Sidebar

Chúa Nhật

28.04.2024

Cuộc đụng độ giữa Hezbollah và Israel khiến hàng ngàn Kitô hữu ở Nam Lebanon phải di dời

xd1
 TOPSHOT-LEBANON-ISRAEL-PALESTINIAN-CONFLICT  (AFP or licensors)


Có tới 90% dân số thuộc các ngôi làng Kitô giáo ở miền nam Lebanon đã rời bỏ nhà cửa kể từ tháng 10 để tìm kiếm sự an toàn trước các vụ bắn tên lửa hàng ngày ở biên giới Israel-Lebanon.

Các Kitô hữu sống ở các làng biên giới Nam Lebanon năm nay đã tổ chức một lễ Giáng sinh âm thầm dưới bóng đen của cuộc chiến đang diễn ra ở Gaza và lan rộng đến cả Lebanon.

Kể từ khi chiến tranh Israel-Hamas bùng nổ vào ngày 7/10, nhóm chiến binh Hezbollah thuộc Hồi giáo Shia ở Lebanon và lực lượng Israel đã tham gia vào các cuộc đụng độ gần như hàng ngày ở biên giới, khiến 159 người ở phía Lebanon thiệt mạng, hầu hết là các chiến binh của Hezbollah và các nhóm đồng minh của họ, nhưng cũng có ít nhất 17 thường dân.

Những lo ngại về việc leo thang thành một cuộc chiến tranh toàn diện càng gia tăng trong những ngày gần đây sau khi lực lượng Israel giết chết 6 chiến binh Hezbollah, trong đó có Hussein Ibrahim Salameh, còn được gọi là “Nasser”.

Trong khi các cuộc tấn công của Israel nhằm vào các mục tiêu của Hezbollah, chủ yếu nằm ở khu vực của người Hồi giáo Shia, thì một số ngôi làng Kitô giáo cũng bị thiệt hại nặng nề, buộc nhiều gia đình phải chạy trốn về phía Bắc.

Theo dữ liệu từ Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội Đau khổ (ACN) ở Alma Al-Shaab, ngôi làng bị ảnh hưởng nặng nề nhất có 15 ngôi nhà đã bị tên lửa phá hủy.

Các ngôi làng Kitô giáo nằm giữa làn đạn

Trong khi các gia đình Kitô giáo ở Beirut cung cấp chỗ ở cho các gia đình phải di dời, một số người chạy trốn đã trở về ngôi nhà bị tàn phá của họ vì thiếu nơi trú ẩn lâu dài ở các vùng khác của đất nước.

Ông Xavier Stephen Bisits, Giám đốc Dự án của Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội Đau khổ tại Lebanon, báo cáo rằng một số cánh đồng nông nghiệp cũng bị hư hại, ảnh hưởng đến sinh kế của nhiều gia đình vốn đã nghèo do cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính đang diễn ra ở Lebanon.

Ông Bisits cho biết tất cả các linh mục và tu sĩ vẫn ở lại làng để phục vụ những người quá già hoặc yếu không thể di dời. Ông nói thêm rằng Giám mục Maronite của Tyre gần đây đã cử hành Thánh lễ tại làng Rmeich, nơi bị đe dọa đánh bom và Giám mục Melkite của Tyre cũng đã thực hiện một chuyến viếng thăm các tín hữu ở các ngôi làng dọc biên giới. Ông nói: “Đó là một minh chứng cho niềm tin vững chắc và sự kiên cường của người dân trong khu vực này”.

Lo ngại leo thang ở Lebanon

Ông Bisits xác nhận rằng người ta ngày càng lo ngại về việc giao tranh sẽ leo thang. Cuộc xung đột hiện tại gợi lại những ký ức về Chiến tranh Israel-Hezbollah năm 2006.

Các nhà lãnh đạo tôn giáo địa phương nói với Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội Đau khổ rằng một cuộc chiến tranh khác sẽ là mối đe dọa lớn đối với sự hiện diện lịch sử của Kitô giáo trong khu vực. Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội Đau khổ đã giúp giảm bớt đau khổ, cung cấp các gói thực phẩm, hỗ trợ y tế và tiếp cận giáo dục trực tuyến cho học sinh tại các trường Công giáo ở miền nam Lebanon.

Thượng phụ Bechara Al-Rahi cầu xin Lebanon giữ thái độ trung lập

Trong bối cảnh sự thù địch ngày càng gia tăng giữa Hezbollah và các lực lượng Israel, vào Ngày Giáng sinh, Đức Hồng Y Thượng phụ Maronite Bechara Al-Rahi đã nhắc lại lời cầu xin của mình, mong Lebanon giữ thái độ trung lập. “Chúng tôi phản đối việc lan rộng chiến tranh đến các ngôi làng phía Nam”, Đức Thượng phụ nói trong bài giảng lễ Giáng sinh. “Lebanon không phải là vùng đất chiến tranh mà là vùng đất đối thoại và hòa bình.”

Trong khi chỉ trích về những cái chết ở Gaza, Đức Hồng Y Al-Rahi nhắc lại rằng việc mở rộng chiến tranh sang Lebanon mâu thuẫn với cả Nghị quyết 1701 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, được thông qua để chấm dứt Chiến tranh Israel-Hezbollah năm 2006 và ‘Tuyên bố Baabda’ năm 2012, nhấn mạnh Tính trung lập của Lebanon đối với các sự kiện ở khu vực Trung Đông.

Đức Thượng phụ nói: “Tính trung lập của Lebanon đã là cốt lõi của căn tính Lebanon kể từ năm 1860, và nó trung lập về mặt chính trị ở chỗ nó không gây chiến và cũng không bị chiến”.

 

Theo Vatican News (28/12/2023)

102    29-12-2023