Cuộc đời trần gian
Cuộc đời trần gian
Ta sống như con thuyền trôi
Ta sống như đi qua cầu
Rồi một ngày mai ta sẽ đi về nhà Chúa
Vì đời ta sống cho Chúa...
(Không rõ tác giả)
Trên trang nhất của một tờ báo điện tử ở trong nước hôm 13-10-2006 có đăng tin tức về một tai nạn khủng khiếp xẩy ra trên quốc lộ I thuộc địa phận huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa giữa một chiếc xe cỡ trung 15 chỗ ngồi và một chiếc xe đò miền Trung. Tin tức cho biết 12 trong số 13 người đi trên chiếc xe thứ nhất bị tử thương tại chỗ trong đó có cả tài xế, chỉ có một người sống sót. Về phía chiếc xe đò thì may mắn hơn, chỉ có tài xế và phụ xe bị thương còn tất cả hành khách đều an toàn.
Được biết chiếc xe chở 13 người thuộc đoàn cứu trợ của phường 13 quân Phú Nhuận, xuất phát từ Sài Gòn đang trên đường ra Đà Nẵng cứu trợ đồng bào bị nạn trong cơn bão Xangsane hay còn gọi là cơn bão số 6, cơn bão đã gây nhiều thịêt hại cho một số tỉnh ở miền Trung. Bản tin còn liệt kê đầy đủ danh tánh những nạn nhân bị chết cũng như người bị thương sau tai nạn. Trên trang báo cũng có đăng hình ảnh 12 xác chết nằm la liệt trên mặt đất trông thật thảm thương.
Đọc bản tin tức và xem hình ảnh tai nạn, tôi không khỏi xúc động. Nhưng tôi còn xúc động mạnh hơn khi nhận được điện thoại từ Việt Nam cho biết nạn nhân thứ 6 trong danh sách, Đỗ Hoàng Sơn là con của một người em con bà mợ của vợ tôi. Cháu gọi chúng tôi bằng bác.
Tiếp tục theo dõi tin tức được biết sau khi nhân viên công lực hoàn tất các thủ tục cần thiết tại hiện trường, xác nạn nhân được di chuyển ngay về Sài gòn. Nghe nói chính quyền muốn chôn cất các nạn nhân tại nghĩa trang liệt sĩ như muốn biểu lộ một cử chỉ biết ơn đối với những người đã vì việc nghĩa mà hy sinh tính mạng. Tuy nhiên gia đình cháu Sơn lại muốn được tự lo liệu để cháu được an táng theo nghi thức Công giáo.
Thánh lễ an táng được cử hành tại nhà thờ Tân Hòa hôm 15-10 đã được đông đảo giáo dân trong giáo xứ tham dự để hiệp ý cầu nguyện cho cháu. Nhiều buổi đọc kinh liên tục tại tư gia trước và sau thánh lễ an táng cũng thu hút nhiều người trong giáo khu, giáo xứ. Cũng có những người từ xa đọc được tin tức trên báo chí cũng dò hỏi được địa chỉ tìm đến an ủi gia đình hoặc cầu nguyện cho cháu.
Cái chết nào cũng đau thương nhưng cảnh ngộ của cháu khiến cho cái chết của cháu thêm thương đau. Chào đời chưa được bao lâu thì cháu mất mẹ. Người mẹ trẻ từ giã cõi đời để lại đứa con trai mới 3 tháng tuổi và người chị của cháu. Trong cảnh gà trống nuôi con, cha cháu dù tận lực cũng không khám nổi nếu không có bà nội đùm bọc. Cháu lớn lên thiếu tình thương của mẹ nhưng bù lại được bà nội thương yêu và tận tình săn sóc.
Một lần cháu theo bà nội ra Nha Trang chơi khi đó cháu khoảng 4 hay 5 tuổi. Mải vui nơi thành phố lạ, cháu đi lạc lúc nào không biết. Ai cũng tưởng cháu chỉ quanh quẩn trong xóm nhưng tìm mãi không thấy. Mọi người lo lắng đổ xô đi tìm khắp nơi cũng không tìm được cháu, mãi cho đến khi có ý định nhờ Đài phát thanh Nha Trang loan tin tìm trẻ lạc thì tìm được cháu. Trong lúc trên nét mặt mọi người còn chưa hết vẻ lo lắng thì cháu vẫn tỉnh bơ như không có chuyện gì xẩy ra. Cháu không khóc, không hoảng hốt hay sợ hãi như những đứa trẻ khác. Nhưng chímh cách phản ứng khác với những đứa trẻ khác lại nói lên một điều gì đó thật chua xót.
