về bản thân: đó là mất cái nhìn chân thực về mình do quá ảo tưởng về mình, cho mình là mẫu người lý tưởng.

Tuy nhiên, mặt tích cực, giai đoạn đào tạo giúp phát triển nhiều khả năng, thu thập nhiều kiến thức, những phương cách diễn tả, trao đổi và các hoạt động xã hội.

 

2. Lòng quảng đại của Môsê và ảo tưởng nơi ông bị tan vỡ.

"Khi được chẵn bốn mươi tuổi, ông Mô-sê nảy ra ý định thăm viếng các anh em mình là con cái Ít-ra-en.Thấy một người anh em bị một người Ai-cập làm hại, ông liền bênh, và để trả thù cho người bị áp bức, ông đánh chết người Ai-cập. Ông tưởng các anh em ông sẽ hiểu rằng Thiên Chúa dùng tay ông để ban ơn cứu độ cho họ ; nhưng họ thì không hiểu. Ngày hôm sau, đang khi họ đánh lộn thì ông xuất hiện và dàn xếp cho đôi bên làm hoà. Ông nói : 'Này các người, các người là anh em, tại sao lại xử tệ với nhau?' Nhưng kẻ đang xử tệ với người đồng bào gạt ông ra và nói : Ai đã đặt ông làm người lãnh đạo và người xét xử chúng tôi? Hay là ông tính giết tôi, y như đã giết tên Ai-cập hôm qua? Nghe câu nói ấy, ông Mô-sê liền trốn đi và đến trú ngụ ở miền Ma-đi-an. Ở đó ông sinh được hai con trai” (Cv 7,23-29).

 

Vào đầu giai đoạn 2, Môsê mong ước hiểu được những thực tế cuộc sống, “Ông nảy ra ý định thăm viếng các anh em mình”. Lập tức ông nhận ra khoảng cách rất xa giữa thực tế cuộc sống và những lý tưởng ông xây dựng trong trí óc. Ông cũng nhận ra sự khác biệt giữa nhiệt tâm đứng về phía dân tộc của ông và sự đáp trả của chính người dân. Phản ứng của họ hoàn toàn khác với những gì ông nghĩ. 

 

Nhiệt tình, can đảm, hăng hái, và những dự tính của ông hoàn toàn sụp đổ. Thực tế phũ phàng đã đánh bại ông. Môsê trốn đi. Ông không thể vượt qua thất bại bất ngờ xảy đến với ông. Ông không còn khả năng nhận biết và lượng giá được những người chung quanh và hoàn cảnh ông đang sống. Như bị gạt ra bên lề, nên ông bỏ trốn.

Chúng ta chứng kiến thất bại thê thảm nhất trong cuộc đời Môsê. Ơn gọi của ông đang chịu một thử thách nghiệt ngã và ông không còn khả năng đứng vững. Thực tế phũ phàng đã làm những phương pháp, những kỹ thuật, những khôn ngoan ông đã học trở nên vô dụng. Chẳng những cảm thấy vô dụng, tệ hơn, ông còn bị nhạo báng bởi chính những người ông đã liều mạng để giúp họ.

 

Nỗi cay đắng ông chịu được diễn tả qua câu: “ông đến trú ngụ ở miền Mađian”. Theo Kinh thánh, ai sống ở một nơi không phải là đất nước mình, người đó không còn sống như một con người, mà như một người bị lưu đày. Đối với dân Do Thái, người ta chỉ sống như một con người khi được sống với đồng bào mình, trên đất nước của mình. Người nào sống ngoài đất nước, bè bạn, gia đình, đồng bào, người đó không thực sự là người vì không có ai bảo vệ khi bị đàn áp, bóc lột. Có thể nói, người ấy không còn quyền sống nữa.

 

Môsê trốn qua xứ Madian, lập gia đình và sinh được hai con. Điều này có ý nói: Môsê rời bỏ quê hương. Ông trốn chạy khỏi những ý tưởng, những chương trình ông vạch ra, nhưng đã thất bại. Giờ đây, ông trở về với cuộc sống riêng. Có lẽ ông nghĩ rằng: “Tôi tin mình được Chúa sai đi, được Chúa trao cho sứ mạng giải thoát dân. Nhưng thôi, giờ thì tốt hơn hết, hãy nghĩ đến mình, đến cuộc sống riêng; cố gắng sống thanh thản, an nhàn, có vợ, có con”.

 

Môsê đắm chìm vào cuộc sống riêng tư. Hình như ông đã từ bỏ ơn gọi và sứ mạng ông nghĩ đã được Chúa trao phó. Ông không còn nghĩ đến người khác, không còn nghĩ đến dân tộc ông. Từ bây giờ, ông chỉ sống cho chính mình thôi.

 

Chúng ta có cùng tâm trạng như Môsê khi gặp thất bại trong đời sống đạo không? Khi người khác không đáp lại như chúng ta mong ước không? Có thể chúng ta mang cùng tâm trạng chán ngán như Môsê, nhưng nguyên nhân thì  khác, do thời gian bào mòn, do lười biếng từ từ gặm nhấm, do dửng dưng, khô khan hoặc do quá hướng ngoại?

 


[1] Các bài suy niệm phỏng dịch từ “Vie de Moise, vie de Jesus et existence pascale”, Éd. St.-Augustin-St-Maurice, Suisse, 1994

6386    14-05-2019