Sidebar

Thứ Sáu
04.10.2024

Cuộc đời phi thường của nữ thánh Hildegard xứ Bingen

311234567891011121314


Năm 2012, hơn 800 năm sau khi về với Chúa, nữ tu Hildegard xứ Bingen được tuyên thánh và công nhận tước hiệu Tiến sĩ Hội Thánh.

Không có Ordo virtutum, vở kịch kể về cuộc đấu tranh giữa đạo đức của con người và sự cám dỗ của quỷ dữ, có lẽ con người sẽ không thưởng thức được bộ môn nghệ thuật mang tên opera như ngày nay. Và chúng ta phải cảm ơn thánh nữ Hildegard xứ Bingen vì điều đó. Thánh nhân được xem là nhà soạn nhạc kịch đầu tiên của thế giới, một học giả đóng góp to lớn vào nhiều lĩnh vực, từ âm nhạc, khoa học, tôn giáo và ngôn ngữ học. Bên cạnh Ordo virtutum, sơ Hildegard còn soạn ít nhất 69 nhạc phẩm, phát minh ngôn ngữ riêng và viết sách về y học cũng như thực vật học. Trên thực tế, cuộc đời của vị nữ tu xuất sắc đến nỗi người đời sau đặt tên sơ cho một tiểu hành tinh và một chi thực vật. 

Sơ Hildegard (1098-1179)  xuất thân trong một gia đình thuộc tầng lớp thượng lưu Ðức, là con út trong số 10 người con. Sơ ốm yếu từ nhỏ và đến năm 3 tuổi bắt đầu thấy nhiều linh ảnh. Trước tình cảnh bệnh hoạn không ngừng của con gái út, cha mẹ quyết định gởi cô đến tu viện Disibodenberg khi Hildegard mới lên 7. Dưới sự chăm sóc của Viện trưởng Jutta von Sponheim (1091-1136), cô bé Hildegard biết đọc, biết viết, trích dẫn Kinh Thánh, học chơi một loại đàn cổ tên psaltery, và được khuyến khích đọc thật nhiều để mở mang kiến thức. Cùng lúc đó, Hildegard cũng được bề trên của tu viện là cha Volmar (qua đời năm 1173) hướng dẫn. Hildegard kể cho sơ Jutta về các linh ảnh của mình, và sự việc đến tai cha Volmar. Cha Bề trên khuyến khích Hildegard tin vào các linh ảnh đó và viết lại những gì đã thấy. Thế nhưng nữ tu trẻ vẫn cảm thấy sợ hãi và tìm cách kháng cự.

tan-tich-tu-vien-disibodenberg
 Tàn tích tu viện Disibodenberg

Những linh ảnh

Vài năm sau khi trở thành Viện trưởng, sơ tiếp tục nhìn thấy nhiều linh ảnh hơn nữa, với tần suất thường xuyên đến nỗi vị nữ tu đổ bệnh và nằm liệt giường. Trong lúc xưng tội, sơ đề cập đến các linh ảnh cho bề trên, lúc đó là cha Kuno, và tiếp tục được khuyên hãy viết về những linh ảnh đó. Nữ tu phát hiện cơn đau đớn dịu đi khi bà viết ra và diễn dịch lại các linh ảnh cho người khác. Với sự khuyến khích của các bề trên Volmar và Kuno, đồng thời được khơi gợi niềm cảm hứng từ các linh ảnh, Hildegard bắt đầu viết tác phẩm nổi tiếng nhất của mình là Scivias (tên viết tắt từ Scito vias Domini, tức “Biết con đường của Thiên Chúa”, biên soạn khoảng năm 1142-1151), ghi lại những gì sơ đã thấy và cảm nhận.

thanh-hildegard-khi-con-nho-da-gap-thanh-jutta-xu-sponheim
 Thánh Hildegard khi còn nhỏ đã gặp thánh Jutta xứ Sponheim

Sức ảnh hưởng lan rộng

Vào thời điểm này, sơ Hildegard đã nổi tiếng vì những linh ảnh của mình, và được nhiều người kính phục vì kiến thức thông thái. Ðức Giáo Hoàng Eugenius (1145-1153) đọc Scivias và xác nhận những linh ảnh trên trước khi khuyến khích nữ tu tiếp tục việc viết lách. Sau khi rời tu viện Disibodenberg, sơ lập 2 tu viện khác, viết nhiều sách về thần học, sinh thái học, khoa học tự nhiên, y khoa và làm vườn. Vị nữ tu viết nhiều bài thánh ca, mà cho đến nay không ít bài hát vẫn nằm trong nhóm 100 bài bán chạy nhất trên trang Amazon.com. Tuyển tập bài hát đầu tiên của sơ được ghi âm có tựa đề A Feather on the Breath of God đã được trao giải Grammy vào năm 1983 và được bán hơn nửa triệu bản. Sinh thời, sơ Hildegard giao du với nhiều nhà lãnh đạo chính trị, tất bật di chuyển lên xuống dòng sông Rhine để truyền đạo và quảng bá sự ảnh hưởng, thậm chí còn cảnh báo hoàng đế Ðức Frederick Barbarossa vì vị quân chủ có ý đồ can thiệp vào tự do hoạt động của Giáo Hội.

Sơ Hildegard được công nhận là nhà sáng lập chủ nghĩa tự nhiên học của Ðức, và được xem là một trong những nữ bác sĩ đầu tiên, cũng như nhà khoa học nữ đầu tiên của phương Tây. Trong bài giảng vào năm 2010 trước khi tuyên thánh, Ðức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã ca ngợi vị nữ tu dũng cảm và thông thái, gọi sơ là hình mẫu tuyệt vời cho Giáo hội ngày nay: “Người phụ nữ vĩ đại này, nhà tiên tri với ý tưởng hoàn toàn theo kịp chúng ta, với năng lực dũng cảm nhìn ra những dấu hiệu của thời đại, lòng yêu chuộng sự sáng tạo, tài năng y học, thơ ca, âm nhạc, mà ngày nay đang được mọi người tái khám phá, lòng kính yêu Chúa Giêsu và Giáo hội, đã khiến sơ phải chịu đựng những khổ đau vào thời của mình. Sơ đã bị tổn thương bởi tội lỗi của các tu sĩ và kẻ thế tục, và vì thế càng được ân sủng vô vàn của Mình Thánh Chúa”. 


Tác giả: LING LANG - Nguồn: Báo Công giáo và Dân tộc (12/06/2020)

1435    26-01-2022