Trước kia khi còn làm việc ở Nha Trang, mỗi lần có dịp về Sài gòn tôi đều ghé thăm bà mợ và lại có cơ hội tiếp xúc với cháu. Người ta nói những đứa trẻ mồ côi thường khôn trước tuổi. Điều này cũng không ngoại lệ đối với cháu nhưng có điều khác là trong cái khôn lanh, cháu không dám vượt qua khuôn thước của gia dình, cháu vẫn ở trong sự giáo dục của một gia đình đạo đức. Dù đang ở độ tuổi ham chơi, cháu đi nhà thờ hàng ngày. Tối đến cháu còn tham dự buổi đọc kinh tại tượng đài thánh Martin, vị quan thày của giáo khu.
Năm 1988 trong dịp chúng tôi từ Mỹ về thăm Việt Nam, tôi lại được dịp nghe cháu tỉ tê nói chuyện. Tôi thích nghe cháu nói chuyện vì cháu có lối nói chuyện rất thu hút. Trong một lần hai bác cháu ngồi chuyện trò với nhau, tôi cho cháu một chút tiền. Tôi đọc được sự mừng rỡ trên nét mặt của cháu nhưng ngay sau đó cháu tỏ ra e ngại không dám nhận. Có lẽ cháu sợ bị hiểu lầm. Tôi phải nói với cháu rằng bác quí cháu bác cho tiền thì cứ cầm lấy mà xài miễn là đừng xài phí là được. Nghe vậy cháu mới chịu nhận.
Sáng hôm sau khi chúng tôi đi lễ mới về đến nhà thì cháu đã kêu người từ một quán phở ở trong xóm bưng hai tô phở nóng hổi mời vợ chồng tôi ăn sáng. Tôi bảo cháu kêu thêm phở cho chính cháu và những người khác cùng ăn cho vui. Cháu có vẻ lưỡng lự nhưng rồi cũng làm theo ý kiến của tôi. Ăn phở xong, khi người ta đến lấy tô, sẵn có tiền trong túi, cháu hăm hở đòi trả tiền nhưng tôi bảo cháu hãy cất tiền để xài vào việc khác. Sau lần gặp lại cháu kỳ đó chúng tôi không còn dịp nào gặp lại cháu cho đến khi được hung tin cháu bị tử nạn thảm thương trong chuyến xe định mệnh.
Nghe bà nội cháu kể buổi chiều trước khi lên đường cháu vui lắm. Cháu vui là phải vì vừa đi làm công tác từ thiện lại có dịp đi xa để mở rộng tầm hiểu biết. Đây là lần thứ hai cháu rời Sài gòn đi miền Trung. Lần thứ nhất cháu đi với bà nội, bị lạc ở thành phố Nha Trang. Lần này cháu ra đi và khi người ta đưa cháu về nhà thì chỉ còn là cái xác không hồn trong một hình hài không còn nguyên vẹn, đựng trong chiếc túi ni-lông. Cháu đã đi sang một thế giới khác, bỏ lại người cha đau khổ, bỏ lại bà nội 85 tuổi luôn thương yêu cháu và bỏ lại niềm thương cảm của mọi người trong giáo xứ, giáo khu.
Mỗi lần chứng kiến cái chết hay mỗi lần đi dự lễ an táng là mỗi lần tôi nghĩ đến thân phận mỏng manh của kiếp nhân sinh. Lần này cũng vậy, cái chết của cháu làm tôi suy nghĩ miên man về cuộc sống của cháu. Vừa mới sinh ra đã mồ côi mẹ, lớn lên không được học hành đến nơi đến chốn, chết đi lúc mới 23 tuổi đời, khi chưa làm được gì cho mình và cho gia đình. Nếu chết là hết và nếu không có sự sống đời sau thì cuộc đời của cháu thật là vô nghĩa. ltl
1225 10-11-2017